Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi có nên giải phẫu thẩm mỹ không?

Tôi có nên giải phẫu thẩm mỹ không?

Giới trẻ thắc mắc...

Tôi có nên giải phẫu thẩm mỹ không?

“Trước khi sửa mũi, tôi rất khổ sở vì bị chế giễu. Tôi đâu muốn có cái mũi đặc biệt, chỉ cần nó thích hợp với tôi thôi. Tôi rất vui với kết quả của cuộc giải phẫu, và nếu cần

tôi sẽ làm thế một lần nữa”.—Eleni. *

“Tại sao lại phải rập khuôn theo những quan điểm thông thường về cái đẹp? Việc sửa các bộ phận của cơ thể làm cho tôi cảm thấy như tiền giả. Không phải thật”.—Mathias.

“Mỗi người phải tự quyết định. Rất khó cho người khác phán đoán”.—Manuela.

“AI ĐẸP hơn tôi là nhờ trang điểm”. Lâu nay, ở Đức câu nói khôi hài này đã được dùng để biện hộ cho những ai lo rằng ngoại hình của mình kém hoàn mỹ. Tuy nhiên, ngày nay tại một số nước, câu này có thể được cập nhật một cách thích hợp là: “Ai đẹp hơn tôi là nhờ giải phẫu”. Quả thật, giải phẫu thẩm mỹ đang trở nên một điều thông thường.

“Thời mà việc giải phẫu thẩm mỹ chỉ dành riêng cho những người giàu có đã qua rồi”, theo báo cáo của tờ báo Thụy Sĩ Neue Zürcher Zeitung. Tờ báo này nói thêm: “Có hai xu hướng đã xuất hiện: Ngày càng có nhiều người đàn ông tìm đến các nhà phẫu thuật thẩm mỹ..., và các khách thuộc phái nữ ngày càng trẻ hơn bao giờ hết”. Theo một cuộc thăm dò tại Đức, trong số gần 20 phần trăm những người được thăm dò ý kiến trong lứa tuổi từ 14 đến 29, có người đã đi giải phẫu thẩm mỹ, người thì đang dự tính, hoặc ít nhất đã nghĩ đến việc đó. * Có lẽ một số bạn bè, bạn học hoặc người thân của bạn đã trao diện mạo mình vào tay của một phẫu thuật gia.

Còn bạn thì sao? Có khi nào bạn nghĩ đến việc giải phẫu để cải thiện ngoại hình của mình không? Bạn có cảm thấy tai mình bị vảnh, ngực quá to hoặc quá nhỏ, bụng hoặc đùi phì ra, hoặc mũi xấu xí không? Nếu có, bạn không phải là người duy nhất khổ sở vì những cảm nghĩ như thế. Một nhóm nữ sinh trung học viết một bài trên tờ báo tại Đức nói rằng: “Hiếm có cô gái nào cùng lứa tuổi với các em lại chẳng có lúc cảm thấy không hài lòng với cơ thể của chính mình”. Ước muốn được xinh đẹp và được nhiều người thích là điều bình thường. Nhưng có phải phẫu thuật là giải pháp duy nhất không?

Một giải pháp cho vấn đề của bạn?

Hãy nghĩ đến những người trẻ mà bạn biết. Bạn có ngạc nhiên khi biết nhiều người trong số họ—có lẽ một số người trông xinh đẹp đối với bạn—lại không hài lòng với ngoại hình của mình không? Nhưng đó rất có thể là trường hợp của họ. Câu hỏi được đặt ra là: ‘Bạn có nghĩ tất cả những người đó nên sửa sắc đẹp không? Hoặc bạn nghĩ tốt hơn là đa số người trong họ nên biết hài lòng hơn với những nét đẹp về ngoại hình của mình? Nguyên tắc đó có thể áp dụng cho bạn không?’

Như lời của Eleni cho thấy, trong vài trường hợp giải phẫu thẩm mỹ, có thể làm giảm đi sự chế giễu và quấy phá. Mặt khác, giải phẫu thẩm mỹ không phải là một giải pháp cho mọi vấn đề. Chắc chắn nó không thể thay thế cho một lối sống lành mạnh vốn ảnh hưởng rất nhiều đến ngoại diện của một người. Và cho dù một nhà phẫu thuật có thể thay đổi diện mạo của bạn, nhưng ông ta không thể thay đổi nhân cách của bạn, cũng như không thể làm cho bạn hết lo lắng hoặc gia tăng lòng tự trọng.

