Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ngày tòa tháp đôi sụp đổ

Ngày tòa tháp đôi sụp đổ

Ngày tòa tháp đôi sụp đổ

BIẾN CỐ ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Thành Phố New York, Washington, D.C., và Pennsylvania sẽ không phai mờ trong trí của hàng triệu người, và có lẽ cả hàng tỷ người trên thế giới. Bạn ở đâu khi thấy hoặc nghe tin tức về cuộc tấn công Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại New York và tòa Lầu Năm Góc tại Washington?

Sự mất mát về tài sản quá lớn và quá nhanh chóng đến độ không thể tin được, và quan trọng hơn nữa là rất nhiều người bị thiệt mạng đã khiến người ta phải dừng lại và suy ngẫm.

Chúng ta rút tỉa được bài học nào về những điều ưu tiên và những sự lựa chọn của chúng ta trong đời sống? Làm thế nào những biến cố bi thảm đó làm nổi bật những đức tính quý giá của con người như sự hy sinh, lòng trắc ẩn, sức chịu đựng và tính vô vị kỷ? Bài này và bài tiếp sẽ cố giải đáp thắc mắc vừa nêu lên.

Những người sống sót thuật lại

Ngay sau khi thảm họa xảy ra tại New York, hệ thống xe điện ngầm ngừng chạy và hàng ngàn người phải đi bộ ra khỏi khu hạ Manhattan. Nhiều người trong số đó băng qua cầu Brooklyn và Manhattan. Họ có thể thấy rõ những tòa nhà nhiều tầng dùng làm văn phòng và xưởng ấn loát thuộc trụ sở trung ương thế giới quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va. Chẳng mấy chốc một số người lánh nạn đi về hướng những tòa nhà này.

Alisha (hình bên phải), con của một Nhân Chứng, có mặt trong số những người tới trước tiên. Người cô phủ đầy bụi và tro. * Cô giải thích: “Đang khi ở trong xe lửa trên đường đi làm, tôi có thể thấy khói từ Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tỏa ra. Khi tới khu có thảm họa, tôi thấy các mảnh thủy tinh nằm la liệt mọi nơi và tôi cảm thấy có hơi nóng. Người ta bỏ chạy khắp các ngã, trong khi cảnh sát cố gắng sơ tán khu này. Chỗ đó trông như một bãi chiến trường”.

“Tôi chạy vào tòa nhà gần đó để trú náu. Lúc đó tôi nghe một tiếng nổ khi chiếc máy bay thứ nhì đâm vào tòa tháp lớn phía nam. Khói đen tuôn ra mọi nơi và cảnh tượng này không thể miêu tả được. Người ta bảo chúng tôi phải ra khỏi khu nguy hiểm này. Tôi được cho lên phà đi ngang Sông East để qua bên Brooklyn. Khi đến bờ bên kia, tôi nhìn lên và thấy bảng chữ to: ‘WATCHTOWER’. Trụ sở trung ương của đạo mẹ tôi! Tôi liền tìm đến tòa nhà văn phòng đó. Tôi biết là tôi sẽ được chăm lo chu đáo hơn những nơi khác. Tôi tắm rửa sạch sẽ và điện thoại cho ba mẹ tôi”.

Wendell (hình bên phải) là người giữ cửa tại khách sạn Marriott, nằm giữa hai tòa tháp. Anh giải thích: “Tôi đang làm việc tại tiền sảnh khi có tiếng nổ đầu tiên. Tôi thấy những mảnh vỡ văng ra khắp nơi. Tôi nhìn sang bên kia đường và thấy một người đang bị cháy nằm trên đường. Tôi vội cởi chiếc áo ngoài và chiếc sơ-mi và chạy sang bên đó để dập tắt lửa. Một người đi ngang qua cũng chạy đến giúp. Tất cả quần áo của ông đó bị cháy hết, ngoại trừ vớ và giày. Rồi lính chữa lửa đến và đem ông ta đi cấp cứu.

“Không lâu sau, Bryant Gumbel của đài truyền hình tin tức CBS điện thoại cho tôi để lấy lời tường thuật của người chứng kiến những gì đã xảy ra. Gia đình tôi ở quần đảo Virgin Islands xem truyền hình, nghe được chuyện đó nên biết là tôi còn sống”.

