Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nước chảy đi đâu?

Nước chảy đi đâu?

Nước chảy đi đâu?

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở ÚC

HỐT HOẢNG! Đó là phản ứng đầu tiên của tôi. Một chất lỏng màu xám sủi bọt lên từ lỗ thoát nước dưới sàn phòng tắm, đe dọa biến căn hộ tôi thành một bãi sình hôi thối. Tôi vội vàng gọi thợ ống nước đến chữa. Trong lúc nản lòng chờ đợi, tôi cảm thấy bồn chồn, miệng khô, và nước từ từ thấm vào vớ. Tôi tự hỏi: “Không biết nước từ đâu mà đến nhiều quá vậy?”

Trong khi cố thông ống nước, ông thợ giải thích: “Một người bình thường sống ở thành phố dùng 200 tới 400 lít nước mỗi ngày. Mỗi người đàn ông, đàn bà và trẻ em đổ xuống ống cống khoảng 100.000 lít nước mỗi năm”. Tôi hỏi: “Làm sao mà tôi có thể dùng nhiều nước đến thế? Chắc chắn là tôi không uống lượng nước đó!” Ông ta trả lời: “Đúng vậy, nhưng mỗi ngày ông tắm rửa, xả nước cầu tiêu, và có lẽ dùng máy giặt hoặc máy rửa chén. Qua những cách này và những cách khác, lối sống hiện đại khiến chúng ta dùng gấp đôi số nước mà ông bà chúng ta đã dùng trước kia”. Rồi trong trí tôi chợt nảy ra câu hỏi: “Tất cả nước đó chảy đi đâu?”

Tôi khám phá ra rằng nước mà chúng ta đổ đi mỗi ngày được xử lý theo cách rất khác nhau, tùy theo xứ hoặc ngay cả thành phố nơi chúng ta ở. Tại vài xứ, điều này hiện nay là một vấn đề sinh tử. (Xem các khung nơi trang 11). Xin mời bạn cùng tôi đi thăm nhà máy xử lý nước thải ở địa phương của tôi và chính bạn sẽ biết nước chảy đi đâu và lý do tại sao bạn được lợi ích dù sống ở đâu nếu bạn suy nghĩ kỹ trước khi bỏ đồ xuống ống cống hoặc cầu tiêu.

Đi vào xem nhà máy xử lý

Tôi biết bạn đang nghĩ nhà máy xử lý nước thải nghe không có vẻ là một nơi hấp dẫn để đến thăm. Tôi đồng ý. Tuy vậy, hầu hết chúng ta tùy thuộc vào một nhà máy như thế để giữ cho thành phố không bị tràn ngập đồ phế thải của chính mình—và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm giúp những nhà máy này hoạt động tốt. Nơi chúng ta tới thăm là nhà máy xử lý chính tại Malabar, ở ngay phía nam của Hải Cảng Sydney nổi tiếng. Nước từ phòng tắm tôi chảy đến nhà máy như thế nào?

Khi tôi xả nước cầu tiêu và bồn rửa mặt hoặc tắm rửa, nước chảy đến nhà máy xử lý nước thải. Sau chặng đường dài 50 kilômét, nước này nhập với 480 triệu lít nước chảy tuôn vào nhà máy mỗi ngày.

Ông Ross, nhân viên liên lạc cộng đồng của nhà máy xử lý, giải thích cho tôi biết lý do nhà máy này không làm mất vẻ mỹ quan và không gây mùi hôi: “Phần lớn của nhà máy nằm dưới đất. Chúng tôi nhờ đó giữ được các chất khí và đưa chúng vào tháp lọc khí (một dàn ống khói khổng lồ hình nồi) để tẩy mùi hôi thối. Rồi không khí sạch được đưa vào khí quyển. Mặc dù có hàng ngàn căn nhà ở chung quanh nhà máy, nhưng mỗi năm tôi chỉ nhận được khoảng mười cú điện thoại than phiền về mùi hôi”. Dĩ nhiên, chỗ kế tiếp mà ông Ross dẫn chúng tôi đến là nguồn của “mùi hôi”.

