Tại sao lại tái phát?
Tại sao lại tái phát?
KHOẢNG 40 năm trước, người ta cho rằng những bệnh thông thường do côn trùng lây truyền như sốt rét, sốt vàng da và sốt xuất huyết hầu như đã bị loại trừ ở phần lớn các nơi trên thế giới. Nhưng rồi điều bất ngờ đã xảy ra—các bệnh do côn trùng lây truyền lại bắt đầu tái phát.
Tại sao? Một lý do là vì một số côn trùng và vi trùng đã đề kháng được các loại thuốc trừ sâu và thuốc men dùng để khống chế chúng. Quá trình thích ứng tự nhiên này đã được đẩy nhanh hơn không chỉ bởi sự lạm dụng thuốc trừ sâu, mà cả việc sử dụng thuốc men không đúng. Sách Mosquito (Loài muỗi) viết: “Trong rất nhiều gia đình nghèo, người ta lấy thuốc và chỉ uống vừa đủ để làm dịu các triệu chứng, rồi chừa phần còn lại để dùng trong lần bệnh sau”. Với cách chữa trị nửa vời như thế, những vi trùng mạnh vẫn có thể sống sót trong cơ thể người bệnh, và sản sinh một thế hệ mới có khả năng kháng thuốc.
Sự thay đổi thời tiết
Một yếu tố quan trọng dẫn tới sự tái phát của các bệnh do côn trùng lây truyền là những biến đổi cả trong môi trường tự nhiên lẫn xã hội. Một thí dụ điển hình là sự thay đổi thời tiết toàn cầu. Một số nhà khoa học dự đoán môi trường địa cầu ấm lên sẽ khiến các loại côn trùng chứa mầm bệnh lan đến những vùng hiện đang có khí hậu mát hơn. Có bằng chứng cho thấy điều này có thể đã xảy ra rồi. Bác Sĩ Paul R. Epstein, thuộc Trung Tâm Sức Khỏe và Môi Trường Địa Cầu, Trường Y Harvard, nhận xét: “Các báo cáo hiện nay cho thấy côn trùng và các bệnh do côn trùng lây truyền (kể cả sốt rét và sốt xuất huyết) đã lan ra các vùng cao hơn tại Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La Tinh”. Ở Costa Rica, cho đến gần đây bệnh sốt xuất huyết thường chỉ xảy ra ở những vùng ven biển Thái Bình Dương, thế mà giờ đây nó đã vượt cả núi non và có mặt khắp nơi trong nước.
Nhưng thời tiết ấm lên còn gây thêm những hậu quả khác. Ở một số nơi, nó khiến sông ngòi chỉ còn là những vũng nước nhỏ, trong khi ở những nơi khác, mưa lũ lại tạo nên những hồ nước lớn. Trong cả hai trường hợp, nước đọng đều là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản. Thời tiết nóng hơn cũng rút ngắn chu kỳ sinh sản của muỗi, gia tăng tỉ lệ sinh sản của chúng, và kéo dài mùa muỗi. Khi thời tiết ấm hơn, muỗi năng động hơn. Nhiệt độ cao thậm chí ảnh hưởng đến cả bên trong cơ thể muỗi, làm tăng tỉ lệ sinh sản của vi trùng gây bệnh, và do đó khả năng nhiễm bệnh sau một lần chích càng cao hơn. Nhưng thế vẫn chưa hết.
Một nghiên cứu về sự phát triển của bệnh dịch
Những thay đổi trong xã hội loài người cũng có thể góp phần làm lây lan các bệnh do côn trùng truyền. Để hiểu điều này, chúng ta cần xem xét kỹ hơn vai trò của côn trùng. Trong nhiều bệnh, côn trùng có thể chỉ là một trong những mắc xích truyền bệnh. Một con thú hay chim có thể mang mầm bệnh do có côn trùng trên cơ thể hoặc vi sinh trong máu. Nếu những thú vật này sống sót khi mang mầm bệnh như thế, chúng có thể trở thành ký chủ của mầm bệnh.
