Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đương đầu với thách đố của vai trò làm mẹ

Đương đầu với thách đố của vai trò làm mẹ

Đương đầu với thách đố của vai trò làm mẹ

Vì trẻ thơ là thế hệ tương lai, nên những người phụ nữ sinh thành và dưỡng dục chúng, những người mẹ, chắc chắn đáng được quý trọng và ủng hộ. Mặc dù thế giới ngày nay có nhiều quan điểm bất đồng về vai trò người mẹ, nhưng Kinh Thánh khẳng định con cái là ân phước đến từ Đức Chúa Trời, và có thể là một nguồn hạnh phúc cho cha mẹ. (Thi-thiên 127:3-5) Tuy nhiên, Kinh Thánh không phải không quan tâm đến thực trạng của việc làm mẹ. Trong đó có ghi lại nhiều thách đố của vai trò này.

Những quyết định của cha mẹ về cách nuôi dạy con cái, về vai trò của người mẹ có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài trên đời sống và tính cách của trẻ. Những quyết định ấy cũng có thể tạo nên những thay đổi lớn trong lối sống của chính các bậc cha mẹ, vì thế họ cần suy tính cẩn thận. Sau đây là những điều cần phải quyết định: Người mẹ có nên đi làm không? Nếu có, giờ giấc thế nào? Ai sẽ chăm sóc con cái khi người mẹ đi làm? Cuối cùng, cha mẹ phải chọn những điều họ tin là tốt nhất cho con cái, và đúng trước mắt Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, các bà mẹ không nên cảm thấy đơn độc trong lúc cố gắng quyết định vấn đề một cách khôn ngoan. Họ có thể tìm được nhiều an ủi từ những lời nơi Ê-sai 40:11, cho biết Đức Chúa Trời đặc biệt quan tâm đến nhu cầu của những người mẹ và trẻ thơ—Ngài sẽ “từ-từ dắt” họ. Đức Chúa Trời thể hiện sự quan tâm nhiệt thành đó qua việc cung cấp một số hướng dẫn trong Kinh Thánh để giúp các người mẹ vui thích chu toàn vai trò của họ cách mỹ mãn.

Hãy có tính phải lẽ: Tín đồ Đấng Christ nên được tiếng là người có tính phải lẽ. (Phi-líp 4:5, NW) Bà Janet Penley, một nhà văn đồng thời cũng là một người mẹ, đã nhận thức được giá trị của nguyên tắc này. Bà nói: “Khi mới bắt đầu làm mẹ, tôi có rất nhiều cao vọng. Tôi muốn là người mẹ lý tưởng nhất. Tôi đọc tất cả các sách và lắng nghe tất cả các chuyên gia. Nhưng thay vì trở nên đảm đang, tôi lại cảm thấy mình kém cỏi và căng thẳng tột bực”. Bà nhận xét: “Cố gắng chạy theo tiêu chuẩn của người khác và rập theo một khuôn mẫu ‘lý tưởng’ nào đó chỉ khiến bạn mất tinh thần, thêm lo lắng và mang mặc cảm tội lỗi mà thôi”.

Hãy đơn giản hóa: Tạp chí Newsweek viết: “Trong thế giới quay cuồng này, điều mà các gia đình có nguy cơ đánh mất là sự hồn nhiên của tuổi thơ và hạnh phúc trong cuộc sống gia đình”. Đó là lý do tại sao nhiều người mẹ mong ước có đời sống đơn giản hơn. Làm thế nào đạt được điều này? Trước hết, hãy lập thứ tự những điều ưu tiên, chú ý đến “những điều quan trọng hơn”, trong đó có thời gian chăm sóc cho nhu cầu của con cái. (Phi-líp 1:10, 11, NW) Kế đến, hãy xét lại lối sống bạn. Có thể bạn cần bỏ bớt những sinh hoạt và tài sản không thật sự cần thiết.

Điều gì là quan trọng nhất trong đời bạn? Có phải là có được ngay mọi thứ không, hay bạn có thể tạm hoãn vài việc để thực hiện những mục tiêu cấp thiết trước? Chị Carolyn, một người mẹ có khả năng tài chính eo hẹp, cho biết cách chị xoay sở: “Tôi sống đơn giản và giảm bớt chi tiêu”. Chị Gloria, có ba con, kể: “Chúng tôi không có tiền mua hàng hiệu, nhưng bù lại tôi tự may quần áo cho các cháu và bảo chúng thế mới đặc biệt vì không ai có”.

