Người chơi bị nguy hại không?
Người chơi bị nguy hại không?
Đứa bé trai 12 tuổi “dồn một đối thủ tay không vào một góc và gí súng vào đầu người đó. ‘Mày chạy đi đâu!’ đứa bé nói với lời châm chọc điên cuồng, nhạo báng nhân vật trên màn hình. ‘Mày không thể thoát khỏi tay tao!’ Đứa bé bấm nút bắn vào mặt nhân vật này. Máu bắn tung tóe lên chiếc áo choàng của nhân vật này trong khi ông loạng choạng ngã ngửa xuống. Đứa bé vừa cười vừa nói: ‘Cho mày chết luôn!’ ”
TRÊN đây là ví dụ về cảnh trong một trò chơi điện tử nào đó được trích ra từ bài “Bạo lực trên máy tính: Con cái bạn có bị nguy hại không?” do Stephen Barr viết. Ví dụ này nêu lên câu hỏi của tựa đề bài chúng ta. Có hơn 5.000 trò chơi điên tử khác nhau trên thị trường. Một số những trò chơi này được coi là có tác dụng giáo dục lẫn giải trí vô hại.
Một trò chơi như thế dạy địa lý và một trò khác dạy cách lái máy bay. Những trò chơi khác dạy người chơi cách suy luận hợp lý và giải quyết vấn đề. Ngay cả có những trò chơi nhằm tạo tác dụng trị bệnh đối với người chơi. Thí dụ, có một trò chơi nhằm giúp những người mắc chứng khó đọc. Một số trò chơi cũng có
thể giúp những người trẻ biết sử dụng máy tính giỏi hơn, là điều ngày càng quan trọng vào thời đại mà kỹ thuật được coi là rất cần thiết.Chuyên gia chỉ ra mặt trái
David Walsh, chủ tịch của Cơ Quan Quốc Gia về Phương Tiện Truyền Thông Đại Chúng và Gia Đình, nói: “Một số các trò chơi làm nổi bật những tư tưởng phản xã hội như bạo lực, tình dục và lời nói tục tĩu. Đáng buồn thay, đó là những trò chơi dường như được giới trẻ từ tám đến 15 tuổi đặc biệt ưa chuộng”.
Một cuộc nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy gần 80 phần trăm các trò chơi điện tử mà người trẻ thích đều có bạo lực. Chủ tịch công ty Virtual Image Productions là Rick Dyer nói: “Những trò chơi này không chỉ là những trò chơi nữa. Đây là những dụng cụ để học hỏi. Chúng ta đang dạy trẻ em một cách ngoài sức tưởng tượng là chúng sẽ thấy thế nào khi bóp cò súng.... Điều mà chúng không học được là những hậu quả trong đời sống thực tại”.
Ngay từ năm 1976, trò chơi điện tử Death Race đã khiến công chúng phản đối dữ dội những trò chơi hung bạo. Mục đích của trò chơi này là cán lên những khách bộ hành đi tới đi lui trên màn hình. Người chơi nào cán được nhiều người nhất thì thắng cuộc. Những trò chơi mới và tinh vi hơn có hình ảnh rõ hơn và cho phép người chơi tham gia vào những hành động thậm chí hung bạo và giống như thật hơn.
Thí dụ, trong trò chơi Carmageddon, khi chơi hết các bậc của trò chơi thì người chơi đã lái xe và cán chết đến 33.000 người. Lời miêu tả phần tiếp theo của trò chơi này nói: “Nạn nhân không những bị bánh xe cán dẹp, máu bắn tung tóe trên kính xe, mà còn quỳ lạy van xin tha mạng hoặc tự tử. Nếu thích, bạn cũng có thể phân thây những người đó”.
Tất cả bạo lực giả tưởng này có hại không? Đã có khoảng 3.000 cuộc nghiên cứu khác nhau về vấn đề này. Nhiều cuộc nghiên cứu này đề xuất là có sự tương quan giữa trò chơi hung bạo và tính hung hãn gia tăng nơi người chơi. Những vụ bạo lực giữa giới trẻ thường được xem là bằng chứng có sự tương quan.
Một số chuyên gia xem thường ảnh hưởng của các trò chơi này, và nói rằng các yếu tố khác phải được xem xét, chẳng hạn như những đứa trẻ chọn những trò chơi loại này có thể đã có khuynh hướng hung bạo sẵn rồi. Tuy nhiên, phải chăng những trò chơi hung bạo vẫn góp phần làm gia tăng vấn đề này? Khăng khăng nói rằng người ta không bị ảnh hưởng bởi những gì mình thấy thì điều này có vẻ không thực tế. Nếu lời khẳng định đó đúng, thì tại sao giới thương mại lại chi hàng tỷ Mỹ kim hàng năm cho những màn quảng cáo trên truyền hình?
