Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao tình yêu phai nhạt?

Tại sao tình yêu phai nhạt?

Tại sao tình yêu phai nhạt?

“Dường như yêu thì dễ nhưng khó giữ tình yêu đến trọn đời”.—TIẾN SĨ KAREN KAYSER.

CÓ LẼ chúng ta không ngạc nhiên khi thấy càng ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân lạnh nhạt. Hôn nhân là mối quan hệ phức tạp giữa hai người, và nhiều người không chuẩn bị kỹ trước khi bước vào hôn nhân. Bác sĩ Dean S. Edell nhận xét: “Chúng ta phải chứng tỏ mình thành thạo đôi chút khi lấy bằng lái xe, nhưng chỉ cần một chữ ký là có được hôn thú”.

Vì thế, trong lúc nhiều cuộc hôn nhân ngày một đằm thắm hơn và thật sự hạnh phúc, thì một số khác lại gặp nhiều căng thẳng. Có lẽ một hoặc cả hai người bước vào hôn nhân với nhiều mong ước nhưng lại thiếu khả năng cần thiết để xây dựng mối quan hệ lâu dài. Tiến sĩ Harry Reis giải thích: “Khi mới thân, người ta cảm thấy mình rất có giá trị dưới mắt của nhau”. Chẳng khác nào người yêu của họ là “người duy nhất trên đời có chung quan điểm. Cảm nghĩ đó đôi khi phai nhạt, và điều này có thể rất bất lợi cho hôn nhân”.

Đáng mừng là nhiều cuộc hôn nhân không rơi vào tình trạng đó. Nhưng chúng ta hãy xem qua vài yếu tố đã khiến cho tình yêu, trong một số trường hợp, nhạt phai dần.

Vỡ mộng​—⁠“Đây không phải là điều tôi mong mỏi”

Rose nói: “Khi lấy Jim, tôi nghĩ chúng tôi sẽ như nàng Công Chúa đang ngủ và Hoàng Tử trong mộng​—⁠yêu nhau thắm thiết và luôn dịu dàng ân cần với nhau”. Nhưng sau một thời gian, “hoàng tử” của Rose dường như không xứng đáng được gọi là người “trong mộng”. Cô nói: “Tôi đâm ra thất vọng ê chề về anh ấy”.

Tình yêu thường được miêu tả một cách thiếu thực tế qua phim ảnh, sách báo và bài hát phổ biến. Trong thời gian tìm hiểu, đôi nam nữ có thể cảm thấy mơ ước của mình đang trở thành hiện thực; nhưng chỉ vài năm sau khi kết hôn, họ lại kết luận rằng mình quả đã quá mơ mộng! Nếu không sánh bằng những cuộc tình lãng mạn trong tiểu thuyết, một cuộc hôn nhân dù có triển vọng vẫn bị xem như thất bại hoàn toàn.

Tất nhiên, một số điều mong đợi nơi hôn nhân là hoàn toàn chính đáng. Thí dụ, mong ước được người hôn phối yêu thương, chú tâm và nâng đỡ là hợp lý. Thế nhưng, ngay cả những mong muốn này cũng có thể không thực hiện được. Ở Ấn Độ, một phụ nữ trẻ tên là Meena mới lấy chồng, nói: “Tôi cảm thấy như không có chồng... cô đơn và bị ruồng rẫy”.

Tính xung khắc​—“Chúng tôi thật khác biệt”

“Trong bất cứ điều gì, vợ chồng tôi đều như hai thái cực”, một phụ nữ đã phát biểu. “Không ngày nào mà tôi không cay đắng ân hận là đã lấy anh ấy. Chúng tôi không hợp nhau chút nào”.

Thường chỉ ít lâu sau khi cưới, vợ chồng mới khám phá là họ không giống nhau như đã lầm tưởng trong thời gian tìm hiểu. Tiến sĩ Nina S. Fields viết: “Hôn nhân thường phô bày những đặc điểm mà người ta đã không nhận ra trong cuộc sống độc thân”.

Hậu quả là sau khi cưới, một số cặp vợ chồng có thể kết luận họ hoàn toàn không hợp nhau. Bác sĩ Aaron T. Beck nói: “Dù có vài sở thích và cá tính giống nhau, đa số khi kết hôn thường có nhiều khác biệt lớn lao về phong cách, thói quen và quan điểm”. Nhiều cặp vợ chồng không biết cách dung hòa những bất đồng đó.

Xung đột​—“Chúng tôi luôn cãi nhau”

Hồi tưởng lại thời gian đầu khi mới cưới, Cindy cho biết: “Chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy mình đã thường xuyên cãi nhau​—⁠thậm chí la hét, hoặc tệ hơn nữa, nuôi cơn giận trong nhiều ngày”.

Trong hôn nhân, không thể tránh được bất đồng ý kiến. Nhưng làm sao giải quyết vấn đề này? Tiến sĩ Daniel Goleman viết: “Trong một cuộc hôn nhân đằm thắm, vợ chồng cảm thấy dễ dàng than phiền về một điều gì đó. Nhưng trong cơn giận, lời than phiền thường có tính tiêu cực, nhắm vào cá tính người hôn phối”.

