Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kiên trì nhờ tin cậy nơi Đức Chúa Trời

Kiên trì nhờ tin cậy nơi Đức Chúa Trời

Kiên trì nhờ tin cậy nơi Đức Chúa Trời

DO RACHEL SACKSIONI-LEVEE KỂ LẠI

KHI MỘT LÍNH CANH LIÊN TỤC ĐÁNH VÀO MẶT TÔI VÌ TÔI TỪ CHỐI LÀM CÁC BỘ PHẬN CHO OANH TẠC CƠ CỦA ĐỨC QUỐC XÃ, MỘT LÍNH CANH KHÁC NÓI VỚI Y: “TỐT HƠN LÀ MÀY NÊN NGỪNG ĐI. BỌN ‘BIBELFORSCHER’ NÀY SẼ VÌ ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA CHÚNG MÀ CHỊU ĐÒN CHO ĐẾN CHẾT THÔI”.

ĐIỀU này xảy ra vào tháng 12 năm 1944 tại Beendorff, một trại lao động nữ ở gần mỏ muối phía bắc nước Đức. Để tôi giải thích vì sao tôi có mặt ở đó và làm sao tôi có thể sống sót trong những tháng cuối của Thế Chiến II.

Tôi chào đời trong một gia đình Do Thái tại Amsterdam, Hà Lan, năm 1908, là con gái thứ nhì trong ba đứa con gái. Cha tôi là thợ mài giũa kim cương, cũng như nhiều người Do Thái tại Amsterdam trước Thế Chiến II. Cha tôi chết khi tôi 12 tuổi và sau đó ông nội đến ở với chúng tôi. Ông nội tôi là một người Do Thái mộ đạo, nên ông muốn là chúng tôi cũng phải được dạy dỗ theo phong tục Do Thái.

Nối bước chân cha, tôi học nghề cắt kim cương, và tôi kết hôn với một đồng nghiệp vào năm 1930. Chúng tôi có hai đứa con—Silvain, một bé trai vui nhộn và thích mạo hiểm, và Carry là một bé gái dịu dàng dễ thương. Đáng tiếc là hôn nhân chúng tôi không kéo dài. Năm 1938, không lâu sau khi ly dị, tôi thành hôn với Louis Sacksioni, cũng là thợ mài giũa kim cương. Con gái chúng tôi, Johanna, ra đời vào tháng 2 năm 1940.

Mặc dầu Louis theo đạo Do Thái, nhưng anh không thực hành đạo. Vì vậy chúng tôi không còn ăn mừng những lễ Do Thái mà khi còn nhỏ tôi thấy rất thích. Dĩ nhiên tôi nhớ những điều đó, nhưng lòng tôi tiếp tục tin Đức Chúa Trời.

Thay đổi tôn giáo

Đầu năm 1940, năm Đức bắt đầu xâm chiếm Hà Lan, một phụ nữ gõ cửa nhà tôi và nói với tôi về Kinh Thánh. Tôi không hiểu phần lớn những gì chị nói, nhưng tôi nhận sách báo chị trao mỗi khi chị đến. Dầu vậy tôi không đọc những gì chị để lại vì tôi không muốn dính líu gì với Chúa Giê-su cả. Tôi được dạy rằng ngài là một người Do Thái bội đạo.

Rồi một ngày kia một người đàn ông đến nhà tôi. Tôi hỏi anh những câu như: “Tại sao Đức Chúa Trời không tạo ra những người khác sau khi A-đam và Ê-va phạm tội? Tại sao lại có quá nhiều đau khổ như vậy? Tại sao người ta ghét nhau và gây chiến tranh?” Anh trấn an là nếu tôi kiên nhẫn, anh sẽ trả lời những câu hỏi của tôi từ Kinh Thánh. Vậy là một cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà được sắp đặt.