“Cái tài và cái ý giết người”
Nhà tâm lý quân sự là David Grossman, tác giả sách Về việc giết người (Anh ngữ), quả quyết rằng sự hung bạo trong các trò chơi điện tử huấn luyện trẻ con như cách quân đội huấn luyện lính để khắc phục tính bẩm sinh chống lại việc giết người. Thí dụ, trong quân đội, người ta khám phá ra rằng chỉ thay cái bia thông thường có hồng tâm bằng cái bia có hình người trong khi tập bắn thì đại đa số lính bộ binh không còn tính kháng cự bẩm sinh này nữa. Tương tự như vậy, ông Grossman quả quyết rằng các trò chơi hung bạo dạy trẻ con có “cái tài và cái ý giết người”.
Theo cuộc nghiên cứu đăng trong Tập san tính tình và tâm lý xã hội (Anh ngữ), bạo lực trong trò chơi điện tử có thể còn nguy hiểm hơn bạo lực chiếu trên truyền hình hoặc phim ảnh vì người chơi gắn bó chặt chẽ với các nhân vật đang hành động bạo lực. Truyền hình có thể khiến chúng ta thành khán giả xem bạo lực; trò chơi điện tử có thể khiến chúng ta cảm thấy mình là những người trong cuộc. Hơn nữa, một đứa trẻ có thể mất hai tiếng đồng hồ để xem một phim nhưng nó có thể mất đến 100 tiếng đồng hồ để chơi thông thạo một trò thông thường.
Một số nước có hệ thống phân loại với mục đích cho thấy rõ những trò chơi hung bạo dã man là chỉ dành cho người lớn. Tuy nhiên, hệ thống như thế chỉ có lợi khi nào nó được thi hành. Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy 66 phần trăm những bậc cha mẹ đã được tham khảo ý kiến cũng thậm chí không quen thuộc với hệ thống xếp hạng này. Chủ tịch Ủy Ban Xếp Hạng Giải Trí Phần Mềm nói rằng hệ thống này không phải chủ yếu để ngăn ngừa trẻ em có được một số trò chơi nào đó. Ông giải thích: “Vai trò của chúng tôi không phải là buộc người ta theo một sở thích nào. Chúng tôi cho cha mẹ công cụ để quyết định những gì họ muốn hoặc không muốn cho con cái mình”.
Những trò chơi khiến bị ghiền chăng?
Những trò chơi trực tuyến mới trên Internet cho người ta chơi với những người khác trên toàn cầu và cho phép người chơi chọn đóng vai của một nhân vật nào đó. Nhân vật này có thể được thăng tiến khi vượt qua những thử thách khác nhau, khiến người chơi cảm thấy mỗi lúc một thành công hơn. Thời gian mà người chơi dành vào nhân vật của mình trở thành một món đầu tư và cho người chơi có cảm giác thành công, khiến người đó muốn chơi thêm nữa. Đối với một số người, hầu như họ bị ghiền—có lẽ đây là một lý do tại sao một trò chơi trực tuyến có thể
kéo dài đến hàng tháng hoặc ngay cả đến hàng năm.Tạp chí Time tường thuật rằng gần đây ở Nam Hàn, rất nhiều người thích trò chơi trực tuyến gọi là Lineage. Trong trò chơi này, người chơi đánh nhau để giành chiến thắng trong một môi trường thời Trung cổ. Người chơi thăng tiến khi qua được những bậc khác nhau, cố đạt cấp bậc đặc biệt. Một số người trẻ chơi cả đêm và ngủ gà ngủ gật khi ngồi trong lớp vào ngày hôm sau. Cha mẹ lo lắng nhưng nhiều lúc không biết phải giải quyết vấn đề như thế nào. Trong một cuộc phỏng vấn, một người trẻ giải thích: “Khi gặp em trên mạng, người ta nghĩ em đặc sắc, nhưng khi gặp mặt họ khuyên em nên giảm cân”.
