Y học hiện đại—Hiệu quả đến mức nào?
Y học hiện đại—Hiệu quả đến mức nào?
NHIỀU đứa trẻ học được nhiều thứ từ tuổi rất nhỏ. Chẳng hạn, muốn hái trái táo cao quá tầm tay, chúng biết trèo lên vai một đứa bạn. Điều tương tự cũng đã xảy ra trong lãnh vực y học. Các nhà nghiên cứu y học đã ngày càng đạt nhiều thành quả hơn bằng cách học hỏi và xây dựng trên thành quả của những chuyên gia y khoa nổi tiếng của các thời trước.
Trong số những thầy chữa bệnh thời cổ ấy có những người nổi tiếng như Hippocrates và Pasteur, và những người ít được biết đến như Vesalius và William Morton. Họ đã đóng góp gì cho y học hiện đại?
Vào thời cổ, ngành chữa bệnh không phải là công việc khoa học, mà thường là một thực hành mê tín và theo nghi thức tôn giáo. Sách The Epic of Medicine, do Bác Sĩ Felix Marti-Ibañez biên tập, viết: “Để chống lại bệnh tật..., người Mê-sô-bô-ta-mi sử dụng cách chữa trị pha trộn giữa y học và tôn giáo, vì họ tin bệnh tật là hình phạt của các thần”. Y học Ai Cập phát khởi không lâu sau đó cũng bắt nguồn từ tôn giáo. Bởi thế, ngay từ ban đầu, thầy chữa bệnh được kính phục như bậc thần thánh.
Trong cuốn The Clay Pedestal, Bác Sĩ Thomas A. Preston nhận xét: “Nhiều niềm tin của những người thời cổ đã để lại dấu ấn trên nghề y còn tồn tại đến ngày nay. Chẳng hạn như niềm tin cho rằng bệnh tật nằm ngoài tầm kiểm soát của người bệnh, và may ra chỉ được chữa lành nhờ quyền lực thông thần của thầy thuốc”.
Đặt nền tảng
Tuy nhiên, với thời gian, việc chữa bệnh ngày càng trở nên khoa học hơn. Thầy chữa bệnh khoa học lỗi lạc nhất vào thời xưa là Hippocrates. Ông sinh khoảng năm 460 TCN ở đảo Kos của Hy Lạp, và được nhiều người xem như cha đẻ của y học phương Tây. Hippocrates đã đặt nền tảng cho việc tiếp cận hợp lý với y học. Ông bác bỏ ý niệm cho rằng bệnh tật là hình phạt của thần thánh, vì biện luận rằng bệnh tật có nguyên nhân tự nhiên. Chẳng hạn, bệnh động kinh trong thời gian rất lâu đã được xem như một bệnh từ thần thánh, vì niềm tin cho rằng chỉ các thần thánh mới chữa lành được. Nhưng Hippocrates viết: “Về bệnh tật gọi là Từ Thần Thánh: đối với tôi, bệnh ấy không hề từ thần thánh hay liên quan đến tôn giáo, mà chỉ như bao bệnh khác, có nguyên nhân tự nhiên”. Theo chúng ta biết, Hippocrates cũng là thầy chữa bệnh đầu tiên đã quan sát các triệu chứng của những bệnh khác nhau, và ghi lại để tham khảo sau này.
Nhiều thế kỷ sau, Galen, một thầy thuốc người Hy Lạp sinh năm 129 CN, cũng đã thực hiện những nghiên cứu khoa học với nhiều đổi mới. Dựa trên các giải phẫu người và thú, Galen đã viết một cuốn sách về giải phẫu học được các bác sĩ sử dụng trong nhiều thế kỷ! Andreas Vesalius, sinh ở Brussels năm 1514, viết cuốn On the Structure of the Human Body. Sách này đã bị chống đối, vì mâu thuẫn rất nhiều với kết luận của Galen, nhưng đã đặt nền tảng cho giải phẫu học hiện đại. Sách Die Grossen (Những vĩ nhân) viết rằng Vesalius nhờ thế đã trở thành “một trong những nhà nghiên cứu y học quan trọng nhất của mọi dân và mọi thời đại”.
* Thầy thuốc người Anh tên William Harvey đã dành nhiều năm mổ xẻ thú vật và chim chóc. Ông đã quan sát chức năng của các van tim, đo lượng máu trong mỗi ngăn tim, và phỏng ước lượng máu trong cơ thể. Harvey đã công bố các phát hiện của ông vào năm 1628 trong cuốn sách nhan đề On the Motion of the Heart and Blood in Animals. Ông bị chỉ trích, chống đối, tấn công, và xúc phạm. Nhưng công trình của ông là một bước ngoặt trong y học vì đã khám phá được hệ tuần hoàn trong cơ thể!
