Bướm, cây và kiến—Mối tương quan thiết yếu
Bướm, cây và kiến—Mối tương quan thiết yếu
BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở HÀ LAN
VÀO tháng 7, các con bướm xanh mỏng manh ở Tây Âu biết là đã đến lúc sinh sản thế hệ kế tiếp. Tuy nhiên để thực hiện việc đó, bướm không chỉ cần có bạn tình mà cũng cần đến các hoa long đởm xanh đang nở và các con kiến đỏ háu ăn. Tại sao? Cây và kiến có phận sự gì trong chu kỳ sống của loài bướm này?
Chúng ta có thể quan sát mối tương quan ba chiều đầy thú vị này tại Công Viên Quốc Gia Dwingelderveld miền bắc Hà Lan. Công viên này là nơi sinh sống của rất nhiều loài bướm xanh. Vào mùa xuân và hạ, những bãi đất hoang của Công Viên Dwingelderveld biến thành một tấm thảm muôn màu với nhiều cây trổ hoa, trong đó có hoa long đởm xanh, hoa thạch thảo hồng, lan nhựt quang vàng. Các bướm xanh đặc biệt bị thu hút bởi những bông
hoa thạch thảo xinh đẹp và những bông hoa long đởm kết tua—nhưng vì hai lý do khác nhau. Thạch thảo đang ra hoa là nơi bướm thích đậu để hút mật hoa và hoa long đởm được xem là nơi có khả năng tích trữ. Nhưng các con bướm sẽ cất gì ở đó?Một kế hoạch sinh tồn
Sau khi đã giao phối, bướm cái tìm một cây long đởm cao hơn cây cối xung quanh. Bướm đậu lại trên bông hoa và đẻ vài trứng màu trắng. Từ bốn tới mười ngày sau đó, các trứng nở, và khoảng từ hai đến sáu con sâu tí ti bắt đầu đời sống bằng cách đào xới vựa đồ ăn của nó. Sau hai tới ba tuần ăn liên tục, sâu bò xuống đất.
Đáng chú ý là sâu thường đợi đến chiều mới xuống. Điều này có ý nghĩa, vì vào buổi chiều, hai loại kiến đỏ, cũng sống trong công viên quốc gia, rời ổ nó để đi tìm đồ ăn. Sâu bò xuống đúng ngay đường đi của các kiến đang tìm tòi. Trông như là sâu đang tìm đường tự tử, nhưng thật ra đó là một phần của kế hoạch sinh tồn. Vậy điều gì xảy ra kế tiếp?
Không lâu, vài con kiến đỏ đụng đầu con sâu cản đường. Chúng nó mau mắn kéo con sâu vào ổ của mình. Một khi vô đó, con sâu được đối xử như khách quý, sống an toàn và thoải mái qua mùa thu, mùa đông và mùa xuân trong một môi trường dư dật thực phẩm. Đồng ý là sâu không có nhiều món để chọn—vài ấu trùng và món chính là đồ ăn do các thợ kiến nhả ra. Nhưng các con kiến cũng có phần lợi của nó. Chúng thường thích hút chất ngọt do sâu tiết ra. Ngay cả khi sâu biến thành nhộng, nó vẫn tiếp tục cung cấp chất ngọt cho kiến, và cả vài chất bài tiết khác mà kiến rất thích ăn. Nhưng tới đây sự sống chung sắp kết thúc.
Từ khách thành kẻ xâm nhập
Trong giai đoạn nhộng, sâu bắt đầu đổi thành bướm. Khi sự thay đổi hoàn tất, nhộng nứt đôi và bướm xuất thân. Đáng chú ý là điều này thường xảy ra vào lúc sáng sớm. Tại sao? Vì vào buổi sáng các con kiến không hoạt động nhiều, và khác với lúc sâu bò từ trên cây xuống đất, lần này tốt nhất là tránh làm chủ nhà chú ý.
Cuối cùng, khi tìm đến nhộng để hút chất ngọt, sửng sốt trước một con vật có cánh xa lạ trong ổ của mình, lũ kiến liền tức khắc tấn công kẻ xâm nhập này. Tức thì con sâu đã hóa bướm liền phóng mình ra khỏi ổ kiến để bảo vệ cánh và mạng sống mình. Khi ra khỏi ổ kiến, bướm bò lên một cành cây nhỏ và các con kiến đành bỏ cuộc.
Đến một tầm cao an toàn, bướm xòe cánh ra để phơi khô. Và gần một năm sau khi bắt đầu sự sống, ngày quan trọng đã đến: bướm đập cánh lần đầu. Rồi nó bay đi—nhởn nhơ trên bãi cỏ hoang. Trong vòng vài ngày, nó sẽ giao phối, và không lâu nó sẽ bắt đầu tìm một cây long đởm xanh cao. Nghĩ cho cùng đã đến lúc bắt đầu chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp.
[Khung nơi trang 18]
Bướm có nguy cơ tuyệt chủng
Nơi sinh sống của bướm xanh là đồng cỏ hoang, được thành hình nhiều thế kỷ trước ở các vùng Tây Âu nơi người ta từng đốn các khu rừng nguyên sinh. Trong quá khứ, các đồng cỏ hoa tím trải dài mút mắt bao trùm phần lớn các xứ Bỉ, Đức, và Hà Lan, nhưng ngày nay chỉ còn lại rải rác những mảnh nhỏ. Kết quả là bướm xanh bị mất môi trường sống cách nhanh chóng. Trong mười năm qua, tại Hà Lan bướm xanh đã biến khỏi 57 trong số 136 nơi sinh sống tự nhiên của nó. Thật ra sự sinh tồn của loài bướm này bị đe dọa đến độ tên của nó đã được thêm vào danh sách Các Loài Bướm Có Nguy Cơ Tuyệt Chủng ở Âu Châu, một tài liệu do Hội Đồng Âu Châu sưu tập, liệt kê tên của các loài bướm có nguy cơ tuyệt chủng.
Để bảo đảm cho Công Viên Quốc Gia Dwingelderveld tiếp tục là một nơi trú an toàn cho bướm xanh, những người chăm sóc công viên ngày nay cố gắng duy trì các bãi đất hoang bằng cách áp dụng cùng phương pháp nông nghiệp mà các nông dân của nhiều thế kỷ trước đã dùng. Giống như thời xưa, những người chăn với bầy cừu đi khắp các đồng cỏ hoang, và bò gặm cỏ nơi những cánh đồng cỏ cứng hơn. Bầy cừu và bò lúc gặm cỏ đã dọn sạch những bãi đất để các cây bạch thảo, thạch thảo và các cây khác có thể nẩy mầm. (Hiện nay có khoảng 580 giống cây mọc trong công viên). Để đáp lại, bướm xanh trong Công Viên Dwingelderveld cũng góp phần mình—số lượng nó đang tăng gia. Đúng vậy, công viên với bãi đất hoang lớn nhất và quan trọng nhất Âu Châu là nơi rất hiếu khách đối với bướm nói chung, nên người ta có thể thấy ở đó 60 phần trăm các loại bướm sống ở Hà Lan.
[Các hình nơi trang 16]
Một con bướm thăm một hoa long đởm xanh và đẻ trứng
[Hình nơi trang 17]
Các kiến đỏ chăm sóc nhộng
[Nguồn tư liệu]
Kiến nơi trang 16 và 17: Pictures by David Nash; www.zi.ku.dk/personal/drnash/atta/
[Hình nơi trang 17]
Thạch thảo hồng
[Hình nơi trang 17]
Lan nhựt quang vàng
[Các hình nơi trang 18]
Cừu và bò giúp phục hồi môi trường sống của bướm