Hãy xem trường hợp bệnh Lyme, được nhận diện vào năm 1975 và đặt tên theo thị trấn Lyme, bang Connecticut, Hoa Kỳ, nơi căn bệnh được phát hiện lần đầu tiên. Vi khuẩn gây bệnh Lyme có thể đã được đưa đến Bắc Mỹ cách đây một trăm năm, cùng với chuột hoặc gia súc trên các chuyến tàu từ Châu Âu. Sau khi một con Ixodes nhỏ xíu hút máu một con thú bị nhiễm bệnh, vi khuẩn sẽ sống trong cơ thể nó suốt đời. Sau đó khi nó chích một con thú khác hoặc người, vi khuẩn được truyền vào máu nạn nhân.
Ở đông bắc Hoa Kỳ, bệnh Lyme đã có ở địa phương từ lâu. Ký chủ chính trong vùng mang vi khuẩn bệnh Lyme là loài chuột chân trắng. Giống chuột này cũng là ký chủ của ve, đặc biệt là ve trong giai đoạn đang phát triển. Ve trưởng thành thích sống ký sinh trên nai hơn, nơi chúng kiếm ăn và sinh sôi nảy nở. Khi đã hút máu no nê, ve cái trưởng thành xuống đất đẻ trứng; trứng chẳng bao lâu nở thành ấu trùng và một chu kỳ mới lại bắt đầu.
Sự thay đổi hoàn cảnh
Các tác nhân gây bệnh đã cùng tồn tại với thú vật và côn trùng trong nhiều năm mà không hề lây lan sang người. Nhưng hoàn cảnh thay đổi có thể biến một căn bệnh địa phương trở thành nạn dịch—một căn bệnh mà nhiều người trong cộng đồng mắc phải. Điều gì đã thay đổi trong trường hợp bệnh Lyme?
Trước đây, các loài thú ăn thịt giúp hạn chế sự tiếp xúc giữa con người với ve nai bằng cách làm giảm số lượng nai. Khi những người định cư Châu Âu đầu tiên phát rừng làm rẫy, số lượng nai càng giảm nhiều hơn và các loài thú ăn thịt nai cũng bỏ đi chỗ khác. Nhưng đến giữa thập niên 1800, nhiều nông trại bị bỏ hoang vì nông nghiệp chuyển dần về phía tây, và rừng lại bắt đầu phát triển.
Loài nai trở về nhưng các loại thú ăn thịt chúng thì không. Do đó, số lượng nai gia tăng bùng nổ, và ve cũng vậy.Một thời gian sau, vi khuẩn bệnh Lyme xuất hiện và sinh sôi, nhưng phải nhiều thập kỷ sau chúng mới trở thành một mối đe dọa đối với người. Tuy nhiên, khi các khu đô thị ngoại ô mọc lên ở bìa rừng, nhiều người lớn và trẻ em bắt đầu bước vào lãnh thổ của ve. Ve bắt đầu bám vào con người, và từ đó người bị nhiễm bệnh Lyme.
Dịch bệnh trong một thế giới bất ổn
Câu chuyện trên cho thấy một trong nhiều cách dịch bệnh phát triển và lây lan, và đó chỉ mới là một thí dụ về cách hành động của con người có thể làm phát triển dịch bệnh. Nhà môi trường học Eugene Linden viết trong cuốn sách của ông nhan đề The Future in Plain Sight (Tương lai trần trụi trước mắt) như sau: “Sự tái phát của hầu hết các bệnh kháng thuốc đều do lỗi của con người”. Một số thí dụ khác là: Việc đi lại ngày càng nhiều và tốc độ vận chuyển nhanh có thể đưa mầm bệnh và sinh vật mang bệnh đến khắp nơi trên thế giới. Môi trường sống của các loài sinh vật, lớn cũng như nhỏ, bị hủy hoại đe dọa đến sự đa dạng của các sinh vật. Ông Linden nhận xét: “Sự ô nhiễm trong nước và không khí đang làm suy yếu hệ miễn nhiễm của cả thú vật lẫn người”. Rồi ông trích lời Bác Sĩ Epstein nói: “Về căn bản, việc con người hủy hoại hệ sinh
thái đã làm yếu đi hệ thống miễn nhiễm của địa cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng phát triển”.Sự bất ổn chính trị dẫn tới các cuộc chiến tranh cũng hủy hoại hệ sinh thái và tàn phá cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe và phân phối thực phẩm. Bên cạnh đó, tờ Biobulletin còn cho biết: “Người tị nạn, vốn thiếu dinh dưỡng và yếu sức, thường bị buộc phải sống trong các trại đông đúc, thiếu vệ sinh khiến họ dễ mắc phải đủ loại bệnh truyền nhiễm”.