Nhà tâm lý học Đại Hàn là Joonmo Kwon đưa ra giải thích của ông về lý do tại sao trò chơi Lineage đã trở nên thịnh hành như vậy: “Trên thực tế, ở Đại Hàn, người ta phải đè nén những đam mê và ước vọng thầm kín của mình. Trong trò chơi, những điều này được bộc lộ ra”. Vì vậy, người trẻ trốn tránh thực tại và bước vào thế giới ảo tưởng. Một nhà bình luận sắc sảo miêu tả những người chơi như sau: “Đối với người chơi thì trò chơi hấp dẫn hơn thực tại nhiều. Thực tại chỉ là một khoảng thời gian, trong đó người chơi kiếm một chút ít tiền cần thiết để tiếp tục chơi”.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Thống kê ở Hoa Kỳ cho thấy một học sinh trung bình học lớp sáu xem truyền hình bốn tiếng mỗi ngày—và điều này còn chưa kể những giờ mà học sinh đó chơi trò chơi trong khi nhìn chằm chằm vào màn máy tính hay truyền hình. Trong một cuộc thăm dò năm 1995, hơn 60 phần trăm trẻ em thú nhận rằng chúng thường chơi lâu hơn là dự định. Bỏ bê bài vở là chuyện dễ dàng xảy ra. Một cuộc nghiên cứu ở Nhật cho thấy trò chơi điện tử chỉ kích thích một phần hạn định nào đó của óc trẻ em. Theo cuộc nghiên cứu này, trẻ em cần đọc, viết và làm toán nhiều hơn. Tuy nhiên, để cho bộ óc được phát triển đầy đủ, trẻ em cũng cần được kích thích qua việc ra ngoài chơi với các trẻ khác và tiếp xúc với những người khác.
Theo một bản báo cáo, khoảng 40 phần trăm trẻ em Hoa Kỳ từ năm đến tám tuổi bị bệnh béo phì. Rất có thể một phần là do thiếu tập thể dục vì chúng dành quá nhiều thì giờ xem truyền hình hoặc dùng máy tính. Một công ty thậm chí đã chế dụng cụ để có thể tập thể dục trong khi chơi trò chơi điện tử. Song le, việc hạn chế giờ chơi các trò chơi đó để có nhiều thì giờ cho những hoạt động khác đương nhiên là điều tốt hơn vì nhờ đó trẻ em có thể phát triển lành mạnh về mọi phương diện.
Một vấn đề sức khỏe khác: Mắt có vấn đề có thể là vì nhìn chằm chằm màn hình quá lâu. Những cuộc nghiên cứu cho thấy ít nhất là một phần tư tất cả những người dùng máy tính gặp vấn đề về thị giác. Một lý do là mắt chớp chậm lại khiến mắt bị khô và khó chịu. Chớp mắt làm mắt
được quang, kích thích mắt tiết ra nước mắt và làm sạch bụi bặm.Vì không ý thức đầy đủ, trẻ em có thể chơi trò chơi điện tử hết giờ này sang giờ khác, ít khi nghỉ ngơi. Điều này có thể làm mỏi mắt và nhìn không rõ. Các chuyên gia đề nghị nên đều đặn nghỉ vài ba phút sau mỗi giờ dùng máy tính. *
Một kinh doanh toàn cầu đang tiến triển
Số người thích trò chơi trực tuyến có vẻ đang gia tăng trên toàn thế giới. Các quán cà phê có Internet ngày càng mọc lên như nấm. Những quán này có gắn một số máy tính và khách hàng trả tiền để chơi những trò chơi trên mạng. Những người trẻ tiêu 200 Mỹ kim mỗi tháng tại những quán đó không phải là điều hiếm thấy.
Không còn nghi ngờ gì nữa, ngành công nghiệp trò chơi điện tử đang tiến triển. Người ta cho rằng thị trường trò chơi trực tuyến sẽ tăng hơn 70 phần trăm trong năm năm tới.
Tuy nhiên, rõ ràng là ngành công nghiệp đang phát đạt này có mặt trái. Những mối nguy hại có thật. Không một ai trong chúng ta có thể để những trò chơi đó làm hại sức khỏe của mình, làm phí đi quá nhiều thì giờ và tiền bạc hoặc làm chúng ta quen với bạo lực và giết người. Con cái chúng ta lại càng không thể trả một giá như vậy. Vì thế không thể nói rằng trò chơi điện tử luôn luôn có tính cách giáo dục hoặc giải trí vô hại. David Walsh, người được trích ở trên, cảnh báo: “Phương tiện truyền thông đại chúng có lẽ mạnh hơn là chúng ta nghĩ”. Ông nói tiếp: “Nếu cha mẹ có trách nhiệm nuôi nấng con cái, thì cách chúng ta định nghĩa việc nuôi nấng phải theo kịp với thế giới truyền thông đại chúng đang biến đổi”.
