Ai sẽ nuôi sống thế giới?
Ai sẽ nuôi sống thế giới?
CÓ BAO GIỜ nhân loại khởi sự bảo vệ thay vì hủy phá sự đa dạng sinh học không? Theo nhà sinh vật học John Tuxill, điều ấy đòi hỏi “một sự thay đổi chính sách lớn”. Nhưng ông nói thêm rằng một sự thay đổi như thế “rất có thể sẽ không xảy ra nếu không có một biến đổi sâu sắc trong nhận thức của con người về lợi ích của sự đa dạng sinh học của thực vật, nếu họ không ước muốn thay đổi những thực hành hiện nay và sẵn sàng thí nghiệm những phương pháp mới”.
Nhiều người thấy khó tin rằng những biến đổi sâu sắc như thế sẽ xảy ra, vả lại cũng có nhiều người không đồng ý với kết luận của ông Tuxill. Có những nhà môi trường học cảm thấy người ta vẫn chưa hiểu rõ vai trò của sự đa dạng sinh học, và có lẽ một số đồng sự của họ nói quá đáng. Tuy nhiên, vì các nhà khoa học đang tranh luận về vấn đề này, chúng ta có lẽ cũng nên lưu tâm đến lời cảnh báo từ một số chuyên gia trong ngành. Dường như họ lo lắng, không chỉ vì tính đa dạng sinh học bị mất dần, nhưng cũng vì họ nhận thấy tính tham lam và thiển cận nằm sau những sự mất mát ấy. Hãy lưu ý những lời bình luận của một số người như sau:
“Cách đây chỉ một thế kỷ, hàng trăm triệu nông dân, rải rác trên khắp trái đất, kiểm soát được nguồn hạt giống của họ... Ngày nay, phần lớn hạt giống được các công ty toàn cầu gây giống, biến đổi gien, cấp bằng sáng chế và giữ lại dưới hình thức quyền sở hữu trí năng... Khi chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, ngành công nghiệp sinh học đe dọa hủy phá chính di sản gien mà một ngày kia có thể trở nên cực kỳ hữu ích như là một phương pháp mới để chống lại một bệnh mới có sức đề kháng hoặc siêu sâu bọ”.—Nhà văn khoa học Jeremy Rifkin.
“Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, lời niệm đi niệm lại là: điều tối quan
trọng phải là thị trường, tự do mậu dịch và kinh tế toàn cầu. Khi phương tiện truyền thông đại chúng chịu sự chi phối của tiền tài và quyền lợi của các liên minh công ty lớn, niềm tin kinh tế này giống như giáo điều và hiếm khi bị thách thức”.—Nhà di truyền học David Suzuki.Tác giả Kenny Ausubel trong sách Seeds of Change—The Living Treasure nói đến sự giả hình trong các nước tiên tiến khi “các chính phủ và công ty than thở về việc ‘di sản chung’ của nhân loại về vốn gien có nguy cơ sắp bị tuyệt chủng trên toàn cầu”. Ông ghi rằng chính họ cũng đe dọa sự đa dạng sinh học bằng cách cổ động việc sử dụng các kỹ thuật trồng trọt hiện đại và chế độ độc canh.
Dù những mối lo sợ lớn nhất của các nhà môi trường học có lý do chính đáng hay không, bạn có thể thấy khó an lòng về tương lai của hành tinh chúng ta. Trái đất có thể tồn tại thêm được bao lâu nữa khi nhân loại dường như bị
sự tham lam thúc đẩy? Nóng lòng được câu trả lời, nhiều người hy vọng khoa học sẽ đến cứu nguy chúng ta.Có thể nào khoa học hoặc công nghệ cứu chúng ta không?
Hội Hoàng Gia Edinburgh gần đây phát biểu mối quan ngại rằng những sự tiến bộ khoa học nay diễn ra quá nhanh chóng và tinh vi đến độ các nhà khoa học phải chịu những rủi ro không hiểu thấu hết những hiệu quả của chúng. Ông David Suzuki viết: “Khoa học chỉ giúp chúng ta hiểu biết những phần rất nhỏ về thiên nhiên. Chúng ta gần như không biết gì về cấu trúc sinh học của các dạng sống trên Đất, chứ đừng nói đến cách chúng liên kết với nhau và phụ thuộc lẫn nhau”.
Như tạp chí Science giải thích, “cả nguy cơ lẫn lợi ích của các sinh vật bị biến đổi về gien đều không chắc chắn và không phổ biến... Chúng ta không có khả năng tiên đoán chính xác ảnh hưởng sinh thái của các loài nhập nội, kể cả các sinh vật bị biến đổi về gien”.
