Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự hỗ trợ và lòng trắc ẩn từ nhiều nơi

Sự hỗ trợ và lòng trắc ẩn từ nhiều nơi

Sự hỗ trợ và lòng trắc ẩn từ nhiều nơi

NHỮNG người tình nguyện từ nhiều nơi trên khắp nước Mỹ và cả những nước khác đến. Anh Tom, 29 tuổi, lính cứu hỏa ở Ottawa, Canada, là một trong số những người đó (hình ở trên). Anh kể lại cho Tỉnh Thức!: “Tôi thấy những biến cố đó trên truyền hình và muốn giúp đỡ các anh em cứu hỏa ở New York. Khi lái xe xuống vào ngày Thứ Sáu và đến khu Trung Tâm Thảm Họa (Ground O) vào Thứ Bảy để giúp một tay, tôi được phái đến một đội được gọi là lữ đoàn xô, dùng từng xô để đổ đi những mảnh vụn.

“Từng xẻng một, chúng tôi từ từ dọn đống đổ nát để tìm những vật có thể là manh mối giúp nhận ra những người lính cứu hỏa bị nạn. Tôi tìm thấy một dụng cụ Halligan dùng để mở những cửa bị khóa cùng với những miếng móc nối của ống nước. Đó là một việc rất cực nhọc. Khoảng 50 người tình nguyện đã mất hai tiếng đồng hồ mới xúc được đầy một xe vận tải.

“Vào Thứ Hai, ngày 17 tháng 9, chúng tôi kéo ra được xác của vài người lính cứu hỏa, những người đã xông vào tòa nhà hôm Thứ Ba tuần trước. Tôi sẽ không bao giờ quên được cảnh đó—tất cả nhân viên cấp cứu đều ngừng tay, ngả nón chào và đứng mặc niệm—bày tỏ sự kính trọng đối với những đồng đội đã ngã xuống.

“Khi đang đứng nhìn quang cảnh tại Trung Tâm Thảm Họa , tôi chợt nhận thấy đời sống ngày nay sao mỏng manh quá. Điều này làm tôi suy ngẫm về đời sống, việc làm và gia đình tôi. Dù có những rủi ro nguy hiểm, nhưng việc làm của tôi rất hữu ích vì tôi có thể giúp những người khác và ngay cả cứu mạng người nữa”.

Sự giúp đỡ thực tiễn của các Nhân Chứng

Hai ngày đầu sau khi thảm họa xảy ra, khoảng 70 người đã đến trú tại trụ sở trung ương thế giới của Nhân Chứng Giê-hô-va. Một số người mất phòng khách sạn và hành lý được cung cấp quần áo, chỗ ở và đồ ăn. Có lẽ điều quan trọng hơn nữa là họ được các trưởng lão tín đồ Đấng Christ đầy kinh nghiệm an ủi.

Nhân Chứng Giê-hô-va cũng gửi những dụng cụ và thiết bị cấp cứu cần thiết cho đội tìm kiếm và cấp cứu đang làm việc tại chỗ về sau được gọi là Trung Tâm Thảm Họa. Phương tiện di chuyển cũng được cung cấp cho sở cứu hỏa để đưa lính cứu hỏa đến địa điểm cứu người. Anh Ricardo (hình ở trên, bên phải), một Nhân Chứng 39 tuổi, là nhân viên vệ sinh. Anh cũng tham gia và cùng với hàng trăm người khác xúc hàng tấn mảnh vỡ đi đổ hết ngày này sang ngày khác. Anh nói với Tỉnh Thức!: “Cảnh tượng rất là căng thẳng, nhất là đối với các người lính cứu hỏa đi tìm xác đồng đội mình. Tôi thấy họ kéo ra được một người lính cứu hỏa vẫn còn sống. Một người lính cứu hỏa khác thiệt mạng vì bị xác một người rơi trúng. Nhiều người lính cứu hỏa khóc. Tôi không kiềm lòng được và bật khóc. Ngày hôm đó không ai can đảm hơn họ”.

“Thời thế và sự bất trắc”

Hàng ngàn người đã thiệt mạng trong thảm họa này. Trong số này có ít nhất 14 Nhân Chứng. Họ đã tình cờ có mặt tại nơi xảy ra thảm họa hoặc ở gần đó. Joyce Cummings, 65 tuổi, quê quán ở Trinidad, có hẹn với nha sĩ gần Trung Tâm Thương Mại Thế Giới. Đáng tiếc là cái hẹn của bà vào khoảng giờ thảm họa xảy ra. Dường như bà bị khói làm ngộp thở và được đưa cấp tốc vào bệnh viện gần đó. Người ta đã không thể cứu được bà. Bà là một trong nhiều nạn nhân của “thời thế và sự bất trắc”. (Truyền-đạo 9:11, NW) Bà có tiếng là người truyền giáo sốt sắng.

