Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Từ sứ mạng cảm tử đến cuộc theo đuổi hòa bình

Từ sứ mạng cảm tử đến cuộc theo đuổi hòa bình

Từ sứ mạng cảm tử đến cuộc theo đuổi hòa bình

DO TOSHIAKI NIWA KỂ LẠI

Một cựu phi công Nhật, được huấn luyện trong phi đội kamikaze để tấn công chiến hạm của hải quân Mỹ trong Thế Chiến II, kể lại cảm nghĩ của mình trong lúc chờ đợi sứ mạng cảm tử.

THẢM BẠI trong Trận Midway vào tháng 6 năm 1942 đã chặn đứng sự bành trướng của Nhật trong vùng Thái Bình Dương. Kể từ lúc đó, Nhật Bản bại trận liên tiếp khi Hoa Kỳ và các đồng minh bắt đầu tái chiếm những vùng trước kia Nhật đã chiếm đóng.

Vào tháng 9 năm 1943, chính phủ Nhật thông báo là các sinh viên trước kia được miễn quân dịch nay phải nhập ngũ. Vào tháng 12, lúc 20 tuổi, tôi rời đại học để gia nhập hải quân. Một tháng sau tôi trở thành phi công tập sự của hải quân. Vào tháng 12 năm 1944, tôi được huấn luyện lái một loại chiến đấu cơ có tên là Zero.

Phi Đoàn Xung Kích Đặc Biệt Kamikaze

Nhật Bản đang trên đà bại trận. Đến tháng 2 năm 1945, các cuộc oanh tạc Nhật Bản bằng phi cơ B-29 gia tăng dữ dội. Đồng thời, lực lượng hải quân đặc nhiệm Hoa Kỳ tiến gần đất liền, để các oanh tạc cơ từ mẫu hạm ném bom.

Vài tháng trước đó, cấp chỉ huy quân sự của Nhật đã quyết định dùng chiến thuật cảm tử để tiến hành trận chiến cuối cùng. Dù đến lúc ấy rõ ràng là Nhật không thể thắng, quyết định đó đã kéo dài cuộc chiến và chắc chắn khiến hàng ngàn người nữa bị thiệt mạng.

Vì vậy, Lực Lượng Xung Kích Đặc Biệt Kamikaze đã được hình thành. Lực lượng này được gọi là thần phong, kamikaze; theo truyền thuyết, đó là một trận bão lớn đã thổi bạt những chiếc thuyền của quân xâm lược Mông Cổ vào thế kỷ thứ 13. Trong cuộc tấn công đầu tiên của phi đội kamikaze, năm chiến đấu cơ Zero đều được gắn một quả bom nặng 250 kilôgam để quyết tử đâm xuống một chiếc tàu được chọn làm mục tiêu.

Phi Đoàn Hải Quân Yatabe, trong đó có tôi, đã được lệnh tổ chức một phi đội cảm tử đặc biệt. Tất cả chúng tôi đều nhận được một lá đơn để điền vào, cho biết mình sẽ tình nguyện vào phi đoàn xung kích cảm tử hay không.

Tôi cảm thấy nên hy sinh thân mình vì tổ quốc. Nhưng cho dù tôi hy sinh mạng sống trong chuyến bay cảm tử, tôi có thể bị bắn rơi trước khi đâm xuống mục tiêu, rồi chết một cách vô ích. Liệu mẹ tôi có hài lòng không nếu tôi kết liễu cuộc sống mà không hoàn thành các bổn phận gia đình? Tôi thấy khó tin việc tình nguyện cho một sứ mạng cảm tử là cách tốt nhất để dùng đời sống mình. Dù vậy, tôi vẫn tình nguyện.

Vào tháng 3 năm 1945, đội đầu tiên của Phi Đoàn Xung Kích Đặc Biệt Yatabe đã được thành lập. Dù 29 người bạn đồng ngũ của tôi đã được chọn, còn tôi thì không. Sau khi nhận được sự huấn luyện đặc biệt, họ được chỉ định cất cánh vào tháng 4 để thi hành sứ mạng cảm tử từ căn cứ không quân Kanoya trong quận Kagoshima. Tôi đến thăm các bạn của tôi trước khi họ chuyển đến Kanoya, mong biết được cảm tưởng của họ khi đứng trước sứ mạng cảm tử.

Một người trong họ bình tĩnh nói: “Chúng tôi sẽ hy sinh, nhưng anh chớ hấp tấp hy sinh. Nếu có ai trong chúng ta sống sót, thì người ấy phải cho người khác biết hòa bình quý giá đến mức nào và phải cố gắng để đạt được”.

Vào ngày 14-4-1945, các đồng đội của tôi cất cánh. Mấy giờ sau, tất cả chúng tôi đều nghe đài phát thanh để biết kết quả. Phát thanh viên nói: “Đội Showa Thứ Nhất của Lực Lượng Xung Kích Đặc Biệt Kamikaze đã đâm xuống lực lượng đặc nhiệm của quân thù trên biển, về phía đông của Kikai Shima. Tất cả đều tử trận.

