Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phác họa người nổi tiếng và người tai tiếng

Phác họa người nổi tiếng và người tai tiếng

Phác họa người nổi tiếng và người tai tiếng

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở ANH QUỐC

BẠN có bao giờ thử phác họa gương mặt một người chưa? Điều này không dễ dàng. Nhưng nếu như bạn cần vẽ gương mặt của một người mình vừa gặp được lần đầu chỉ trong vài phút thôi thì sao? Càng khó hơn, bạn phải phác họa lại gương mặt ấy chỉ bằng những nét mình đã thấy và nhớ được. Cuối cùng, bức phác họa màu mà bạn vẽ lại từ trí nhớ phải xong trong vòng 30 phút để giao cho nhóm phóng viên truyền hình đang chờ!

Phần lớn chúng ta không thể đáp ứng nổi một thách thức như thế. Tuy nhiên, ở Anh Quốc có một số ít đàn ông và đàn bà chuyên làm công việc này. Họ là ai vậy? Những họa sĩ tòa án.

Những gò bó pháp lý

Nhiều vụ án dễ thu hút sự quan tâm của quần chúng nên tại nhiều nước việc đưa tin bằng hình ảnh và truyền hình những vụ án như thế rất phổ biến. Nhưng ở Anh Quốc việc đưa tin thì khác. Người ta bị nghiêm cấm “vẽ hoặc phác họa chân dung của bất cứ người nào đó tại bất cứ phòng xử án nào”—kể cả chân dung các chánh án, hội thẩm, nhân chứng cũng như bị cáo hoặc tù nhân. * Đây là lý do cần đến kỹ năng của họa sĩ tòa án, để ghi lại những diễn biến của một vụ án, giúp cho các phương tiện truyền thông đại chúng.

Để biết thêm về công việc hấp dẫn này, tôi đã đến thăm một cuộc triển lãm về nghệ thuật và thiết kế được tổ chức tại Luân Đôn. Tại một bệ có đông khách xem, tôi gặp bà Beth, một thành viên trong nhóm những họa sĩ đặc biệt đó. Câu hỏi đầu tiên của tôi là: “Bà được nhìn một bị cáo thời gian bao lâu ở trước tòa?”

Thời gian và mục đích

Bà Beth quả quyết với tôi rằng: “Khi một tù nhân đứng trước vành móng ngựa trong phiên tòa đầu tiên, thường thường người ấy ở đó chỉ khoảng hai phút, nhưng thời gian đó cũng đủ. Tôi có thời gian để nhận biết rõ những đặc điểm về đầu và kiểu tóc cũng như hình dạng của mũi, mắt, môi, và miệng. Tôi cũng phải ghi nhớ bề rộng khuôn mặt, chiều cao của trán, và kích thước dái tai cùng những đặc điểm phụ khác, như râu và kính. Nhờ vậy mà tôi mới có được những chi tiết căn bản để vẽ một tranh chính xác.

“Đôi khi công việc của tôi trở nên khó khăn hơn. Chẳng hạn, trong một vụ án mới đây, có tới 12 người đàn ông trước vành móng ngựa! Công nhận rằng họ ở trước tòa tới 15 phút, nhưng vẽ 12 gương mặt trong một hình đòi hỏi nhiều sự tập trung. Tôi có khả năng nhớ như in những gì mình thấy, nhưng tôi cũng phải mất nhiều năm để phát huy năng khiếu đó. Khi ra khỏi phòng xử án và nhắm mắt lại, tôi phải nhớ lại được rõ ràng những gương mặt mà mình vừa thấy”.

Tôi nêu câu hỏi kế tiếp: “Bà mất bao lâu để nghiên cứu những sự kiện về các nhân vật bà sẽ gặp tại tòa?” Câu trả lời của bà Beth thật ngạc nhiên.

“Không giống như một phóng viên, tôi chẳng phải nghiên cứu chút nào. Tôi tới tòa án với một tâm trí mới mẻ và đầu óc sáng sủa, cẩn thận để tác phẩm của mình không phản ánh cảm nghĩ riêng. Tôi cố gắng ghi lại diễn biến của từng phiên tòa, với những sắc mặt có thể khác nhau từng ngày. Tôi phải nhớ rằng hội thẩm đoàn có thể thấy được những tranh vẽ của tôi, hoặc trên truyền hình hoặc trên báo trong nước, và tôi không muốn gây ảnh hưởng cho bất cứ một ai trong số họ khiến họ nghĩ: ‘Gương mặt này rõ là thủ phạm!’ Về khía cạnh quan trọng này, ngành họa tòa án hoàn toàn khác với việc vẽ chân dung”.

“Giây phút ấy”

Khi tôi hỏi bà Beth bí quyết cho thành công là gì, bà trả lời: “Tôi chờ đến ‘Giây Phút ấy’ tức giây phút thâu tóm bầu không khí của phiên tòa. Chẳng hạn, khi một bị cáo lấy tay ôm đầu, điệu bộ đó cũng đủ cho biết vụ án tiến triển bất lợi cho người đó. Một lần khác, khi bị đặt trước câu hỏi: “Bà có phải là một người mẹ tốt không?”, sắc mặt của một phụ nữ đã cho câu trả lời tốt hơn lời đáp của bà. Theo cách tương tự, một chiếc khăn tay lau khô giọt nước mắt có thể để lộ những cảm xúc thầm kín.

“Một họa sĩ tòa án cũng phải lột tả được bầu không khí của tòa án, nghĩa là vẽ được thẩm phán, luật sư đoàn, những viên chức tại tòa, cũng như các sách, đèn và đồ đạc. Một bức tranh đầy đủ như thế thể hiện điều mà chính hầu hết người ta sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy tận mắt, vì thế nó làm họ chú ý. Tôi vẽ những bức tranh của mình ở đâu? Đôi khi tại phòng họp báo tòa án, nhưng thường là ngồi tại cầu thang yên tĩnh một nơi nào đó. Nhưng sau đó tôi phải gấp rút trở lại để thêm vào tranh của tôi những gương mặt khi có một nhân chứng mới được gọi ra hoặc khi luật sư biện hộ trước tòa án”. Mỉm cười, Beth nói thêm: “Ồ, đúng. Tôi biết rằng nhiều tranh vẽ của tôi hiện nay được treo ở các văn phòng luật sư”.

Tôi thích thú nhìn những bức tranh trên bục trưng bày của bà. Tất cả đều gợi lại cách sống động trong trí tôi những vụ án liên quan đến người nổi tiếng và người tai tiếng tôi đã đọc trong những năm gần đây. Sau đó chừng mười phút, khi tôi chuẩn bị đi, Beth ân cần đưa cho tôi một tranh phác họa bằng phấn màu. Chính là hình tôi trong tranh.

[Chú thích]

^ đ. 6 Điều này không áp dụng ở Scotland.

[Các hình nơi trang 14, 15]

Tranh phác họa phòng xử án và tranh đã xuất hiện trên báo (trái)

[Nguồn tư liệu]

© Báo The Guardian