Các lý thuyết của Galen về tim và sự tuần hoàn máu với thời gian đã bị phá đổ.Từ nghề cắt tóc đến ngành giải phẫu
Đã có những bước tiến lớn trong phẫu thuật. Thời Trung Cổ, giải phẫu thường là công việc của thợ cắt tóc. Không lạ gì khi một số người cho rằng cha đẻ của ngành giải phẫu hiện đại là ông Ambroise Paré, một bác sĩ giải phẫu kiêm thợ cắt tóc tiên phong người Pháp phục vụ bốn vị vua Pháp vào thế kỷ thứ 16. Paré cũng đã sáng chế một số dụng cụ cho phẫu thuật.
Một trong những vấn đề chính mà các bác sĩ thế kỷ thứ 19 vẫn còn phải đương đầu đó là chưa có khả năng làm giảm đau để tiến hành phẫu thuật. Nhưng vào năm 1846, một nha sĩ tên William Morton đã mở đường cho việc sử dụng rộng rãi chất gây tê trong phẫu thuật. *
Năm 1895, khi thí nghiệm với điện, nhà vật lý người Đức tên Wilhelm Röntgen thấy các tia chiếu xuyên qua thịt, mà không qua xương. Ông không biết các tia ấy từ đâu đến, nên đã gọi là tia X, tên vẫn được sử dụng trong tiếng Anh. (Người Đức gọi các tia ấy là Röntgenstrahlen). Sách Die Großen Deutschen (Những người Đức lỗi lạc) thuật lại là Röntgen đã nói với vợ: “Người ta sẽ nói: ‘Röntgen hóa điên rồi’ ”. Đúng là có người đã nói thế. Nhưng phát minh của ông là một cuộc cách mạng trong ngành phẫu thuật. Lúc bấy giờ, bác sĩ phẫu thuật có thể thấy được bên trong cơ thể mà không cần phải giải phẫu.
Khắc phục bệnh tật
Qua nhiều thời đại, các bệnh truyền nhiễm như bệnh đậu mùa đã thường xuyên gây dịch
lây lan, gieo rắc sự kinh hoàng, và chết chóc. Ar-Rāzī, một người Ba Tư sống vào thế kỷ thứ chín được một số người xem như vị bác sĩ tài giỏi nhất của thế giới đạo Hồi thời đó, đã đầu tiên mô tả bệnh đậu mùa cách chính xác về mặt y học. Nhưng nhiều thế kỷ sau đó, bác sĩ người Anh tên Edward Jenner mới tìm ra phương pháp trị bệnh ấy. Ông Jenner ghi nhận là khi một người bị bệnh đậu bò—một bệnh nhẹ—thì không bị bệnh đậu mùa. Dựa trên nhận xét này, vào năm 1796, Jenner đã sử dụng những mô bị tổn thương do bệnh đậu bò để chế vác-xin trị bệnh đậu mùa. Cũng giống những người cách tân trước, Jenner đã bị chỉ trích và chống đối. Nhưng phát minh của ông về phương pháp tiêm chủng cuối cùng đã giúp loại trừ bệnh và cung cấp cho y học một cách chữa trị mới thật hữu hiệu.Ông Louis Pasteur, người Pháp, đã dùng phương pháp tiêm chủng để chống bệnh dại và bệnh than. Ông cũng chứng minh vi trùng là nhân tố gây bệnh. Vào năm 1882, Robert Koch đã nhận dạng vi trùng gây bệnh lao, được một sử gia mô tả là “bệnh gây tử vong cao nhất trong thế kỷ thứ 19”. Khoảng một năm sau, Koch đã nhận dạng vi trùng gây bệnh tả. Tạp chí Life viết: “Công trình của Pasteur và Koch đã mở ra khoa vi sinh vật học và dẫn đến những tiến bộ về miễn dịch học, về vệ sinh giúp kéo dài tuổi thọ con người, nhiều hơn so với bất cứ tiến bộ khoa học nào khác trong 1.000 năm qua”.
Y học thế kỷ 20
Vào đầu thế kỷ 20, y học đang xây dựng trên thành quả của những chuyên gia này cũng như của các bác sĩ tài giỏi khác. Từ đó trở đi, y học đã mau chóng đạt nhiều tiến bộ: insulin trị bệnh tiểu đường, phương pháp hóa trị cho bệnh ung thư, liệu pháp hoóc-môn trị rối loạn tuyến, thuốc kháng sinh trị bệnh lao, chloroquine trị một số loại sốt rét, và sự thấm tách trị bệnh về thận, cũng như việc mổ tim và ghép bộ phận cơ thể. Đây mới chỉ nêu lên một số tiến bộ mà thôi.