Nước thải là gì?

Trong khi đi xuống sâu vào trong nhà máy, người hướng dẫn kể với chúng tôi: “Nước thải gồm 99,9 phần trăm nước, phần còn lại là phân và nước tiểu, các hóa chất và những vật vụn vặt các loại. Từ các nhà ở và xí nghiệp trong một vùng 55.000 hecta, nước thải chảy vào nhà máy dọc theo một hệ thống gồm 20.000 kilômét ống cống và đổ vào nhà máy. Nó chảy vào ở mức thấp hơn mặt biển hai mét. Nơi đây, nước thải chảy qua một loạt lưới sàng lọc để tách giẻ rách, đá, giấy và chất nhựa. Kế tiếp, trong bể đựng sạn, bọt khí làm những chất hữu cơ lơ lửng trong nước, và chất sạn nặng hơn thì lắng xuống đáy. Tất cả chất thải vô cơ này được thu lại và đưa ra bãi rác. Nước thải còn lại được bơm lên cao 15 mét vào các bể lắng cặn”.

Các bể này nằm trong một khu rộng bằng sân bóng đá và tại đây một người mới hiểu những người hàng xóm sẽ than phiền biết bao nếu hệ thống lọc không khí không hoạt động hữu hiệu. Trong khi nước chảy từ từ qua các bể, dầu mỡ nổi lên trên và được hớt đi. Chất đặc mềm nhuyễn, gọi là cặn, lắng xuống đáy. Những cái lưỡi lớn chạy bằng máy, cạo và đưa chất này đến nơi nó được bơm đi để xử lý thêm.

Sau khi được xử lý, nước thải chảy ra biển bằng một đường hầm dài ba kilômét. Ở đó, nước này chảy lên đáy biển và hòa vào nước biển, khoảng 60 đến 80 mét dưới mặt nước. Luồng nước mạnh ven biển làm nước thải phân tán, và quá trình xử lý được hoàn tất nhờ tính chất khử trùng tự nhiên của nước muối. Chất cặn còn lại tại nhà máy được bơm vào những bồn to gọi là bồn ninh yếm khí. Nơi đây, những vi sinh vật phân hóa chất hưu cơ thành khí metan và chất cặn ổn định hơn.

Từ cặn thành đất

Tôi thở phào nhẹ nhõm, đi theo ông Ross trở lên nơi có không khí mát mẻ và leo lên nóc của một bồn lắng cặn kín khí. Ông nói tiếp: “Khí metan do vi sinh vật làm ra được dùng để chạy máy phát điện và cung cấp hơn 60 phần trăm điện lực để vận hành nhà máy. Chất cặn ổn định được khử trùng và trộn thêm vôi để trở thành một chất hữu dụng, gồm nhiều chất dinh dưỡng cho thực vật và được gọi là chất đặc hóa sinh. Chỉ riêng Nhà Máy Xử Lý Nước Thải Malabar sản xuất 40.000 tấn chất đặc hóa sinh hàng năm. Mười năm trước đây, người ta đem chất cặn không được xử lý đi thiêu hoặc đổ xuống biển. Ngày nay tài nguyên này được tận dụng”.

Ông Ross đưa cho tôi một cuốn sách mỏng, trong đó có lời giải thích: “Những cánh rừng ở [New South Wales] cho thấy có sự sinh trưởng gia tăng từ 20 tới 35 phần trăm sau khi bón rừng với chất đặc hóa sinh”. Cuốn này cũng nói rằng trồng ‘lúa mì trong đất bón với chất đặc hóa sinh đã gia tăng hoa lợi đến 70 phần trăm’. Tôi nhận thấy là bây giờ phân trộn chế biến từ chất đặc hóa sinh không có hại khi dùng để phân bón những cây bông trong vườn của tôi.

Không thấy thì không nghĩ đến chăng?

