Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Tại sao đàn ông lại chết sớm hơn

“Đời người đàn ông thật là khốn khổ: đàn ông mắc bệnh sớm hơn và chết sớm hơn”. Hình ảnh ảm đạm này đã được phác họa bởi những người tổ chức Hội Nghị Quốc Tế về Sức Khỏe của Nam Giới tại Vienna, Áo. Tờ báo Süddeutsche Zeitung tường thuật rằng những người này rất lo ngại về sự kiện là theo bình quân thì đàn ông chết sớm hơn đàn bà năm năm. Tại sao đàn ông lại chết sớm hơn? Một lý do là, rất có thể họ hút thuốc hoặc uống rượu quá độ. Ăn quá nhiều và không tập thể dục là những nhân tố nghiêm trọng gây nguy hại khác, người ta nói rằng 70 phần trăm những người đàn ông trung niên ở trong tình trạng béo phì. Hơn nữa, nhiều người bị căng thẳng vì cố gắng giữ sự thăng bằng giữa việc làm và gia đình. Và đàn ông thường ít đi bác sĩ khi bị bệnh hoặc tìm cách ngừa bệnh. Để kết luận, Siegfried Meryn, một trong những người tổ chức hội nghị đã nói: “Về mặt sức khỏe, đàn ông bất lợi hơn”.

Thiếu ngủ trong chuyến du hành không gian

Sau năm tháng ở trên trạm không gian Mir vào năm 1997, phi hành gia Jerry Linenger nhận thấy sự thay đổi từ sáng sang tối khi Mir bay hết một vòng quỹ đạo quanh trái đất mỗi 90 phút đã làm xáo trộn giờ giấc ngủ của ông. Tại sao? Để cố gắng tiết kiệm năng lượng, ánh sáng chính của Mir là ánh sáng mặt trời xuyên qua các cửa kính. Vì vậy, “ngày, đêm, ngày, đêm, 15 lần một ngày bắt đầu làm bạn bị xáo trộn sau một thời gian”, theo lời Linenger. Nói về hậu quả của việc không ngủ theo một giờ giấc nhất định mà hai người bạn phi hành gia của ông phải chịu, ông nói: “Họ ngủ thiếp đi rồi trôi lơ lửng ngang qua bạn”. Theo tạp chí New Scientist, việc tìm ra các cách để giữ đúng nhịp độ hàng ngày của cơ thể của các phi hành gia “sẽ là điều trọng yếu để những chuyến đi dài hạn trong tương lai được thành công”. Nếu không, “việc giữ cho các phi hành gia không ngủ gật có thể là một vấn đề lớn trong những chuyến du hành không gian dài hạn”.

Những nguy hiểm của việc xỏ mình

Xỏ những phần khác nhau của cơ thể để đeo đồ trang sức rất thịnh hành, nhất là trong giới trẻ. “Đáng tiếc là họ ít khi nghĩ đến những hậu quả của việc làm này”, theo lời của tạp chí Ba Lan Świat Kobiety. “Giai đoạn ngỗ nghịch của tuổi trẻ qua đi, và những miếng kim loại xỏ qua chân mày không còn được xem là đồ trang sức nữa”. Và cho dù vật kim loại có thể được lấy ra, các vết sẹo vẫn còn đó. Ngoài ra, xỏ lỗ nơi da mặt có thể gây tổn thương cho các dây thần kinh và mạch máu dẫn đến việc bị “mất cảm giác” cũng như “bị nhiễm trùng và các vết thương rất lâu lành”. Vi khuẩn phát triển mạnh trong “môi trường ẩm và ấm” của miệng, vì thế xỏ lỗ tại đó thường dẫn đến việc bị nhiễm trùng và ngay cả sâu răng. U nang mỡ ở dạng nốt sần cứng có thể phát triển tại những vùng bị xỏ có nhiều tế bào mỡ, như ở rốn và tai. Bài báo cảnh báo rằng “các vật trang sức bằng kim loại thường có một hỗn hợp niken. Những ai bị dị ứng với kim loại đó có thể có những triệu chứng, như bị sưng và mụn gây ngứa”.

Dây nịt an toàn ở ghế sau cứu mạng

“Những hành khách ngồi ghế sau xe hơi mà không cài dây nịt an toàn làm cho những người cài dây nịt an toàn ở ghế trước rơi vào tình trạng nguy hiểm bị tử vong gấp năm lần trong trường hợp đụng xe”, theo báo cáo của tờ The Guardian ở Luân Đôn. Trong một cuộc nghiên cứu hồ sơ của hơn 100.000 vụ tai nạn xe cộ tại Nhật Bản trong một khoảng thời gian hơn năm năm, các nhà nghiên cứu tại Đại Học Tokyo khám phá ra rằng gần 80 phần trăm các ca tử vong của người cài dây nịt an toàn ở ghế trước đã có thể tránh được nếu người ngồi ghế sau dùng dây nịt an toàn. Khi xe đụng, hành khách ngồi ghế sau không cài dây nịt an toàn bị văng ra phía trước với lực mạnh đến mức những người ngồi ghế trước có nguy cơ bị thương nặng hoặc thậm chí chết vì bị sức ép mạnh. Dù việc mang dây nịt an toàn là điều bắt buộc ở tại Anh kể từ năm 1991, các cuộc thăm dò cho thấy rằng khoảng 40 phần trăm người lớn ở đó vẫn không dùng chúng.