Ohka—Quả bom người

Hai tháng sau, tôi được chuyển đến Phi Đoàn Hải Quân Konoike với tư cách đội viên của Phi Đội Xung Kích Đặc Biệt Jinrai. Jinrai có nghĩa là “sấm thần”. Phi đội gồm các phi cơ cất cánh từ đất liền (gọi là Phi Cơ Xung Kích), hộ tống cơ, và các oanh tạc cơ cất cánh từ mẫu hạm.

Mỗi phi cơ “mẹ”—tức là Phi Cơ Xung Kích hai động cơ—có gắn một chiếc Ohka, nghĩa là “hoa anh đào”, tượng trưng cho các phi công trẻ sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình. Chiếc Ohka là tàu lượn một chỗ ngồi với cánh dài năm mét, nặng 440 kilôgam, được trang bị khoảng một tấn thuốc nổ trong mũi nó.

Khi phi cơ mẹ tiến gần mục tiêu, một phi công vào chiếc Ohka, rồi tách rời phi cơ mẹ. Sau khi lượn một hồi nhờ ba máy phản lực, mỗi máy hoạt động mười giây, nó đâm xuống mục tiêu. Có thể gọi nó là một quả bom người. Khi đã phóng thì không còn trở lại được nữa!

Khi luyện tập, một phi công lái Ohka sẽ lên chiến đấu cơ Zero rồi đâm xuống mục tiêu từ độ cao khoảng 6.000 mét. Tôi đã chứng kiến vài phi công mất mạng trong những cuộc luyện tập này.

Trước khi tôi được phái đến phi đội, nhóm đầu tiên đã cất cánh. Nhóm này gồm 18 Phi Cơ Xung Kích có trang bị những chiếc Ohka, và được 19 chiến đấu cơ hộ tống. Những Phi Cơ Xung Kích này nặng nề và chậm chạp. Không một chiếc nào đến được mục tiêu. Tất cả các Phi Cơ Xung Kích và hộ tống cơ đều bị chiến đấu cơ của Hoa Kỳ bắn rơi.

Vì không còn lại hộ tống cơ nào, cho nên Phi Đội Jinrai đành phải thực hiện những phi vụ sau này một mình. Những người cất cánh sau đó không bao giờ trở về. Tất cả đều chết, biệt tích trong chiến trường Okinawa.

Những ngày cuối cuộc chiến

Vào tháng 8 năm 1945, tôi được chuyển đến Phi Đoàn Hải Quân Otsu. Căn cứ tôi được phái đến nằm tại chân Núi Hiei-zan gần thành phố Kyoto. Để đề phòng lực lượng Hoa Kỳ đổ bộ vào đất Nhật, kế hoạch phóng những chiếc Ohka từ trên núi được lập ra nhằm thực hiện các cuộc tấn công cảm tử vào tàu hải quân Hoa Kỳ. Các đường ray để phóng chiếc Ohka được đặt trên đỉnh núi.

Chúng tôi đợi lệnh cất cánh. Nhưng lệnh đó đã không đến. Sau khi Hiroshima và Nagasaki bị bom nguyên tử tàn phá vào ngày 6 và ngày 9 tháng 8, Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện trước Hoa Kỳ và các đồng minh vào ngày 15 tháng 8. Cuối cùng cuộc chiến kết thúc. Tôi đã thoát chết.

Đến cuối tháng 8, tôi trở về quê nhà tại Yokohama, nhưng ngôi nhà của tôi đã bị thiêu hủy bởi các cuộc oanh tạc của phi cơ B-29. Gia đình tôi ở trong tình trạng tuyệt vọng. Chị và cháu trai tôi bị thiệt mạng trong lửa. Dù sao, chúng tôi được an ủi khi em trai tôi trở về nhà bình yên vô sự.

Giữa sự đổ nát và thiếu thốn lương thực trầm trọng, tôi trở lại đại học để hoàn tất chương trình học vấn. Sau một năm học tập, tôi tốt nghiệp và tìm được việc làm. Vào năm 1953, tôi kết hôn với Michiko và về sau có hai con trai.

Cuộc theo đuổi hòa bình của tôi

Vào năm 1974, Michiko bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Không lâu sau, vợ tôi đi dự nhóm họp và tham gia hoạt động rao giảng. Tôi phản đối việc vợ tôi thường xuyên vắng nhà. Michiko giải thích rằng thánh chức đạo Đấng Christ góp phần cho hòa bình và hạnh phúc thật. Tôi nghĩ thầm, nếu quả vậy tôi không nên chống. Thay vì thế, tôi nên hợp tác.

Ngay khoảng thời gian đó, tôi thuê một vài Nhân Chứng trẻ làm người gác đêm. Khi các Nhân Chứng trẻ này đến, tôi hỏi về tổ chức và thánh chức của họ. Tôi ngạc nhiên khi biết rằng, không như những người trẻ đồng lứa, họ có mục tiêu trong cuộc sống và có tinh thần tình nguyện. Họ học được những đức tính đó từ Kinh Thánh. Họ giải thích rằng các Nhân Chứng trên khắp thế giới không kỳ thị chủng tộc và kiên quyết tuân theo mệnh lệnh của Kinh Thánh là yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận. (Ma-thi-ơ 22:36-40) Họ xem những người đồng đức tin của mình như anh chị em, không phân biệt quốc gia.—Giăng 13:35; 1 Phi-e-rơ 2:17.