Thật vậy, như Kinh Thánh nói, “hình-trạng thế-gian nầy qua đi [“đang thay đổi”, NW]”. (1 Cô-rinh-tô 7:31) Dường như không có gì thay đổi nhanh hơn là phương tiện truyền thông đại chúng cho việc giải trí. Chỉ cố theo kịp những khuynh hướng luôn luôn thay đổi và những ảnh hưởng đang dồn dập con cái mình ngày này sang ngày kia cũng đã làm nhiều bậc cha mẹ cảm thấy bối rỗi. Tuy nhiên, xin chớ nản lòng. Nhiều bậc cha mẹ đang thành công trong việc nuôi nấng con cái nhờ giúp chúng tập trung vào những gì thật sự quan trọng. Giống như tất cả chúng ta, trẻ con cần biết rằng việc giải trí—dù bằng máy tính, TV, hoặc bất cứ một phương tiện truyền thông đại chúng nào khác—cũng không thể đáp ứng được những nhu cầu lớn nhất của mình. Như Chúa Giê-su có lần phán, hạnh phúc thật sự đến với những ai “ý thức về nhu cầu thiêng liêng”.—Ma-thi-ơ 5:3, NW.
[Chú thích]
^ đ. 24 Ngoài ra, một số người đề nghị là cứ mỗi 15 phút, tất cả những ai dùng máy tính nên làm cho mắt đỡ mỏi bằng cách nhìn đi chỗ khác và nhìn những vật ở xa hơn máy. Những người khác đề nghị là ngồi cách xa màn hình ít nhất là 60 centimét và tránh dùng máy tính khi mỏi mệt.
[Khung nơi trang 6]
TRÒ CHƠI ĐIỆN TỬ—Bản tóm tắt những mối nguy hại
Chơi những trò chơi điện tử hung bạo có thể khuyến khích những hành vi hung hãn.
▸ Trò chơi điện tử có thể khiến bạn cảm thấy mình không những chỉ là khán giả xem bạo lực; những trò chơi này được thiết kế làm cho bạn cảm thấy mình là một người trong cuộc.
▸ Đối với những người dễ bị ảnh hưởng, những trò chơi này có thể làm cho họ khó phân biệt được thực tại với ảo tưởng.
▸ Giống như bị ghiền, chơi trò chơi có thể đưa người ta đến chỗ lơ là những trách nhiệm quan trọng và những quan hệ với người khác.
▸ Trò chơi có thể làm mất thì giờ mà trẻ em nên dùng cho những hoạt động quan trọng khác, như học hành, tiếp xúc với người khác và chơi những trò phát triển óc sáng kiến.
▸ Nhìn màn hình lâu có thể gây chứng mỏi mắt.
▸ Có lẽ một hậu quả của việc chơi trò chơi là thiếu tập thể dục; điều này có thể đưa đến bệnh béo phì.
▸ Trò chơi có thể làm bạn phí thì giờ và tiền bạc.
[Khung/Hình nơi trang 8]
Một cách bỏ tật xấu
Thomas, một tín đồ Đấng Christ 23 tuổi, gợi lại: “Khi còn là học sinh, tôi bỏ bê bài vở vì mải chơi trò chơi điện tử. Điều này ảnh hưởng đến những việc khác khi tôi lớn lên. Tôi tiếp tục chơi, ngay cả sau khi trở thành người truyền giáo tình nguyện trọn thời gian. Cuối cùng tôi nhận thức được là chơi trò chơi chiếm quá nhiều thì giờ và năng sức. Thỉnh thoảng khi chơi trước khi đi rao giảng hoặc đi nhóm họp của đạo Đấng Christ, tôi thấy rất khó tập trung tư tưởng. Tôi hầu như luôn luôn nghĩ làm sao tôi sẽ giải quyết một vấn đề nào đó của trò chơi khi trở về nhà. Tôi bỏ bê việc học hỏi cá nhân và không đều đặn đọc Kinh Thánh. Niềm vui của tôi trong việc phục vụ Đức Chúa Trời bắt đầu giảm đi.
“Vào một đêm khuya, khi nằm trên giường, tôi cảm thấy là tôi không thể cứ tiếp tục sống như vậy. Tôi dậy, bật máy tính lên, chọn tất cả các trò chơi và bấm nút xóa. Tất cả các trò chơi biến mất hết trong tích tắc! Điều này thật là khó cho tôi. Tôi nhận ra rằng tôi thích trò chơi hơn là tôi tưởng. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy rất sung sướng đã chiến thắng khi biết là tôi đã làm thế vì lợi ích của chính mình. Tôi thú thật là sau đó tôi cũng có mua vài trò chơi nhưng giờ đây tôi nghiêm khắc hơn nhiều đối với bản thân. Ngay sau khi nhận thấy khó giữ được mức thăng bằng trong việc chơi trò chơi, tôi lại chỉ cần bấm nút xóa mà thôi”.
[Hình nơi trang 6]
Một số người nói rằng có sự tương quan giữa trò chơi hung bạo và tính hung hãn của người chơi
[Hình nơi trang 7]
Một phòng chơi trò chơi trên Internet ở Seoul, Đại Hàn