Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao đương đầu với áp lực của bạn bè?

Làm sao đương đầu với áp lực của bạn bè?

Giới trẻ thắc mắc...

Làm sao đương đầu với áp lực của bạn bè?

“Áp lực của bạn bè ở khắp nơi”.—Jesse, 16 tuổi.

“Áp lực của bạn cùng trường là một trong những điều khó nhất

mà em phải đương đầu khi lớn lên”.—Johnathan, 21 tuổi.

ÁP LỰC của bạn bè chắc chắn là một sức mạnh phải kể đến. Dầu vậy, hãy tin chắc rằng bạn có thể kháng cự lại nó. Thật thế, bạn có thể chế ngự và thậm chí khiến nó trở nên có ích cho bạn. Nhưng bằng cách nào?

Trong bài trước của loạt bài này, chúng ta đã thảo luận một bước cần yếu trước tiên: Thừa nhận sức mạnh của áp lực từ bạn bè và hiểu chính bạn có thể dễ bị ảnh hưởng. * Bạn có thể thực hiện những bước tích cực nào nữa? Sự hướng dẫn hữu ích bạn cần nằm trong Lời Đức Chúa Trời. Châm-ngôn 24:5 nói: “Người tri-thức gia-thêm năng-lực”. Tri thức nào gia thêm sức lực cho bạn để vượt qua áp lực của bạn bè? Để trả lời câu hỏi đó, trước nhất chúng ta hãy thảo luận một vấn đề có thể khiến áp lực này ảnh hưởng trên bạn.

Thiếu tự tin—Một mối nguy hiểm

Những người trẻ Nhân Chứng Giê-hô-va đôi khi cảm thấy áp lực của bạn bè là một thử thách đặc biệt vì lối sống của họ đòi hỏi phải nói cho người khác biết đức tin của mình. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Bạn có thấy đôi khi khó nói về đức tin của mình với những người trẻ mà bạn gặp không? Không chỉ một mình bạn cảm thấy điều đó. Một người trẻ 18 tuổi tên Melanie nói: “Khi phải nói với những người trẻ rằng em là một Nhân Chứng Giê-hô-va, điều đó thật sự khó hơn em tưởng”. Em nói thêm: “Ngay khi vừa thu hết can đảm để nói ra em là một Nhân Chứng Giê-hô-va, em lại trở nên sợ sệt”. Dường như áp lực tiêu cực từ bạn bè ngăn cản em làm điều đó.

Kinh Thánh trấn an rằng ngay cả những người nam, nữ có đức tin nổi bật cũng ngần ngại nói cho người ta về Đức Chúa Trời. Như người trẻ Giê-rê-mi chẳng hạn, ông biết mình hẳn sẽ đương đầu với sự chế giễu và bắt bớ nếu vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời để nói dạn dĩ. Hơn nữa, Giê-rê-mi thiếu tự tin. Tại sao? Ông nói với Đức Chúa Trời: “Nầy tôi chẳng biết nói chi, vì tôi là con trẻ”. Đức Chúa Trời có đồng ý rằng vì Giê-rê-mi còn trẻ nên không đủ tư cách để nói không? Không. Đức Giê-hô-va trấn an nhà tiên tri: “Chớ nói: Tôi là con trẻ”. Đức Giê-hô-va khởi sự giao cho chàng trai lưỡng lự này một sứ mạng quan trọng.—Giê-rê-mi 1:6, 7.

Khi thiếu tự tin, cảm thấy không tin chắc vào chính mình, chúng ta khó có thể cưỡng lại áp lực của bạn bè. Các cuộc nghiên cứu cũng cho thấy điều này. Chẳng hạn, vào năm 1937 một khoa học gia tên Muzafer Sherif đã tiến hành một cuộc thử nghiệm nổi tiếng. Ông để người ta ở trong một phòng tối, cho họ thấy một điểm sáng, rồi hỏi họ điểm sáng đó đã di chuyển bao xa.

Thật ra, điểm sáng đó chẳng di chuyển tí nào, đây chỉ là một ảo giác. Thử từng người một, thì họ đưa ra những ước tính riêng của mình về sự chuyển động dường như đã xảy ra này. Tuy nhiên, khi yêu cầu họ nói lên ước tính của mình trong nhóm. Điều gì đã xảy ra? Vì thiếu tự tin về nhận định riêng của mình nên họ chi phối lẫn nhau. Kiểm tra nhiều lần, câu trả lời của họ gần giống nhau hơn cho tới khi “tiêu chuẩn chung” được đưa ra. Thậm chí sau đó, khi được hỏi riêng một lần nữa, họ vẫn bị tác động bởi ý kiến chung của nhóm.