Calvin Dawson (xem trong khung) làm việc tại một hãng môi giới trên tầng thứ 84 của tòa tháp nam. Anh đang ở trong văn phòng và chứng kiến rõ ràng cảnh tòa tháp bắc ngay sau khi bị máy bay đâm vào. Ông chủ của anh, lúc đó không có mặt tại văn phòng, đã gọi điện thoại vào để xem chuyện gì xảy ra. Ông nói: “Anh Calvin cố gắng cho tôi biết những gì anh thấy. Anh nói: ‘Người ta đang nhảy xuống!’ Tôi bảo anh ra khỏi nơi đó và kêu những người khác rời khỏi văn phòng”. Calvin đã không kịp ra. Ông chủ nói tiếp: “Anh Calvin là một người rất tốt và tất cả chúng tôi đều quý mến anh, kể cả những người như chúng tôi không có khuynh hướng thiêng liêng như anh. Chúng tôi khâm phục sự sùng đạo và nhân hậu của anh”.

Một nạn nhân khác cũng là Nhân Chứng là anh James Amato (hình góc bên phải, phía dưới của trang trước). Anh có bốn con và là đội trưởng của sở cứu hỏa New York. Những người biết anh đều nói rằng anh can đảm đến độ “sẵn sàng đi lên lầu một tòa nhà đang cháy để chữa cháy trong khi người khác thì chạy đi”. Anh được thăng chức vắng mặt lên bậc tiều đoàn trưởng.

Một Nhân Chứng khác cũng là lính cứu hỏa với bảy năm kinh nghiệm là anh George DiPasquale. Anh lập gia đình với chị Melissa và có một con gái lên hai tên là Georgia Rose. Anh là trưởng lão của hội thánh Staten Island của Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh George đang ở trên tầng thứ mười của tòa tháp nam khi nó sụp xuống. Anh cũng hy sinh trong khi cố cứu những người khác.

Đây chỉ là hai trong số hàng trăm người lính cứu hỏa, cảnh sát và nhân viên cấp cứu đã thiệt mạng trong khi cố gắng một cách dũng cảm để cứu người khác. Không thể kể hết lòng can trường của họ. Thị trưởng của Thành Phố New York là ông Rudolph Giuliani sau đó đã nói với một nhóm lính cứu hỏa được thăng chức: “Việc các bạn sẵn lòng tiến lên một cách quả cảm trong những hoàn cảnh hiểm nghèo nhất là một nguồn khích lệ cho tất cả chúng tôi... Và không có... gương can đảm nào hơn là gương của Sở Cứu Hỏa Thành Phố New York”.

Thánh chức đem an ủi

Trong suốt những ngày sau thảm họa, khoảng 900.000 Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp Hoa Kỳ nhất quyết đem an ủi đến cho những người đang đau buồn. Tình yêu thương người lân cận thúc đẩy họ an ủi những người than khóc. (Ma-thi-ơ 22:39) Trong thánh chức, họ cũng cố hết sức cho người ta thấy rõ hy vọng duy nhất cho nhân loại đau khổ.—2 Phi-e-rơ 3:13.

Các Nhân Chứng bày tỏ lòng trắc ẩn khi tiếp xúc với công chúng. Ý định của họ là đem sự an ủi của Kinh Thánh đến cho người khác và noi theo gương của Đấng Christ, là đấng đã từng nói: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”.—Ma-thi-ơ 11:28-30.

Các nhóm trưởng lão thuộc các hội thánh địa phương tại Manhattan được phép vào Trung Tâm Thảm Họa để trò chuyện và an ủi những nhân viên cấp cứu tại đó. Các nhân viên này đáp ứng rất tích cực. Các anh truyền giáo nhận xét: “Những người đàn ông rưng rưng nước mắt khi chúng tôi chia sẻ các câu Kinh Thánh với họ”. Nhân viên cấp cứu nghỉ hồi sức trên một chiếc tàu đậu tại bến tàu. Các anh nói tiếp: “Họ trông thật lạc lõng, đầu gục xuống, không thể chịu nổi những gì họ đã thấy. Chúng tôi ngồi cạnh họ và chia sẻ những câu Kinh Thánh. Những người này cám ơn chúng tôi rất nhiều vì đã đến với họ và nói rằng họ thật sự cần sự an ủi này”.

