Ngôn ngữ hoang dã—Bí mật liên lạc giữa thú vật
Ngôn ngữ hoang dã—Bí mật liên lạc giữa thú vật
BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở KENYA
CHẮC CHẮN một trong những sự ban cho quý báu nhất nhân loại nhận được là khả năng liên lạc, nhờ đó chúng ta truyền đạt thông tin quan trọng với nhau qua lời nói hoặc bằng những phương pháp không lời, chẳng hạn như qua điệu bộ. Trên thực tế, tự do ngôn luận là vấn đề tranh chấp phổ biến nhất trên khắp trái đất. Vì vậy một số người cho rằng chỉ có loài người mới biết liên lạc với nhau mà thôi.
Thế nhưng, một cuộc nghiên cứu cho thấy rằng thú vật trao đổi thông tin với nhau bằng những cách phức tạp thường khiến người ta khó hiểu. Đúng vậy, chúng “nói” không phải bằng lời, mà qua những dấu hiệu có thể nhìn thấy được như vẫy đuôi, cụp tai hoặc đập cánh. Những hình thức liên lạc khác có thể vận dụng đến tiếng kêu như sủa, rống, gầm gừ hoặc hót. Một số “ngôn ngữ” thì loài người dễ nhận ra, trong khi những ngôn ngữ khác đòi hỏi khoa học phải nghiên cứu mới khám phá ra.
Thú săn mồi!
Bây giờ là vào giữa tháng 7. Trong Công Viên Quốc Gia Serengeti rộng lớn ở Tanzania, hàng ngàn con linh dương đầu bò tiến về phía bắc đến Khu Bảo Tồn Thú Săn Masai Mara ở Kenya để tìm đồng cỏ xanh tốt hơn. Đồng bằng vang dội tiếng móng guốc trong mùa di cư hàng năm này. Tuy nhiên, nguy hiểm rình rập dọc đường đi. Đoạn đường này đầy thú săn mồi, như sư tử, báo gêpa, linh cẩu và beo. Linh dương đầu bò cũng liều mạng băng qua dòng Sông Mara đầy cá sấu. Làm sao linh dương đầu bò đẩy lui thú săn mồi?
Để làm kẻ thù bối rối, linh dương đầu bò chạy nhanh một quãng đường ngắn và rồi quay lại đối mặt với kẻ thù, vừa chạy vừa lắc lư cái đầu hết bên này sang bên kia. Chân nó lại đá qua đá lại loạn xạ trông rất quái gở, tạo ra một cảnh tượng thật buồn cười. Thậm chí con thú săn mồi hung hăng cũng không khỏi ngừng lại ngạc nhiên nhìn điệu múa kỳ lạ này. Giá như con thú săn mồi cứ tiến lại gần hơn, con linh dương đầu bò sẽ biểu diễn lại điệu múa ấy. Điều này làm con thú săn mồi bối rối nên có thể bỏ cuộc sau màn biểu diễn. Điệu múa vụng về này khiến linh
dương đầu bò có biệt danh đáng ngờ là chàng hề bình nguyên.Linh dương Phi Châu, cùng loại với linh dương đầu bò nhưng nhỏ hơn, nổi tiếng nhờ những cú nhảy phi thường của chúng. Đối với nhiều người, những cú nhảy cao như vậy có thể biểu hiện vẻ duyên dáng và tốc độ. Nhưng trong lúc gặp nguy hiểm, loài linh dương này dùng kỹ thuật nhảy cao của chúng để khiến con thú săn mồi không thể vồ chụp được chân chúng. Chúng nhảy xa đến chín mét, rõ ràng khiến kẻ tấn công hiểu ý: “Có giỏi thì cứ đuổi bắt ta đây”. Ít con thú săn mồi nào sẵn lòng nhọc công sức mà bắt cho bằng được con linh dương bất hợp tác kia!
Giờ ăn
Trong hoang dã, nhiều con thú săn mồi phải phát triển kỹ năng săn mồi để trở thành thợ săn giỏi. Những con thú non nớt phải chăm chú quan sát cha mẹ chúng khi đi săn. Trong một khu bảo tồn thú hoang dã ở Phi Châu, một con báo cái gêpa tên là Saba được quan sát khi đang dạy các con nhỏ sống còn. Sau khi rình rập phía sau lưng một con linh dương gazen trên một giờ, nó phóng tới trước và rồi vồ lấy con linh dương bất hạnh và trấn cổ—nhưng không giết nó. Một lát sau, Saba ném con thú mê mẩn trước mặt các con nhỏ của nó, nhưng lạ thường là chúng chần chừ không chịu nhào vô con mồi làm thịt. Các chú báo gêpa con này hiểu tại sao mẹ chúng đã mang đến cho chúng con mồi còn sống. Báo mẹ muốn chúng học cách giết con linh dương gazen. Mỗi lần con mồi cố gắng gượng đứng dậy và chạy thoát, các báo con lập tức khoái chí dằn nó xuống. Kiệt sức, con linh dương gazen đành chịu chết thôi. Từ xa nhìn thấy, Saba tán thành hành động đó.
