Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để việc đọc Kinh Thánh thú vị hơn?

Làm sao để việc đọc Kinh Thánh thú vị hơn?

Giới trẻ thắc mắc

Làm sao để việc đọc Kinh Thánh thú vị hơn?

“Nhiều lúc Kinh Thánh rất khó hiểu, và điều đó có thể gây chán nản”.—Annalieza, 17 tuổi.

“Tôi thấy Kinh Thánh nhàm”.—Kimberly, 22 tuổi.

NHIỀU người không thích đọc gì cả. Vì vậy một quyển sách lớn như Kinh Thánh trông thấy ngán—ngay cả đối với người ham đọc. Tammy, 17 tuổi, nói: “Đối với tôi, Kinh Thánh là một quyển sách dày chứa đựng nhiều chữ khó hiểu. Đọc Kinh Thánh đòi hỏi nhiều chú ý và bền bỉ”.

Thêm vào đó, bài vở ở trường, công việc nhà, và giải trí có thể chiếm nhiều thì giờ và năng lực của bạn. Điều đó có thể gây khó khăn để tập trung và ham thích đọc Kinh Thánh. Cô Alicia, một Nhân Chứng Giê-hô-va, còn dành thì giờ để chuẩn bị và dự các buổi họp của tín đồ Đấng Christ cũng như chia sẻ đức tin của mình với người khác. Cô nhìn nhận: “Có thể khó để đọc Kinh Thánh vì hình như có quá nhiều việc để làm”.

Nhưng Alicia, Tammy và nhiều người trẻ khác đã vượt được thử thách. Bây giờ họ đọc Kinh Thánh đều đặn và ham thích đọc. Bạn cũng có thể như vậy! Hãy xem xét ba điều bạn có thể làm để việc đọc Kinh Thánh trở nên thú vị hơn.

Dành thì giờ đọc Kinh Thánh

Kelly, 18 tuổi, nói: “Tôi nghĩ người trẻ nói đọc Kinh Thánh nhàm vì họ đọc không đủ”. Cũng giống như bạn thích một môn thể thao hay một trò chơi bạn chơi thường, bạn sẽ thích đọc Kinh Thánh khi bạn đọc thường xuyên.

Nhưng nếu bạn có quá ít thì giờ rảnh thì sao? Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy giữ cho khéo về sự ăn-ở của anh em, chớ xử mình như người dại-dột, nhưng như người khôn-ngoan. Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu”. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Bạn có thể “lợi-dụng thì-giờ” bằng cách bớt thì giờ làm những việc không cần thiết như xem ti-vi. Từ ngữ sứ đồ Phao-lô dùng cho “thì-giờ” cũng có thể có nghĩa là thì giờ định cho một mục đích chính xác. Vậy bạn có thể định thì giờ nào để đọc Kinh Thánh?

Nhiều người đọc Kinh thánh buổi sáng sau khi đọc đoạn Kinh Thánh và lời bình luận trong quyển Tra xem Kinh Thánh mỗi ngày. * Người khác thích đọc ban đêm trước khi đi ngủ. Hãy chọn giờ tiện lợi cho bạn và thích ứng theo nhu cầu. Alicia nhận xét: “Sự uyển chuyển thật sự là chìa khóa giúp tôi giữ chương trình đọc đều đặn.”

Một số tín đồ Đấng Christ trẻ dành 10 tới 15 phút mỗi ngày để đọc Kinh Thánh. Làm như vậy, họ có thể đọc xong quyển Kinh Thánh trong vòng một hoặc hai năm! Ngay cả nếu như điều này quá sức của bạn, hãy đặt mục tiêu là đọc một phần Kinh Thánh mỗi ngày. Bằng cách cương quyết giữ thì giờ định để đọc Kinh Thánh, tình yêu của bạn dành cho Lời Đức Chúa Trời sẽ tăng.—Thi-thiên 119:97; 1 Phi-e-rơ 2:2.