Nhiều “sự tiến bộ” này thật sự là gươm hai lưỡi. Chúng đem lại một số lợi ích, nhưng cũng chứng tỏ nhân loại thiếu khôn ngoan và thường rất là tham lam. (Giê-rê-mi 10:23) Chẳng hạn, mặc dù cách mạng xanh đã sản xuất dư dật thực phẩm và nuôi sống nhiều miệng ăn, nó cũng góp phần làm mất đi sự đa dạng sinh học. Theo Tiến Sĩ Mae-Wan Ho, bằng cách khuyến khích người ta dùng thuốc trừ sâu và các kỹ thuật trồng trọt đắt tiền khác, cách mạng xanh rốt cuộc làm lợi cho “các công ty gây giống và thành phần ưu tú của Thế Giới Thứ Ba với cái giá mà người dân thường phải trả”. Xu hướng này vẫn tiếp tục khi ngành nông nghiệp dựa trên công nghệ sinh học trở thành một doanh nghiệp ngày càng lớn thêm và mạnh mẽ hơn, dẫn chúng ta đến một tương lai khi sự an toàn về thực phẩm ngày càng lệ thuộc vào khoa học.
Tuy nhiên, những vấn đề này không nhất thiết phải khiến chúng ta đầy bi quan. Thật ra, chúng chỉ minh họa một điểm quan trọng hơn. Kinh Thánh giúp chúng ta thấy không nên chờ đợi quá nhiều nơi con người bất toàn đang quản lý hành tinh này cùng các tài nguyên của trái đất. Hiện nay, những sự thất bại và quản lý kém thật ra chỉ là lẽ thường tình của con người. Bởi vậy, Thi-thiên 146:3 khuyên: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ”. Nhưng chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời. (Châm-ngôn 3:5, 6) Ngài vừa có ý muốn vừa có quyền năng giúp chúng ta.—Ê-sai 40:25, 26.
Chẳng bao lâu nữa—Một trái đất đầy nhựa sống
Trước khi sửa chữa một ngôi nhà ọp ẹp, trước hết bạn có lẽ cần phải dẹp hết những vật phế thải. Tương tự như thế, Đức Chúa Trời Giê-hô-va sắp sửa loại bỏ tất cả những kẻ ác khỏi trái đất, kể cả những ai xem hành tinh của chúng ta, tài nguyên thiên nhiên của trái đất và ngay cả những người đồng loại chỉ đơn thuần là đồ vật để khai thác nhằm mưu cầu sự thịnh vượng cá nhân và đoàn thể. (Thi-thiên 37:10, 11; Khải-huyền 11:18) Nhưng Đức Giê-hô-va sẽ bảo tồn tất cả những ai yêu mến Ngài và cố gắng làm theo ý muốn Ngài.—1 Giăng 2:15-17.
Sau đó, trái đất và vô số sinh vật trên đất, kể cả loài người biết vâng lời, sẽ được cai quản bởi một chính phủ do Đức Chúa Trời thành lập—Nước Trời trong tay Đấng Mê-si. (Đa-ni-ên 7:13, 14; Ma-thi-ơ 6:10) Trái đất sẽ sản xuất thức ăn dư dật biết bao dưới sự cai trị khôn ngoan ấy! Thi-thiên 72:16 nói: “Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi”. Đúng vậy, thực phẩm sẽ không là một đề tài để tranh luận và lo âu nữa. Trái lại, sẽ có đầy dẫy thức ăn an toàn.
Vậy khi hệ thống hiện tại càng lún sâu vào tình trạng tối tăm vô vọng và bất ổn, những ai tin cậy nơi Đức Giê-hô-va có thể trông đợi một tương lai huy hoàng ngay trên trái đất này. Hy vọng này là nội dung của “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” mà Nhân Chứng Giê-hô-va vui mừng chia sẻ với tất cả những ai muốn sống trong một thế giới tốt đẹp và công bằng hơn. (Ma-thi-ơ 24:14) Nhờ có hy vọng chắc chắn này—và sự chăm sóc của Đức Chúa Trời giống như một người cha đối với dân Ngài—ngay bây giờ, chúng ta có thể “ở an-nhiên vô-sự, được bình-tịnh, không sợ tai-họa nào”.—Châm-ngôn 1:33.
[Hình nơi trang 10]
Trong Nước Đức Chúa Trời, thực phẩm sẽ an toàn và đầy dẫy
[Nguồn tư liệu nơi trang 8]
FAO Photo/K. Dunn
[Nguồn tư liệu nơi trang 9]
Tourism Authority of Thailand