Một số loài vật chuyên môn đi kiếm ăn một cách ầm ĩ, náo nhiệt. Một đàn linh cẩu có đốm sẽ gầm gừ, khịt mũi và cười rú lên khi chạy đuổi theo con mồi. Một khi giết được con mồi, những con linh cẩu khác sẽ được mời nhập tiệc bằng tiếng “cười” khả ố của chúng. Tuy nhiên, linh cẩu không luôn luôn đi săn mồi để ăn. Trong hoang dã, chúng là lũ cướp thực phẩm khét tiếng—dùng mọi thủ đoạn quấy rối để cướp mồi của những thú săn mồi khác. Thảo nào, chúng từng hù dọa sư tử đang ăn chạy trốn bỏ mồi lại! Chúng làm cách nào? Là những con thú om sòm, chúng gào thét điên cuồng nhằm khuấy rối sư tử đang ăn mồi. Nếu như mấy con mèo khổng lồ cứ tỉnh bơ lờ đi tiếng động, các con linh cẩu càng trở nên ầm ĩ và táo bạo hơn nữa. Bị khuấy rối, họ mèo thường bỏ lại mấy cái xác chết và di tản ra khỏi vùng.
Trong thế giới loài ong, việc đi tìm thức ăn là một nghi thức rườm rà. Các cuộc nghiên cứu khoa học phức tạp cho thấy loài ong mật khiêu vũ để ra hiệu cho đàn ong trong tổ biết địa điểm, loại và thậm chí chất lượng của thức ăn tìm được. Một con ong mang trên mình nó một mẫu thực phẩm, như mật hoa hoặc phấn hoa, về cho những con ong khác trong tổ xem. Biểu diễn màn khiêu vũ hình số tám, con ong có thể không những chỉ cho những con ong khác nguồn thực phẩm mà lại còn cho biết phải bay bao xa mới tới nơi. Hãy cẩn thận đấy! Con ong lượn qua lượn lại trên đầu bạn có thể đang thu thập tin tức quan trọng nào đó để mang về nhà. Không khéo mùi nước hoa bạn dùng có thể bị nhầm tưởng là bữa ăn kế tiếp của nó!
Giữ liên lạc
Ít có tiếng động nào gây ấn tượng sâu sắc bằng tiếng sư tử rống vào một đêm tĩnh mịch. Người ta đưa ra nhiều lý do cho cách liên lạc này. Một tiếng rống oai vệ của con đực là một lời cảnh báo là nó đang làm chủ khu vực, ai bén mảng đến đây thì mất mạng rán chịu đấy. Tuy nhiên, vì là loài mèo sống thành đàn, con sư tử cũng rống lên để giữ liên lạc với những thành viên khác của đàn. Tiếng rống đó thường dịu hơn, ít hung hăng hơn. Trong một đêm nọ, người ta nghe một con sư tử rống mỗi 15 phút một lần cho đến khi một con sư tử cùng loài đáp lời từ xa. Chúng tiếp tục “nói chuyện” thêm 15 phút nữa cho đến khi cuối cùng hai bên gặp mặt nhau. Tiếng rống chấm dứt.
Những cuộc liên lạc như thế không những cải thiện mối bang giao mà lại còn che chở chống lại thời tiết gay gắt. Một con gà mái túc con vài lần để truyền đạt nhiều thông điệp khác nhau cho bầy gà con. Tuy nhiên, tiếng túc nổi bật nhất là tiếng túc trầm giọng kéo dài vào buổi tối báo hiệu gà mái về nhà ngủ. Nghe tiếng mẹ, các chú gà con tản mác khắp nơi bèn chui vào cánh mẹ ngủ đêm.—Tìm phối ngẫu
Bạn có bao giờ dừng lại lắng nghe tiếng chim hót du dương không? Chẳng phải bạn thấy thu hút bởi khả năng hót của chúng? Thế nhưng, bạn có biết rằng chúng hót không phải để cho bạn thưởng thức đâu? Tiếng hót của chúng là những cách để truyền đạt những thông điệp quan trọng. Dù đôi khi chúng hót để phân chia lãnh thổ, nhưng phần lớn cũng là để thu hút những chim phối ngẫu tương lai. Theo sách The New Book of Knowledge, khi chim trống và chim mái gặp nhau, “tiếng hót giảm 90 phần trăm”.
Tuy nhiên, đôi khi hót hay một lần không đủ để chiếm cảm tình của đối tác. Một số chim mái đòi hỏi phải nộp “sính lễ” trước khi gật đầu với một con chim trống. Bởi vậy, một con chim sâu trống sẽ phải phô trương kỹ năng làm tổ trước khi tiến hành những màn khác. Những loại chim trống khác sẽ tỏ ra có khả năng cung cấp bằng cách mớm mồi cho chim mái.
