Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khoa học từng là tôn giáo của tôi

Khoa học từng là tôn giáo của tôi

Khoa học từng là tôn giáo của tôi

DO KENNETH TANAKA KỂ LẠI

“SỰ THẬT sẽ cho các ngươi được tự do”. Đó là những từ khắc trên một trong những biểu tượng của Học Viện Kỹ Thuật California (Caltech) đã thôi thúc tôi đạt đến đỉnh cao về kiến thức khoa học. Việc tôi được nhận vào học viện vào năm 1974 đã mở đường cho tôi trở thành nhà nghiên cứu khoa học. Sau khi đạt được văn bằng cử nhân và thạc sĩ địa chất, tôi học tiếp ở Đại Học California tại Santa Barbara.

Trong khi tiến xa hơn trong sự nghiệp khoa học, những quan điểm và giá trị thiêng liêng của tôi cũng thay đổi sâu sắc. Mặc dù kiến thức về học thuyết tiến hóa đã khiến tôi không còn tin nơi Đức Chúa Trời, nhưng sau này tôi buộc phải xem xét lại quan điểm của mình. Làm thế nào một nhà nghiên cứu địa chất như tôi lại trở thành người sốt sắng thờ phượng Đức Chúa Trời? Tôi xin giải thích.

Một cậu bé thán phục trước vũ trụ

Tôi say mê khoa học ngay từ khi còn nhỏ. Lớn lên ở Seattle, Washington, Hoa Kỳ, tôi luôn được cha mẹ khuyến khích cố gắng học cao đến tột đỉnh. Tôi thích đọc về vũ trụ—thành phần cấu trúc căn bản của vật chất và sự sống, những lực cơ bản, không gian, thời gian, lý thuyết tương đối. Khi tôi khoảng tám tuổi, nhà trường bắt đầu chú ý niềm say mê khoa học của tôi và cho tôi được học lớp riêng hàng tuần với một thầy dạy môn khoa học.

Tôi dự lớp giáo lý ngày Chủ Nhật ở một nhà thờ Báp-tít, nhưng chủ yếu là để tham gia những chuyến đi dã ngoại và cắm trại. Tất cả những người khác trong gia đình tôi đều không chú ý đến tôn giáo hay Đức Chúa Trời. Khi biết nhiều về lịch sử và tội ác của tôn giáo, lương tâm không cho phép tôi tiếp tục tham gia những sinh hoạt của nhà thờ. Tôi cũng bắt đầu nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, vì khoa học dường như có thể giải thích hầu hết mọi điều.

Một sự đổi hướng—Và những thay đổi khác

Tôi nộp đơn vào đại học với ý định học vật lý, nhưng năm cuối bậc trung học tôi chọn thêm môn địa chất. Bộ môn này bao gồm những chuyến đi khảo cứu những khối đá trồi lên nổi tiếng của bang Washington. Tôi nghĩ: ‘Thật sẽ tuyệt vời biết bao nếu kết hợp lòng yêu thiên nhiên với tình yêu khoa học của tôi!’

Vì vậy, sau khi vào đại học, tôi đã đổi ngay sang chuyên ngành địa chất. Một số môn mà tôi ghi danh có phần nghiên cứu về các nguyên đại địa chất và lịch sử trái đất dựa trên việc phân tích di tích hóa thạch. Về di tích hóa thạch, tôi được dạy rằng các loài đều đã tiến hóa. Theo hiểu biết của tôi thì thuyết tiến hóa chưa được chứng minh. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng thuyết tiến hóa dường như có sự giải thích hợp lý về những bằng chứng địa chất đã có, nhất là khi so với thuyết mỗi ngày sáng tạo là 24 giờ mà nhiều người tin. Khi nghe nói về cuộc tranh luận sắp diễn ra tại trường giữa các nhà chủ trương thuyết sáng tạo và các nhà ủng hộ thuyết tiến hóa, tôi quyết định không đến nghe. Thật hiển nhiên là trái đất đã không được tạo ra trong chưa đầy một tuần lễ như tuyên bố của một số nhà ủng hộ thuyết sáng tạo!