Cũng nên nhớ rằng, một số thẩm mỹ viện hoặc bác sĩ hứa hẹn những điều mà họ không thể thực hiện được. Trên thực tế, họ có vẻ như hứa sẽ mang lại hạnh phúc cho bạn. Nhưng thật ra họ có lẽ quan tâm đến túi tiền của bạn nhiều hơn là hạnh phúc của bạn. Đáng buồn thay, một số nhà phẫu thuật vô lương tâm sẽ thực hiện một cuộc giải phẫu không cần thiết, ít hy vọng thành công, hoặc nguy hiểm—miễn là có người chịu trả tiền.

Có những mối quan tâm lâu dài cũng cần phải nghĩ đến. Chẳng hạn, phần thân thể trông rất xấu đối với bạn lúc 16 tuổi có thể sẽ không còn xấu nữa lúc bạn 21 tuổi. Bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ Urs Bösch nói: “Theo lệ thường thì không nên giải phẫu thẩm mỹ cho thanh thiếu niên. Hình dáng cơ thể của một thiếu niên và sự nhận thức của người ấy về cơ thể mình thay đổi ở lứa tuổi này”. Ngoài ra, những người trẻ rất có thể cần phải giải phẫu thêm sau này. Khi cơ thể của bạn tăng trưởng, những vết sẹo của cuộc giải phẫu cũng lớn theo.

Hãy tính phí tổn

Kinh Thánh khuyên chúng ta tính phí tổn trước khi khởi đầu một công trình quan trọng. (Lu-ca 14:28) Đối với đa số các bạn trẻ, giải phẫu thẩm mỹ ở ngoài tầm tay vì các phí tổn liên hệ. Và phí tổn có thể không bao gồm những cuộc tái khám—hoặc có thể những cuộc giải phẫu phụ cần thiết.

Có một số người đã trả giá cho cuộc giải phẫu không những bằng tiền mà cả sức khỏe của họ nữa. Theo Hội Phẫu Thuật Thẩm Mỹ và Tạo Hình Hoa Kỳ, những mối nguy hiểm cho sức khỏe bao gồm vết sưng, sẹo, mất cảm giác và khả năng cho con bú, và thậm chí mất nhiều máu. Chẳng hạn trong trường hợp của Anna, cô suýt chết trong lúc giải phẫu để hút mỡ. Cô than phiền: “Bây giờ bụng tôi có những vết sẹo rất xấu và một chỗ lõm”. Nói về việc dùng phẫu thuật để hút mỡ, một tờ báo tại Đức nhận xét: “Các báo cáo về những biến chứng trầm trọng, thậm chí tử vong, ngày càng chồng chất”. Đừng quên là: “Phẫu thuật vẫn là phẫu thuật, với những mối nguy hiểm của nó”, theo lời của một bản tin về sức khỏe Apotheken Umschau. Vì vậy, hãy thận trọng cân nhắc những mối nguy hiểm trước khi bạn chọn bất cứ cuộc giải phẫu nào—nhất là cuộc giải phẫu không cần thiết cho sức khỏe.

Bạn cũng có thể tự hỏi: ‘Tôi sẽ làm cho người ta nghĩ gì về tôi? Có phải ngoại hình là điều quan trọng nhất đối với tôi không? Sự lựa chọn của tôi có thể ảnh hưởng đến bạn cùng lứa hoặc các em của tôi như thế nào?’ *

Động lực của bạn

Động lực của bạn cũng cần được xem xét một cách thận trọng, và có thể không dễ để hiểu rõ động lực. Thí dụ, bạn có thể tự hỏi: ‘Tôi có muốn người ta ngừng trêu ghẹo tôi về một nét xấu nào đó không? Hay là vì tôi kiêu hãnh? Có phải tôi mong muốn sửa đổi ngoại hình vì bị ảnh hưởng bởi áp lực của bạn bè, những màn quảng cáo hấp dẫn, hoặc một số tài tử nổi tiếng không? Tôi có đang cố đạt được vẻ đẹp lý tưởng được các phương tiện truyền thông ngày nay cổ xướng một cách quá đáng không?’