Donald, một người lực lưỡng, cao 1 mét 95, làm việc tại Trung Tâm Tài Chính Thế Giới, đang ở trên tầng 31 của tòa nhà này, nhìn thẳng sang Tòa Tháp Đôi và khách sạn Marriott. Ông nói: “Những điều tôi thấy làm tôi hết sức ngạc nhiên đến kinh hoàng và không thốt nên lời. Người ta ngã và nhảy xuống từ các cửa sổ của tòa tháp bắc. Tôi cuống cả lên và hết sức chạy thật nhanh ra khỏi tòa nhà”.

Một bà mẹ ngoài 60 tuổi và hai người con gái ngoài 40 kể lại một kinh nghiệm khác. Ruth và em gái là Joni cùng với mẹ là Janice đang ở một khách sạn gần Tòa Tháp Đôi. Ruth, làm nghề y tá, kể lại: “Tôi đang tắm. Bất thình lình mẹ và em gái hét to lên bảo tôi ra khỏi phòng tắm. Chúng tôi ở tầng 16, mẹ và em tôi thấy những mảnh vỡ rơi qua cửa sổ. Mẹ tôi thậm chí thấy xác một người lao vụt qua một mái nhà gần đó như thể bị văng ra từ đâu đó.

“Tôi vội vàng mặc quần áo và chúng tôi bắt đầu chạy xuống cầu thang. Có rất nhiều tiếng la hét. Chúng tôi chạy ra đường. Chúng tôi nghe những tiếng nổ và thấy những tia lửa. Nhà chức trách bảo chúng tôi đi nhanh về hướng nam để đến công viên Battery, là nơi phà Staten Island Ferry đậu. Trên đường đến đó, mẹ con chúng tôi lạc nhau và mẹ lại mắc bệnh suyễn kinh niên. Làm sao mà mẹ có thể sống nổi trong khi khói, tro, bụi bay mịt mù. Chúng tôi mất nửa tiếng đồng hồ tìm mẹ nhưng không thấy. Tuy nhiên, lúc đầu chúng tôi không quá lo vì mẹ rất lanh lợi và điềm tĩnh.

“Cuối cùng, nhà chức trách bảo chúng tôi đi đến cầu Brooklyn và sang bên kia. Hãy tưởng tượng chúng tôi nhẹ nhõm biết bao khi sang được bên Brooklyn và nhìn thấy tấm biển có hàng chữ lớn ‘WATCHTOWER’! Chúng tôi biết là mình đã an toàn.

“Người ta chào đón chúng tôi và cho chúng tôi chỗ ở. Chúng tôi cũng nhận được quần áo vì chỉ có một bộ đang mặc. Nhưng mẹ ở đâu? Chúng tôi thức suốt đêm hỏi thăm các bệnh viện để tìm tung tích mẹ nhưng chẳng tìm được gì. Khoảng 11 giờ rưỡi sáng hôm sau thì chúng tôi được tin. Mẹ tôi đang ở dưới nhà! Chuyện gì đã xảy ra cho mẹ tôi?”

Janice, người mẹ, kể tiếp: “Khi chúng tôi chạy vội ra khỏi khách sạn, tôi lo sợ cho một người bạn già vì bà cụ không thể đi với chúng tôi. Tôi muốn trở lại và đỡ bà cụ ra. Nhưng việc này quá nguy hiểm. Trong lúc hỗn loạn, tôi lạc mất các con. Tuy nhiên, tôi không quá lo lắng vì hai cô này khôn ngoan, vả lại Ruth lại là một y tá.

“Nhìn đâu tôi cũng thấy người ta cần giúp đỡ, đặc biệt là các em nhỏ và trẻ sơ sinh. Tôi hết sức giúp nhiều người, càng nhiều càng tốt. Tôi đến khu cứu thương, nơi các nạn nhân được phân ra và chữa trị tùy theo mức độ nghiêm trọng của vết thương. Tôi giúp rửa tay và mặt những nhân viên cảnh sát và lính chữa lửa vì họ bị bồ hóng và bụi bám thành lớp. Tôi ở lại đó cho đến khoảng ba giờ sáng, rồi lên chuyến phà cuối cùng để sang đảo Staten. Tôi tưởng hai người con gái đã sang lánh nạn ở bên đó. Nhưng tôi không thấy chúng nó.