Cuộc thử nghiệm đó minh họa một điểm quan trọng. Việc thiếu sự tin chắc hay tự tin khiến người ta dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực của bạn bè. Thật đáng để chúng ta suy xét nghiêm túc, phải không? Vả lại, áp lực của bạn bè có thể tác động lên người ta khi nó liên quan đến những vấn đề thật quan trọng, như quan điểm của họ về tình dục trước hôn nhân, nghiện ma túy, và ngay cả những mục đích mà họ sẽ đeo đuổi trong cuộc sống. Nếu cho phép mình chấp nhận “tiêu chuẩn chung” liên quan đến những vấn đề trên, tương lai chúng ta có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2) Chúng ta có thể làm gì?

Bạn nghĩ bạn sẽ hành động thế nào trong cuộc thử nghiệm đó nếu biết sự thật là điểm sáng đó bất động? Rất có thể bạn không bị nhóm ảnh hưởng. Đúng vậy, chúng ta cần tự tin. Nhưng chúng ta nói đến loại tự tin nào, và làm sao có được sự tự tin đó?

Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va

Có lẽ bạn nghe nhiều người nói về việc xây dựng tính tự tin. Nhưng khi bàn đến việc làm sao có tự tin—và bạn cần đến mức nào—lại có những quan điểm đối nghịch nhau. Kinh Thánh chứa đựng lời khuyên thăng bằng này: “Tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm-tình tầm-thường”. (Rô-ma 12:3) Một bản dịch khác của câu này viết: “Tôi xin nói với từng người trong anh em: đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức”.—Tòa Tổng Giám Mục.

Việc “đánh giá mình cho đúng mức” giúp bạn tránh được tinh thần kiêu ngạo, tự cao hay tự phụ. Mặt khác, một quan điểm thăng bằng như thế bao gồm sự tự tin ở mức độ nào đó vào khả năng thực sự của bạn để suy xét, lý luận, và có quyết định đúng đắn. Đấng Tạo Hóa ban cho bạn “khả năng suy luận”, và đó không phải là món quà nhỏ. (Rô-ma 12:1, NW) Nhớ kỹ điều này có thể giúp bạn chống lại khuynh hướng để người khác quyết định thay cho bạn. Tuy nhiên, có một loại tin tưởng thậm chí sẽ bảo vệ bạn an toàn hơn.

Vua Đa-vít được soi dẫn để viết: “Chúa Giê-hô-va ôi, Chúa là sự trông-đợi tôi, và là sự tin-cậy tôi từ buổi thơ-ấu”. (Thi-thiên 71:5) Đúng vậy, hẳn Đa-vít đã đặt niềm tin cậy tuyệt đối nơi Cha trên trời của ông, và ông đã làm thế từ khi còn trẻ. Ông “chỉ là một đứa con trẻ”—có lẽ là một trẻ vị thành niên—khi Gô-li-át, người Phi-li-tin khổng lồ, thách thức người lính Y-sơ-ra-ên nào dám đối đầu với ông trong một trận đấu tay đôi. Những người lính Y-sơ-ra-ên sợ hãi. (1 Sa-mu-ên 17:11, 33) Có lẽ họ cũng chịu áp lực tiêu cực từ đồng đội. Chắc chắn họ nói về tầm vóc và sức mạnh vô song của Gô-li-át một cách bi quan và quả quyết rằng ai chấp nhận cuộc thách đố đó là điên rồ. Đa-vít đã chứng tỏ mình không bị ảnh hưởng bởi áp lực đó. Tại sao?

Hãy để ý lời Đa-vít nói với Gô-li-át: “Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo-binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ-nhục”. (1 Sa-mu-ên 17:45) Chẳng phải là Đa-vít không thấy tầm vóc, sức mạnh hoặc vũ khí của Gô-li-át. Nhưng ông tin chắc một điều như ông biết chắc bầu trời ở trên ông vậy. Ông biết rằng Gô-li-át không ra gì so với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nếu Đức Giê-hô-va ở về phía Đa-vít thì tại sao ông lại phải sợ Gô-li-át? Sự tin cậy như thế nơi Đức Giê-hô-va khiến Đa-vít vững tâm. Không áp lực nào từ bạn bè có thể lay chuyển ông.