Dù có quan điểm chống tôn giáo cứng rắn, nhưng những chuyến đi nghiên cứu địa chất ở vùng tây nam Hoa Kỳ đã buộc tôi phải xem lại quan niệm của mình về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Tại đó, ban đêm, khi ngắm nhìn những tinh tú tuyệt vời trên bầu trời sa mạc không mây, tôi không thể kết luận gì khác hơn là Đức Chúa Trời đã tạo nên vũ trụ này. Các nhà thiên văn xác định rằng vũ trụ đã có một sự bắt đầu, nhưng tôi có thể thấy được rằng khoa học sẽ chẳng bao giờ giải thích được tại sao điều này đã xảy ra. Dường như hợp lý để tin rằng một Đấng Tạo Hóa thông minh, quyền năng đã thiết kế và tạo nên vũ trụ quanh ta.

Lập bản đồ Sao Hỏa, nêu những câu hỏi

Vào lúc tôi nhận văn bằng tiến sĩ khoa học địa chất năm 1983, ở tuổi 27, tôi đang lập bản đồ địa hình của Sao Hỏa cho Viện Nghiên Cứu Địa Chất Hoa Kỳ. Từ đó, hàng chục bài báo và bản đồ của tôi liên quan đến hình thái của các hành tinh đã được đăng tải cho cả những độc giả có kiến thức phổ thông lẫn các nhà nghiên cứu khoa học. Là thành viên trong các ủy ban cố vấn của Cơ Quan Không Gian và Hàng Không Quốc Gia (NASA), tôi góp phần vào việc chuẩn bị những chuyến phóng phi thuyền lên Sao Hỏa. Trong quá trình nghiên cứu và làm việc, tôi được gặp nhiều nhà khoa học nghiên cứu về hành tinh được nhiều người kính trọng đến từ nhiều nước, trường đại học, và các viện nghiên cứu.

Tất cả quá trình đào tạo và nghiên cứu đó dần dần sửa đổi quan điểm lý tưởng trong thời niên thiếu của tôi về khoa học. Tôi nhận ra rằng khoa học không thể và sẽ chẳng bao giờ cung cấp được tất cả những lời giải đáp. Nhất là tôi nhận ra rằng khoa học không giải thích được mục đích lâu dài hay ý nghĩa của đời sống. Quan điểm khoa học hiện thời dự đoán rằng vũ trụ hoặc sẽ tự co lại hoặc sẽ phân tán thành một khối không có kết cấu. Nếu sự không tồn tại là vận mệnh cuối cùng, làm sao sự tồn tại có ý nghĩa được?

Lập một phương hướng mới

Vào tháng 9 năm 1981, khi đang ở Flagstaff, Arizona, tôi đã tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi đồng ý học Kinh Thánh với mục tiêu là chứng minh họ và Kinh Thánh sai đồng thời cũng muốn biết Kinh Thánh thực sự chứa đựng những gì.

Tôi bắt đầu dành ra nhiều giờ mỗi tuần cẩn thận xem xét những dạy dỗ của Kinh Thánh. Tôi thật ngạc nhiên khi tìm được những kiến thức quan trọng và sự thông hiểu sâu sắc trong những trang sách Kinh Thánh. Tôi vô cùng thích thú việc nghiên cứu tính chính xác về khoa học của Kinh Thánh và sự ứng nghiệm của hàng trăm lời tiên tri có nhiều chi tiết về những biến cố xảy ra qua hàng ngàn năm lịch sử của loài người. Tôi đặc biệt kinh ngạc khi thấy sự hòa hợp của nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh—trong các sách Đa-ni-ên và Khải-huyền—cung cấp một căn bản vững chắc để xác định rằng chúng ta sống trong “ngày sau-rốt”.—2 Ti-mô-thê 3:1.

Trong việc học hỏi Kinh Thánh, tôi vô tình đã làm giống một người xuất chúng. Về sau tôi được biết rằng Sir Isaac Newton, được xem như một trong những thiên tài khoa học vĩ đại nhất của mọi thời đại, đã khâm phục và nghiên cứu kỹ Kinh Thánh. Giống như Newton, tôi chú ý đến những lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên và Khải-huyền báo trước về những biến cố và diễn biến quan trọng trong lịch sử đã thực sự xảy ra. * Tuy nhiên, tôi có lợi thế đặc biệt được sống trong và sau thời kỳ mà nhiều lời tiên tri đã được ứng nghiệm kể từ thời Newton. Tôi khám phá rằng những lời tiên tri này phong phú và bao quát một cách đáng kinh ngạc, đồng thời luôn chính xác và không thể phủ nhận được. Thật ngạc nhiên khi ý thức rằng toàn bộ Kinh Thánh, do hơn 40 người viết trong khoảng thời gian 1.600 năm, chứa đựng một thông điệp có sức thuyết phục, mạch lạc và nhất quán liên quan đến những vấn đề trọng đại mà nhân loại đang đương đầu và đến tương lai của họ.