Cuối chuyến tham quan, người hướng dẫn nhắc tôi rằng đổ sơn, thuốc trừ sâu, thuốc men hoặc dầu nhớt xuống cống có thể giết vi sinh vật tại nhà máy xử lý và vì thế có thể phá hư quá trình tái sinh. Ông nhấn mạnh rằng ‘dầu và mỡ từ từ làm nghẹt hệ thống ống nước giống như những chất đó làm nghẹt động mạch của chúng ta. Tã, vải và chất nhựa không biến mất khi vứt vào cầu tiêu. Thay vì thế, những thứ này làm nghẹt ống cống’. Như tôi đã học, xả rác xuống cống thì có thể không thấy nữa, nhưng khi cống nghẹt, chúng ta sẽ nhớ ngay đến nó. Vì thế, lần tới khi bạn tắm, xả nước cầu tiêu hoặc bồn rửa mặt, hãy nghĩ đến nước chảy đi đâu.

[Khung/​Hình nơi trang 9]

Từ nước thải đến nước uống

Hàng triệu người sống ở Quận Cam (Orange County)—một vùng ít mưa ở California, Hoa Kỳ—được lợi nhờ giải pháp đổi mới đối với vấn đề nước thải. Thay vì đổ hàng triệu lít nước thải thẳng xuống biển mỗi ngày, một phần lớn lượng nước đó được chuyển về nguồn nước. Nhiều năm nay, kỳ công này đã đạt được nhờ một nhà máy xử lý nước thải. Sau khi được xử lý lần thứ nhất, nước thải được xử lý lần thứ hai và thứ ba. Công việc này bao gồm việc lọc nước cho sạch như nước uống thường. Rồi nước này được hòa với nước giếng sâu và chảy vào mạch nước ngầm. Nơi đó, nước này làm đầy lại mạch nước và cũng ngăn ngừa không cho nước muối thấm vào nguồn nước ngầm. Đến 75 phần trăm tổng nhu cầu nước của vùng này là do nguồn nước ngầm này cung cấp.

[Khung nơi trang 11]

Năm cách khôn khéo dùng nước

Thay vòng đệm của vòi nước bị rỉ—vòi nước rỉ có thể phí 7.000 lít một năm.

Kiểm xem cầu tiêu có rỉ nước hay không—nó có thể phí 16.000 lít một năm.

Gắn loại đầu vòi hoa sen tốn ít nước. Một đầu vòi thông thường tuôn ra 18 lít một phút; một đầu vòi chảy chậm tuôn ra 9 lít một phút. Một gia đình bốn người có thể tiết kiệm được tới 80.000 lít một năm.

Nếu dùng cầu tiêu có thể xả hai lượng nước khác nhau (dual-flush toilet), hãy dùng lượng nước ít hơn nếu có thể được—một gia đình bốn người sẽ tiết kiệm được hơn 36.000 lít một năm.

Lắp vỉ lọc vào vòi nước—nó tương đối không đắt lắm và giảm nửa lượng nước chảy nhưng không bớt đi sự hữu dụng.

[Khung nơi trang 11]

Cuộc khủng hoảng nước thải trên thế giới

“Hơn 1,2 tỷ người vẫn thiếu nước uống sạch sẽ, trong khi 2,9 triệu người thiếu những phương tiện vệ sinh. Điều này khiến 5 triệu người chết hàng năm, phần lớn là trẻ em, vì những bệnh lan truyền qua việc dùng nước nhiễm trùng”.—Diễn Đàn Thế Giới Lần Thứ Hai về Nước tổ chức tại The Hague, Hà Lan.

[Biểu đồ/​Các hình nơi trang 10]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Tiến trình xử lý nước thải tại Malabar (Sơ đồ đơn giản hóa)

1. Nước thải chảy vào nhà máy

2. Sàng Lọc

3. Bể đựng sạn ⇨ ⇨ 4. Ra bãi rác

5. Bể lắng cặn ⇨ ⇨ 6. Ra biển

7. Bồn ninh yếm khí ⇨ ⇨ 8. Máy phát điện

9. Bể chứa chất đặc hóa sinh

[Các hình]

Bồn ninh yếm khí biến cặn thành phân bón và khí metan có ích

Đốt khí metan để phát điện