Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vừa vui vừa khỏe trên hai bánh

Vừa vui vừa khỏe trên hai bánh

Vừa vui vừa khỏe trên hai bánh

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở ANH

XE NÀO rẻ hơn trong hầu hết các loại xe khác, nhanh hơn xe hơi ở nhiều khu đô thị, tốt hơn cho sức khỏe và thích thú? Đó là xe đạp. Đạp xe là phương tiện vận động hữu ích, phối hợp sự hữu dụng với sự thích thú. Vào thời đại khi nhiều người quan tâm đến sức khỏe, đi xe hai bánh là điều rất đáng để bạn cân nhắc.

Nam Tước Karl von Drais, một nhà phát minh người Đức, được qui cho công trạng đã sáng chế ra xe đạp. Vào khoảng năm 1817, mẫu thiết kế chiếc xe đẩy cơ bản do ông phát minh giống chiếc xe hẩy của trẻ em. Nó được gọi là draisine gồm hai bánh xe, một cái yên, và tay lái nhưng không có bàn đạp. Chiếc xe có bàn đạp xuất hiện vào năm 1839, khi ông Kirkpatrick Macmillan, một thợ rèn người Scotland, đã gắn hai bàn đạp với tay quay ở bánh sau nối với nhau bằng đòn bẩy. Rồi đến một bước ngoặt trong sự phổ biến phương tiện vận chuyển hai bánh. Hai cha con người Pháp là Pierre và Ernest Michaux đã lắp bàn đạp vào tay quay ở bánh trước tạo ra chiếc xe goòng (xe đạp ẩy chân) (theo từ La-tinh velox, “nhanh chóng”, và pedis, “bàn chân”), một chiếc xe dễ điều khiển và chạy nhanh hơn.

Vận tốc gia tăng khi bánh trước có kích thước lớn hơn. Chiếc xe đạp thông thường, cũng được gọi là xe đồng cắc-đồng xu, được phát triển ở Anh, và có bánh trước to lớn với đường kính khoảng 1,5 mét, rất tương phản với bánh xe nhỏ phía sau. Nó được gọi là xe đạp đồng cắc-đồng xu, dựa trên sự tương phản giữa đồng cắc lớn và đồng xu nhỏ hơn rất nhiều.

Kế đến là loại xe đạp an toàn, một loại xe có nhiều tác dụng đối với người lái nhưng với trọng tâm thấp hơn và kích thước của hai bánh xe bằng nhau hoặc gần như bằng nhau. Vào năm 1879, ông Henry Lawson, người Anh, đã ra mắt ở Paris loại xe có bánh sau quay được nhờ dây sên. Loại xe này cuối cùng được biết đến là xe đạp.

Hầu hết các xe đạp hiện đại có bánh trước và bánh sau bằng nhau. Như vậy, kiểu xe ban đầu có ít thay đổi. Loạt xe đạp ngày nay như xe đạp thường, xe thể thao, xe đua, và xe leo núi giúp người lái di chuyển thoải mái trên hai bánh xe nhẹ cân với vỏ xe bằng cao su.

Vừa vui vừa khỏe

Không ồn ào, không gây ô nhiễm, thường nhanh hơn những phương tiện giao thông có động cơ ở cự ly ngắn, xe đạp là phương tiện chuyên chở tiện dụng ở nhiều nơi. Ở Phi Châu, Á Châu và những nơi khác, xe đạp trở thành phương tiện vận tải hàng hóa “vạn năng”, vì người lái—hay người đẩy xe—dùng chúng để chở hàng ra chợ. Thông thường, ngoài người lái, xe đạp còn chở được thêm người, khi người thân và bạn bè ngồi trên sườn ngang hoặc ngất ngưởng trên một cái giỏ đựng hành lý không mấy êm ái.