Nhưng nay chúng ta đã bước vào thế kỷ 21, mục tiêu bảo đảm “mức sức khỏe tương đối cho mọi người trên thế giới” của y học đã đạt đến đâu rồi?
Mục tiêu khó đạt ư?
Con trẻ hiểu là dù có trèo lên vai bạn mình cũng không thể hái hết mọi trái táo. Một số trái ngon ngọt nằm tít trên đầu ngọn cây, không sao với tới được. Tương tự như vậy, y học đã đi từ thành quả này đến thành quả khác, càng ngày càng cao lên mãi. Nhưng mục tiêu quý nhất là sức khỏe cho mọi người, vẫn còn khó đạt vì ở mãi đầu ngọn cây.
Bởi thế, vào năm 1998, Hội Đồng Châu Âu, mặc dù có báo cáo là “dân Châu Âu chưa bao giờ được hưởng đời sống mạnh khỏe và thọ đến như thế”, nhưng vẫn viết thêm: “Cứ năm người thì có một người sẽ chết sớm trước tuổi 65. Khoảng 40% những cái chết này nguyên nhân là bệnh ung thư, và khoảng 30% khác là do các bệnh về tim mạch gây nên... Phải có cách bảo vệ tốt hơn chống lại các mối đe dọa mới cho sức khỏe”.
Tạp chí về sức khỏe của Đức Gesundheit báo cáo vào tháng 11 năm 1998 là các bệnh lây nhiễm như bệnh tả và bệnh lao ngày càng trở thành mối đe dọa lớn hơn. Tại sao? Các thuốc kháng sinh “đang mất tác dụng. Càng ngày càng có nhiều loại vi khuẩn có thể kháng lại ít nhất một thứ thuốc thông thường; thật ra, có nhiều loại vi khuẩn kháng được nhiều thứ thuốc”. Không chỉ những bệnh cũ tái phát, mà có những bệnh mới như AIDS đã
xuất hiện. Statistics ’97, một tạp chí về ngành dược của Đức, nhắc nhở chúng ta: “Cho đến nay, chưa có cách trị căn nguyên của hai phần ba tất cả những bệnh mà y học đã biết, tức khoảng 20.000 chứng bệnh”.Điều trị bằng gen có giải quyết được chăng?
Đồng ý là những cách chữa trị mới ngày càng phát triển. Ví dụ, nhiều người nghĩ là kỹ thuật di truyền có thể là bí quyết để có sức khỏe tốt hơn. Sau cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ vào thập niên 1990 do các bác sĩ như W. French Anderson thực hiện, liệu pháp gen đã được mô tả như “lãnh vực mới và nóng bỏng nhất cho các nghiên cứu y học”. Cuốn Heilen mit Genen (Chữa trị bằng gen) viết rằng với liệu pháp gen, “y học có thể bắt đầu bước vào ngưỡng cửa mới. Đặc biệt với trường hợp các chứng bệnh mà cho đến nay chưa chữa trị được”.
Các nhà khoa học hy vọng là cuối cùng họ sẽ có thể chữa các bệnh di truyền bẩm sinh bằng cách tiêm các gen có tính chất điều chỉnh vào bệnh nhân. Ngay cả những tế bào nguy hại, như tế bào ung thư chẳng hạn, cũng có thể bị kích hoạt để tự hủy. Ngày nay, y học đã có thể phân tích gen để xem bẩm chất của một người có thể dễ nhiễm những bệnh gì. Một số người cho rằng ngành chế tạo dược phẩm cho phù hợp với cấu tạo gen của người bệnh sẽ là bước phát triển kế tiếp. Một nhà nghiên cứu nổi tiếng gợi ý là một ngày nào đó, các bác sĩ sẽ có thể “chẩn đoán bệnh và cấp cho bệnh nhân những mẩu phân tử DNA phù hợp để chữa trị”.
Thế nhưng, không phải mọi người đều tin chắc liệu pháp gen là “thần dược” trị bệnh trong tương lai. Thật ra, theo các cuộc thăm dò, người ta còn không muốn cấu tạo gen của họ bị đem ra phân tích. Nhiều người cũng sợ là liệu pháp gen có thể tác động nguy hiểm đến qui luật của thiên nhiên.
