Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Nghiện” điện thoại di động

“Nghiện” điện thoại di động

“Nghiện” điện thoại di động

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở NHẬT BẢN

“SỰ HAM THÍCH điện thoại di dộng đã đi đến mức nghiện ngập”—đó là hàng tựa lớn trong tờ báo The Daily Yomiuri tại Nhật Bản. Nghiện ngập ư? Tờ báo giải thích: “Dường như giới trẻ xem điện thoại di động là một phần của cơ thể mình và thậm chí bắt đầu hoảng hốt nếu không có điện thoại với mình”. Vì sợ mất liên lạc với người khác, nhiều em luôn luôn mở điện thoại, ở mọi nơi. Nếu “không nhận được lời nhắn nào trên điện thoại di động, họ cảm thấy bứt rứt khó chịu, rồi bắt đầu cảm thấy không ai cần đến mình”. Trạng thái bứt rứt này thúc ép họ lập tức trả lời mọi điện báo gửi đến, thường là điều không cần thiết.

Dĩ nhiên, có điện thoại di động có thể là điều có lợi. Thật vậy, chúng thường tỏ ra vô giá trong những trường hợp khẩn cấp. Ngay cả sử dụng điện thoại di động lúc bình thường không nhất thiết là sai, miễn là có sự thăng bằng. Nhưng một số chuyên gia nói rằng “nghiện” điện thoại di động có thể làm hại kỹ năng giao tiếp bình thường. Tờ báo này nói rằng một giáo viên trung học tại Osaka lo rằng vì điện thoại di động mà “trẻ em đang mất khả năng hiểu được những biểu hiện trên nét mặt, cử chỉ và giọng nói của người khác. Một hậu quả của điều này là sự gia tăng tính hung hăng trong vòng trẻ em, cùng với việc không để ý đến cảm nghĩ của người khác”.

Bài báo kết luận: “Dường như điều không thể tránh được là trẻ em càng ngày càng phụ thuộc vào điện thoại di động trong tương lai. Cách duy nhất để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của xu hướng này là người lớn phải nêu gương tốt cho trẻ em trong việc sử dụng điện thoại di động”.