Khi điều này xảy ra, cuộc nói chuyện là chiến trường, nơi người ta cương quyết bênh vực quan điểm của mình cho đến cùng, và lời nói là vũ khí thay vì phương tiện giao tiếp. Một nhóm chuyên gia nói: “Một trong những điều gây tổn hại nhất khi vợ chồng cãi nhau đến độ không tự chủ được là họ thường thốt ra những lời đe dọa đến chính huyết mạch của hôn nhân”.

Lãnh đạm​—⁠“Đành bỏ cuộc”

“Tôi đã chán tìm cách cải thiện hôn nhân mình”, một phụ nữ đã thú nhận như vậy sau năm năm lập gia đình. “Tôi biết bây giờ chẳng còn gì để hy vọng nữa. Vì thế tôi chỉ quan tâm đến con cái thôi”.

Người ta từng nói rằng trái ngược với yêu thương không phải là ghét mà là thờ ơ lãnh đạm. Quả thật, sự lãnh đạm có thể hủy hoại hôn nhân y như sự thù ghét.

Thế nhưng điều đáng buồn là một số cặp vợ chồng đã quá quen với cuộc sống hôn nhân lạnh nhạt nên đã thôi không còn hy vọng thay đổi nữa. Chẳng hạn, một người chồng cho rằng 23 năm lập gia đình giống như “làm một công việc bạn không thích”. Ông nói thêm: “Trong hoàn cảnh đó tôi chỉ còn biết làm hết khả năng mà thôi”. Tương tự, một người vợ tên là Wendy không còn hy vọng gì về người chồng mà bà đã lấy trong bảy năm qua. Bà nói: “Tôi cố gắng quá nhiều lần, và anh ta luôn luôn làm tôi thất vọng. Cuối cùng tôi rơi vào tình trạng buồn nản. Tôi chẳng muốn chui vào tròng lần nữa. Nuôi hy vọng chỉ làm tôi đau khổ thôi. Thà là đừng trông mong gì cả​—⁠chẳng có gì là vui thú, nhưng ít ra tránh được buồn nản”.

Vỡ mộng, xung khắc, xung đột và lãnh đạm chỉ là một số yếu tố có thể dẫn đến một cuộc hôn nhân lạnh nhạt. Rõ ràng còn có nhiều yếu tố khác nữa​—⁠một số được ghi trong khung nơi trang 5. Bất kể lý do nào, những cặp vợ chồng dường như bị giam hãm trong cuộc hôn nhân lạnh nhạt còn có hy vọng gì không?

[Khung/​Hình nơi trang 5]

HÔN NHÂN LẠNH NHẠT​—MỘT SỐ YẾU TỐ KHÁC

Tiền bạc: “Có lẽ chúng ta nghĩ rằng kế hoạch chi tiêu cho gia đình sẽ giúp vợ chồng gắn bó vì phải cùng góp công góp của hầu có được những thứ thiết yếu cho đời sống, và hưởng thành quả của công lao mình. Nhưng cũng trong vấn đề này, yếu tố có thể kết hợp vợ chồng trong cuộc sống chung này lại cũng thường là nguyên nhân chia rẽ họ”.—Bác sĩ Aaron T. Beck.

Vai trò cha mẹ: “Chúng tôi nhận thấy sau khi sinh đứa con đầu lòng, 67 phần trăm các cặp vợ chồng đã giảm đi sự thỏa lòng trong hôn nhân, và xung đột hơn trước gấp tám lần. Một phần là vì cha mẹ mệt mỏi và không có nhiều thì giờ cho chính mình”.​—⁠Tiến sĩ John Gottman.

Lừa dối: “Không chung thủy thường bao hàm sự lừa dối, mà trên thực tế là hành động bội tín. Khi lòng tin được coi là thành phần cốt yếu giúp hôn nhân vững bền, phải chăng việc lừa dối có thể phá hoại quan hệ hôn nhân là điều đáng ngạc nhiên?”—⁠Tiến sĩ Nina S. Fields.

Tính dục: “Điểm thông thường đáng kinh ngạc là đến khi nộp đơn ly dị, vợ chồng đã không chung chăn gối nhiều năm rồi. Trong một số trường hợp, họ chưa từng có quan hệ tình dục, và trong những trường hợp khác, tình dục là việc máy móc, chỉ để giải tỏa nhu cầu thể chất của một người”.​—⁠Judith S. Wallerstein, nhà tâm lý học lâm sàng.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

TRẺ EM BỊ ẢNH HƯỞNG RA SAO?

Phẩm chất hôn nhân của bạn có thể ảnh hưởng đến con cái không? Theo tiến sĩ John Gottman, người đã nghiên cứu về các cặp vợ chồng trong khoảng 20 năm, câu trả lời là có. Ông nói: “Qua hai cuộc nghiên cứu mỗi cuộc dài 10 năm, chúng tôi thấy rằng những đứa bé mới sinh của những cặp không hạnh phúc có nhịp tim nhanh hơn khi vui đùa và thường khóc dai hơn. Với thời gian, xung đột trong hôn nhân khiến trẻ em dù có chỉ số thông minh nào cũng học kém hơn”. Ngược lại, tiến sĩ Gottman nói, con cái của những cặp vợ chồng hòa hợp thì “trội hơn cả về học vấn lẫn giao tiếp, vì được cha mẹ dạy đối xử với người khác một cách tôn trọng, và biết cách giải quyết những sự bực bội”.