Dầu vậy, tôi vẫn chống đối quan niệm cho rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Nhưng rồi sau khi cầu nguyện về điều đó, tôi bắt đầu đọc các lời tiên tri trong Kinh Thánh về Đấng Mê-si bằng cách nhìn khác. (Thi-thiên 22:7, 8, 18; Ê-sai 53:1-12) Đức Giê-hô-va giúp tôi thấy những lời tiên tri đó đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Chồng tôi không chú ý đến những gì tôi học, nhưng anh không cản trở việc tôi thành một Nhân Chứng Giê-hô-va.

Lẩn trốn—Nhưng vẫn rao giảng

Thời Đức chiếm đóng Hà Lan là một thời kỳ nguy hiểm cho tôi. Không những vì tôi là một người Do Thái, những kẻ mà Đức bắt giam trong các trại tập trung, mà còn vì là một Nhân Chứng Giê-hô-va, một tổ chức tôn giáo mà Đức Quốc Xã đang cố gắng diệt trừ. Thế nhưng, tôi vẫn tiếp tục hoạt động, dành trung bình 60 giờ mỗi tháng nói với người khác về niềm hy vọng của tín đồ Đấng Christ mà tôi mới tìm được.—Ma-thi-ơ 24:14.

Vào một tối tháng 12 năm 1942, chồng tôi đi làm mà không về. Thì ra anh đã bị bắt tại sở làm cùng với các đồng nghiệp khác của anh. Tôi không bao giờ gặp lại anh nữa. Các anh chị Nhân Chứng khuyên tôi và các con nên lẩn trốn đi. Tôi được ở với một chị tín đồ Đấng Christ nhà phía bên kia thành phố Amsterdam. Vì quá nguy hiểm cho cả bốn mẹ con ở cùng một địa chỉ, nên tôi phải để các con ở với người khác.

Tôi thường thoát được các cuộc vây bắt trong đường tơ kẻ tóc. Một buổi tối nọ, một anh Nhân Chứng đưa tôi đi tới nơi ẩn trốn mới bằng xe đạp của anh. Nhưng đèn xe anh không cháy, và chúng tôi bị hai cảnh sát Hà Lan chặn lại. Họ chiếu đèn vào mặt tôi và nhận ra ngay tôi là người Do Thái. May thay, họ chỉ nói: “Đi nhanh lên—nhưng phải đi bộ đấy”.

Bị bắt và ở tù

Một buổi sáng tháng 5 năm 1944, khi sắp sửa đi rao giảng, tôi bị bắt—không phải vì là một Nhân Chứng, mà vì là một người Do Thái. Họ đưa tôi tới một nhà tù ở Amsterdam, tôi ở đó mười ngày, rồi được chuyển tới trại tạm trú ở Westerbork, vùng đông bắc Hà Lan bằng xe lửa cùng với những người Do Thái khác. Từ nơi này người Do Thái bị chở đi Đức.

Tại Westerbork tôi gặp anh rể tôi và con của anh, họ cũng bị bắt. Tôi là Nhân Chứng duy nhất trong đám người Do Thái. Tôi thường xuyên cầu xin Đức Giê-hô-va giúp sức cho tôi. Hai ngày sau anh rể tôi, con anh, và tôi ngồi trên chuyến xe lửa chở bò, chuẩn bị đi Auschwitz hoặc Sobibor, những trại tử hình ở Ba Lan. Đột nhiên tên tôi được gọi, và tôi được chuyển sang chuyến xe khác—một chuyến xe khách bình thường.

Trên chuyến xe đó có những đồng nghiệp cũ trong nghề làm kim cương. Có độ một trăm thợ làm kim cương được đưa đi Bergen-Belsen, ở miền bắc Đức. Sau đó tôi mới biết là nghề của tôi đã cứu tôi, vì những người Do Thái đi Auschwitz và Sobibor thường bị đưa thẳng tới các phòng hơi ngạt. Đó là điều xảy ra cho chồng tôi, hai đứa con tôi, và những người thân khác. Nhưng lúc đó tôi không biết điều gì xảy ra cho họ.

