Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khoa học và tôn giáo—Sự đối đầu

Khoa học và tôn giáo—Sự đối đầu

Khoa học và tôn giáo—Sự đối đầu

“Phải chăng hiểu cách đúng đắn nhất tôn giáo là bệnh truyền nhiễm của lý trí?”—Nhà sinh vật học Richard Dawkins.

TÔN GIÁO và khoa học đôi khi được xem là những kẻ tử thù của nhau. Đối với một số người, hai phạm trù này dường như đã bị khóa chặt trong một trận chiến một mất một còn.

Một bên là những khoa học gia, như nhà hóa học Peter Atkins, cho rằng sự hòa hợp giữa tôn giáo và khoa học là điều “không thể có được”. Theo ông Atkins, tin “Chúa Trời là một sự lý giải (cho bất kỳ điều gì, chứ đừng nói chi đến mọi điều) là đáng khinh về mặt trí tuệ”.

Còn bên kia chiến tuyến là những người sùng đạo lên án khoa học là mầm mống hủy hoại đức tin. Họ tin rằng khoa học ngày nay chỉ là một sự lường gạt, trưng ra những sự kiện có thể là đúng nhưng lại diễn giải chúng một cách sai lầm khiến đức tin của những người sùng đạo bị suy yếu. Chẳng hạn, nhà sinh vật học William Provine đã phát biểu rằng thuyết Darwin đồng nghĩa với việc “không có căn bản, nền tảng đạo đức; không có ý nghĩa tối hậu của đời sống”.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu này hình thành và phát triển một phần là do những tuyên bố sai lầm hoặc vô căn cứ của cả hai phía. Trong hàng thế kỷ, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã dạy những chuyện huyền hoặc và giáo lý sai lầm đi ngược lại những khám phá khoa học hiện đại và cũng không căn cứ trên lời Kinh Thánh được soi dẫn. Chẳng hạn, Giáo Hội Công Giáo La Mã đã lên án Galileo khi ông đưa ra kết luận đúng trái đất xoay quanh mặt trời. Quan điểm của Galileo hoàn toàn không trái ngược với Kinh Thánh, nhưng chỉ trái ngược với sự dạy dỗ của giáo hội lúc bấy giờ mà thôi. Mặt khác, các nhà khoa học cũng đáng trách khi đưa vào dạy như một sự kiện thật một học thuyết tiến hóa chưa được chứng minh, nói rằng sự sống tiến hóa từ vật chất vô sinh, không có sự tác động của Đức Chúa Trời. Họ phỉ báng niềm tin tôn giáo là phi khoa học.

Như vậy, liệu khoa học và tôn giáo có thể hòa hợp với nhau được chăng? Có. Thật ra giữa khoa học biện chứng và tôn giáo thật có sự bổ túc cho nhau hơn là mâu thuẫn nhau.

[Hình nơi trang 2, 3]

Galileo đã dạy chân lý khoa học nhưng lại bị nhà thờ lên án