Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hòa hợp khoa học và tôn giáo

Hòa hợp khoa học và tôn giáo

Hòa hợp khoa học và tôn giáo

“Khoa học và tôn giáo không còn bị xem là xung khắc nữa”.—Tờ The Daily Telegraph, Luân Đôn, số ra ngày 26-5-1999.

CẢ KHOA HỌC và tôn giáo chân chính đều đi tìm chân lý. Khoa học khám phá một thế giới trật tự phi thường, một vũ trụ mang đậm dấu ấn của một sự thiết kế thông minh. Tôn giáo thật khiến những khám phá đó trở nên ý nghĩa khi dạy rằng đằng sau sự thiết kế thể hiện nơi thế giới vật chất là trí tuệ của Đấng Tạo Hóa.

Nhà sinh vật học phân tử Francis Collins nói: “Tôi nhận thấy tôn giáo khiến tôi càng hiểu rõ giá trị của khoa học nhiều hơn”. Ông nói tiếp: “Khi khám phá được điều gì về bộ gen người, tôi thường cảm thấy kinh ngạc đến thán phục trước sự mầu nhiệm của sự sống, và tự nhủ: ‘Ồ, trước đây chỉ có Chúa mới biết’. Đó là cảm giác vô cùng sung sướng và xúc động khiến tôi kính phục Thượng Đế và càng ham thích khoa học nhiều hơn”.

Điều gì giúp một người hòa hợp khoa học và tôn giáo?

Một cuộc tìm kiếm dai dẳng

Hãy chấp nhận giới hạn: Công cuộc tìm kiếm những lời giải đáp về vũ trụ, không gian và thời gian bất tận không biết bao giờ mới kết thúc. Nhà sinh vật học Lewis Thomas nhận xét: “Quá trình này sẽ không bao giờ chấm dứt vì con người là sinh vật có tính hiếu kỳ vô độ, luôn muốn nghiên cứu, khám phá và tìm cách hiểu mọi việc. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể giải đáp thỏa đáng các câu hỏi. Tôi không thể tưởng tượng được quá trình này sẽ có lúc kết thúc, và người ta sẽ thở phào nói: ‘Bây giờ chúng ta đã hiểu hết mọi việc’. Điều đó sẽ mãi mãi vượt quá sức chúng ta”.

Tương tự như thế, về mặt tôn giáo, công cuộc tìm kiếm chân lý cũng kéo dài bất tận. Phao-lô, một trong những người viết Kinh Thánh, nói: “Ngày nay, ta thấy sự vật phản chiếu qua một tấm gương mờ... Ngày nay, tôi chỉ biết đôi phần”.—1 Cô-rinh-tô 13:12, Bản Diễn Ý.

Tuy nhiên, sự hiểu biết tương đối về khoa học và tôn giáo không ngăn cản chúng ta có những kết luận vững chắc dựa trên những dữ kiện đã có. Chúng ta không nhất thiết phải biết chi tiết về nguồn gốc mặt trời mới có thể đoan chắc ngày mai nó sẽ mọc.

Hãy để những sự kiện đã được công nhận lên tiếng: Trong khi tìm kiếm lời giải đáp, chúng ta cần được dẫn dắt bởi những nguyên tắc đúng đắn. Nếu không theo sát những tiêu chuẩn bằng chứng cao nhất, chúng ta có thể dễ dàng lạc lối trên con đường tìm kiếm chân lý khoa học và tôn giáo. Thực tế, không ai trong chúng ta có thể đánh giá hết mọi ý kiến và kiến thức khoa học chất đầy trong các thư viện lớn ngày nay. Trái lại, Kinh Thánh cung cấp một bộ sưu tập những sự dạy dỗ thiêng liêng dễ tra cứu cho chúng ta xem xét. Kinh Thánh được chứng thực qua những sự kiện đã được công nhận. *

Tuy nhiên về tri thức nói chung, cần hết sức nỗ lực để phân biệt giữa sự kiện và suy đoán, giữa hiện thực và sự giả dối—cả trong khoa học lẫn tôn giáo. Như người viết Kinh Thánh là Phao-lô khuyên, chúng ta cần tránh “những sự cãi lẽ bằng tri-thức ngụy xưng là tri-thức”. (1 Ti-mô-thê 6:20) Muốn hòa hợp khoa học và Kinh Thánh, chúng ta phải để chính sự kiện lên tiếng hầu tránh sự suy đoán, phỏng đoán, đồng thời xem xét sự hỗ trợ, bổ túc lẫn nhau giữa các sự kiện.

