Cuộc đua nhiều chướng ngại trong vai trò làm mẹ
Cuộc đua nhiều chướng ngại trong vai trò làm mẹ
Làm mẹ là một hành trình đầy cam go và thú vị. Người mẹ có những giây phút vô cùng quý giá, không gì có thể đánh đổi được. Tuy nhiên, đôi khi một số người mẹ cũng cảm thấy gần như kiệt sức. Helen ví đời làm mẹ như một cuộc đua nhiều chướng ngại. Và dường như các chướng ngại ấy cứ ngày càng nhiều hơn và cao hơn.
Người mẹ có thể phải hy sinh thời gian rảnh rỗi và phần lớn các cuộc giao tiếp xã hội để chăm sóc con được chu đáo. Esther, một người mẹ có năm con, nói: “Lúc nào cũng phải ở bên chúng. Tôi phải đánh đổi những giờ phút thư giãn trong bồn tắm với việc tắm vội bằng vòi sen, thế những bữa ăn tình tứ bằng đồ ăn liền. Có nhiều chỗ tôi muốn đi nhưng chưa bao giờ đi được, nhiều nơi muốn xem chưa bao giờ xem được, và nhiều việc muốn làm chưa bao giờ làm được. Nhưng ít nhất mớ quần áo thì đã giặt xong và sắp xếp ngăn nắp!”
Dĩ nhiên, hầu hết các bà mẹ cũng nói đến những niềm vui không gì sánh được trong lúc nuôi dạy con cái. Esther nói: “Một *
nụ cười, những tiếng ‘Cám ơn mẹ’ ngọt ngào, và những cái ôm ấm áp—đó là nhiên liệu giúp bạn tiếp tục làm việc”.Người mẹ đi làm
Đối với nhiều người, chướng ngại chính khiến vai trò làm mẹ trở nên phức tạp đó là vừa phải chu toàn những trách nhiệm truyền thống trong nhà, vừa phải đi làm phụ nuôi gia đình. Nhiều người trong số họ đi làm không phải vì thích, mà vì hoàn cảnh bắt buộc. Họ hiểu rằng nếu họ ở nhà, gia đình và đặc biệt là con cái sẽ thiếu thốn nhiều thứ. Đồng lương của họ rất quan trọng, dù thường thấp hơn mức lương của những người đàn ông làm công việc tương tự.
Chẳng hạn, ở São Paulo, Brazil, 42 phần trăm lực lượng lao động là nữ. Một tờ báo địa phương cho biết ngày càng hiếm những người mẹ ở nhà nuôi con. Còn ở miền quê Phi Châu, cảnh người phụ nữ với bó củi trên đầu và đứa con sau lưng là điều thường thấy.
Những đòi hỏi của nơi làm việc
Ngoài những chướng ngại kể trên, thị trường lao động có thể còn đòi hỏi người mẹ phải làm việc nhiều giờ. Những đòi hỏi ấy không chỉ dừng lại ở đó. Khi nhận Maria, một phụ nữ ở Hy Lạp, vào làm việc, người chủ đã yêu cầu cô phải ký cam kết không có thai trong ba năm. Nếu có thai, cô sẽ phải bồi thường. Maria ký cam kết. Nhưng một năm rưỡi sau, cô có thai, thế là chủ đưa tờ cam kết ra. Maria đã ra tòa kiện chính sách của công ty, và nay đang chờ kết quả.
Trong những trường hợp ít khắt khe hơn, chủ có thể gây áp lực buộc người mẹ phải sớm trở lại làm việc sau khi sanh. Và khi trở lại, họ thường không được giảm giờ làm. Như vậy, họ hoàn toàn không được hưởng chút chế độ ưu đãi nào, mặc dù nay đã có thêm trách nhiệm với một đứa bé. Họ sẽ gặp khó khăn về tài chính nếu xin nghỉ phép nhiều. Ngoài ra, các bà mẹ còn phải đối phó với vấn đề nơi trông trẻ kém chất lượng và chế độ trợ cấp nghèo nàn của chính phủ.