Ở những xứ Tây Phương, nơi mà người ta ưa thích đi xe hơi, mối quan tâm ngày càng gia tăng về sức khỏe cộng với ước muốn thoát khỏi công việc hàng ngày buồn tẻ ở chốn thành thị đã khơi dậy lần nữa phong trào đi xe đạp. Đặc biệt những tuyến đường dành cho người đi xe đạp xuất hiện song song với những đường phố lớn. Chẳng hạn như ở Anh, nhiều địa phương đã tự hào về những dặm đường họ dành riêng cho người đi xe đạp.

Không kể đến nguy cơ ô nhiễm bởi những khí thải, đi xe đạp có thể có lợi cho sức khỏe. Ông Adrian Davis, tư vấn về giao thông, nhận xét rằng đây “là cách bảo vệ khỏi nguy cơ bệnh về tim mạch, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và chết yểu tại Vương Quốc Anh”. Đi xe đạp đòi hỏi cường độ nỗ lực cao hơn, khoảng 60 đến 85 phần trăm khả năng tối đa của một người, so với mức độ 45 đến 50 phần trăm sức lực họ dùng khi đi bộ. Với trọng lượng tối thiểu đè nặng tứ chi của người đi xe đạp, nguy cơ gây tổn hại đến xương cốt cũng ít hơn khi chạy bộ trên đường phố.

Nhưng lợi ích khác cho sức khỏe mà việc đi xe đạp mang lại là cảm giác khoan khoái. Một cuộc nghiên cứu cho thấy đi xe đạp kích thích não tiết ra hóa chất gọi là “endorphin” có thể cải thiện tính khí. Ngoài yếu tố tạo cảm giác khỏe khoắn, đi xe đạp chắc chắn góp phần vào nhân tố ngoại hình dễ coi. Như thế nào? Theo báo cáo của nhật báo The Guardian, “ở tốc độ vừa phải, người đi đạp xe sẽ tiêu hao mỗi phút khoảng bảy calo, hoặc 200 calo trong nửa giờ”. Kết quả là gì? Có lẽ là một vòng eo thon và bắp đùi rắn chắc.

Vui chơi cách an toàn

Nỗi lo về sự an toàn của người chạy xe đạp ngày càng gia tăng ở những nơi có nhiều người sử dụng xe hơi. Chẳng hạn, một người có nên sử dụng nón bảo hộ hay không? Phòng ngừa chắc chắn là điều khôn ngoan. Mặt khác, chỉ đơn thuần đội nón bảo hộ không đảm bảo rằng người chạy xe đạp sẽ không bị thương. Nữ bình luận gia Celia Hall hướng sự chú ý đến cuộc nghiên cứu 1.700 người đi xe đạp ở nhiều độ tuổi khác nhau có đội nón bảo hộ. Một trong những khám phá gây kinh ngạc của cuộc nghiên cứu là việc đội nón bảo hộ cho người lái cảm giác an toàn giả tạo. Tệ hơn thế nữa, 6 phần trăm số người nghiên cứu đội nón không đúng kích thước của đầu họ. Trong một tai nạn, nón bảo hộ không đúng khích thước gia tăng nguy cơ gây tổn thương tới 50 phần trăm. Nếu bạn đội nón bảo hộ, hãy chắc chắn nó đúng kích thước. Kiểm tra nón của con bạn thường xuyên. Nón quá to sẽ gây nguy hiểm chết người.

Những người lái xe hơi thường khó chịu khi thấy người đi xe đạp và có khuynh hướng lờ họ đi. Do đó, hãy giúp người khác trông thấy rõ bạn. Hãy mặc quần áo an toàn—loại quần áo phát sáng vào ban ngày, phản chiếu vào ban đêm. Xe đạp của bạn cũng phải làm sao cho dễ được nhìn thấy ngay cả khi trời tối. Tấm phản quang trên bàn đạp cùng với đèn ở đằng trước và đằng sau thường là điều luật pháp đòi hỏi và chắc chắn là sự phòng ngừa khôn ngoan. Hãy lo sao cho sự lựa chọn thiết bị an toàn của bạn đúng tiêu chuẩn pháp lý của quốc gia.

