Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giấc mơ có phải là thông điệp của Đức Chúa Trời không?

Giấc mơ có phải là thông điệp của Đức Chúa Trời không?

Quan điểm Kinh Thánh

Giấc mơ có phải là thông điệp của Đức Chúa Trời không?

THEO lời kể lại, sáng kiến chế tạo ra máy may của nhà sáng chế Elias Howe dựa trên một giấc mơ. Nhà soạn nhạc Mozart nói rằng nhiều chủ đề âm nhạc của ông đến từ những giấc mơ. Nhà hóa học Friedrich August Kekule von Stradonitz cũng cho rằng ông phát hiện ra hình dạng phân tử benzen trong một giấc mơ. Những chuyện như thế không có gì lạ cả. Suốt lịch sử, nhiều nền văn hóa cho rằng những giấc mơ đến từ siêu nhiên. Một số tin rằng thế giới trong mơ và thực tại cũng có thật như nhau.

Kinh Thánh có nhiều sự tường thuật trong đó những giấc mơ được mô tả là nguồn thông tin quan trọng​—⁠một hình thức truyền đạt của Đức Chúa Trời. (Các Quan Xét 7:13, 14; 1 Các Vua 3:5) Thí dụ, Đức Chúa Trời liên lạc với Áp-ra-ham, Gia-cốp và Giô-sép qua giấc mơ. (Sáng-thế Ký 28:10-19; 31:10-13; 37:5-11) Vua Ba-by-lôn, Nê-bu-cát-nết-sa, được Đức Chúa Trời cho nằm mơ về những điều có tính cách tiên tri. (Đa-ni-ên 2:1, 28-45) Vậy ngay cả thời nay chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng một số chiêm bao là thông điệp của Đức Chúa Trời không?

Những giấc mơ đến từ Đức Chúa Trời

Trong Kinh Thánh, những giấc mơ được Đức Chúa Trời soi dẫn luôn luôn có một lý do rõ rệt. Công nhận là đôi khi người nằm mơ không thể hiểu ngay ý nghĩa của giấc mơ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chính Đấng “tỏ ra những điều kín-nhiệm” đã giải mộng để không ai nghi ngờ được ý nghĩa của giấc mơ. (Đa-ni-ên 2:28, 29; A-mốt 3:7) Những giấc mơ đến từ Đức Chúa Trời không có sự mơ hồ vô lý như các giấc mơ khác thường có.

Đôi khi, Đức Chúa Trời dùng những giấc mơ để che chở những nhân vật đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện ý định của Ngài. Những người nhận được những giấc mơ đó không nhất thiết phải là tôi tớ Đức Chúa Trời. Thí dụ, những chiêm tinh gia đến thăm con trẻ Giê-su đã không quay lại gặp Hê-rốt sát nhân như ông ta đã bảo họ. Tại sao? Vì họ đã được mách bảo trong một giấc mơ. (Ma-thi-ơ 2:7-12) Cũng theo lời chỉ bảo trong giấc mơ mà Giô-sép, cha nuôi của Chúa Giê-su, có đủ thì giờ đưa gia đình trốn qua Ai Cập, vì vậy tính mạng Chúa Giê-su đã được bảo toàn.​—⁠Ma-thi-ơ 2:13-15.

Nhiều thế kỷ trước, một Pha-ra-ôn Ai Cập nằm mơ thấy bảy gié lúa chắc, tốt tươi và bảy con bò mập tương phản với bảy gié lúa lép và bảy con bò gầy guộc. Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, Giô-sép giải đúng ý nghĩa giấc mơ: Ai Cập sẽ được hưởng bảy năm dư dật và sau đó là bảy năm đói kém. Biết trước điều này, Ai Cập đã chuẩn bị dự trữ thực phẩm. Đấy chính là cách bảo toàn con cháu Áp-ra-ham và đem họ đến Ai Cập.​—⁠Sáng-thế Ký, chương 41; 45:5-8.

Vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn cũng có một giấc mơ. Giấc mơ này báo trước sự thịnh suy của những cường quốc thế giới trong tương lai có ảnh hưởng trực tiếp đến dân Đức Chúa Trời. (Đa-ni-ên 2:31-43) Sau đó, ông có một giấc mơ khác báo trước sự kiện ông bị điên và rồi được phục hồi. Giấc mơ có tính cách tiên tri này có tầm ứng nghiệm rộng lớn hơn, xác định việc thành lập Nước Trời của Đấng Mê-si, qua Nước này Đức Chúa Trời sẽ thực hiện ý muốn Ngài.​—⁠Đa-ni-ên 4:10-37.

Còn ngày nay thì sao?

Đúng vậy, Đức Chúa Trời đã truyền đạt cho một số người qua chiêm bao. Nhưng Kinh Thánh cho biết điều này khá hiếm. Giấc mơ không bao giờ là hình thức truyền đạt chủ yếu của Đức Chúa Trời. Có nhiều tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời không hề nhận thông điệp từ Đức Chúa Trời qua giấc mơ. Việc Đức Chúa Trời dùng giấc mơ để liên lạc với con người có thể so sánh với việc Ngài rẽ nước Biển Đỏ. Chúng ta biết rằng Ngài làm điều đó một lần, nhưng chắc chắn không phải là cách Ngài thường dùng để đối xử với dân Ngài.​—⁠Xuất Ê-díp-tô Ký 14:21.

Sứ đồ Phao-lô thừa nhận rằng vào thời ông, thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động trên các tôi tớ Ngài qua nhiều cách phi thường. Phao-lô nói: “Người nầy nhờ Đức Thánh-Linh, được lời nói khôn-ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh-Linh ấy, cũng được lời nói có tri-thức. Bởi một Đức Thánh-Linh, cho người nầy được đức-tin; cũng bởi một Đức Thánh-Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật-bịnh; người thì được làm phép-lạ; kẻ thì được nói tiên-tri; người thì được phân-biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông-giải các thứ tiếng ấy”. (1 Cô-rinh-tô 12:8-10) Mặc dù những giấc mơ do Đức Chúa Trời soi dẫn không được đề cập rõ ràng, một số tín đồ Đấng Christ dường như nhận được những giấc mơ do Đức Chúa Trời soi dẫn như một trong những sự ban cho của thánh linh, trong sự ứng nghiệm lời nơi Giô-ên 2:28.​—⁠Công-vụ 16:9, 10.

Tuy nhiên, sứ đồ nói về những sự ban cho đặc biệt này: “Các lời tiên-tri sẽ hết, sự ban-cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông-biết hầu bị bỏ”. (1 Cô-rinh-tô 13:8) Hiển nhiên, trong số những sự ban cho “hầu bị bỏ” có nhiều hình thức truyền đạt khác nhau của Đức Chúa Trời. Sau khi các sứ đồ mất, Đức Chúa Trời chấm dứt những sự ban cho đặc biệt này cho các tôi tớ Ngài.

Ngày nay, các chuyên gia còn đang cố gắng tìm hiểu tiến trình của việc nằm mơ và xem nó có chức năng thực tiễn không. Kinh Thánh không cho biết gì về những chức năng đó. Tuy nhiên, đối với những người nhất mực tìm kiếm sự giao tiếp với Đức Chúa Trời qua những giấc mơ của họ, Kinh Thánh đã có lời cảnh cáo. Câu Xa-cha-ri 10:2 nói: “Các thầy bói​... rao chiêm-bao phỉnh-dối”. Đức Chúa Trời cũng cảnh cáo việc tìm kiếm các điềm. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12) Vì sự cảnh cáo này, tín đồ Đấng Christ ngày nay không mong đợi nhận được sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời qua giấc mơ. Đúng hơn, họ xem những giấc mơ chỉ là điều xảy ra khi ngủ.