Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trứng đà điểu—Một vật huyền diệu

Trứng đà điểu—Một vật huyền diệu

Trứng đà điểu—Một vật huyền diệu

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở NAM PHI

NẰM bất động trong lò ấp, quả trứng đà điểu không cho thấy những gì đang xảy ra bên trong hay báo hiệu một cảnh ngoạn mục sắp bắt đầu. Tuy nhiên, ở trại nuôi đà điểu này, chúng tôi có cơ hội học biết về sự phát triển kỳ diệu của đà điểu, bắt đầu từ việc đẻ trứng.

Chăm chút trứng

Đà điểu mẹ đẻ những quả trứng màu trắng ngà, mỗi quả nặng khoảng một kí rưỡi, trong một cái ổ đơn giản dưới cát. * Rồi mỗi ngày, các nhân viên đem trứng mới đẻ đến các lò ấp của trang trại, chúng sẽ ở trong lò sáu tuần.

Đây là lúc chăm chút trứng trong lò ấp. Chúng được giữ ấm và thoải mái ở nhiệt độ khoảng 37°C—nhiệt độ lý tưởng để đà điểu con tăng trưởng bên trong vỏ trứng. Để ngăn không cho lòng đỏ hay phôi lắng xuống đáy và dính vào lớp màng của vỏ trứng, người chủ trại đặt trứng trong những khay đặc biệt tự động xoay, hoặc mỗi ngày trở trứng bằng tay, phỏng theo cách đà điểu bố hoặc mẹ thường trở trứng trong tổ bằng cát của chúng trên thảo nguyên.

Nhìn bên trong trứng

Tuy vậy, làm sao chúng ta có thể biết điều gì đang xảy ra bên trong trứng? Nhẹ nhàng cầm quả trứng lên, người chủ trại đặt nó vào một cái lỗ trên mặt một chiếc hộp, bên trong có một bóng đèn tròn sáng rực. Công việc này gọi là soi trứng, giúp người chủ trại có thể thấy hình dạng mờ mờ đang phát triển lạ lùng bên trong trứng. Chủ trại soi trứng theo định kỳ để xem sự sống bên trong tiến triển ra sao. Nếu sau vài lần soi, ở giữa trứng vẫn còn lỏng, điều này cho thấy trứng hư không nở con được và sẽ không được đặt trở lại lò ấp.

Suốt 39 ngày trong lò ấp, sự tăng trưởng kỳ diệu diễn ra trong lớp vỏ giống như sứ. Đồng thời, một túi khí hình thành, cuối cùng chiếm khoảng một phần ba lòng trứng. * Những chú đà điểu con chưa nở hơi bị gò bó trong vỏ trứng và nằm ở tư thế sắp thoát ra ngoài. Tuy nhiên, trước tiên một quá trình quan trọng phải diễn ra—túi noãn hoàng phải bắt đầu đi qua dây rốn và rốn vào trong cái bụng bé xíu của đà điểu con. Điều này rất quan trọng vì túi noãn hoàng chứa các chất dinh dưỡng và năng lượng chúng cần ngay sau khi tự phá vỡ vỏ trứng chui ra ngoài.

Phá vỏ chui ra

Cuối cùng, ngày trọng đại đã tới, chúng tôi đến đây để xem sự kiện này. Trước tiên, những chú đà điểu con phải tự phá lớp màng rồi ra tới túi khí trước khi đến lớp vỏ ngoài cùng. Không giống những con chim mới nở khác có răng ở mỏ để đục vỏ trứng, đà điểu có một lớp bảo vệ giúp che chắn cái chóp của chiếc mỏ mềm yếu của chúng. Tựa chiếc mỏ có lớp bảo vệ của nó vào thành bên trong vỏ trứng, đà điểu con dùng gáy đẩy lớp màng ngăn cách nó với túi khí sát bên. Sau nhiều lần đẩy mạnh và cọ sát, cuối cùng lớp màng này bị rách. Quá trình chọc thủng lớp màng này giúp đà điểu con có thể chiếm hết toàn bộ lòng trứng.—Xem hình A.

Cuối cùng những lá phổi nhỏ bé của đà điểu con đã bắt nhịp thở đầu tiên! Lúc này những lá phổi đã bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, vì phải vùng vẫy để thoát ra, không khí rất ngột ngạt bên trong phạm vi chật hẹp của vỏ trứng. Vì thế, đà điểu con không thể ngừng lúc này—nó phải tiếp tục gắng sức và tự chọc thủng vỏ trứng. Vận dụng hết sức lực, đà điểu con đưa đầu ra sau và mổ liên tiếp vào thành trong của vỏ trứng. Chú đà điểu con bé bỏng đang kiệt sức đột nhiên nhìn thấy một tia sáng le lói khi một vết nứt nhỏ xuất hiện trên vỏ trứng—và qua khe nứt đó, nó cảm nhận được không khí trong lành thực sự!—Xem hình B.