Những cách phức tạp mà thú vật dùng để liên lạc với nhau không những thỏa mãn nhu cầu thể chất của chúng mà lại còn giảm bớt những cuộc ẩu đả và duy trì hòa bình trong hoang dã. Càng nghiên cứu về sự liên lạc giữa thú vật, chúng ta còn nhiều điều để học biết thêm về “cuộc nói chuyện hoang dã” này. Dù chúng ta không hiểu hết, điều này đem lại sự ca ngợi cho Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
[Khung/Hình nơi trang 18, 19]
“Tiếng lặng câm” của voi
Vào một buổi trưa oi ả trong Công Viên Quốc Gia Amboseli rộng lớn ở Kenya, đàn voi đông đảo dường như không màng đến ai len lỏi vào lãnh thổ của chúng. Thế nhưng, trong không khí có đầy “tiếng voi nói chuyện”, từ tiếng rền tần số thấp đến tiếng rống, gầm, gào và khịt mũi tần số cao. Một số tiếng gọi bao hàm những âm thanh tần số thấp, dưới tầm nghe của loài người nhưng đủ mạnh để một con voi khác nghe thấy cách đó hàng dặm đường.
Những nhà chuyên môn về hạnh kiểm loài thú tiếp tục thấy khó hiểu về những cách phức tạp mà loài voi dùng để truyền đạt những thông điệp nghiêm trọng. Bà Joyce Poole đã dành ra trên 20 năm để nghiên cứu những khái niệm liên lạc giữa loài voi Phi Châu. Bà đi đến kết luận rằng các con vật khổng lồ này mà người ta thèm muốn những cái ngà của chúng, biểu lộ cảm tính ít thấy nơi những con thú khác. Bà Poole nói: “Khi quan sát cách cư xử đặc biệt của chúng chào đón những thành viên trong gia đình hoặc những thành viên trong nhóm mà chúng có sự gắn bó [hoặc trong] dịp một chú voi con ra đời... thì thật khó mà không tưởng tượng voi cũng có những cảm xúc mạnh mẽ mà có thể miêu tả cách tốt nhất bằng những lời như vui mừng, sung sướng, yêu thương, thân thiện, hồ hởi, thích thú, hài lòng, trắc ẩn, nhẹ nhõm và kính trọng”.
Khi hội ngộ sau một thời gian dài xa cách, chúng chào nhau một cách huyên náo, chẳng hạn các thành viên ngước đầu lên cao xông vào nhau, cụp tai lại, vỗ lên vỗ xuống. Đôi khi, một con voi đặt vòi vào miệng voi khác. Cách chào hỏi này dường như tạo cho voi một cảm giác vui mừng sâu xa, làm như chúng muốn nói: “Úi chà! Được gặp lại cậu thật tuyệt biết mấy!” Những mối quan hệ như thế tái lập tinh thần yểm trợ lẫn nhau rất cần cho sự sinh tồn của chúng.
Ngoài ra, dường như voi cũng có tính khôi hài. Bà Poole miêu tả quan sát voi mỉm cười bằng cách múa máy khóe miệng, lắc lư cái đầu ra vẻ thích thú. Có lần bà mở cuộc chơi cho voi tham dự và trong 15 phút chúng cư xử một cách hết sức buồn cười. Hai năm sau, một số con voi dường như “mỉm cười” với bà, có lẽ nhớ lại hồi đó bà cùng chơi với chúng. Voi không những vui chơi với nhau mà cũng nháy âm thanh. Trong một cuộc nghiên cứu, bà Poole nghe thấy một âm thanh khác với tiếng gọi bình thường của voi. Đưa ra phân tích, người ta gợi ý là voi đang bắt chước tiếng xe tải chạy ngang qua. Và dường như chúng thích thú nháy tiếng! Làm như là voi kiếm cớ để khoái chí.
Người ta đã nói nhiều về cách voi dường như than khóc một thành viên trong gia đình gặp hoạn nạn. Bà Poole có lần quan sát thấy trong vòng ba ngày một voi cái đứng canh xác một voi con chết lúc sinh ra và miêu tả như vầy: “Nét mặt” của voi cái có vẻ “giống như một người sầu não, buồn nản: đầu nó cúi xuống, vành tai cụp xuống, khóe miệng rũ xuống”.
Những người giết voi để lấy ngà không xem xét sự ‘chấn thương tâm lý’ của đàn voi con bị mồ côi, chứng kiến mẹ chúng bị giết. Các chú voi con này sống ít ngày sau đó trong trại voi mồ côi và cố giải “sầu”. Một người giữ thú báo cáo có nghe voi mồ côi “gào thét” vào buổi sáng. Vài năm sau khi mẹ chúng chết, các chú voi con vẫn còn bị giao động. Bà Poole gợi ý rằng voi có thể nhận ra loài người là thủ phạm làm chúng đau khổ. Chúng ta trông mong đến ngày người và thú chung sống hòa bình.—Ê-sai 11:6-9.
[Hình nơi trang 16, 17]
Chim ó biển mũi đất chào nhau như thường lệ
[Hình nơi trang 17]
Một con linh dương đầu bò khiêu vũ loạn xạ để làm kẻ thù bối rối
[Hình nơi trang 17]
Tiếng “cười” khả ố của linh cẩu
[Nguồn tư liệu]
© Joe McDonald
[Hình nơi trang 18]
Ong mật khiêu vũ