Lời Đức Chúa Trời nói người “giữ lấy sự thông-sáng tìm được phước-hạnh”. (Châm-ngôn 19:8) Cần có sự thông sáng để biết chọn lọc từ vô số trò giải trí, đồ dùng mới lạ và trào lưu đang bủa vây các bà mẹ và trẻ em. Judith, một người mẹ ở Nam Phi, than: “Chúng ta luôn bị tấn công dồn dập bởi vô số sản phẩm mới, kỹ thuật tân tiến hơn và đủ mọi loại dịch vụ!” Đây là cách Angela, một người mẹ có bốn con ở Đức, đối phó với thách đố này: “Bạn phải xem điều gì là cần thiết và hữu ích cho bạn, và dạy con cái cũng làm như vậy”.

Thực hiện những thay đổi có thể được: Kinh Thánh khuyên: “Hãy dùng óc phán đoán và suy xét sáng suốt”. (Châm-ngôn 3:21, Contemporary English Version) Nếu hiện bạn đang đi làm, liệu riêng thu nhập của chồng có đủ nuôi gia đình không? Để trả lời câu hỏi này, hãy tính xem lương bạn thật sự còn lại bao nhiêu sau khi trừ thuế, tiền gửi con, chi phí đi lại, quần áo, ăn ngoài, và những thứ khác. Ngoài ra, thu nhập của chồng bạn còn có thể bị đánh thuế nhiều hơn nếu thu nhập chung của hai người nằm trong hạn ngạch thuế cao hơn. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên vì số tiền ít ỏi còn lại.

Một số người bớt thời gian làm việc hoặc tìm việc ở gần nhà hơn. Thu nhập của họ có thể ít đi nhưng bù lại họ có thêm thời gian với con cái. Nếu bạn quyết định nghỉ làm trong khi công việc là yếu tố quan trọng khiến bạn cảm thấy mình có giá trị và thành đạt, hãy tìm cách duy trì những cảm giác quan trọng này trong khi ở nhà.

Tìm sự giúp đỡ: Lời Đức Chúa Trời nhiều lần cho thấy “tiếng kêu-van” có thể mang lại kết quả. (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:23, 24; Thi-thiên 34:15) Trước tiếng kêu van của người mẹ, người chồng có thể ra tay giúp đỡ. Với sự hợp tác của chồng, bạn có thể phân chia công việc nhà để có thời gian thực hiện những mục tiêu mà hai người cùng đề ra, chẳng hạn như dành thời gian cho con cái. Nếu có thể, người mẹ nên phối hợp với những người thân, gồm gia đình và những bạn bè thân tín có cùng mục tiêu và mối quan tâm để nhờ giúp đỡ.

Nhiều người mẹ tìm được sự trợ giúp quý giá từ anh em đồng đức tin trong hội thánh. Maria, một người mẹ có ba con, đã nhận thấy rằng “gần gũi hội thánh” là một trong những cách “để nhận được tình yêu thương, sự thương xót và quan tâm của Đức Chúa Trời”.

Hãy dành thời gian nghỉ ngơi: Ngay cả Chúa Giê-su, một người hoàn toàn và đầy sinh lực, cũng mời môn đồ “đi tẻ ra trong nơi vắng-vẻ, nghỉ-ngơi một chút”. (Mác 6:30-32) Sự thành công của người mẹ tùy thuộc nơi khả năng giữ thăng bằng trong những lúc bận bịu. Đúng là con cái cần bạn, nhưng phải là trong trạng thái vui vẻ, dễ chịu. Vì thế, bạn cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Angela, được nói đến ở trên, đã lập thời khóa biểu để nghỉ ngơi: “Tôi dành thời gian yên tĩnh buổi sáng để có ít nhất nửa giờ cho riêng mình. Ngoài ra, mỗi tuần vợ chồng tôi có một hoặc hai buổi tối với nhau, bọn trẻ phải tự chơi hoặc làm việc yên lặng ở một chỗ khác trong nhà. Nhờ vậy, chúng tôi có một giờ đồng hồ riêng cho mình”.

