Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kìa, những chú chim cánh cụt nhỏ đang diễu hành!

Kìa, những chú chim cánh cụt nhỏ đang diễu hành!

Kìa, những chú chim cánh cụt nhỏ đang diễu hành!

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở ÚC

ĐÁM ĐÔNG im thin thít chờ đợi. Những cặp mắt dõi theo về phía xa xa để được thấy lần đầu tiên các diễn viên nổi tiếng. Hiện trường tràn ngập ánh đèn pha trở nên sống động khi một bóng dáng nhỏ bé đột nhiên xuất hiện tại mé nước. Tiếng xì xào háo hức lan dần ra trong đám đông khi một bóng dáng khác rồi thêm một bóng nữa đến nhập bọn. Cuộc trình diễn hàng đêm đã bắt đầu. Kìa, những chú chim cánh cụt nhỏ của Đảo Phillip đang diễu hành!

Chim cánh cụt được thế giới biết đến khi hai nhà thám hiểm lừng danh Vasco da Gama và Ferdinand Magellan giong buồm đến những đại dương ở phương nam vào thế kỷ 16. Thoạt đầu, người ta không biết chắc phải phân loại chim cánh cụt như thế nào. Nó có lông như chim, bơi như cá, và đi trên bờ như thú. Cuối cùng, nhờ bộ lông mà vấn đề đã được giải quyết. Chỉ có chim mới có lông vũ—vậy thì nó phải là chim. Từ chim cánh cụt hoàng đế và chim cánh cụt Đảo Adélie oai vệ ở vùng Nam cực cho đến chim cánh cụt Đảo Galápagos ở vùng xích đạo, có 18 loài khác nhau hợp thành họ chim không bay này.

Bạn có muốn viếng thăm một quần thể chim cánh cụt trong môi trường sống tự nhiên của chúng không? Thế thì hãy đến Đảo Phillip—chỉ cách thành phố tân tiến Melbourne, ở Úc, 140 kilômét về phía đông nam. Hàng năm có khoảng 500.000 du khách kéo đến đây để ngắm kỳ công nhỏ bé này. Điều gì khiến các chú chim cánh cụt nhỏ của Đảo Phillip đáng yêu đến thế?

“Dễ thương, nhưng lại hiếu động”

Khoác bộ lông trắng đen trông thật trang trọng, các chú chim cánh cụt nhỏ nhanh chóng chiếm được lòng người xem. Với chiều cao khoảng 33 centimét và nặng chỉ một kilôgam, chúng thuộc loại nhỏ nhất trong các loài chim cánh cụt trên thế giới. Nhưng chớ bị đánh lừa! Kích thước nhỏ bé của chúng được bù lại gấp bội với sự gan lì và sức chịu đựng.

“Chim cánh cụt nhỏ dễ thương, nhưng lại hiếu động”, theo lời giải thích của Giáo Sư Mike Cullen, người đã nghiên cứu quần thể chim cánh cụt tại Đảo Phillip trong hơn 20 năm. Giống chim cánh cụt nhỏ bé nhất này lại to tiếng nhất. Ban đêm cả quần thể vang lên những tiếng hầm hừ, oang oác, the thé, inh ỏi khi chúng bảo vệ tổ của mình khỏi những kẻ xâm phạm, lên tiếng tìm bạn đời, hoặc thích thú “tập hòa hát” với chim bạn.

Khi được mô tả lần đầu tiên vào năm 1780, chim cánh cụt nhỏ được đặt một tên thích hợp là Eudyptula minor, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa “thợ lặn nhỏ tài giỏi”. Với cơ thể có hình dạng thon như quả ngư lôi, bộ lông mượt không thấm nước, và hai cánh như mái chèo, chúng có vẻ như bay xuyên qua nước.

Chiếc “áo phao” hoàn hảo

Khi đi kiếm ăn, mỗi ngày các con chim cánh cụt này có thể bơi đến 100 kilômét, ở lại ngoài biển trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần mỗi lần nếu cần. Làm sao chúng ngủ được ở ngoài biển? Lời giải đáp nằm trong bộ lông được thiết kế một cách phi thường. Chim cánh cụt có một lớp lông tơ dày và lông vũ đan chéo vào nhau, dày đặc gấp ba đến bốn lần chim biết bay. Không khí kẹt dưới lớp lông này giúp chim giữ thân nhiệt và làm nó nổi một cách tự nhiên—rất giống chiếc áo phao. Vì thế, chim cánh cụt có thể dễ dàng ngủ ngoài khơi, nổi bập bềnh như cái nút bần, hai cánh giang ra để giữ thăng bằng, gác mỏ trên mặt nước một cách an toàn.