Sự bất ổn kinh tế gây ra các làn sóng di dân, chủ yếu đến các khu đô thị đông đúc trong và ngoài nước. Tờ Biobulletin giải thích: “Các tác nhân gây bệnh thích những nơi đông đúc”. Khi dân số thành thị bùng nổ, “các biện pháp căn bản để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, như các chương trình giáo dục cơ bản, dinh dưỡng và chích ngừa, thường không phát triển theo kịp”. Mật độ dân cư quá cao còn đặt ra thêm vấn đề về nước, chất thải và hệ thống xử lý chất thải, gây khó khăn cho việc giữ vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng và các sinh vật mang bệnh khác phát triển. Tuy nhiên, bài tiếp theo sẽ cho thấy đây không phải là một tình trạng vô vọng.
[Câu nổi bật nơi trang 11]
“Sự tái phát của hầu hết các bệnh kháng thuốc đều do lỗi của con người”
[Khung/Hình nơi trang 7]
Siêu vi West Nile xâm nhập Hoa Kỳ
Siêu vi West Nile (Tây Sông Ni-lơ) chủ yếu do muỗi truyền qua người, được nhận diện lần đầu tiên vào năm 1937 ở Uganda và sau đó được tìm thấy ở Trung Đông, Châu Á, Châu Đại Dương, và Châu Âu. Đến năm 1999, siêu vi này mới bị phát hiện ở Tây Bán Cầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay theo báo cáo, đã có hơn 3.000 trường hợp nhiễm bệnh ở Hoa Kỳ và hơn 200 người chết.
Hầu hết những người nhiễm bệnh đều không hề biết họ đã bị nhiễm, dù một số có thể có những triệu chứng như cảm cúm. Nhưng cũng có người đã phát triển những bệnh nghiêm trọng như viêm não và viêm màng tủy sống. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc ngừa bệnh hay một phương pháp điều trị cụ thể nào đối với siêu vi West Nile. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Hoa Kỳ cảnh báo siêu vi West Nile cũng có thể lan truyền qua việc ghép cơ quan hoặc tiếp máu của người mắc bệnh. Nguồn tin Reuters năm 2002 cho biết: “Hiện chưa có cách nào để phát hiện siêu vi West Nile trong máu”.
[Nguồn tư liệu]
CDC/James D. Gathany
[Khung/Hình nơi trang 8, 9]
Làm thế nào để tự bảo vệ? Một số điều nên làm và không nên làm
Tỉnh Thức! đã tham khảo bí quyết giữ sức khỏe của cư dân ở những vùng trên thế giới có nhiều côn trùng và dịch bệnh do côn trùng lây truyền. Lời khuyên của họ có thể hữu ích trong vùng bạn sinh sống.
Sạch sẽ—Cách tự bảo vệ hiệu quả nhất
▪ Giữ nhà cửa sạch sẽ
“Đậy kỹ đồ đựng thực phẩm. Đậy thức ăn đã nấu chín khi chưa dùng. Lập tức lau sạch thức ăn rơi vãi. Đừng để chén bát dơ qua đêm hoặc quăng rác ra ngoài đường khi tới sáng hôm sau mới có người đem đổ. Phải đậy kín hoặc chôn rác, vì côn trùng và các loài gặm nhấm thường ra kiếm ăn ban đêm. Ngoài ra, tráng một lớp xi măng mỏng trên nền đất cũng giúp dễ giữ nhà cửa sạch sẽ hơn và bớt côn trùng”.—Châu Phi.