Tuy nhiên, từ bỏ niềm tin của tôi về thuyết tiến hóa không phải là dễ. Tôi tôn trọng thẩm quyền của các nhà khoa học ủng hộ học thuyết này. Dầu vậy, tôi khám phá ra rằng tất cả những câu Kinh Thánh nói về thế giới vật chất hoàn toàn phù hợp với những sự kiện đã được biết và không thể bác bỏ được.

Tôi bắt đầu nhận thức rằng để có một sự hiểu biết toàn diện và mạch lạc về những nội dung bao quát, ăn khớp với nhau trong Kinh Thánh, một người không thể bác bỏ một sự dạy dỗ nào của Kinh Thánh, kể cả lời tường thuật về sự sáng tạo trong sách Sáng-thế Ký. Do đó, tôi nhận ra rằng chấp nhận toàn bộ Kinh Thánh là chân lý là kết luận hợp lý duy nhất.

Kiên trì tìm kiếm lẽ thật

Trong thời gian ấy, khi tham gia vào cuộc nghiên cứu khoa học, tôi nhận thấy rằng biết bao nhiêu lần những lý thuyết đã được thừa nhận rộng rãi trong một thời gian, về sau được chứng minh là sai. Điều khó khăn đối với các nhà khoa học là những đề tài nghiên cứu đều phức tạp, trong khi những công cụ nghiên cứu và dữ liệu có thì giới hạn. Do đó, tôi học được một điều là phải cẩn thận trong việc thừa nhận những học thuyết chưa được chứng minh, dù chúng được trình bày khéo léo đến đâu.

Trên thực tế, nhiều khía cạnh căn bản trong thế giới tự nhiên của chúng ta không thể được giải thích bằng khoa học. Chẳng hạn, tại sao những cấu trúc căn bản của sự sống và những định luật vật lý chi phối chúng hoàn toàn thích hợp để duy trì những quá trình của sự sống và hệ sinh thái phức tạp? Trong khi khoa học không được trang bị để giải thích về Đức Chúa Trời, Lời Ngài soi dẫn cung cấp chứng cớ xác thực về sự hiện hữu và hoạt động của Ngài với tư cách Đấng Tạo Hóa. (2 Ti-mô-thê 3:16) Với sự hiểu biết thiêng liêng này, chúng ta có thể nhận ra Đấng là nguồn của tất cả năng lượng, sự khôn ngoan, và vẻ đẹp trong thế giới vật chất của chúng ta.

Tôi càng tin nơi tính chính xác về khoa học của Kinh Thánh khi xem xét cẩn thận những sách báo của Nhân Chứng Giê-hô-va, trong đó có sách Sự sống— Đã xuất hiện thế nào? Do tiến hóa hay do sáng tạo? (Anh ngữ) và Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không? Những ấn phẩm này phân tích các đề tài khoa học sâu sắc, và đưa ra những nhận xét sắc bén về các nghiên cứu hiện nay và về những kết luận của những chuyên gia nổi tiếng. Hơn nữa, các sách này cũng cho thấy sự hòa hợp giữa những sự kiện khoa học được công nhận và sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh.

Chẳng hạn, các sách này cho thấy di tích hóa thạch phù hợp với trình tự xuất hiện của các dạng sống được mô tả trong sách Sáng-thế Ký. Hơn nữa, một ngày sáng tạo như người xưa hiểu có thể có nghĩa là một khoảng thời gian kéo dài, như cách khoa học dùng các từ “thời kỳ” và “nguyên đại” để mô tả lịch sử trái đất. Do đó, Kinh Thánh hoàn toàn không mâu thuẫn với những phát hiện của khoa học. Kinh Thánh cho thấy rằng những ngày sáng tạo là những thời kỳ rất dài, chứ không phải 24 giờ như những người theo thuyết sáng tạo tin.

