Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tahiti và cuộc tìm kiếm địa đàng

Tahiti và cuộc tìm kiếm địa đàng

Tahiti và cuộc tìm kiếm địa đàng

Trải qua nhiều ngày chiếc tàu bị sóng gió đánh nghiêng ngửa giữa Thái Bình Dương. Dưới ánh nắng mặt trời oi ả, các thủy thủ chỉ làm cùng một công việc ngày qua ngày và chắc chắn chán ngấy rượu hóa chua, nước bẩn và thực phẩm hư thối. Thình lình, có tiếng hô to: “Đất liền! Đất liền về phía trước mạn trái!” Ở phía xa xa, một chóp hải đảo lờ mờ lộ ra giữa biển. Ít giờ sau, không còn nghi ngờ gì nữa—một hải đảo hiện ra trước mắt.

Kể từ khi được người Âu Châu khám phá, Tahiti trở nên đồng nghĩa với “địa đàng”. Nhà thám hiểm người Pháp ở thế kỷ 18 Louis-Antoine de Bougainville, dẫn đầu chuyến viễn hành được mô tả ở trên, sau này viết: “Tôi nghĩ tôi được đưa vào vườn Ê-đen”. Hai thế kỷ sau, Tahiti tiếp tục thu hút du khách. Giống như các bậc tiền bối của họ, nhiều người đến đây để tìm địa đàng.

Nhưng tại sao người ta thấy ước mơ về địa đàng hấp dẫn đến thế? Và làm sao Tahiti lại được xem là hiện thực của ước mơ ấy? Để trả lời, chúng ta hãy lui lại thuở ban đầu lúc con người hiện hữu.

Địa Đàng bị mất

Từ “địa đàng” làm cho chúng ta xốn xang trong lòng, và điều này hẳn có lý do. Thật giản dị, đó là vì chúng ta được tạo ra để sống trong Địa Đàng! Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời ban cho thủy tổ chúng ta ân phước sống ở một nơi được mô tả là “địa đàng”—một khu vườn xinh đẹp. (Sáng-thế Ký 2:8) Dường như vườn này chiếm một phần của miền đất gọi là Ê-đen, nghĩa là “Lạc thú”. Dù những học giả thời nay có khuynh hướng xem Ê-đen là một huyền thoại, Kinh Thánh nói đến miền đất này như một hiện thực lịch sử, đồng thời cung cấp những tin tức đáng tin cậy về địa lý để nhận ra địa điểm ban đầu của nó. (Sáng-thế Ký 2:10-14) Hai điểm mốc địa lý—sông Bi-sôn và Ghi-hôn—không còn nhận ra được nữa. Vậy địa điểm chính xác của vườn này vẫn còn là một bí ẩn.

Thủy tổ chúng ta đã phản nghịch Đức Chúa Trời và đánh mất Địa Đàng dành cho tất cả chúng ta. (Sáng-thế Ký 3:1-23) Tuy nhiên, trong thâm tâm loài người đã không thể xóa nhòa được ước muốn sống trong địa đàng. Lời tường thuật trong Kinh Thánh vẫn còn dư âm ngay cả trong những chuyện thần thoại của nhiều nước. Chẳng hạn, người Hy Lạp tưởng tượng ra một huyền thoại về Thời Đại Hoàng Kim—một thời kỳ lý tưởng khi mà nhân loại có một đời sống thanh bình, dễ chịu.

Nhiều người cố đi tìm Ê-đen đã bị mất từ lâu. Một số người đến xứ Ê-thi-ô-bi để tìm Ê-đen—dĩ nhiên là họ không tìm ra. Truyền thuyết còn cho rằng vào thế kỷ thứ sáu một tăng lữ tên là Brendan đã tìm thấy vườn địa đàng trên một đảo ở phía tây nam Đại Tây Dương. Những truyền thuyết khác thì cho rằng địa đàng nằm khuất trên một rặng núi cao. Thất vọng vì những truyền thuyết mâu thuẫn với nhau này, nhà thám hiểm Christopher Columbus than: “Tôi chưa được đọc cũng chẳng thấy văn kiện nào bằng tiếng La-tinh hay Hy Lạp nói chắc chắn có thể tìm thấy địa đàng ở phương trời nào trên đất”. Cuối cùng, ông tin chắc rằng địa đàng nằm ở nơi nào đó ở phía nam đường xích đạo.

Sau chuyến hành trình thứ ba sang Tân Thế Giới, Columbus nói: “Dường như xứ này là địa đàng vì phù hợp với lời miêu tả của các thánh và những nhà thần học uyên thâm mà tôi đã đề cập đến”. Tuy nhiên, Tân Thế Giới, đã không chứng tỏ là địa đàng như Colombus tưởng.