Tại Bergen-Belsen những người thợ cắt kim cương được cho ở trong một trại đặc biệt. Để gìn giữ đôi tay chúng tôi cho công việc tinh xảo, chúng tôi không bị bắt làm công việc nào khác. Tôi là Nhân Chứng duy nhất trong nhóm, và tôi đã bạo dạn nói với những bạn Do Thái về niềm tin mới tìm được của tôi. Tuy nhiên, họ xem tôi là một người bội đạo, cũng như sứ đồ Phao-lô bị xem như vậy hồi thế kỷ thứ nhất.

Tôi không có Kinh Thánh, và tôi thèm khát thức ăn thiêng liêng. Một bác sĩ Do Thái trong trại có một quyển và ông đã cho tôi để đổi lấy vài miếng bánh mì và một chút bơ. Tôi ở bảy tháng với ‘nhóm kim cương’ tại Bergen-Belsen. Chúng tôi được đối xử tương đối tử tế, điều đó khiến những tù nhân Do Thái khác ganh ghét chúng tôi. Nhưng rồi cuối cùng họ không kiếm ra kim cương cho chúng tôi làm. Vì vậy vào ngày 5 tháng 12 năm 1944, khoảng 70 phụ nữ Do Thái chúng tôi bị đưa đi một trại lao động nữ ở Beendorff.

Từ chối làm vũ khí

Trong các hầm mỏ sâu khoảng 400 mét gần trại, tù nhân được giao cho làm các bộ phận của oanh tạc cơ. Khi từ chối làm việc này, tôi bị vài cú đấm. (Ê-sai 2:4) Lính canh hâm he đe dọa tôi khôn thì ráng mà chuẩn bị làm việc ngày sau đó.

Sáng hôm sau, tôi ở lại trại không ra trình diện lúc điểm danh. Tôi tin chắc là mình sẽ bị bắn, nên tôi cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va ban thưởng cho đức tin tôi. Tôi luôn lặp đi lặp lại câu Kinh Thánh nơi Thi-thiên: “Tôi đã để lòng tin-cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ chi; người đời sẽ làm chi tôi?”—Thi Thiên 56:11.

Họ lục soát các trại và lôi tôi ra. Đó là lúc người lính canh đánh tôi liên tiếp và hỏi: “Ai đã không cho phép mày làm việc?” Mỗi lần tôi đều nói là Đức Chúa Trời. Đó cũng là lúc người lính khác nói với y: “Tốt hơn là mày nên ngừng đi. Bọn Bibelforscher * này sẽ vì Đức Chúa Trời của chúng mà chịu đòn cho đến chết thôi”. Những lời của y đã làm vững mạnh tôi rất nhiều.

Vì lau chùi nhà vệ sinh được xem như là một hình phạt và là công việc dơ bẩn nhất mà tôi có thể nghĩ đến, tôi đề nghị làm việc đó. Tôi vui mừng nhận việc này vì đây là công việc mà lương tâm tôi cho phép làm. Một buổi sáng, viên chỉ huy trại mà ai cũng sợ, đến thăm trại. Ông đứng trước mặt tôi và nói: “Này, có phải mày là người Do Thái không chịu làm việc không?”

Tôi trả lời: “Ông thấy là tôi đang làm việc đây”.

“Nhưng mày không làm việc phục vụ cho chiến tranh, phải không?”

Tôi đáp: “Không. Đức Chúa Trời không muốn vậy”.

“Nhưng mà mày đâu có giết người?”

Tôi giải thích là nếu tôi dự phần trong việc làm vũ khí thì lương tâm tín đồ Đấng Christ của tôi sẽ bị tổn thương.

Ông cầm lấy cái chổi của tôi và nói: “Mày có tin là tao có thể giết mày bằng cái này không?”