“Đến sáng, tôi cố đi chuyến phà đầu tiên để trở lại Manhattan, nhưng không lên được vì không phải là nhân viên cấp cứu. Lúc đó tôi thấy người cảnh sát mà tôi đã giúp. Tôi kêu lớn tiếng: ‘John! Tôi cần trở lại Manhattan’. Anh ta đáp: ‘Xin bà theo tôi’.

“Khi đặt chân lên Manhattan, tôi đi về hướng khách sạn Marriott. Biết đâu tôi vẫn còn cơ hội để giúp người bạn già. Thôi hết rồi! Khách sạn đã bị đổ nát. Khu dưới phố chỉ còn là bãi tha ma, không chút sự sống, ngoại trừ những nhân viên cảnh sát và lính chữa lửa trông hốc hác, bơ phờ và trên mặt hằn nét bi thảm.

“Tôi tiếp tục đi về phía cầu Brooklyn. Khi đến gần cuối cầu, tôi thấy bảng chữ quen thuộc ‘WATCHTOWER’. Có lẽ tôi sẽ tìm thấy con gái tôi ở đó. Đúng như vậy, chúng chạy xuống phòng tiếp tân gặp tôi. Chúng tôi chảy nước mắt, ôm nhau và vui mừng khôn xiết!

“Thật lạ lùng, dù có khói, bụi và tro, tôi không bị lên một cơn suyễn nào. Tôi đã liên tục cầu nguyện vì tôi muốn hữu dụng, chứ không muốn là một gánh nặng”.

“Đâu có chỗ nào cho nó đáp xuống!”

Rachel, một thiếu nữ mới ngoài 20 tuổi, kể lại cho biên tập viên Tỉnh Thức!: “Tôi đang đi bộ trên đường nhà tôi ở khu hạ Manhattan khi nghe tiếng máy bay bay ngang trên đầu. Tiếng máy bay quá to khiến tôi phải nhìn lên. Tôi không thể tin được—một chiếc máy bay khổng lồ rõ ràng đang đáp xuống. Tôi tự hỏi tại sao nó lại bay quá thấp và nhanh như vậy. Đâu có chỗ nào cho nó đáp xuống! Có lẽ phi công đã mất tay lái, không kiểm soát được máy bay nữa. Rồi tôi nghe tiếng một người đàn bà kêu thét lên: ‘Máy bay đụng vào tòa nhà rồi!’ Một quả cầu lửa bùng lên từ tòa tháp bắc. Tôi thấy một lỗ đen khổng lồ trên tòa nhà.

“Đó là điều khiếp đảm nhất mà tôi chưa từng thấy trong đời. Nó có vẻ như là một giấc mơ. Tôi lặng người đứng đó nhìn, mồm há hốc. Chỉ trong chốc lát, một chiếc máy bay khác đâm vào tòa tháp thứ hai, và cuối cùng cả hai đều đổ ập xuống. Tôi điếng cả người. Tôi không còn chịu nổi nữa!”

“Nếu phải bơi, tôi sẽ bơi”

Denise, 16 tuổi, vừa mới đến trường. Trường cô nằm cạnh Thị Trường Chứng Khoán Hoa Kỳ và chỗ này cách Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ba khu phố. Cô nói: “Lúc đó vừa mới hơn 9 giờ sáng. Tôi biết có chuyện gì đó đã xảy ra, nhưng tôi không biết chuyện gì. Tôi đang ở trong lớp học môn lịch sử trên tầng 11. Tất cả học sinh trông đều khiếp sợ. Cô giáo vẫn muốn chúng tôi làm bài thi. Chúng tôi thì muốn ra khỏi trường và đi về.

“Rồi trường bị rung rung khi chiếc máy bay thứ nhì đụng vào tòa tháp nam. Nhưng chúng tôi vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Bỗng nhiên tôi nghe tiếng trong máy cầm tay của cô giáo nói: ‘Hai chiếc máy bay đã đâm vào Tòa Tháp Đôi!’ Tôi tự nghĩ: ‘Ở lại trong trường là điều vô lý. Đây là một vụ khủng bố và kế tiếp sẽ là Thị Trường Chứng Khoán’. Vì thế, chúng tôi ùa ra khỏi trường.