Cầu xin sự khôn ngoan

Đồng ý là ngay cả những người thường xuyên đọc Kinh Thánh cũng gặp những đoạn khó hiểu trong Lời Đức Chúa Trời. Tác Giả của Kinh Thánh, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, muốn bạn hiểu Lời Ngài. Sách Công-vụ kể chuyện một người du hành người Ê-thi-ô-bi không hiểu nổi một lời tiên tri trong sách Ê-sai chương 53. Ông sẵn lòng xin giúp đỡ, và thiên sứ của Đức Giê-hô-va sai giáo sĩ Phi-líp đến giảng nghĩa lời tiên tri cho ông.—Công-vụ 8:26-39.

Đọc Kinh Thánh hữu hiệu thật ra không bắt đầu bằng việc đọc, mà là bằng cầu nguyện. Trước khi mở Kinh Thánh, một số người tạo thói quen cầu nguyện với Đức Giê-hô-va xin sự khôn ngoan để hiểu và ghi vào lòng các bài học của đoạn đọc. (2 Ti-mô-thê 2:7; Gia-cơ 1:5) Thánh linh cũng có thể làm cho bạn nhớ lại những câu Kinh Thánh để giúp bạn trả lời các câu hỏi hoặc chịu đựng các thử thách.

Một cậu tín đồ Đấng Christ nhớ lại: “Khi tôi 12 tuổi, cha tôi bỏ gia đình. Một đêm kia tôi cầu nguyện trên giường, xin Đức Giê-hô-va làm cho cha tôi trở lại. Rồi tôi vớ lấy quyển Kinh Thánh và đọc Thi-thiên 10:14: ‘Còn kẻ khốn-khổ phó mình cho Chúa [Đức Giê-hô-va]. Chúa là Đấng giúp-đỡ kẻ mồ-côi’. Tôi ngưng một phút. Tôi cảm nhận rằng Đức Giê-hô-va đang nói chuyện với tôi và cho tôi biết Ngài là Đấng giúp đỡ tôi; Ngài là Cha tôi. Tôi có thể có người cha nào hơn Ngài không?”

Bạn có thể tạo thói quen là cầu nguyện mỗi khi ngồi xuống để đọc Kinh Thánh không? Adrian đề nghị: “Cầu nguyện trước và sau khi đọc Kinh Thánh như vậy thì thật sự sẽ là cuộc đối thoại với Đức Giê-hô-va”. Cầu nguyện hết lòng sẽ làm mạnh quyết tâm giữ chương trình đọc Kinh Thánh của bạn và làm vững chắc mối liên lạc của bạn với Đức Chúa Trời.—Gia-cơ 4:8.

Làm nó trở nên sống động

Kimberly, đề cập lúc đầu, cho Kinh Thánh là nhàm. Đúng vậy, Kinh Thánh là một quyển sách rất cổ—viết trước khi có máy vi tính, ti-vi hay phi cơ—và các nhân vật trong Kinh Thánh đã chết mấy ngàn năm rồi. Dầu vậy, sứ đồ Phao-lô viết: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm.” (Hê-bơ-rơ 4:12) Một quyển sách cổ như vậy có thể linh nghiệm cách nào?

Trong thời của người chép Kinh Thánh E-xơ-ra, hằng ngàn người nam, nữ, và “những người có thông-sáng nghe hiểu được” nhóm lại tại thành Giê-ru-sa-lem để nghe đọc Luật Pháp Môi-se. Vào lúc đó Luật Pháp đã có trên một ngàn năm! Dầu vậy, E-xơ-ra và các cộng sự viên của ông tiếp tục “đọc rõ-ràng trong sách luật-pháp của Đức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu lời họ đọc”. Khi các người nam này giải nghĩa Kinh Thánh và đọc một cách sống động, kết quả ra sao? “Cả dân-sự bèn đi đặng ăn và uống, gởi cho những phần, cùng vui-vẻ lắm; vì chúng có hiểu các lời người ta đã truyền-dạy cho mình”.—Nê-hê-mi 8:1-12, chúng tôi viết nghiêng.