Nhiều người được tiếp xúc sau thảm họa muốn có tài liệu để đọc và họ đã được tặng hàng ngàn cuốn sách mỏng. Một số sách mỏng này có tựa đề là Khi một người thân yêu chết đi, Thượng đế có thật sự quan tâm đến chúng ta không?, Sẽ bao giờ có một thế giới không còn chiến tranh không? (Anh ngữ). Ngoài ra, loạt bài liên quan đến chủ đề đăng ngoài trang bìa của hai số Tỉnh Thức! (Anh ngữ) “Cái nhìn mới về nạn khủng bố” (ngày 22-5-2001) và “Đối phó với sự căng thẳng sau cuộc khủng hoảng” (ngày 22-8-2001) cũng đặc biệt được chú ý. Trong nhiều trường hợp, Nhân Chứng Giê-hô-va giải thích về hy vọng có sự sống lại được ghi trong Kinh Thánh. (Giăng 5:28, 29; Công-vụ 24:15) Có lẽ thông điệp đầy an ủi này đã được đem đến cho hàng triệu người rồi.

Nó khiến chúng ta nên suy nghĩ

Những thảm họa như tại Thành Phố New York khiến tất cả chúng ta nên suy nghĩ sâu xa về cách sử dụng đời sống mình. Chúng ta đang theo đuổi những mục tiêu ích kỷ hoặc cố gắng mang lại hạnh phúc cho người khác? Nhà tiên tri Mi-chê đưa ra một câu hỏi: “Cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (Mi-chê 6:8) Lòng khiêm nhường thúc đẩy chúng ta nên đến với Lời Đức Chúa Trời để tìm hy vọng thật sự cho những người đã qua đời, và để thấy những gì Đức Chúa Trời sắp thực hiện hầu tái lập Địa Đàng trên đất này. Nếu bạn muốn biết thêm về những lời hứa trong Kinh Thánh, chúng tôi khuyến khích bạn liên lạc với Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương.—Ê-sai 65:17, 21-25; Khải-huyền 21:1-4.

[Khung/​Hình nơi trang 11]

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA TATIANA

Chị Lena, góa phụ của anh Calvin Dawson, kể lại cho Tỉnh Thức! về lời cầu nguyện của đứa con gái bảy tuổi vài ngày sau khi em biết là cha em sẽ không về nhà. Chị Lena vừa cầu nguyện xong, bé Tatiana hỏi: “Mẹ ơi, con có thể cầu nguyện được không?” Mẹ em đồng ý. Tatiana cầu nguyện như sau: “Lạy Đức Giê-hô-va, Cha chúng con trên trời, xin cám ơn Cha đã cho chúng con đồ ăn và sự sống này. Xin Cha ban thánh linh cho con và mẹ để chúng con có thể được mạnh mẽ. Và xin thánh linh của Cha ở cùng với ba để ba có thể được mạnh mẽ khi ba trở về. Và khi ba trở về, xin cho ba dễ thương, mạnh mẽ, và vui vẻ, và mạnh khỏe, và chúng con sẽ gặp lại ba. Nhân danh Chúa Giê-su... ý, và xin Cha đừng quên giúp cho mẹ được mạnh mẽ. A-men”.

Chị Lena nghĩ có lẽ Tatiana chưa hiểu rõ nên nói: “Tatiana ơi, con cầu nguyện hay lắm. Nhưng con cưng của mẹ à, con có biết là ba sẽ không trở về nữa không?” Nét mặt của Tatiana liền hiện lên vẻ sửng sốt. Em nói: “Ba sẽ không về hả mẹ?” Mẹ em nói: “Không. Mẹ nghĩ là mẹ đã nói cho con biết rồi. Mẹ tưởng là con đã hiểu ba sẽ không trở lại”. Tatiana đáp: “Nhưng lúc nào mẹ cũng nói với con là ba sẽ trở lại trong thế giới mới mà!” Sau cùng, nhận ra được ý con, chị Lena nói: “Mẹ xin lỗi con nghe, Tatiana! Mẹ hiểu lầm con. Mẹ tưởng con có ý nói là ba sẽ trở về ngày mai”. Chị Lena nhận xét: “Tôi cảm thấy vui vì thế giới mới có thật đối với cháu đến độ đó”.