Đức tin trái ngược với tính nhẹ dạ

Là một nhà khoa học, tôi không thích tính nhẹ dạ. Nhưng tôi rất kính trọng đức tin có căn cứ vững chắc. Đức tin như thế được định nghĩa nơi Hê-bơ-rơ 11:1: “Vả, đức-tin là sự biết chắc vững-vàng của những điều mình đương trông-mong, là bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy”. Sự tin cậy nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời được dựa trên bằng chứng chắc chắn rằng Kinh Thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn. Tôi thấy cần phải tránh những giáo lý phổ biến nhưng không có nền tảng xác thực, trái ngược với Kinh Thánh. Những giáo lý này bao gồm những dạy dỗ về linh hồn bất tử, hỏa ngục, Chúa Ba Ngôi, và những điều khác. Nhiều giáo lý sai lầm như thế bắt nguồn từ triết lý và thần thoại cổ xưa hoặc từ sự nghiên cứu nông cạn về Kinh Thánh. Việc tin theo những dạy dỗ sai lầm đã dẫn đến ‘đức tin mù quáng’ của đa số người có đạo ngày nay, khiến nhiều nhà khoa học xem thường tôn giáo.

Một trong những trách nhiệm chính của tôi với tư cách nhà khoa học là phải định nghĩa, bảo vệ và phổ biến các kết quả nghiên cứu của mình. Tương tự, tôi cảm thấy có trách nhiệm dạy lẽ thật Kinh Thánh cho người khác, vì không có sự hiểu biết nào quan trọng hơn. Tôi bắt đầu hoạt động đầy mãn nguyện này và báp têm làm Nhân Chứng Giê-hô-va cách nay khoảng 20 năm. Sau đó, vào tháng 9 năm 2000, tôi đã dành thêm thời gian cho công tác rao giảng, trung bình 70 giờ mỗi tháng. Kể từ khi ấy, hàng tháng tôi được đặc ân giúp tới mười người chú ý học hỏi Kinh Thánh và được thấy nhiều học viên đã trở thành người sốt sắng dạy Kinh Thánh.

Tôi vẫn ham thích nghiên cứu Sao Hỏa và các phần khác của vũ trụ qua “con mắt” của những phi thuyền tối tân được phóng lên để khám phá những thiên thể ở gần trái đất của chúng ta. Còn rất nhiều điều bí hiểm để khoa học khám phá. Tôi trông mong đến ngày mà công cuộc tìm kiếm tri thức thiêng liêng lẫn khoa học của con người sẽ thỏa mãn sự hiếu kỳ cũng như giải đáp được những thắc mắc sâu sắc nhất của chúng ta. Tôi đã nhận thức được rằng đời sống chỉ có ý nghĩa đích thực khi có sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và ý định của Ngài đối với loài người, đó là ý nghĩa thực sự của lời Chúa Giê-su được khắc trên một trong các biểu tượng của Học Viện Caltech: “Sự thật sẽ cho các ngươi được tự do”.—Giăng 8:32, Nguyễn Thế Thuấn.

[Chú thích]

^ đ. 18 Trong sách của ông Observations Upon the Prophecies of Daniel, and the Apocalypse of St. John, xuất bản năm 1733, Sir Isaac Newton nhận xét về những lời tiên tri trong Kinh Thánh nơi các sách Đa-ni-ên và Khải-huyền.

[Câu nổi bật nơi trang 27]

“Khoa học dường như có thể giải thích hầu hết mọi điều”

[Câu nổi bật nơi trang 28]

“Khoa học không thể và sẽ chẳng bao giờ cung cấp được tất cả những lời giải đáp”

[Câu nổi bật nơi trang 29]

“Tôi tìm được những kiến thức quan trọng và sự thông hiểu sâu sắc trong những trang sách Kinh Thánh”

[Bản đồ nơi trang 26]

Bản đồ Sao Hỏa

[Các hình nơi trang 28]

Giống như Newton, tôi thán phục các sách Đa-ni-ên và Khải-huyền trong Kinh Thánh

[Nguồn tư liệu]

University of Florida

[Hình nơi trang 29]

Tôi chia sẻ những điều mình đã học trong Kinh Thánh với người khác

[Nguồn hình ảnh nơi trang 26]

Trên, bên trái: Courtesy USGS Astrogeology Research Program, http://astrogeology.usgs.gov; Bản đồ Sao Hỏa: National Geographic Society, MOLA Science Team, MSS, JPL, NASA; Bề mặt Sao Hỏa: NASA/JPL/Caltech

[Nguồn tư liệu nơi trang 29]

Space photo: J. Hester and P. Scowen (AZ State Univ.), NASA