Thời gian sẽ cho biết kỹ thuật di truyền hoặc các kỹ thuật cao khác nhằm tiếp cận y học có làm được như họ đã hứa chăng. Tuy nhiên, có lý do để tránh lạc quan quá đáng. Cuốn The Clay Pedestal mô tả một chu kỳ quá quen thuộc với mọi người như sau: “Một phương pháp trị liệu mới ra đời, được ca ngợi ở các buổi họp ngành y và trong các tạp chí chuyên ngành. Những người phát minh trở nên nổi tiếng trong ngành, còn báo chí thì hoan nghênh tiến bộ ấy. Nhưng, tiếp theo thời kỳ phấn khích với nhiều tài liệu chứng nhận và hỗ trợ cho phép trị liệu thần diệu này, sự thất vọng dần dần đến, kéo dài từ vài tháng đến vài chục năm. Kế đến một liệu pháp mới được khám phá, và hầu như chỉ một sớm một chiều đã thay thế phương pháp cũ mau chóng bị dẹp bỏ, xem như không còn giá trị”. Đúng thế, nhiều phép trị liệu cách đây không lâu rất thông dụng đã bị phần đông bác sĩ xem là không hiệu quả và dẹp bỏ đi.
Mặc dù các bác sĩ ngày nay không còn được xem như bậc thần thánh như các thầy thuốc
của thời cổ, nhưng vẫn còn những người có khuynh hướng gán cho các bác sĩ những quyền lực siêu phàm và cho rằng khoa học tất nhiên sẽ tìm được thuốc chữa mọi bệnh tật của nhân loại. Thế nhưng, đáng tiếc là thực tế hoàn toàn khác lý tưởng này. Trong cuốn How and Why We Age, Bác Sĩ Leonard Hayflick ghi nhận: “Năm 1900, 75 phần trăm dân Hoa Kỳ đã chết trước tuổi sáu mươi lăm. Ngày nay, số thống kê này gần như đảo ngược, tức khoảng 70 phần trăm dân chết sau tuổi sáu mươi lăm”. Điều gì đã giúp tăng tuổi thọ cách đáng kể như vậy? Hayflick giải thích đó “chủ yếu là do đã giảm được tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh”. Bây giờ hãy giả thử như ngành y có thể loại được những nguyên nhân chính gây tử vong ở lớp người cao tuổi—bệnh tim, ung thư, và đột quỵ. Điều ấy có hàm ý là sẽ có sự bất tử chăng? Chắc chắn là không. Bác Sĩ Hayflick lưu ý là ngay cả lúc đó, “phần lớn chỉ sống đến khoảng một trăm tuổi”. Ông nói thêm: “Những người sống trăm tuổi này cũng không thể bất tử được. Nhưng họ sẽ chết vì gì? Họ chỉ yếu dần và chết”.Mặc dù y học đã nỗ lực hết mức, nhưng việc loại trừ sự chết vẫn còn ngoài tầm với của ngành y. Tại sao? Và phải chăng mục tiêu sức khỏe tốt cho mọi người chỉ là ảo tưởng?
[Chú thích]
^ đ. 9 Theo The World Book Encyclopedia, Galen nghĩ rằng gan biến đổi thức ăn đã tiêu hóa thành máu chảy khắp cơ thể và được hấp thu.
^ đ. 12 Xin đọc bài “Từ đau đớn đến phương pháp gây tê” trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 22-11-2000.
[Câu nổi bật nơi trang 4]
“Niềm tin của những người thời cổ đã để lại dấu ấn trên nghề y còn tồn tại đến ngày nay”.—The Clay Pedestal
[Các hình nơi trang 4, 5]
Hippocrates, Galen, và Vesalius đã đặt nền tảng cho y học hiện đại
[Nguồn tư liệu]
Đảo Kos, Hy Lạp
Courtesy National Library of Medicine
Tranh khắc gỗ về A. Vesalius của Jan Steven von Kalkar, lấy từ Meyer’s Encyclopedic Lexicon
[Các hình nơi trang 6]
Ambroise Paré, một bác sĩ giải phẫu tiên phong, đã phục vụ bốn vị vua Pháp
Bác sĩ người Ba Tư Ar-Rāzī (bên trái), và bác sĩ người Anh Edward Jenner (bên phải)
[Nguồn tư liệu]
Paré và Ar-Rāzī: Courtesy National Library of Medicine
Trích từ cuốn Great Men and Famous Women
[Hình nơi trang 7]
Louis Pasteur, người Pháp, đã chứng minh vi trùng là nhân tố gây bệnh
[Nguồn tư liệu]
© Viện Pasteur
[Các hình nơi trang 8]
Dù có loại trừ được những nguyên nhân chính gây tử vong, tuổi già vẫn dẫn đến sự chết