Làm sao bạn có thể khiến cho việc đọc Kinh Thánh có ‘ý nghĩa’? Cathy đọc lớn tiếng để tập trung sự chú ý, vì đọc là một thử thách cho cô. Nicki cố gắng tự đặt mình vào câu chuyện đang đọc. Cô nói: “Tôi tưởng tượng mình cảm nhận ra sao trong hoàn cảnh đó. Câu chuyện ưng ý nhất của tôi luôn luôn là về Ru-tơ và Na-ô-mi mà tôi có thể đọc đi đọc lại. Khi dọn tới một thành phố mới, tôi tìm an ủi từ câu chuyện này vì tôi có thể tưởng tượng bà Ru-tơ cảm nghĩ gì khi đi tới một nơi xa lạ và không quen biết ai. Tôi thấy bà đã tin cậy Đức Giê-hô-va như thế nào, và điều đó thật sự giúp tôi làm được y như vậy.—Ru-tơ, chương 1-4.

Muốn Kinh Thánh được “linh-nghiệm”, cần phải suy ngẫm. Mỗi lần bạn đọc, hãy dành thì giờ để nghĩ đến các câu Kinh Thánh vừa đọc và xem coi bạn sẽ dùng điều bạn học như thế nào. Bạn có thể muốn dùng đến các sách báo giúp hiểu Kinh Thánh do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản để làm việc đọc thêm phong phú. *

Hãy kiên trì

Theo sát một chương trình đọc Kinh Thánh không dễ. Ngay cả chương trình đọc Kinh Thánh hữu hiệu nhất đôi khi cũng có thể cần điều chỉnh. Làm sao bạn có thể bền đỗ trong mục tiêu đọc Kinh Thánh mỗi ngày?

Bạn bè và gia đình có thể giúp đỡ bạn. Amber, 15 tuổi, nói: “Tôi ngủ chung phòng với chị tôi. Nhiều đêm tôi mệt quá chỉ muốn đi ngủ, nhưng chị tôi nhắc tôi đọc. Cho nên tôi không bao giờ quên!” Nếu bạn thấy một câu hoặc một đoạn Kinh Thánh đáng chú ý, hãy chia sẻ điều đó với người khác. Điều này sẽ gia tăng sự biết ơn của bạn đối với Lời Đức Chúa Trời và ngay cả còn có thể khiến người khác thích đọc Kinh Thánh. (Rô-ma 1:11-12) Nếu bạn chểnh mảng việc đọc Kinh Thánh một ngày hay lâu hơn nữa, đừng bỏ cuộc! Đọc tiếp chỗ dở dang, và hãy quyết tâm hơn bao giờ hết để theo sát chương trình của bạn.

Đừng bao giờ quên lợi ích dồi dào đến từ việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Bạn có thể vui hưởng liên lạc mật thiết với Đức Giê-hô-va bằng cách lắng nghe Ngài qua Kinh Thánh. Bạn sẽ nhận thức được ý nghĩ và tình cảm của Ngài. (Châm-ngôn 2:1-5) Các lẽ thật quý báu này của Cha trên trời sẽ là một sự che chở cho chúng ta. Người viết Thi-thiên hỏi: “Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận theo lời Chúa”. (Thi-thiên 119:9) Vậy hãy bắt đầu—và giữ theo—một thói quen đọc Kinh Thánh. Rồi bạn sẽ thấy thích thú nhiều hơn là bạn tưởng.

[Chú thích]

^ đ. 11 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

^ đ. 22 Tháp Canh, ngày 1-10-2000, trang 16, 17, đưa ra một số đề nghị thực tiễn để giúp bạn đào sâu Kinh Thánh.

[Các hình nơi trang 20]

Cầu nguyện và tìm tòi sẽ nâng cao giá trị việc đọc Kinh Thánh và giúp bạn hiểu được ý nghĩa các câu Kinh Thánh

[Hình nơi trang 21]

Tự đặt mình vào câu chuyện đang đọc sẽ làm Kinh Thánh sống động