“Chăm sóc con theo kiểu chuột túi”—Giải pháp cho một vấn đề đe dọa đến tính mạng?
“Chăm sóc con theo kiểu chuột túi”—Giải pháp cho một vấn đề đe dọa đến tính mạng?
Vào năm 1979, tại một bệnh viện trong vùng Bogotá, thuộc Colombia. Vì tỉ lệ sống sót của các trẻ sinh non xuống thấp đến mức đáng lo ngại, một bác sĩ người Colombia đã nghĩ ra một giải pháp lạ thường—“chăm sóc con theo kiểu chuột túi”.
Việc giữ cho các trẻ sinh non sống là một thử thách đối với các bác sĩ. Những em bé có trọng lượng thấp khi sinh ra thường được đặt trong một lồng ấp có nhiệt độ ấm cho đến lúc lên cân. Tuy nhiên, tại những xứ đang phát triển, những bệnh viện quá đông người, kém vệ sinh, thiếu nhân viên và các dụng cụ y tế thường đưa đến những sự nhiễm trùng nguy hiểm.
Một bác sĩ tại Colombia đã nghĩ ra một phương pháp dường như giảm được vấn đề này. Phương pháp đó là gì? Khi một em bé sinh non, bé sẽ được chăm sóc theo tiêu chuẩn thông thường cho đến khi tình trạng ổn định. Trong lúc ấy, người mẹ được dạy cách chăm sóc con. Khi em bé đủ sức khỏe, người mẹ trở nên lồng ấp sống. Bằng cách nào? Bằng cách bọc em bé nằm sát giữa ngực của người mẹ. An toàn trong túi giống như của chuột túi, em bé được giữ ấm và có thể dễ dàng bú sữa mẹ. Vì thế, phương pháp này thường được gọi là chăm sóc con theo kiểu chuột túi.
Không cần đến những dụng cụ đắt tiền. Người mẹ mặc một chiếc áo cánh thích hợp hoặc một áo bình thường với một cái đai. Khi em bé đạt đủ trọng lượng, hai mẹ con có thể về nhà và trở lại bệnh viện thường xuyên để kiểm tra sức khỏe.
Sự nghiên cứu sơ khởi cho thấy phương pháp chăm sóc con theo kiểu chuột túi có hiệu quả và an toàn. Hơn nữa, dường như phương pháp này làm cho em bé và người mẹ có mối quan hệ gần gũi hơn. Không ngạc nhiên gì, phương pháp này đã được áp dụng tại nhiều nước. Tại Mexico, những người thân trong gia đình được huấn luyện để trở thành “chuột túi cha”, “chuột túi bà” và ngay cả “chuột túi chị” để phụ giúp khi người mẹ cần được nghỉ ngơi. Bác sĩ Guadalupe Santos, người trông nom cho chương trình chăm sóc con theo kiểu chuột túi, nói với Tỉnh Thức!: “Chúng tôi dùng phương pháp này từ năm 1992 và đã thấy rất có hiệu quả. Không cần nhiều lồng ấp và không cần ở bệnh viện lâu”.