Tôi nói: “Dĩ nhiên, nhưng chổi không được làm để dùng cho việc đó; mà là súng ống”.

Tôi nói với ông về Chúa Giê-su là một người Do Thái, và về việc tôi đã trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va tuy tôi là người Do Thái. Khi ông đi rồi, mấy bạn tù đến với tôi, ngạc nhiên là tôi đã có gan dám nói chuyện với viên chỉ huy trại một cách bình tĩnh như vậy. Tôi nói với họ không phải chuyện có gan mà là Đức Chúa Trời của tôi đã ban sức cho tôi nên tôi mới có thể làm được như vậy.

Sống sót qua giai đoạn cuối cuộc chiến tranh

Ngày 10 tháng 4 năm 1945, lực lượng Đồng Minh đến gần Beendorff, chúng tôi phải đứng ngoài sân gần như cả ngày để điểm danh. Sau đó, khoảng 150 phụ nữ chúng tôi bị dồn vào những chuyến xe lửa chở bò, không có thức ăn cũng như nước uống. Các đoàn xe chạy không biết về đâu, và trong nhiều ngày chúng tôi cứ qua lại giữa các tuyến đầu. Vài tù nhân đã bóp cổ bạn tù để có chỗ rộng hơn trong các toa, kết quả là nhiều phụ nữ đã bị suy nhược thần kinh. Điều giúp tôi chịu đựng nổi là lòng tin cậy nơi sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va.

Ngày nọ, xe chúng tôi ngừng lại gần trại của các tù nhân nam, và chúng tôi được cho ra ngoài. Họ đưa thùng để vài người chúng tôi đến trại xách nước. Khi đến vòi nước, tôi uống một hơi rồi mới hứng đầy thùng. Khi tôi trở lại, những phụ nữ khác tấn công tôi như dã thú. Cả thùng nước bị đổ hết. Lính SS (đội lính ưu tú của Hitler) chỉ đứng đó cười. Mười một ngày sau đó, chúng tôi đến Eidelstedt, một trại ở vùng ngoại ô Hamburg. Khoảng phân nửa nhóm chúng tôi đã chết vì chuyến hành trình rùng rợn đó.

Một ngày nọ tôi đang đọc Kinh Thánh cho vài phụ nữ ở Eidelstedt. Thình lình viên chỉ huy trại đến đứng ngay cửa sổ. Chúng tôi kinh hoàng vì Kinh Thánh là quyển sách bị cấm trong trại. Viên chỉ huy bước vào, lấy Kinh Thánh, và nói: “Thì ra đây là quyển Kinh Thánh à?” Tôi thở phào nhẹ nhõm khi ông trả lại và nói: “Nếu có một phụ nữ chết thì cô phải đọc lớn vài câu trong đó”.

Đoàn tụ lại với các Nhân Chứng

Chúng tôi được thả ra 14 ngày sau đó, Hội Chữ Thập Đỏ đưa chúng tôi tới một trường học gần Malmö, Thụy Điển. Tại đó chúng tôi bị kiểm dịch một thời gian. Tôi yêu cầu một trong những người chăm sóc chúng tôi báo cho các Nhân Chứng Giê-hô-va địa phương biết là tôi đang ở trong trại tị nạn. Vài ngày sau tôi được gọi tên. Khi tôi nói với người phụ nữ tôi là một Nhân Chứng, chị bắt đầu khóc. Chị cũng là một Nhân Chứng. Sau khi lấy lại bình tĩnh, chị nói với tôi là các Nhân Chứng ở Thụy Điển luôn cầu nguyện cho các anh chị tín đồ Đấng Christ của họ trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã.

Từ đó, mỗi ngày có một chị đem cà phê và bánh ngọt đến. Sau khi ra khỏi trại tị nạn, tôi được chuyển về một nơi gần Göteborg. Tại đó các Nhân Chứng tổ chức một bữa tiệc thật công phu vào buổi trưa cho tôi. Tuy không hiểu họ nói gì, nhưng rất ấm lòng khi một lần nữa tôi được ở trong vòng các anh em mình.