Sau một hồi nghỉ ngơi, nó đã lấy lại đủ sức để tiếp tục tận dụng chân phải và cái mỏ nhỏ xíu được che chắn của nó để làm bể vỏ trứng đã nứt. Kế đến, nó nâng phần vỏ trứng bị nứt lên giống một tên Gô-li-át bé nhỏ, cố ngồi lên và chớp mắt nhìn thế giới bên ngoài với vẻ chững chạc và tự tin của một chú đà điểu con lảo đảo, mới nở.—Xem hình C.

Tại sao chủ trang trại không giúp đà điểu con ra khỏi vỏ trứng đã vỡ? Điều này vì lợi ích của chính đà điểu con. Phải mất một thời gian để lòng đỏ được hấp thụ qua rốn, lúc đó rốn teo đi và kín miệng lại. Khi một người không hiểu rõ, cố giúp tiến trình nở trứng này diễn ra nhanh hơn, có thể làm tổn thương sinh vật nhỏ bé mong manh này hoặc khiến chúng bị nhiễm trùng nặng.

Dù sao đi nữa, cuối cùng những chú đà điểu con tại đây cũng ra khỏi vỏ của chúng ở nông trại này. Đối với chúng tôi, những người quan sát, việc chứng kiến cảnh những chú đà điểu nở ra từ một đống vỏ trứng bể—kiệt sức nhưng đắc thắng—là một cảnh tượng thích thú.

Gặp bố mẹ nuôi

Sau một lúc, hơi ấm của lò ấp sấy khô bộ lông óng ả như nhung của những chú đà điểu con, chúng trở nên đáng yêu và mượt mà vô cùng. Sau đó chúng được đặt trong một cái chuồng đặt ngoài ánh sáng mặt trời. Dường như chúng thích thú điều đó làm sao! Cuối cùng chúng thực hiện điều mong ước là có thể tập đi với đôi chân nhỏ bé, yếu ớt.

Ngày kế tiếp là một ngày quan trọng đối với đà điểu con còn lông tơ. Chúng được dẫn đến gặp bố mẹ nuôi—những con đà điểu lớn sẽ chăm sóc chúng trong ba tháng tới. Tới lúc này chúng vẫn không cảm thấy đói vì được nuôi dưỡng nhờ chất bổ từ lòng đỏ. Tuy nhiên, nhiều ngày sau khi nở, chúng bắt đầu cảm thấy hơi đói. Nhưng chúng ăn cái gì? Chúng tôi thật ngạc nhiên, những chú đà điểu con bắt đầu ăn phân tươi của bố mẹ chúng! Người chủ trại giải thích, điều này có thể giúp hệ thống miễn dịch còn yếu của chúng.

Hãy nhìn những chú chim nhỏ rối rít cố bắt kịp những sải chân dài của bố mẹ nuôi! Chắc chắn mất rất nhiều sức lực. Nhưng đà điểu con lớn nhanh không thể tưởng—mỗi tháng cao thêm tới 30 centimét. Vì vậy, không ngờ chỉ trong vòng một tháng, chúng có thể đuổi kịp những con lớn hơn nhiều.

Khi lên sáu tháng, chúng hoàn toàn trưởng thành và cao gần hai mét rưỡi. Thật khó tin rằng chỉ hơn bảy tháng trước đó, những tạo vật cao lêu nghêu này—chỉ toàn cổ và chân—lại là những quả trứng bất động trong lò ấp của trại nuôi đà điểu.

[Chú thích]

^ đ. 5 Muốn biết thêm chi tiết về đà điểu, xin xem bài “Fleet-Footed, Flightless, and Fascinating−The Ostrich” (Chạy nhanh, không bay được, và có sức thu hút—Con đà điểu) trong tạp chí Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 22-7-1999, trang 16-18.

^ đ. 9 Trứng đà điểu “có những lỗ nhỏ khắp vỏ, là lối để không khí vào trong trứng. Một khoảng không khí được hình thành giữa hai lớp màng của vỏ trứng tại đầu dầy của trứng, do quá trình bốc hơi sau khi trứng được đẻ”.—Ostrich Farming in the Little Karoo.

[Biểu đồ nơi trang 21]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

QUÁ TRÌNH TRỨNG NỞ

A

B

C

[Nguồn tư liệu]

Tranh do Bác Sĩ D. C. Deeming vẽ

[Hình nơi trang 21]

Ngày trọng đại—những chú đà điểu con phá vỏ trứng chui ra!

[Nguồn hình ảnh nơi trang 23]

John Dominis/Index Stock Photography