“Chúng tôi chạy đến công viên Battery. Tôi ngoảnh lại xem chuyện gì đã xảy ra. Tôi có thể thấy tòa tháp nam sắp sụp. Rồi tôi nghĩ là sẽ có tác động dây chuyền đô-mi-nô, khiến tất cả các tòa nhà cao tầng bị sụp theo. Tôi gắng sức để thở vì tro và bụi làm mũi và họng tôi bị nghẹt. Tôi chạy nhanh đến Sông East và nghĩ thầm: ‘Nếu phải bơi, tôi sẽ bơi’. Trong khi chạy, tôi cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va cứu tôi.

“Cuối cùng, tôi được cho lên phà đi New Jersey. Mẹ tôi phải mất hơn năm tiếng đồng hồ mới tìm thấy tôi, nhưng dù sao đi nữa, tôi được an toàn!”

“Phải chăng đây là ngày cuối cùng của đời tôi?”

Joshua, 28 tuổi, ở khu Prince­ton, New Jersey, đang dạy học trên tầng 40 của tòa tháp bắc. Anh thuật lại: “Bất thình lình, tôi có cảm giác như là một quả bom vừa nổ. Sau đó có những dư chấn và rồi tôi nghĩ: ‘Không phải bom. Đó chỉ là một trận động đất’. Tôi nhìn ra ngoài và quang cảnh trông thật khó tin—khói và những mảnh vỡ bay đầy chung quanh tòa nhà. Tôi nói với cả lớp: ‘Tất cả mọi người bỏ hết đồ lại. Ra khỏi đây. Lẹ lên!

“Chúng tôi chạy xuống cầu thang đầy khói và nước phun ra từ các vòi phun chống cháy. Tuy nhiên, không ai hốt hoảng. Tôi liên tục cầu nguyện cho chúng tôi chạy đúng cầu thang để không gặp lửa.

“Trong khi chạy xuống cầu thang, tôi nghĩ thầm: ‘Phải chăng đây là ngày cuối cùng của đời tôi?’ Tôi tiếp tục cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và có được một cảm giác bình an lạ lùng. Tôi chưa từng bao giờ cảm thấy được bình an trong thâm tâm như vậy. Tôi sẽ không bao giờ quên giây phút đó.

“Cuối cùng khi chúng tôi ra khỏi tòa nhà thì thấy cảnh sát đang giúp mọi người di tản. Tôi nhìn lên hai tòa tháp cao và thấy cả hai tòa nhà bị rạch thủng ra, trông rất kỳ quái.

“Rồi tôi nghe một âm thanh ghê rợn—một sự yên lặng lạ lùng như thể hàng ngàn người đang nín thở. Dường như cả Thành Phố New York đều dừng lại. Tiếp theo đó là tiếng la hét. Tòa tháp nam đổ ập xuống! Một đám khói, tro và bụi khổng lồ cuồn cuộn tuôn về phía chúng tôi. Cảnh tượng trông như trong phim với những kỹ xảo điện ảnh. Tuy nhiên, cảnh này có thật. Khi đám mây khói, bụi bắt kịp chúng tôi, chúng tôi hầu như không thở được.

“Tôi đến được cầu Manhattan và quay lại thì thấy tòa tháp bắc cùng với cây ăng-ten ti vi to lớn đổ sụp xuống. Khi đi qua cầu, tôi chỉ liên tục cầu nguyện cho tôi đến được nhà Bê-tên, trụ sở trung ương thế giới của Nhân Chứng Giê-hô-va. Cả đời, tôi chưa bao giờ cảm thấy sung sướng như thế khi thấy chỗ đó. Và nơi đó trên bức tường của xưởng in là hàng chữ to mà hàng ngàn người nhìn thấy mỗi ngày: ‘Hãy đọc Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh mỗi ngày’! Tôi tự nhủ: ‘Sắp đến nơi rồi. Cứ tiếp tục bước’.

