Quan sát thế giới
Quan sát thế giới
Lối sống và ung thư
“Một cuộc nghiên cứu gần 90.000 người sinh đôi cho thấy đại đa số trường hợp bị ung thư là do những nguyên nhân: bạn ở đâu, bạn làm gì và chuyện gì xảy ra cho bạn trong đời sống, hơn là do thể chất của bạn”, tờ The Guardian ở Luân Đôn tường trình. Bác Sĩ Paul Lichtenstein thuộc Viện Karolinska của Thụy Điển, người hướng dẫn cuộc nghiên cứu này, nói: “Yếu tố ngoại cảnh quan trọng hơn yếu tố di truyền”. Các nhà khoa học tin rằng hút thuốc gây ra khoảng 35 phần trăm ca ung thư, còn 30 phần trăm khác thì hình như liên quan đến chế độ ăn uống. Yếu tố di truyền đóng một vai trò trong ung thư tuyến tiền liệt, ruột và vú, nhưng Bác Sĩ Tim Key thuộc Quỹ Nghiên Cứu Ung Thư Imperial ở Oxford, Anh, khuyên: “Dù gia đình bạn... có bệnh sử [ung thư], những gì bạn làm trong đời sống vẫn quan trọng hơn nhiều. Bạn không nên hút thuốc, bạn nên ăn uống cẩn thận. Những điều đó làm giảm nguy cơ bị ung thư”.
Dùng trí óc
“Hễ tiếp tục được vận dụng, sinh lực của trí óc có thể sẽ không suy suyển trong suốt cuộc đời chúng ta”, theo tờ Vancouver Sun. Bác Sĩ Amir Soas thuộc Đại Học Y Khoa Case Western Reserve ở bang Ohio, Hoa Kỳ, nói: “Hãy đọc, đọc, đọc”. Muốn duy trì trí lực khi bạn lớn tuổi hơn, hãy chọn những thú tiêu khiển thách thức trí não, học một ngôn ngữ mới, tập chơi một nhạc cụ, hoặc tham gia những cuộc đàm luận lý thú. “Làm bất cứ cái gì kích thích trí óc suy nghĩ”, theo lời Bác Sĩ Soas. Ông cũng khuyên nên bớt xem TV. Ông nói: “Khi xem truyền hình, trí óc bạn thụ động”. Tờ Sun nói thêm rằng trí óc khỏe mạnh cũng cần oxy bơm qua các động mạnh tốt. Vì thế, tập thể dục và ăn uống điều độ, hai yếu tố giúp ngăn ngừa bệnh tim và tiểu đường, cũng giúp ích trí óc.
Thuốc lá dễ bắt đầu nghiện
Các nhà nghiên cứu tại Đại Học Massachusetts đã xác nhận rằng một số người cho thấy dấu hiệu nghiện “trong vòng vài ngày sau khi hút điếu thuốc lá đầu tiên”, theo một bản tường trình của Associated Press. Cuộc nghiên cứu theo dõi thói quen hút thuốc của 681 người trẻ từ 12 đến 13 tuổi trong một năm và ghi lại những dấu hiệu cho thấy chứng nghiện. Bác Sĩ Richard Hurt nói: “Lâu nay có sự nghi ngờ là nhiều người trở nên nghiện rất dễ, nhưng đây mới thật sự là bằng chứng rõ ràng đầu tiên mà chúng ta có được”. Bác Sĩ Joseph DiFranza, người điều khiển nhóm nghiên cứu, nói: “Điều thật sự quan trọng rút ra từ cuộc nghiên cứu này là chúng ta phải cảnh giác trẻ con rằng chúng không thể đùa hoặc thử nghiệm thuốc lá trong vài tuần rồi bỏ”.
Truyền bệnh
“Bệnh nhiễm trùng có thể truyền từ người này sang người kia qua những việc đơn giản như mở vòi nước hoặc nhấc điện thoại”, theo tờ The Guardian ở Luân Đôn. Các nhà khoa học tại Đại Học Arizona, thành phố Tucson, Hoa Kỳ, tường trình rằng một người bị cảm nặng hỉ mũi rồi mở vòi nước có thể để lại “hơn 1.000 vi-rút trên vòi”. Nhiều vi-rút này có thể làm nhiễm trùng người kế tiếp đụng vào vòi, nhất là khi người này sau đó sờ miệng, mũi hoặc mắt. Các thử nghiệm liên quan vi khuẩn và vi-rút vi khuẩn cho thấy rằng “ống nghe điện thoại truyền đi 39% vi khuẩn và 66% vi-rút, còn vòi nước truyền 28% và 34%”. Sờ môi dưới bằng ngón tay nhiễm trùng truyền hơn một phần ba tác nhân gây bệnh này. Qua cách này, tay dơ có thể dễ dàng truyền đi các bệnh do rotavirus gây ra và bệnh tiêu chảy do khuẩn salmonnella gây ra.
Ngủ là cần thiết
Tờ The Natal Witness của Nam Phi nói: “Ít nhất một phần tư dân Nam Phi hoạt động với nửa tiềm lực của mình do thiếu ngủ hoặc bị rối loạn giấc ngủ”. Theo nhà tâm lý học James Maas, một nhà nghiên cứu về ngủ, ngủ giúp não bộ làm đầy lại chất truyền thần kinh, vì thế ngủ đủ là thiết yếu để có trí nhớ tốt, khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề và khả năng học hỏi. Những hậu quả của việc thiếu ngủ bao gồm trầm cảm, dễ cáu, lo âu, ít đùa và xã giao kém, khả năng tập trung tâm trí và trí nhớ suy giảm, khả năng giao tiếp và quyết định giảm sút, hay liều lĩnh hơn, và năng suất lao động và phẩm chất đời sống giảm đi. Những người ngủ ít hơn năm tiếng cũng bị giảm sức đề kháng chống vi-rút. Maas nói: “Muốn đạt năng suất tối đa, chúng ta phải đầu tư một phần ba đời sống vào việc ngủ, tính ra trung bình tám tiếng mỗi đêm”.