“Trữ trái cây hay bất kỳ thứ gì hấp dẫn côn trùng cách xa nhà. Không cho gia súc, gia cầm như dê, heo, gà vào trong nhà. Đậy
kín hố xí lộ thiên. Nhanh chóng chôn phân gia súc, gia cầm hoặc
rắc vôi lên để ngăn ruồi. Ngay dù láng giềng không làm những điều này, bạn vẫn có thể giảm bớt côn trùng trong nhà và còn làm gương tốt”.—Nam Mỹ.
[Hình]
Không đậy thức ăn hoặc rác là mời côn trùng cùng ăn với bạn
▪ Vệ sinh cá nhân
“Xà bông không mắc, vì vậy hãy rửa tay và giặt áo quần thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người ta hoặc thú vật. Tránh đụng đến thú chết. Tránh lấy tay rờ mắt, mũi, miệng. Quần áo nên được giặt thường xuyên dù trông còn sạch. Tuy nhiên, một số mùi thu hút côn trùng, vì thế nên tránh dùng xà bông và những sản phẩm vệ sinh có mùi thơm”.—Châu Phi.
Các biện pháp phòng chống
▪ Dẹp những chỗ muỗi đẻ trứng
Đậy thùng và lu chứa nước. Dẹp những vật dụng có thể đọng nước. Đừng cho nước đọng trong bồn cây. Muỗi có thể đẻ trứng trong bất kỳ vũng nước nào đọng lâu hơn bốn ngày.—Đông Nam Á.
▪ Giảm thiểu khả năng tiếp xúc với côn trùng
Tránh những nơi và những giờ côn trùng thích ra kiếm ăn. Mặt trời lặn sớm ở các xứ nhiệt đới, vì thế khi trời tối vẫn còn nhiều sinh hoạt, và đây là lúc nhiều côn trùng hoạt động mạnh hơn. Khi đang có dịch bệnh do côn trùng lây truyền, ngồi và ngủ bên ngoài sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.—Châu Phi.
[Hình]
Ngủ ngoài trời ở vùng có nhiều muỗi là mời muỗi xơi bạn
Mặc áo quần càng che kín người càng tốt, đặc biệt là khi vào rừng. Bôi dầu hoặc kem chống côn trùng lên quần áo và da, nhưng phải luôn theo đúng hướng dẫn trên nhãn. Kiểm tra bản thân và con cái sau khi sinh hoạt ngoài trời để phát hiện ve. Giữ cho các con vật nuôi trong nhà mạnh khỏe và không có ve hay bọ chét.—Bắc Mỹ.
Tiếp xúc tối thiểu với gia súc, gia cầm vì côn trùng có thể truyền bệnh từ chúng sang người.—Trung Á.
Dùng mùng cho cả gia đình, tốt nhất là loại đã tẩm thuốc diệt côn trùng. Đóng lưới các cửa sổ và luôn giữ lưới trong điều kiện tốt. Trám những chỗ hở dưới mái, nơi côn trùng có thể chui vào. Những biện pháp ngăn ngừa như thế có thể tốn đôi chút, nhưng bạn sẽ còn tốn nhiều hơn nếu phải đưa con đi bệnh viện, hay một người nuôi gia đình ngã bệnh và không thể đi làm.—Châu Phi.
[Hình]
Mùng tẩm thuốc diệt côn trùng rẻ hơn tiền thuốc và viện phí
Trong nhà, loại trừ những nơi côn trùng có thể ẩn nấp. Tô tường và trần nhà, trét kín các kẽ hở và lỗ thủng. Lót thêm lớp vải chống côn trùng ở phía dưới trần nhà bằng tranh. Xếp dọn đồ đạc như các chồng giấy, vải hay các tranh ảnh treo chồng chất trên tường, là những nơi côn trùng ẩn nấp.—Nam Mỹ.
Một số người xem côn trùng và các loài gặm nhấm như những vị khách mời. Chúng không phải là khách mời! Hãy đuổi chúng đi. Dùng thuốc chống côn trùng và thuốc diệt côn trùng—nhưng phải theo đúng hướng dẫn. Dùng bẫy và cây đập ruồi. Hãy có óc sáng tạo: Một phụ nữ may một ống vải, đổ cát vào, rồi dùng nó che kẽ hở dưới cửa để ngăn không cho côn trùng chui vào.—Châu Phi.