Mặt khác, có những người mẹ đi làm không phải vì nhu cầu kinh tế mà vì muốn tự khẳng định mình. Sau mỗi lần sanh hai đứa con, Sandra đều quyết định trở lại làm việc. Cô nhớ lại những khi thấy mình bỗng dưng ở nhà một mình với một đứa bé, cô cứ “đứng nhìn ra cửa sổ và tự hỏi không biết bên ngoài người ta đang làm gì”. Một số khác đi làm để thoát khỏi sự căng thẳng của đời sống gia đình. Tờ Daily Telegraph của Anh tường thuật: “Một số cha mẹ tìm cách làm thêm giờ để được ở lại trong cảnh tương đối thanh tịnh của sở làm. Điều đó chỉ tạo ra một vòng lẩn quẩn, khiến họ càng có ít thời gian để dạy dỗ những đứa con ngày càng trở nên thờ ơ, hay gây gỗ, hung hăng và hư hỏng”.
Cố gắng giữ thăng bằng
Giữ thăng bằng giữa công việc và gia đình không phải là điều dễ dàng. Phản ánh tâm trạng chung của nhiều người mẹ, một phụ nữ ở Hà Lan nói: “Mệt ơi là mệt! Thậm chí ngủ dậy vẫn còn mệt. Mới đi làm về, tôi đã thấy rã rời. Bọn trẻ bảo: ‘Mẹ lúc nào cũng mệt’, và điều đó khiến tôi cảm thấy có lỗi. Tôi vừa muốn đi làm vừa muốn gần gũi con cái và chu toàn mọi việc. Nhưng tôi không phải là hình ảnh người mẹ hoàn hảo như ý mình muốn”.
Chị là một trong hàng triệu người mẹ đi làm đã tin rằng ‘thời gian có chất lượng’ dành cho
con cái có thể bù đắp phần nào sự vắng mặt thường xuyên của người mẹ. Và chị đã nhận ra đó là một ý niệm rất thiếu sót. Nhiều người mẹ ngày nay cho biết họ đã phải đầu tắt mặt tối, mệt nhoài vì vừa phải đối phó với những căng thẳng trong công việc, lại vừa gánh vác trách nhiệm gia đình, mà lương thì chẳng được bao nhiêu.Khi xa mẹ, đứa trẻ bị tước đi những gì cần thiết nhất: thời gian và sự chăm sóc của người mẹ. Bà Fernanda A. Lima, một chuyên gia về tâm lý trẻ em ở Brazil, cho biết không ai có thể chu toàn vai trò của người mẹ tốt bằng chính người mẹ. Bà nói: “Hai năm đầu trong đời trẻ là những năm quan trọng nhất. Đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể hiểu tại sao mẹ không có ở đó với nó”. Người khác có thể bù đắp phần nào nhu cầu cần mẹ của trẻ, nhưng không thể thay thế vai trò của người mẹ. Bà Lima nói: “Trẻ có thể cảm nhận được khi thiếu sự chăm sóc yêu thương của người mẹ”.
Chị Kathy, có một bé gái và đang làm việc trọn thời gian, nói: ‘Tôi cảm thấy rất có lỗi, như thể tôi bỏ rơi nó [ở nhà trẻ] vậy. Thật khổ tâm khi biết mình đang bỏ mất cơ hội nhìn thấy con lớn lên và phát triển, và thật lạ khi nghĩ đến việc nó thích đi nhà trẻ hơn là ở với mình’. Một nữ tiếp viên hàng không ở Mexico thừa nhận: “Sau một thời gian, con bạn không còn nhận ra bạn nữa, chúng không kính trọng bạn đơn giản chỉ vì bạn không nuôi chúng. Chúng vẫn biết bạn là mẹ chúng, nhưng chúng thích ở bên bà vú nuôi hơn”.