Dĩ nhiên, ngay cả lớp lông dày của chim cánh cụt cũng không bảo vệ nó được nếu bị thấm nước lạnh giá khi kiếm ăn. Đây không phải là vấn đề cho chim cánh cụt—một tuyến dầu đặc biệt phía trên đuôi chim tiết ra chất sáp lỏng. Khi rỉa lông, nó dùng mỏ làm cho lông thấm chất sáp này, giữ cho lông không thấm nước, sạch sẽ và tốt. Không một người nhái nào có thể có bộ đồ lặn được thiết kế tốt hơn thế để đối phó với cuộc sống ở biển cả.

Việc thiếu nước ngọt ngoài biển có gây khó khăn nào cho giống vật đi biển này không? Nằm ngay phía trên mỗi con mắt là tuyến được cấu tạo cách đặc biệt để lọc muối ra khỏi nước biển. Chim cánh cụt chỉ cần lắc mỏ một cái thì muối sẽ bị tống ra khỏi hai lỗ mũi.

Ngoài ra, mắt của chim cánh cụt được thiết kế cách đặt biệt để nhìn rõ dưới nước cũng như trên mặt nước. Rõ ràng là sinh vật này được trang bị một cách hoàn hảo cho cuộc sống ở nước. Nhưng may thay, chim cánh cụt nhỏ không sống hẳn ngoài biển khơi.

Mối liên hệ với đất liền

Đảo Phillip và lục địa gần đó có bờ biển lởm chởm, đầy cát, có cỏ và cây cối bao phủ. Điều này tạo nên một môi trường sống lý tưởng cho quần thể gồm 26.000 chim cánh cụt nhỏ. Đời sống khởi đầu trong hang do chim cha và chim mẹ nhọc công đào trong cồn cát trên bờ biển. Trứng mới đẻ có thể không được ấp trong vài ngày nhưng vẫn có thể phát triển, sau đó cả chim cha lẫn chim mẹ tận tình luân phiên nhau ấp trứng. Những con chim trong thời kỳ sinh đẻ có một mảng da đặc biệt đầy mạch máu, ở phần dưới của bụng để ấp trứng. Khi ấp trứng, mảng da này được máu ấm làm phồng lên, nhờ thế truyền hơi ấm cần thiết để quả trứng phát triển. Giữa những phiên ấp trứng, mảng da này xẹp xuống để lông trở lại trạng thái không thấm nước và nhờ thế chim lớn có thể xuống biển kiếm ăn.

Một khi đã nở, chim non lớn lên với một tốc độ phi thường. Chỉ trong vòng tám đến mười tuần lễ, chim tơ có kích thước bằng chim lớn và sẵn sàng đi biển. Sách Little Penguin—Fairy Penguins in Australia nhận xét: “Điều phi thường là chim tơ khởi hành những chuyến đi dài ngoài biển mà chỉ được trang bị với những bộ phận sinh lý tuyệt hảo... và những bản năng giúp chúng sống sót”.

Trong vòng một đến ba năm tới, chim tơ có thể đi trong khu vực hàng ngàn kilômét, phần lớn là sống ngoài biển. Những con sống sót thường trở về quần thể cũ để sinh sản—cách nơi sinh trong vòng 500 mét. Làm sao chúng biết đường trở về? Một số người cho rằng chim cánh cụt định hướng bằng mặt trời, dùng đồng hồ sinh học có sẵn trong cơ thể để bù cho sự thay đổi vị trí của mặt trời ngang qua bầu trời. Những người khác thì tin rằng chúng nhận ra những địa thế có đặc điểm quen thuộc. Dù sao chăng nữa, việc những con chim biển này trở về đất liền sau một chuyến đi dài hoặc sau một ngày bắt cá vất vả là cảnh tượng thu hút đám đông đến Đảo Phillip.

Hãy bắt đầu cuộc diễu hành!