[Hình]
Côn trùng không phải là khách mời. Hãy đuổi chúng đi!
▪ Các biện pháp ngừa bệnh
Tăng sức đề kháng của bạn bằng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và tập thể dục đầy đủ. Giảm sự căng thẳng.—Châu Phi.
Những người đi du lịch: Hãy tìm hiểu trước thông tin mới nhất về các nguy cơ dịch bệnh. Những thông tin này có sẵn tại các cơ quan sức khỏe cộng đồng và trên mạng Internet của chính phủ. Trước khi đi, hãy thực hiện những biện pháp phòng ngừa cần thiết đối với vùng bạn sẽ đến.
Nếu cảm thấy bệnh
▪ Hãy nhanh chóng đi khám bệnh
Hầu hết mọi bệnh đều dễ chữa hơn khi được chẩn đoán sớm.
▪ Cảnh giác việc chẩn đoán nhầm
Hãy tìm những bác sĩ quen thuộc với các bệnh do côn trùng lây truyền và bệnh nhiệt đới nếu bạn đã đến vùng nhiệt đới. Hãy cho bác sĩ biết tất cả triệu chứng của bạn và những nơi bạn đã đi đến, ngay cả trong quá khứ. Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi cần thiết, và thực hiện đầy đủ phương pháp điều trị.
[Hình]
Bệnh do côn trùng lây truyền có thể có triệu chứng giống những bệnh khác. Hãy cho bác sĩ biết hết những nơi bạn đã đi qua
[Nguồn tư liệu]
Địa cầu: Mountain High Maps® Copyright © 1997 Digital Wisdom, Inc.
[Khung/Hình nơi trang 10]
Côn trùng có lây truyền HIV không?
Sau hơn mười năm điều tra và nghiên cứu, các nhà côn trùng học và các nhà khoa học thuộc ngành y không tìm thấy bằng chứng nào về việc muỗi hay bất kỳ loài côn trùng nào khác có thể lây truyền HIV—tức siêu vi gây bệnh AIDS (SIDA).
Như muỗi chẳng hạn, vòi của loài côn trùng này không giống như một ống chích với chỉ một đầu vào có thể tiêm máu lại vào người khác. Thay vì thế, muỗi hút máu qua một đường nhưng nhả nước bọt qua đường khác. Sau đó hệ tiêu hóa của muỗi phân tích máu, làm chết các siêu vi, theo lời giải thích của ông Thomas Damasso, một chuyên gia về HIV thuộc Nhóm Kiểm Soát Sức Khỏe Quận ở Mongu, Zambia. HIV không được tìm thấy trong phân côn trùng. Và khác với ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, HIV không xâm nhập tuyến nước bọt của muỗi.
Để nhiễm HIV, một người phải tiếp xúc với một lượng lớn chất có siêu vi. Nếu sau khi hút máu một người, muỗi bay ngay đến nạn nhân tiếp theo, thì bất kỳ lượng máu nào còn dính trên vòi nó cũng là quá ít để có thể gây bệnh. Theo các chuyên gia, ngay cả nếu có đập trúng một con muỗi chứa đầy máu nhiễm HIV dương tính ngay chỗ một vết thương hở miệng, vẫn không bị nhiễm HIV.
[Nguồn tư liệu]
CDC/James D. Gathany
[Các hình nơi trang 7]
Ve nai (hình bên phải phóng to) truyền bệnh Lyme cho người
Trái sang phải: Ve cái trưởng thành, ve đực trưởng thành và ve con, theo kích thước thật
[Nguồn tư liệu]
Tất cả ve: CDC
[Các hình nơi trang 10, 11]
Lũ lụt, điều kiện thiếu vệ sinh và sự di dân góp phần làm lây lan các bệnh do côn trùng truyền
[Nguồn tư liệu]
FOTO UNACIONES (from U.S. Army)