Chẳng hạn, khi hiểu Kinh Thánh dùng từ “ngày” để nói đến nhiều khoảng thời gian khác nhau, chúng ta nhận ra rằng lời tường thuật về sáu ngày sáng tạo trong Sáng-thế Ký không nhất thiết mâu thuẫn với kết luận của khoa học cho rằng trái đất đã tồn tại bốn tỷ rưởi năm. Theo Kinh Thánh, trước khi các ngày sáng tạo bắt đầu, trái đất đã hiện hữu một khoảng thời gian không được nêu rõ. (Xem khung “Các ngày sáng tạo—Phải chăng mỗi ngày chỉ 24 tiếng?”) Ngay cả nếu khoa học có tự điều chỉnh và cho biết hành tinh này có độ tuổi khác, thì những lời trong Kinh Thánh vẫn đúng. Trong trường hợp này cũng như nhiều trường hợp khác, thay vì mâu thuẫn với Kinh Thánh, khoa học thật ra cung cấp thêm cho chúng ta vô số thông tin về thế giới vật chất ngày nay và cả trong quá khứ.

Đức tin, chứ không phải sự cả tin: Kinh Thánh cho biết về Đức Chúa Trời và ý định của Ngài, là điều không thể tìm thấy ở bất kỳ nguồn nào khác. Tại sao nên tin Kinh Thánh? Chính Kinh Thánh mời chúng ta xét thử độ chính xác của nó. Hãy xem xét tính xác thực về mặt lịch sử, tính thực tế, sự thành thật của những người viết và sự trung thực của Kinh Thánh. Bằng cách kiểm tra độ chính xác của Kinh Thánh, kể cả những câu mang tính khoa học, và thậm chí thuyết phục hơn nữa là sự ứng nghiệm không chút sai sót của hàng trăm lời tiên tri xuyên suốt các thời đại cho đến tận thời nay, một người sẽ có niềm tin chắc Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời. Niềm tin vào Kinh Thánh không phải là một sự cả tin mà là một sự tin tưởng có cơ sở vào sự chính xác của những lời trong Kinh Thánh.

Tôn trọng khoa học; công nhận đức tin: Nhân Chứng Giê-hô-va mời những người có đầu óc cởi mở, trong cả lãnh vực khoa học và tôn giáo, cùng họ tham gia vào cuộc tìm kiếm chân lý đích thực trong cả hai lãnh vực này. Trong các hội thánh của họ, Nhân Chứng khuyến khích một sự tôn trọng đúng đắn đối với khoa học và các khám phá khoa học được chứng minh, cũng như niềm tin mạnh mẽ là chân lý tôn giáo chỉ có thể được tìm thấy trong Kinh Thánh, một cuốn sách thẳng thắn tự nhận là Lời Đức Chúa Trời, và có nhiều cơ sở để minh chứng điều đó. Sứ đồ Phao-lô nói: “Anh em tiếp-nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.

Dĩ nhiên, cũng như trong khoa học, nhiều thực hành và sự giả dối tai hại đã thâm nhập vào tôn giáo. Vì thế, có tôn giáo thật và tôn giáo giả. Đó là lý do tại sao nhiều người đã rời bỏ các tổ chức tôn giáo chính thống để trở thành thành viên của hội thánh Đấng Christ Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ thất vọng khi các tôn giáo trước đây của họ không chịu từ bỏ những huyền thoại và truyền thống loài người để chấp nhận những chân lý đã được tiết lộ hoặc tìm thấy.

Ngoài ra, tín đồ thật của Đấng Christ còn tìm thấy ý nghĩa và mục đích thật sự của đời sống nhờ vào sự hiểu biết cặn kẽ về Đấng Tạo Hóa, như được tiết lộ trong Kinh Thánh, và về ý định rõ ràng của Ngài đối với nhân loại và hành tinh chúng ta đang sống. Nhân Chứng Giê-hô-va đã tìm thấy sự thỏa mãn trong các lời giải đáp hợp lý, dựa trên Kinh Thánh cho các câu hỏi như: Tại sao chúng ta hiện hữu? Chúng ta sẽ đi về đâu? Họ sẽ rất vui được chia sẻ những hiểu biết này với bạn.

[Chú thích]

^ đ. 10 Xem sách Kinh Thánh—Lời Đức Chúa Trời hay lời loài người?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Khung nơi trang 10]

Các ngày sáng tạo—Phải chăng mỗi ngày chỉ 24 tiếng?