“Khi ngẫm nghĩ về những sự kiện đã qua, tôi thấy rõ mình thật sự cần phải có lối suy nghĩ đúng đắn về những điều ưu tiên—những gì quan trọng nhất trong đời sống phải đặt lên hàng đầu”.

“Tôi thấy người ta nhảy xuống từ tòa tháp”

Jessica, 22 tuổi, thấy những điều xảy ra khi cô bước ra khỏi xe điện ngầm ở dưới phố. Cô nói: “Tôi nhìn lên và thấy tro, những mảnh vỡ và đủ các miếng kim loại rơi xuống. Người ta đứng đợi để gọi điện thoại công cộng và càng lúc càng điên cuồng hơn vì phải đợi lâu. Tôi cầu nguyện cho tôi được bình tĩnh. Rồi có một tiếng nổ khác. Thép và thủy tinh từ trên trời rơi xuống. Tôi nghe nhiều tiếng la lớn: ‘Lại một chiếc máy bay nữa!’

“Tôi nhìn lên và thấy một cảnh khủng khiếp—người ta đang nhảy xuống từ những tầng lầu cao, nơi lửa và khói cuồn cuộn bốc ra. Tôi vẫn còn có thể hình dung trước mắt cảnh một người đàn ông cùng với một người đàn bà bám chặt lấy cửa sổ được một lúc. Rồi họ phải buông ra và rơi xuống, xuống, xuống. Tôi không thể chịu nổi cảnh này.

“Cuối cùng, tôi đến cầu Brooklyn, cởi đôi giày không được thoải mái ra và chạy sang Brooklyn ở bên kia sông. Tôi đi bộ đến văn phòng Tháp Canh và lập tức được giúp đỡ để trấn tỉnh lại.

“Đêm hôm đó, tôi ở nhà đọc loạt bài ‘Đối phó với sự căng thẳng sau cuộc khủng hoảng’ trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 22-8-2001. Tôi thật cần tin tức đó biết bao!”

Mức độ nghiêm trọng của thảm họa này đã thúc đẩy người ta làm tất cả những gì có thể được để giúp đỡ. Bài tiếp sẽ giải thích phần này của câu chuyện.

[Chú thích]

^ đ. 7 Tỉnh Thức! phỏng vấn nhiều người sống sót khác nữa nhưng không thể đăng hết trong mục báo vắn tắt này. Sự hợp tác của họ đã giúp tòa soạn hoàn tất và xác thực những chuyện này.

[Bảng thống kê/​Các hình nơi trang 8, 9]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

BỊ PHÁ HỦY

1 TÒA THÁP BẮC 1 Trung Tâm Thương Mại Thế Giới

2 TÒA THÁP NAM 2 Trung Tâm Thương Mại Thế Giới

3 KHÁCH SẠN MARRIOTT 3 Trung Tâm Thương Mại Thế Giới

7 7 TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

HƯ HẠI NẶNG NỀ

4 4 TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

5 5 TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

L ONE LIBERTY PLAZA

D NGÂN HÀNG DEUTSCHE 130 Liberty St.

6 SỞ QUAN THUẾ HOA KỲ 6 Trung Tâm Thương Mại Thế Giới

N S BẮC VÀ NAM CẦU DÀNH CHO NGƯỜI ĐI BỘ

HƯ HẠI MỘT PHẦN

2F 2 TRUNG TÂM TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

3F 3 TRUNG TÂM TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

W VƯỜN MÙA ĐÔNG

[Nguồn tư liệu]

Vào ngày 4-10-2001 Bản đồ không gian 3 chiều khu hạ Manhattan của công ty Urban Data Solutions

[Các hình]

Trên cùng: Tòa tháp nam đổ xuống trước

Trên: Một số người chạy đến các tòa nhà Watchtower để ẩn náu

Bên phải: Hàng trăm lính cứu hỏa và nhân viên cấp cứu làm việc không biết mệt tại Trung Tâm Thảm Họa

[Nguồn tư liệu]

AP Photo/Jerry Torrens

Andrea Booher/FEMA News Photo

[Nguồn hình ảnh nơi trang 3]

AP Photo/Marty Lederhandler

[Nguồn hình ảnh nơi trang 4]

AP Photo/Suzanne Plunkett