Những xã hội Không Tưởng tương lai

Thế nhưng, một số học giả không chịu bỏ cuộc. Thay vì cổ vũ trở lại Ê-đen, họ đi tiên phong trong khái niệm về một địa đàng tương lai do loài người thiết lập. Những nhà văn bắt đầu sáng tác những câu truyện ảo tưởng về xã hội “hoàn hảo”—một sự tương phản thú vị so với xã hội thối nát họ đang sống. Tuy nhiên, không một ý tưởng huyễn hoặc nào thật sự giống như Ê-đen cả. Thay vì tưởng tượng đời sống tự do trong một khu vườn không biên giới, những nhà tiên kiến này mơ mộng một địa đàng thành thị được tổ chức chặt chẽ. Chẳng hạn, vào thế kỷ 16, chính khách người Anh Sir Thomas More kể lại một cuộc hành trình tưởng tượng đến một xứ gọi là Không Tưởng. Từ này có nghĩa là “không đâu cả”.

Những nhà văn kế tiếp xây dựng trên ý tưởng của ông More bằng cách thêu dệt thêm. Hàng chục nhà văn Âu Châu tưởng tượng ra những xã hội “Không Tưởng” trải qua nhiều thế kỷ sau đó. Lại một lần nữa, các xã hội “lý tưởng” mộng ảo này hoàn toàn không có gì giống vườn lạc thú cả. Các xã hội Không Tưởng cố gắng mang đến hạnh phúc bằng cách kiểm soát người ta một cách chặt chẽ. Nhưng khi làm như thế, họ cản trở óc sáng tạo và sự tự do của con người. Thế nhưng, như giáo sư sử học Henri Baudet nhận xét, những ước mơ về các xã hội Không Tưởng tiết lộ một “ước nguyện không bao giờ tàn phai về một đời sống tốt hơn... và một xã hội công bình hơn”.

Tahiti—Một truyền thuyết ra đời

Vào thế kỷ 18, các vùng biển nam bán cầu chưa được thám hiểm tạo cho các nhà thám hiểm một cơ hội cuối cùng để tìm ra địa đàng chưa được khám phá. Nhưng khi Bougainville giương buồm hướng về Thái Bình Dương vào tháng 12 năm 1766, động cơ chính của ông là thám hiểm, chinh phục những thuộc địa mới và mở ra những thị trường mới.

Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển cả, Bougainville tìm ra Tahiti. Ông không thể thả neo tại các hải đảo khác mà ông đã thấy vì dải san hô ngầm. Nhưng tại Tahiti, tàu có thể cập bến an toàn. Ở đây, thủy thủ đoàn kiệt sức được thổ dân tiếp đón ân cần và có dư dật thực phẩm. Đối với những thủy thủ ấy, hiện thực dường như vượt quá viễn tưởng. Tahiti không những là địa đàng nhiệt đới mà lại còn có nhiều đặc điểm giống như viễn cảnh Không Tưởng.

Đặc điểm đầu tiên, Tahiti là một cộng đồng sống trên hải đảo, giống như những xứ Không Tưởng được miêu tả trong chuyện viễn tưởng. Hơn nữa, địa hình của nó thật giống như địa đàng. Hàng trăm dòng sông và thác nước chảy cuồn cuộn nằm rải rác giữa phong cảnh cây cối sum suê vô cùng đẹp đẽ. Cây cỏ nhiệt đới xanh tươi dường như không cần bàn tay con người chăm sóc. Vẻ đẹp thơ mộng của Tahiti được tô điểm thêm nhờ khí hậu trong lành và không có những mối nguy hiểm đặc trưng của miền nhiệt đới. Trên đảo không có rắn rít, côn trùng nguy hiểm hoặc núi lửa đang hoạt động.

Ngoài ra, thổ dân Tahiti cao lớn, đẹp đẽ và khỏe mạnh. Hàm răng trắng của dân Tahiti gây ấn tượng đối với những người đi biển bị rụng hết răng và sưng nướu răng. Thổ dân cũng vui tính; lòng hiếu khách của họ đã nhanh chóng chiếm được lòng các thủy thủ. Ít nhất khi mới nhìn qua, dường như tất cả những người dân Tahiti đều bình đẳng—một trong những khái niệm căn bản của văn chương Không Tưởng. Dân Tahiti không biết nghèo là gì. Họ sống phóng túng về tình dục. Quả vậy, các thủy thủ tự do quan hệ với một số phụ nữ Tahiti xinh đẹp.