Mặt khác, những người mẹ ở nhà nuôi con lại nói rằng họ phải chịu sự xem thường của xã hội, thích đề cao công việc được trả lương. Một số xã hội không còn xem trọng vị trí của người nội trợ nữa, vì thế phụ nữ cảm thấy cần phải tạo sự nghiệp riêng cho mình, ngay dù thu nhập của họ không cần thiết.
Phải xoay sở một mình
Bên cạnh những chướng ngại đó là sự thật phũ phàng này: Mệt mỏi sau trọn một ngày làm việc, về nhà người mẹ không được nghỉ ngơi mà phải tiếp tục những công việc nhà hàng ngày. Dù có đi làm hay không, người mẹ vẫn được xem là người có trách nhiệm chính lo việc nhà và chăm sóc con cái.
Mặc dù ngày càng có nhiều người mẹ phải làm việc nhiều giờ hơn, nhưng các ông bố không phải lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ. Tờ The Sunday Times của Luân Đôn viết: “Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy Anh Quốc là quốc gia có các ông bố luôn vắng nhà, và đàn ông chỉ dành khoảng 15 phút mỗi ngày cho con cái... Nhiều người đàn ông không thích ở bên gia đình... Trái lại, một người mẹ đi làm ở Anh dành đến 90 phút mỗi ngày với con cái”.
Một số người chồng than phiền rằng các bà vợ không muốn giao công việc cho họ vì các bà luôn muốn mọi việc phải được thực hiện y như
cách họ vẫn thường làm. Các đức ông chồng nói: “Nếu làm khác là sai”. Rõ ràng, muốn có sự hợp tác của người chồng, người vợ mệt mỏi có lẽ phải sẵn sàng linh động trong cách thực hiện một số việc nhà. Mặt khác, người chồng cũng không nên viện cớ đó để trốn việc nhà.Thêm chướng ngại vật
Thêm vào đó là những truyền thống lâu đời. Ở Nhật, người mẹ bị áp lực phải nuôi dạy con mình sao cho tương đương với những đứa trẻ đồng lứa khác. Nếu những đứa trẻ khác được
học đàn, học vẽ, người mẹ cũng buộc phải cho con mình đi học thêm những môn đó. Trường học thì tạo áp lực để cha mẹ cho con cái tham gia các sinh hoạt ngoại khóa như các đứa trẻ khác. Nếu làm khác, con cái họ có thể bị những đứa trẻ khác, thầy cô, các bậc phụ huynh, và bà con gièm chê. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các nước khác.Ngoài ra, công nghiệp quảng cáo và chủ nghĩa tiêu thụ có thể khiến con cái trở nên đua đòi. Ở các nước phát triển, đôi khi người mẹ cảm thấy phải mua cho con những thứ chúng đòi chỉ vì những người mẹ khác đã làm thế. Nếu không đủ khả năng mua, họ có thể cảm thấy thua kém.
Bài bình luận này về vai trò làm mẹ thời nay không hề có mục đích làm lu mờ công trạng của hàng triệu người mẹ đang cực khổ hy sinh, cố gắng hết sức để chu toàn nghĩa vụ cao quý nhất: nuôi dạy thế hệ tương lai của gia đình nhân loại. Đó là một thiên chức. Kinh Thánh nói: “Con cái là hồng ân của CHÚA”. (Thi-thiên 127:3, Tòa Tổng Giám Mục) Miriam, có hai con, tiêu biểu cho những người mẹ được phần thưởng như thế. Chị nói: “Mặc dù có nhiều khó khăn thử thách, người mẹ vẫn có những niềm vui không gì có thể sánh được. Chúng tôi mãn nguyện khi thấy con cái chấp nhận sự dạy dỗ, kỷ luật và trở thành những công dân tốt có ý thức trách nhiệm trong xã hội”.
Điều gì có thể giúp các bà mẹ có thêm niềm vui thích trong sự ban cho này? Bài kế tiếp sẽ nêu lên một số đề nghị thực tế.