Một số người theo phong trào chính thống cho rằng thuyết sáng tạo, chứ không phải thuyết tiến hóa, đưa ra được lời giải thích về lịch sử vũ trụ trước khi có nhân loại. Họ khẳng định tất cả việc sáng tạo nên thế giới vật chất đã diễn ra trong chỉ sáu ngày, mỗi ngày 24 tiếng, khoảng 6.000 hay 10.000 năm trước đây. Nhưng khi khẳng định như vậy, họ đã phổ biến một sự dạy dỗ không hề dựa trên Kinh Thánh, và đã khiến nhiều người nhạo báng Kinh Thánh.

Phải chăng một ngày trong Kinh Thánh luôn luôn dài 24 tiếng? Sáng-thế Ký 2:4 (Nguyễn Thế Thuấn) nói về “ngày Yavê Thiên Chúa làm ra đất và trời”. Chỉ một ngày này bao gồm cả sáu ngày sáng tạo được nói đến nơi Sáng-thế Ký chương 1. Theo cách dùng của Kinh Thánh, một ngày là một khoảng thời gian, và có khi tương ứng với một ngàn năm hoặc nhiều ngàn năm. Các ngày sáng tạo trong Kinh Thánh cho phép kết luận rằng mỗi ngày đó kéo dài cả hàng ngàn năm. Hơn nữa, trái đất đã hiện hữu trước khi các ngày sáng tạo bắt đầu. (Sáng-thế Ký 1:1) Do đó về điểm này, lời tường thuật trong Kinh Thánh hòa hợp với khoa học chân chính.—2 Phi-e-rơ 3:8.

Bình luận về những lời tuyên bố cho rằng các ngày sáng tạo là ngày theo nghĩa đen, chỉ dài 24 tiếng, nhà sinh vật học phân tử Francis Collins nhận xét: “Thuyết sáng tạo của phong trào chính thống đã gây tác hại nghiêm trọng cho quan điểm đức tin nhiều hơn bất kỳ điều gì khác trong lịch sử hiện đại”.

[Khung nơi trang 11]

Phải chăng khoa học đã chiếm thế thượng phong về mặt đạo đức?

Thật dễ hiểu vì sao nhiều người trong giới khoa học lại bài bác tôn giáo. Đó là vì tôn giáo thường cưỡng lại các tiến bộ khoa học, có một lịch sử đáng sợ, đồng thời cũng vì sự giả hình và độc ác của nó. Giáo sư vi sinh John Postgate giải thích: “Các tôn giáo trên thế giới đã... gây ra nhiều nỗi kinh hoàng qua các cuộc tế người, thập tự chinh, thảm sát và pháp đình tôn giáo. Trong thế giới hiện đại, mặt trái này của tôn giáo trở nên vô cùng nguy hiểm vì khác với khoa học, tôn giáo không giữ vị thế trung lập”.

So sánh điều đó với tính hợp lý, khách quan và kỷ luật thường được gán cho khoa học, ông Postgate tin rằng “khoa học đã chiếm thế thượng phong về mặt đạo đức”.

Phải chăng khoa học thật sự chiếm thế thượng phong về mặt đạo đức? Câu trả lời là không. Chính ông Postgate thừa nhận: “Trong cộng đồng khoa học cũng có sự ghen ghét, tham lam, định kiến và đố kỵ”. Ông nói thêm: “Vì mục đích nghiên cứu, một số nhà khoa học có thể đi đến chỗ giết người, như đã từng xảy ra ở Đức Quốc Xã và trong các trại tù của Nhật”. Khi tòa soạn báo National Geographic cử phóng viên điều tra tìm hiểu vì sao một mẫu hóa thạch giả lại được đăng trên báo của họ như đồ thật, người phóng viên đã tường thuật “cả một câu chuyện về việc che giấu nhằm đánh lạc hướng và sự tin tưởng sai lầm, về mâu thuẫn gay gắt giữa những người cố chấp, sự đề cao cá nhân, ảo tưởng, chủ quan vô tư, lầm lẫn của con người, sự bướng bỉnh, xảo thuật, nói xấu, dối trá [và] tham nhũng”.

Và dĩ nhiên, chính khoa học đã mang đến cho nhân loại những công cụ chiến tranh khủng khiếp, chẳng hạn như các loại vũ khí, vũ khí sinh học, hơi độc, hỏa tiễn, bom “thông minh” và bom hạt nhân.

[Hình nơi trang 8, 9]

Tinh vân Ant (Menzel 3), từ viễn vọng kính Hubble

[Nguồn tư liệu]

NASA, ESA and The Hubble Heritage Team (STScI/AURA)

[Các hình nơi trang 9]

Khoa học đã khám phá một thế giới mang đậm dấu ấn của một sự thiết kế thông minh

[Hình nơi trang 10]

Nhân Chứng Giê-hô-va khuyến khích sự tôn trọng đối với khoa học chân chính và đức tin nơi Kinh Thánh