Khi ở Göteborg, tôi nhận được thư của một Nhân Chứng từ Amsterdam, báo tin là các con tôi Silvain và Carry cùng tất cả bà con của tôi đã bị bắt và không bao giờ trở lại. Chỉ có con gái tôi Johanna và em gái út tôi còn sống. Gần đây tôi thấy tên con trai và con gái tôi trong danh sách những người Do Thái bị giết bằng hơi độc tại Auschwitz và Sobibor.

Hoạt động thời hậu chiến

Trở về Amsterdam và đoàn tụ với Johanna lúc ấy năm tuổi, tôi lập tức rao giảng trở lại. Một đôi lần tôi gặp những người trước đây là thành viên của nhóm NSB, Phong Trào Quốc Gia Xã Hội Hà Lan, một đảng cộng tác với Đức trước đây. Những người này đã tiếp tay trong việc tàn sát gần như cả gia đình tôi. Tôi phải cố gắng vượt qua những cảm giác hận thù để có thể chia sẻ tin mừng về Nước Trời với họ. Tôi tiếp tục nghĩ rằng Đức Giê-hô-va là Đấng nhìn thấy lòng và cuối cùng Ngài cũng là Đấng phán xét, không phải tôi. Và nhờ vậy tôi đã được ban phước biết bao!

Tôi bắt đầu học Kinh Thánh với một bà có chồng bị ở tù vì hợp tác với Đức Quốc Xã. Khi tôi đang đi lên cầu thang nhà họ, tôi nghe hàng xóm nói: “Coi kìa. Người Do Thái lại đến thăm người NSB nữa”. Dầu bị ông chồng ghét người Do Thái, đang ở tù, chống đối dữ dội, bà này và ba cô con gái đều trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Mừng thay, Johanna, con gái tôi sau này đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Tôi và Johanna dọn tới nơi có nhu cầu lớn hơn về người công bố Nước Trời. Chúng tôi vui hưởng nhiều ân phước thiêng liêng. Hiện nay tôi ở tại một thành phố nhỏ miền nam Hà Lan và cùng rao giảng với hội thánh khi sức khỏe cho phép. Nhìn lại, tôi có thể nói rằng tôi chưa bao giờ cảm thấy bị Đức Giê-hô-va bỏ rơi cả. Tôi luôn luôn cảm nhận được Đức Giê-hô-va và Con yêu dấu của Ngài, Chúa Giê-su, ở với tôi, ngay cả lúc khó khăn nhất.

Trong chiến tranh, tôi mất chồng, hai con, và hầu hết những người thân khác. Tuy nhiên, tôi hy vọng sẽ sớm gặp lại họ trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. Trong những lúc cô đơn, hồi tưởng lại những kinh nghiệm đã qua, tôi cảm thấy vui mừng và biết ơn khi nghĩ đến lời người viết Thi-thiên: “Thiên-sứ Đức Giê-hô-va đóng lại chung-quanh những kẻ kính-sợ Ngài, và giải-cứu họ”.—Thi-thiên 34:7.

[Chú thích]

^ đ. 25 Tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va vào thời đó ở Đức.

[Hình nơi trang 22]

Người Do Thái bị đem đi Đức từ trại tập trung ở Westerbork

[Nguồn tư liệu]

Herinneringscentrum kamp Westerbork

[Hình nơi trang 23]

Với các con tôi Carry và Silvain, cả hai đều chết trong cuộc tàn sát tập thể

[Hình nơi trang 24]

Khi bị kiểm dịch ở Thụy Điển

[Hình nơi trang 24]

Thẻ căn cước tạm cho việc hồi hương của tôi

[Hình nơi trang 25]

Với con gái Johanna của tôi hôm nay