Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Quan sát thế giới

Sợ người lạ

Tờ báo The Independent ở Luân Đôn tường thuật: “Hơn 80 phần trăm phụ nữ lái xe cho biết nếu xe bị hư dọc đường thì họ thà ở trong xe, khóa cửa xe lại rồi ngủ qua đêm thay vì nhận sự giúp đỡ của người lạ”. Một cuộc thăm dò 2.000 người lái xe hơi do cơ quan Direct Line Rescue thực hiện tiết lộ rằng 83 phần trăm phụ nữ và 47 phần trăm đàn ông sẽ khước từ sự giúp đỡ nếu xe họ bị hư dọc đường. Cũng vậy, phần đông những người lái xe hơi thường không dừng lại để giúp người bị hư xe ở dọc đường. Phụ nữ đặc biệt lo lắng cho sự an toàn cá nhân, ngại rằng người ta làm bộ bị hư xe. Phát ngôn viên Nick Cole nói: “Đây là một dấu hiệu thật đáng buồn trong xã hội chúng ta ngày nay, đối với nhiều người lái xe hơi, viễn ảnh ngồi một mình suốt đêm trong xe dường như là sự lựa chọn tốt hơn việc phải sợ hãi khi đối mặt với một người lạ”.

Chứng rối loạn về ăn uống do truyền hình gây ra

Theo một báo cáo của tờ The Independent ở Luân Đôn, “có một mối tương quan đáng kể giữa máy truyền hình và những triệu chứng rối loạn về ăn uống nơi các thiếu nữ”. Bác Sĩ Anne Becker, thuộc Trường Y Khoa Harvard ở Hoa Kỳ, tiến hành những cuộc phỏng vấn trong vòng các thiếu nữ ở Fiji ít lâu sau khi máy truyền hình được du nhập vào đảo năm 1995. Bà thấy máy truyền hình “dường như đã gây ảnh hưởng rất tiêu cực trên quan điểm về hình thể và những rối loạn trong việc ăn uống”. Như thế nào? Nền văn hóa truyền thống của người Fiji khuyến khích việc ăn uống đầy đủ và ngoại hình tròn trịa. Nhưng sau khi xem thấy những nhân vật mảnh mai hơn trên truyền hình, nhiều nữ sinh bị thúc đẩy bắt chước họ. Chẳng hạn, trước khi máy truyền hình được du nhập vào đảo Fiji, không có một cô gái nào trong cuộc nghiên cứu đã tự kích thích để nôn mửa hầu giữ cân. Tuy nhiên, ba năm sau, 11,3 phần trăm người đã làm thế. Những nhà nghiên cứu cũng thấy rằng 69 phần trăm các nữ sinh nói họ đã ăn kiêng để giảm cân, và gần ba phần tư nói rằng họ cảm thấy mình “quá to hoặc quá béo”.

“Não bộ phải hoạt động thật nhiều khi nói dối”

Những nhà nghiên cứu tại Đại Học Pennsylvania khám phá rằng khi nói dối người ta phải vận dụng bộ não nhiều hơn là khi nói sự thật. Bác Sĩ Daniel Langleben nghiên cứu hiện tượng này bằng cách dùng một máy ghi hình cộng hưởng từ tính (fMRI) để xác định chính xác phần nào của não bộ hoạt động khi một người nói dối. Khi đứng trước một câu hỏi, thoạt tiên chúng ta cần phải động não. Sau đó, theo báo The News ở Thành Phố Mexico, “hầu như do bản năng, một người nói dối sẽ nghĩ đến câu trả lời thật trước khi bịa ra câu trả lời gian dối”. Langleben nói: “Trong não bộ bạn, không phải tự nhiên mà có được câu trả lời. Tiến trình nói dối phức tạp hơn nói thật, như vậy não bộ cần phải hoạt động nhiều hơn”. Hoạt động gia tăng của tế bào thần kinh hiện ra qua máy fMRI giống như bóng đèn sáng lên. Tờ nhật báo trên nói: “Ngay cả đối với một người miệng lưỡi lém lỉnh nhất, não bộ cũng phải hoạt động thật nhiều khi nói dối”.

Mối quan hệ gia đình có thể giúp ngăn ngừa nạn nghiện ma túy

Một cuộc nghiên cứu trên những trẻ vị thành niên ở Anh Quốc, Đức, Ireland, Hà Lan và Ý của bác sĩ nghiên cứu Paul McArdle ở Đại Học Newcastle, Anh Quốc, “cho thấy bầu không khí tốt trong gia đình, hay đúng hơn sự thiếu bầu không khí ấy, đối với nhiều người trẻ, là cốt lõi của vấn đề ma túy trong xã hội Tây Phương”. Theo lời tường thuật của tờ báo The Daily Telegraph ở Luân Đôn, khi những người trẻ sống chung với cả cha lẫn mẹ và vui hưởng những mối quan hệ gia đình chặt chẽ, nhất là với người mẹ, chỉ có 16,6 phần trăm lâm vào tật dùng ma túy. Nhưng khi thiếu những yếu tố này, 42,3 phần trăm đã dùng ma túy. Ông McArdle nói: “Chúng ta nêu ra rõ ràng trên truyền hình về những nguy hiểm của ma túy đối với trẻ em và phát động những chương trình phòng ngừa ma túy ở trường học, nhưng dường như không ai thật sự xử lý vấn đề về trách nhiệm của cha mẹ. Tôi tin rằng sự phòng ngừa hữu hiệu việc sử dụng ma túy tùy thuộc vào mối quan hệ gia đình hơn là bất cứ yếu tố nào khác”.