Xe đạp được bảo trì tốt là điều trọng yếu để được an toàn. Hãy kiểm tra, lau chùi và sửa chữa thường xuyên. Sau khi có những biện pháp phòng ngừa này, bạn có thể thấy tốt hơn trong vùng bạn ở là chạy trên đường mòn thay vì đường chính. Nhưng để làm điều này một cách an toàn, bạn cần loại xe đạp thích hợp.—Xem khung “Loại xe thích hợp cho bạn”.

Đạp xe để tập thể thao

Đối với một số người, đạp xe là một môn thể thao. Những vụ tai tiếng gần đây xoay quanh cuộc đua nổi tiếng Vòng Quanh Nước Pháp đã liên kết việc đua xe đạp với việc sử dụng chất kích thích và gian lận. Trong tạp chí Time, hàng tít “Thuốc nào mạnh nhất thì thắng!” cho rằng cuộc đua đang ở “trong tình trạng rối ren”. Giữa cuộc tranh cãi về việc sử dụng chất kích thích và hóa chất để nâng cao thành tích cuộc đua, danh tiếng của môn thể thao này ngày càng lu mờ.

Người chạy xe đạp khôn ngoan cẩn thận xem xét họ tốn bao nhiêu thời gian và nỗ lực cho bộ môn. Ngay cả khi lợi ích sức khỏe là điều khiến cho việc đạp xe trở nên hấp dẫn, người có quan điểm thăng bằng nhận ra rằng việc vận động chỉ là một yếu tố để sống lâu, sống khỏe. Tuy nhiên, kỳ tới khi ngồi lên yên xe đạp của bạn, hãy hưởng thụ cảm giác vừa vui vừa khỏe được đạp xe hai bánh!

[Khung/​Hình nơi trang 27]

Loại xe thích hợp cho bạn

Xe đạp leo núi thật sự là loại xe đạp đi mọi địa hình với khung xe cứng cáp, nhỏ gọn, tay lái thẳng, bàn đạp cao hơn xe đạp truyền thống, và vỏ xe lớn bám chặt mặt đường gồ ghề. Bộ đề có nhiều nấc khiến người đạp dễ dàng hơn khi leo dốc.

Nếu bạn chạy xe trên đường nhựa và đường gồ ghề, thì bạn cần một loại xe kết hợp giữa xe đạp leo núi và xe đạp thường. Chiếc xe như vậy có vỏ xe hẹp hơn, bàn đạp hơi thấp hơn một chút. Khi đi xe đạp truyền thống thì người lái ngồi thẳng người hơn và xe đạp có ít nấc đề hơn.

Dù chọn bất cứ kiểu xe nào, hãy chắc chắn rằng kích cỡ của nó phù hợp với bạn. Hãy thử trước, điều chỉnh tay lái, yên xe và bàn đạp cho phù hợp với bạn. Thanh sườn ngang phải sao cho khi đứng giạng chân qua, chân bạn chạm được mặt đất (xem hình trên).

Bạn sẽ có vị trí ngồi lái an toàn và thoải mái nhất nếu bạn điều chỉnh độ cao của yên xe sao cho khi duỗi thẳng chân, gót chân bạn vẫn còn chạm bàn đạp ở vị trí gần mặt đất nhất (xem hình bên trái). Thông thường, tay lái nên có cùng độ cao với yên xe.—Nguồn: tạp chí Which?

[Hình nơi trang 24, 25]

Xe đồng cắc-đồng xu

[Nguồn tư liệu]

Police Gazette, 1889

[Hình nơi trang 25]

Xe goòng (xe ẩy chân)

[Nguồn tư liệu]

Đàn ông: A Pictorial Archive from Nineteenth-Century Sources/Dover Publications, Inc.

[Hình nơi trang 26]

Ở một vài nơi luật pháp bắt buộc người đi xe đạp phải đội nón bảo hộ

[Các hình nơi trang 26]

Xe đạp là phương tiện chuyên chở tiện dụng ở nhiều nước