Khi hoàng hôn buông xuống, hàng trăm du khách háo hức tìm chỗ cho mình, sẵn sàng xem cuộc diễu hành hàng đêm của chim cánh cụt. Trước đó đã lâu ở phía ngoài bờ biển, những con chim cánh cụt tập hợp thành từng nhóm lớn, tức những đàn gồm có hàng trăm con. Một số ngọn đèn pha rọi sáng bờ biển. Gió thổi nhè nhẹ và những ngọn sóng nhỏ vỗ vào bờ. Sự hoài nghi lan dần ra trong đám đông. Các con chim cánh cụt đâu rồi? Chúng sẽ vào bờ không? Ngay lúc ấy, những con chim cánh cụt nhỏ đầu tiên xuất hiện, nháo nhác đi loanh quanh tại mé nước. Chợt giật mình, chúng biến mất dưới ngọn sóng. Chim cánh cụt nhỏ cảnh giác cao độ vì sợ bị động vật săn mồi, như chim ó, ăn thịt. Chẳng lâu sau, chúng lại xuất hiện rồi dần dần mạnh dạn hơn. Cuối cùng, một con đánh bạo bước ra khỏi nước và lắc lư đi nhanh qua bãi biển đến cồn cát là nơi nương náu. Những con khác trong nhóm nhanh chóng theo sau. Làm ngơ trước những ánh đèn và người xem, chúng đồng bước lên bãi biển, gây ấn tượng của một cuộc diễu hành sống động.

Khi đến nơi an toàn của các cồn cát, những con chim này lộ rõ vẻ thư thả và tập hợp thành những nhóm lớn hơn để rỉa lông. Hết nhóm này đến nhóm khác băng qua bờ biển theo cách này, tạm ngừng để trà trộn và “tán gẫu” với chim hàng xóm trước khi lững thững đi về tổ. Một số phải vất vả đi, nhảy, và trèo lên một con dốc đứng dài 50 mét trước khi về đến hang.

Chim cánh cụt nhỏ—Vấn đề lớn

Như những loài vật khác ở khắp thế giới, chim cánh cụt nhỏ đương đầu với nhiều vấn đề, phần lớn liên quan đến con người. Những mối đe dọa bao gồm dầu thải từ những tàu bè qua lại, môi trường sống bị thu hẹp do những hoạt động của con người, và động vật săn mồi được nhập nội, như cáo và thú nuôi trong nhà.

Có những nỗ lực đáng khen ngợi đã được thực hiện để đối phó với những vấn đề này. Trong những năm gần đây, số chim cánh cụt nhỏ trong Khu Bảo Tồn Chim Cánh Cụt ở Đảo Phillip đã được ổn định. “Chúng tôi đang thắng trận chiến... nhưng hơi chậm”, Giáo Sư Cullen phát biểu cảm nghĩ. Ông nói tiếp: “Thử thách lớn nhất mà chúng tôi hiện đương đầu là bảo vệ nguồn thức ăn của chim cánh cụt nhỏ..., và nguồn này gắn liền với số phận của các đại dương và nhân loại nói chung”. Ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên của trái đất và những hiện tượng khí hậu, như El Niño, đối với nguồn thực phẩm của đại dương đưa ra những vấn đề lớn mà các nhà nghiên cứu đang khảo sát cặn kẽ.

Kết quả của cuộc nghiên cứu này chắc chắn sẽ gia tăng lòng quý trọng của chúng ta đối với hành tinh đa dạng nhưng dễ bị tổn hại mà chúng ta cùng chung sống. Nhờ vào sự chăm sóc chu đáo đã được biểu lộ đối với động vật hoang dã trên Đảo Phillip, một ngày nào đó chính bạn cũng có thể có dịp được ở giữa những người xem hào hứng mà thì thào: “Kìa, những chú chim cánh cụt nhỏ đang diễu hành!”

[Bản đồ nơi trang 15]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

ĐẢO PHILLIP

[Các hình nơi trang 16, 17]

Người xem, ghế ngồi và đèn pha—khung cảnh được dàn dựng cho cuộc diễu hành của chim cánh cụt

[Các hình nơi trang 17]

Từ chim non đến chim lớn chỉ trong mười tuần lễ

[Nguồn tư liệu nơi trang 15]

Hình: Photography Scancolor Australia

[Nguồn tư liệu nơi trang 16]

Hình nơi trang 16 và 17: Photography Scancolor Australia