[Chú thích]
^ đ. 4 Loạt bài này chủ yếu nói về những người mẹ có chồng. Trong tương lai, Tỉnh Thức! sẽ viết về thử thách của những người mẹ một mình nuôi con.
[Khung nơi trang 6]
“Ngày Lễ Các Bà Mẹ”
Sự bần cùng, thất học, thường xuyên bị hành hung, người hôn phối vô trách nhiệm, và đại dịch AIDS là những tai họa đang tấn công vào các bà mẹ ở miền nam Châu Phi. Vừa qua, nhân dịp Ngày Lễ Các Bà Mẹ, tờ The Citizen của Nam Phi đã tường thuật: “Hàng ngàn phụ nữ sẽ bị người hôn phối hành hung, và một số sẽ không sống sót qua Ngày Lễ Các Bà Mẹ”. Những vấn đề như thế khiến mỗi năm có đến hàng ngàn bà mẹ ở Nam Phi bỏ rơi con. Trong hai năm gần đây, số trẻ bị bỏ rơi đã gia tăng 25 phần trăm. Thê thảm hơn nữa là số phụ nữ tự tử cũng đang ngày một nhiều thêm. Mới đây, một phụ nữ sống trong một khu ổ chuột đã ôm ba đứa con ra đứng trước một chiếc xe lửa đang lao tới. Tất cả đều bị chết. Để đủ sống qua ngày, một số bà mẹ phải quay sang làm nghề mại dâm và bán ma túy, hoặc đẩy con gái vào con đường đó.
Một báo cáo ở Hồng Kông cho biết “một số bà mẹ trẻ đã giết con khi chúng vừa chào đời, hoặc bỏ con vào thùng rác vì không chịu nổi áp lực”. Tờ South China Morning Post bình luận rằng một số bà mẹ trẻ ở Hồng Kông “hiện ở trong tình trạng căng thẳng đến độ có thể dẫn đến suy sụp thần kinh và tự tử”.
[Khung nơi trang 7]
Tình trạng của các bà mẹ ở một số nước
Thì giờ eo hẹp
❖ Một cuộc thăm dò ở Hồng Kông cho thấy 60 phần trăm các bà mẹ đi làm đều nghĩ mình không dành đủ thời gian cho con cái. Vào các ngày cha mẹ làm việc, 20 phần trăm trẻ từ ba tuổi trở xuống phải ở xa nhà, thường là với ông bà.
❖ Phụ nữ ở Mexico dành khoảng 13 năm đời họ để chăm sóc cho những đứa con dưới năm tuổi.
Các bà mẹ và công việc
❖ Ở Ireland, 60 phần trăm phụ nữ ở nhà nuôi con. Ở Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha, con số này là 40 phần trăm.
Được phụ giúp việc nhà
❖ Ở Nhật, 80 phần trăm các bà nội trợ nói rằng họ ước gì có người trong gia đình phụ giúp họ làm việc nhà, nhất là khi đau ốm.
❖ Ở Hà Lan, mỗi ngày đàn ông dành khoảng 2 giờ với con cái và 0,7 giờ làm việc nhà. Còn phụ nữ dành khoảng 3 giờ cho con cái và 1,7 giờ làm việc nhà.
Bị căng thẳng
❖ Ở Đức, trên 70 phần trăm các bà mẹ cảm thấy bị căng thẳng. Khoảng 51 phần trăm than thở về chứng đau cột sống và đĩa liên sống. Hơn một phần ba thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Gần 30 phần trăm bị nhức đầu hoặc chứng đau nửa đầu.
Bị hành hung
❖ Ở Hồng Kông, 4 phần trăm phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ đã bị hành hung trong thời gian mang thai.
❖ Một cuộc thăm dò của tạp chí Focus ở Đức cho thấy hầu như cứ 6 bà mẹ thì có một người thừa nhận đã bị con đánh ít nhất một lần.
[Các hình nơi trang 7]
Làm mẹ có thể rất căng thẳng vì nhiều phụ nữ phải cố gắng giữ thăng bằng giữa việc làm và gia đình