Bạn có tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va tương tự như vậy không? Ngài không hề thay đổi từ thời Đa-vít. (Ma-la-chi 3:6; Gia-cơ 1:17) Càng học biết về Ngài, bạn càng tin chắc hơn về mọi điều Ngài nói qua Lời Ngài. (Giăng 17:17) Nơi đó bạn sẽ nhận thấy tiêu chuẩn đáng tin cậy và không thay đổi hướng dẫn bạn trong cuộc sống và giúp bạn kháng cự lại áp lực của bạn bè. Ngoài việc tin cậy Đức Giê-hô-va, còn một điều khác bạn có thể làm.

Chọn người cố vấn giỏi

Lời Đức Chúa Trời nhấn mạnh vấn đề cần tìm ra sự hướng dẫn tốt. Châm-ngôn 1:5 nói: “Người hiểu biết hãy nghe, và sẽ tìm được lời hướng dẫn” (TTGM). Cha mẹ bạn quan tâm sâu sắc đến lợi ích tốt nhất của bạn, họ có thể là một nguồn hướng dẫn tốt. Indira biết rõ điều này. Cô kể: “Vì cha mẹ tôi không ngừng dùng Kinh Thánh lý giải cho tôi và khiến Đức Giê-hô-va trở nên thực sự trong đời tôi, điều đó giúp tôi ngày nay đang bước đi trong đường lối của lẽ thật”. Nhiều người trẻ cũng cảm thấy như vậy.

Nếu là một thành viên của hội thánh tín đồ Đấng Christ, bạn có nguồn hỗ trợ tuyệt vời ở đó—các anh giám thị được bổ nhiệm, tức các trưởng lão, cũng như các tín đồ Đấng Christ thành thục khác. Chị trẻ Nadia nhớ lại: “Tôi thực sự quý trọng các anh trưởng lão trong hội thánh của tôi. Tôi nhớ anh giám thị chủ tọa đã nói một bài giảng đặc biệt dành cho người trẻ. Sau buổi nhóm họp đó, tôi và bạn tôi thật phấn khích vì những gì anh giảng là những điều chúng tôi cảm thấy mình đang gặp phải”.

Một vũ khí hữu hiệu khác để chống lại áp lực tiêu cực của bạn bè là ảnh hưởng tích cực từ bạn bè. Nếu bạn chọn bạn bè một cách khôn ngoan, họ có thể giúp bạn đi theo những mục tiêu tốt và tiêu chuẩn đúng đắn. Làm sao chúng ta có thể chọn bạn tốt? Hãy nhớ lời khuyên này: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”. (Châm-ngôn 13:20) Nadia đã cẩn thận chọn những người bạn khôn ngoan trong trường—những người đồng đức tin giữ cùng tiêu chuẩn đạo đức. Chị nhớ lại: “Khi bọn con trai trong trường đến gần để ‘nói chuyện’ với chúng tôi, chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau”. Những người bạn tốt có thể giúp chúng ta phát huy những phẩm chất tốt nhất. Họ đáng giá cho nỗ lực tìm kiếm của chúng ta.

Vậy hãy tin chắc rằng nếu bạn xây dựng lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, tìm kiếm sự hướng dẫn nơi các tín đồ Đấng Christ thành thục và chọn bạn cách khôn ngoan, bạn có thể đương đầu với thử thách đến từ áp lực của bạn bè. Thật vậy, bạn có thể góp phần vào ảnh hưởng tích cực trong vòng bạn bè của mình và giúp họ cùng ở lại với bạn trên con đường dẫn đến sự sống.

[Chú thích]

^ đ. 6 Xem bài “Áp lực bạn bè—Có thật sự mạnh đến thế không?” trong Tỉnh Thức!, tháng 4-6 năm 2003.

[Câu nổi bật nơi trang 28]

Hãy tìm kiếm bạn tốt, những người cùng bạn yêu mến Đức Chúa Trời và tiêu chuẩn của Ngài

[Các hình nơi trang 28]

“Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”.—1 Cô-rinh-tô 15:33

“Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 13:20