Đặt ưu tiên những điều thiêng liêng: Một số người nhận xét thấy những thách đố của việc làm mẹ càng nghiêm trọng hơn khi thiếu mục tiêu rõ ràng và không có thứ tự ưu tiên. Các gia đình tín đồ Đấng Christ hạnh phúc hơn khi họ cùng cố gắng đặt ý muốn Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống. Sứ đồ Phao-lô viết: “Sự tin-kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa”. (1 Ti-mô-thê 4:8) Những gia đình sống tin kính và làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh sẽ tìm thấy hạnh phúc. Ngay dù chỉ một người trong gia đình áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh cũng tốt hơn là chẳng có ai.

Adele, một người mẹ tín đồ Đấng Christ đi làm cả ngày, đã thấy được lợi ích của việc có tinh thần thiêng liêng. Chị nói: “Chúng ta có vô số hướng dẫn và thông tin trong các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh giúp hiểu những điều con cái đang phải đương đầu, và cách giúp đỡ chúng. Chỉ cần thấy con cái áp dụng những điều thiêng liêng bạn dạy cũng đủ bù đắp mọi công lao. Qua những tiến bộ nhỏ trong hành vi hoặc cách suy nghĩ của con, bạn biết chúng đã tiếp thu sự dạy dỗ, và những cố gắng của bạn được đền đáp xứng đáng”. *

Thật vậy, những người làm mẹ có thể thành công trong cuộc đua nhiều chướng ngại của họ. Chính Đức Chúa Trời đã cho lời bảo đảm đầy an ủi rằng nỗ lực của những người mẹ hy sinh, cần cù, và nương cậy nơi Ngài sẽ không luống công. Những người mẹ xây dựng mối quan hệ mật thiết với Ngài tìm được sự an ủi nơi lời Ngài hứa “ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn”.—Ê-sai 40:29.

[Chú thích]

^ đ. 16 Nhân Chứng Giê-hô-va đã xuất bản một số ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh để dạy con cái, như Sách kể chuyện Kinh-thánh, Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc.

[Khung nơi trang 10]

Ảnh hưởng của người mẹ

Là mẹ, có lẽ đôi khi bạn tự hỏi mình ảnh hưởng thế nào đến đời sống con cái. Nhiều khi tác động của bạn bè, thầy cô, các chương trình giải trí, trò chơi điện tử và âm nhạc dường như lấn át cả ảnh hưởng của bạn.

Hãy xem trường hợp của Giô-kê-bết, mẹ của Môi-se. Bà sống trong một thời buổi cực kỳ khó khăn và hầu như không có quyền định đoạt đời sống con trai mình. Tuy nhiên, bà đã tận dụng những cơ hội có được để định hướng cho sự phát triển của con mình. Trước hết, bà đã can đảm làm theo đức tin khi tìm cách cứu Môi-se khỏi bị chết. Đức Chúa Trời đã ban thưởng cho niềm tin của bà không chỉ bằng cách cứu đứa trẻ, mà còn sắp xếp cho bà được làm vú nuôi, và làm mẹ Môi-se nữa.—Xuất Ê-díp-tô Ký 1:15, 16; 2:1-10.

Rõ ràng, Giô-kê-bết đã góp phần uốn nắn nhân cách con mình. Khi lớn lên, dù có quan hệ với hoàng tộc Ai Cập, nhưng Môi-se vẫn nhận mình là dân Hê-bơ-rơ và nhìn nhận Đức Chúa Trời của họ. Điều đó cho thấy ảnh hưởng lớn của cha mẹ ông trong những năm ông hình thành nhân cách.—Hê-bơ-rơ 11:24-26.

Là người làm mẹ, hẳn bạn có nhiều cơ hội để ảnh hưởng đến con mình hơn Giô-kê-bết. Bạn có đang tận dụng thời thơ ấu ngắn ngủi của con để dạy chúng sự tin kính và những điều có giá trị lâu dài không? Hay bạn để những quan điểm và tập quán thịnh hành trong xã hội trở thành tác động chính trên sự phát triển của con mình?

[Các hình nơi trang 10]

Hãy phân chia việc nhà, dành chút thời gian cho riêng mình, và đặt ưu tiên những điều thiêng liêng