Một số người nghĩ nếu làm cho hình dáng bên ngoài đẹp hơn thì dễ có cơ hội tìm được người bạn đời hoặc một việc làm tốt. Nhưng thành thật mà nói, có phải mọi người đã có gia đình mà bạn biết đều xinh đẹp không? Nói sao về ngoại hình của những người có việc làm? Không, có được những điều đó không hoàn toàn tùy thuộc vào ngoại hình. Bên cạnh đó, nếu một người bạn đời tương lai hoặc một người chủ chú trọng đến vẻ bề ngoài nhiều hơn là các đức tính của bạn, thì thật sự họ có đáng với chi phí tốn kém và với những nguy hiểm của phẫu thuật không?

Khi cẩn thận phân tích động lực của mình, hãy thảo luận với cha mẹ hoặc một người bạn thành thục về những cảm nghĩ của bạn. Nếu bạn nghĩ một phần nào đó trên cơ thể mình thật sự có vấn đề, hãy xin họ thành thật cho ý kiến. Đừng chỉ tin cậy vào tấm gương soi. Nana nói như sau về cách mà chúng ta nhìn thấy những khiếm khuyết của cơ thể mình: “Bạn thấy vấn đề nghiêm trọng hơn là người khác thấy chỉ vì bạn nhìn mình dưới một cặp mắt khác”. Các nhà nghiên cứu tại Đại Học Landau ở Đức giải thích rằng trong nhiều trường hợp người ta nghĩ đến việc giải phẫu thẩm mỹ, “không phải vì một phần của cơ thể thật sự bị biến dạng, nhưng vì nó trông có vẻ biến dạng đối với họ”.

Chớ nên hấp tấp quyết định, nhưng hãy cẩn thận cân nhắc mọi yếu tố. Hãy xem mọi cuộc giải phẫu như không thể sửa lại được. Trong bất cứ trường hợp nào, rất có thể bạn sẽ phải sống với hậu quả của cuộc giải phẫu trong một thời gian.

Vẻ đẹp quan trọng nhất của bạn

Hạnh phúc không đến từ vẻ bề ngoài. Trong khi diện mạo có thể nâng hoặc giảm lòng tự trọng, điều thật sự có giá trị là nhân cách và thái độ của bạn. Sau khi trải qua kinh nghiệm đe dọa đến tính mạng, Anna kết luận: “Tôi học được là cái đẹp chẳng quan hệ gì tới hình dạng bên ngoài cả”.

Dù nói một cách tích cực về sắc đẹp, Kinh Thánh cho thấy nó chỉ là thứ yếu so với vẻ đẹp thiêng liêng: “Duyên là giả-dối, sắc lại hư-không; nhưng người nữ nào kính-sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen-ngợi”. (Châm-ngôn 31:30; 1 Sa-mu-ên 16:7) Chấp nhận quan điểm này có thể giúp bạn được an tâm, cho dù bạn không thích một số nét nào đó trên cơ thể.

Dù quyết định gì đi nữa, hãy nhớ rằng diện mạo hoàn mỹ và hạnh phúc hoàn toàn hiện giờ ở ngoài tầm tay. Mọi người đều bất toàn ở điểm này hay điểm nọ. (Rô-ma 3:23) Bạn không thể thay đổi điều đó. Điều mà bạn có thể thay đổi là con người bề trong của bạn—là điều mà Kinh Thánh gọi là “con người nội tâm thầm kín”. (1 Phi-e-rơ 3:3, 4, Tòa Tổng Giám Mục) Hãy tinh luyện nhân cách của bạn bằng cách vun trồng những đức tính xinh đẹp dưới mắt của Đức Chúa Trời. Không có gì nguy hiểm hoặc tốn kém mà phần thưởng thì nhiều vô kể!

[Chú thích]

^ đ. 3 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 7 Giải phẫu thẩm mỹ được thực hiện trên các bộ phận lành mạnh của cơ thể để cải thiện vẻ bên ngoài. Giải phẫu phục hồi nhằm mục đích phục hồi những bộ phận cơ thể bị biến dạng vì thương tích, bệnh tật hoặc dị dạng bẩm sinh. Cả hai đều là hình thức phẫu thuật tạo hình.

^ đ. 17 Xem thêm chương “Diện mạo quan trọng thế nào?” trong sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 19]

Nét “xấu” của bạn có thật sự xấu không, hay bạn cần phải thay đổi cách bạn nhìn mình?