Tôi nghĩ thầm: ‘Đó chẳng qua chỉ là điều được lý tưởng hóa mà thôi’. Vì có nhiều giáo phái xưng theo Đấng Christ tranh chiến lẫn nhau, tôi không tin nổi là Nhân Chứng Giê-hô-va là trường hợp ngoại lệ.

Khi tôi tỏ ý nghi ngờ, các Nhân Chứng trẻ này dùng cuốn Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va để chỉ cho tôi biết rằng Nhân Chứng ở Đức đã bị tù và thậm chí bị tử hình vì lập trường trung lập của họ dưới chế độ Hitler. Điều này khiến tôi tin chắc rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là tín đồ Đấng Christ thật.

Trong lúc ấy, vợ tôi biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời bằng cách báp têm trong nước vào tháng 12 năm 1975. Vào dịp đó tôi được mời học Kinh Thánh. Tuy nhiên, khi nghĩ đến những trách nhiệm tài chính, như học phí cho các con và tiền nợ căn nhà, tôi không dám nhận lời. Những người đàn ông có gia đình trong hội thánh đã điều chỉnh công ăn việc làm để có thêm thì giờ rảnh. Tôi tưởng rằng họ cũng mong muốn tôi làm thế. Nhưng sau khi biết được làm sao có thể giữ sự thăng bằng giữa đời sống của tín đồ Đấng Christ và việc làm, cuối cùng tôi đã quyết định học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va.

Quyết định để phụng sự Đức Chúa Trời của sự hòa bình

Sau khi tôi học được hai năm, người dạy Kinh Thánh hỏi tôi có nghĩ đến việc dâng mình cho Đức Chúa Trời chưa. Tuy vậy, tôi vẫn không quyết định và điều đó làm tôi áy náy.

Một ngày nọ tại nơi làm việc, khi vội vã đi xuống cầu thang, tôi vấp chân ngã ngửa và đập đầu xuống đất, bất tỉnh. Khi hồi tỉnh, đầu tôi đau như búa bổ, tôi được xe cứu thương đưa đến bệnh viện. Dù phía sau đầu sưng vù lên, nhưng tôi không bị nứt sọ hoặc xuất huyết bên trong.

Tôi biết ơn Đức Giê-hô-va xiết bao vì sự sống mà tôi có! Kể từ đó, tôi nhất định dùng đời sống mình để làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va, và tôi đã dâng đời sống cho Ngài. Vào tháng 7 năm 1977, tôi làm báp têm lúc 52 tuổi. Con trai lớn của tôi là Yasuyuki cũng học Kinh Thánh và làm báp têm hai năm sau đó.

Tôi về hưu khoảng mười năm sau khi làm báp têm. Trong mười năm đó, tôi theo đuổi đường lối của đạo Đấng Christ, giữ sự thăng bằng giữa lối sống này với công ăn việc làm. Hiện nay, tôi có đặc ân phụng sự với tư cách trưởng lão tại Yokohama, dùng nhiều thì giờ trong thánh chức đạo Đấng Christ. Con trai lớn của tôi đang phụng sự với tư cách trưởng lão và người truyền giáo trọn thời gian trong hội thánh ở vùng phụ cận.

Vì đã không mất mạng khi ở trong phi đội xung kích đặc biệt và sứ mạng cảm tử, tôi biết ơn là mình vẫn còn sống và xem việc tham gia trong công việc rao giảng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” là một niềm vinh dự cho tôi. (Ma-thi-ơ 24:14) Tôi hoàn toàn tin chắc rằng sống theo dân tộc Đức Chúa Trời là đường lối tốt nhất. (Thi-thiên 144:15) Trong thế giới mới sắp đến, nhân loại sẽ không bao giờ trải qua chiến tranh nữa, vì “nước nầy chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh”.—Ê-sai 2:4.

Tôi mong gặp lại những người quen đã chết trong chiến tranh khi họ được sống lại, nếu đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Thật tuyệt vời biết bao khi được nói chuyện với họ về đời sống thanh bình mà họ có thể vui hưởng trong địa đàng trên đất dưới sự cai trị công bình của Nước Đức Chúa Trời ở trên trời!—Ma-thi-ơ 6:9, 10; Công-vụ 24:15; 1 Ti-mô-thê 6:19.

[Hình nơi trang 19]

Khi tôi ở trong không lực hải quân

[Hình nơi trang 18, 19]

“Ohka”—Quả bom người

[Nguồn tư liệu]

© CORBIS

[Hình nơi trang 20]

Với đồng đội của tôi trước sứ mạng cảm tử. Tôi đứng thứ hai từ phía trái, người duy nhất sống sót

[Hình nơi trang 21]

Với vợ tôi, Michiko, và con trai lớn, Yasuyuki

[Nguồn hình ảnh nơi trang 18]

U.S. National Archives photo