Đúng, đối với Bougainville và thủy thủ đoàn của ông, Tahiti dường như là Ê-đen được lập lại vậy. Vì thế khi Bougainville rời đảo, ông đã háo hức kể lại cho cả thế giới về địa đàng mà ông đã tìm được. Khi hoàn tất cuộc hành trình vòng quanh thế giới dài ba năm, ông xuất bản một sách tường thuật các cuộc mạo hiểm của mình. Là một trong sách bán chạy nhất, sách này cho ra đời một huyền thoại, theo đó, hòn đảo huyền diệu ấy hoàn hảo về mọi mặt. Địa đàng thật đã mất, nhưng dường như Tahiti là địa đàng hiện thời!

Những nguy hiểm của một huyền thoại

Tuy nhiên, các huyền thoại thường mâu thuẫn với hiện thực. Chẳng hạn, dân Tahiti mắc bệnh và chết như bao người khác. Thay vì tất cả đều bình đẳng, họ lại sống trong xã hội có cấp bậc, nghiêm khắc, và đôi lúc bạo ngược. Họ gây chiến giữa các bộ tộc và dâng người để tế thần. Như mọi người nói chung, không phải người Tahiti nào cũng đẹp sắc sảo. Và sử gia K. R. Howe tin rằng các phụ nữ mà những thủy thủ của Bougainville gặp rất có thể đã “được lệnh làm điếm” để làm vừa lòng những kẻ xâm lược.

Dù vậy, huyền thoại về “địa đàng đã tìm lại được” cứ lan rộng ra. Các nhà văn và nghệ sĩ, chẳng hạn như họa sĩ Pháp Paul Gauguin, đã đổ xô đến đó. Tranh vẽ sặc sỡ của Gauguin phác họa đời sống trên đảo Tahiti khiến hải đảo này được nhiều người biết đến. Hậu quả là gì đối với Tahiti? Huyền thoại khiến nhiều người có ấn tượng rập khuôn về hải đảo và dân trên đảo. Du khách đi thăm Tahiti trở về nhà, thường được yêu cầu: “Hãy kể cho chúng tôi chuyến phiêu lưu với các cô gái Tahiti ra sao đi”.

Địa đàng—Hy vọng viển vông chăng?

Trong những năm gần đây, Tahiti phải đương đầu với những thử thách khác. Những trận bão liên tiếp thổi vào đảo này vào đầu thập niên 1980 khiến dải san hô ngầm bị hư hại. Nhưng sự đe dọa lớn nhất đến từ chính con người. Những dự án xây dựng làm xói mòn đất và gây ô nhiễm. Donna Leong, một chuyên gia về ngành xử lý chất thải, nói: “Ngành du lịch phát sinh hàng khối khổng lồ đồ phế thải... Nếu không lo xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, Tahiti cùng các hải đảo khác sẽ không còn là xứ phong phú động, thực vật và là những vùng biển xanh trong vắt nữa.

Tuy nhiên, hy vọng về một địa đàng được khôi phục chắc chắn không mất. Chính Chúa Giê-su Christ hứa với phạm nhân biết ăn năn: “Ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi”! (Lu-ca 23:43) Chúa Giê-su không nói đến một xã hội Không Tưởng khắt khe nào đó, được phác họa trong chuyện viễn tưởng, mà ngài nói đến một địa đàng toàn cầu, do một chính phủ trên trời cai quản. * Hơn 1.700 Nhân Chứng Giê-hô-va trên đảo Tahiti đặt hy vọng nơi Địa Đàng tương lai này. Họ tình nguyện dành thì giờ chia sẻ hy vọng ấy với người lân cận. Dù có nhiều đặc điểm giống như vườn địa đàng, nhưng vẻ đẹp của Taihiti không thể nào sánh với Địa Đàng mà Đức Chúa Trời sắp mang lại trên toàn cầu. Cuộc tìm kiếm Địa Đàng này không phải là vô ích.

[Chú thích]

^ đ. 24 Muốn biết thêm lời hứa của Đức Chúa Trời về Địa Đàng, xem sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Các hình nơi trang 16]

Tahiti trông có vẻ như một địa đàng thơ mộng

[Nguồn tư liệu]

Tranh của William Hodges, năm 1766

Yale Center for British Art, Paul Mellon Collection, USA/Photo: Bridgeman Art Library

[Hình nơi trang 17]

Những người dân Tahiti tiếp đón Bougainville với sự thân thiện và hiếu khách

[Nguồn tư liệu]

By permission of the National Library of Australia NK 5066

[Hình nơi trang 18]

Nhân Chứng Giê-hô-va vui thích nói với những người lân cận về Địa Đàng sắp đến

[Nguồn tư liệu nơi trang 17]

Photo courtesy of Tahiti Tourisme

[Nguồn tư liệu nơi trang 19]

Trang 18: Những người chèo xuồng, thác nước và hình nền: Photos courtesy of Tahiti Tourisme