Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thù ghét sắc tộc có được xem là chính đáng chăng?

Thù ghét sắc tộc có được xem là chính đáng chăng?

Quan điểm của Kinh Thánh

Thù ghét sắc tộc có được xem là chính đáng chăng?

BẠN cảm thấy thế nào khi bị người khác nghĩ bạn là người gian manh, hung dữ, ngu dốt, hoặc vô đạo đức chỉ vì bạn thuộc một nhóm sắc tộc nào đó? * Chắc chắn bạn bực tức lắm. Đáng buồn thay, đó là điều hàng triệu người trải qua. Ngoài ra, trong suốt lịch sử, không biết bao nhiêu người vô tội bị hành hạ, thậm chí bị giết, chỉ vì thuộc quốc tịch hay chủng tộc nào đó. Thật vậy, phần lớn những cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra ngày nay bắt nguồn từ sự thù ghét sắc tộc. Thế nhưng, nhiều người ủng hộ loại hung bạo này lại là những người tự nhận tin nơi Đức Chúa Trời và Kinh Thánh. Và có những người cho rằng nạn kỳ thị chủng tộc không thể tránh được—nó ở trong bản chất con người.

Kinh Thánh có dung túng sự thù ghét sắc tộc không? Có hoàn cảnh nào cho phép thù ghét những người không cùng văn hóa hay chủng tộc không? Có hy vọng gì về một tương lai không còn sự thù ghét sắc tộc không? Kinh Thánh có quan điểm nào?

Bị phán xét theo việc làm

Chỉ xem lướt qua cách cư xử của Đức Chúa Trời với nhân loại trước đây có thể khiến một người đi đến kết luận sai lầm là Đức Chúa Trời ủng hộ sự thù ghét sắc tộc. Chẳng phải một số lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời tuyệt diệt cả bộ lạc hoặc quốc gia hay sao? Đúng vậy, nhưng khi xem xét kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời phán xét các dân này vì họ vô luân, khinh thường luật pháp Ngài chứ không phải vì gốc gác sắc tộc của họ.

Chẳng hạn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời lên án người Ca-na-an vì họ vô luân đồi trụy và thực hành các lễ nghi thờ cúng các quỉ. Họ thậm chí thiêu con cái để tế cho các thần giả! (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:5; 18:9-12) Tuy nhiên, trong vài trường hợp, một số người Ca-na-an biểu lộ đức tin nơi Đức Chúa Trời và ăn năn. Vì thế, Đức Giê-hô-va đã bảo toàn mạng sống của họ và ban phước cho họ. (Giô-suê 9:3, 25-27; Hê-bơ-rơ 11:31) Một người đàn bà Ca-na-an là Ra-háp thậm chí đã trở thành tổ mẫu của Đấng Mê-si, tức Chúa Giê-su Christ.—Ma-thi-ơ 1:5.

Luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên cho thấy Ngài không thiên vị. Trái lại, Ngài bày tỏ sự quan tâm chân thành đến hạnh phúc của mọi dân tộc. Nơi Lê-vi Ký 19:33, 34, chúng ta đọc thấy mạng lệnh đầy trắc ẩn của Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên: “Khi kẻ khách nào kiều-ngụ trong xứ các ngươi, thì chớ hà-hiếp người. Kẻ khách kiều-ngụ giữa các ngươi sẽ kể như kẻ đã sanh-đẻ giữa các ngươi; hãy thương-yêu người như mình, vì các ngươi đã làm khách kiều-ngụ trong xứ Ê-díp-tô: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi”. Những mạng lệnh tương tự được tìm thấy trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký và Phục-truyền Luật-lệ Ký. Rõ ràng Đức Giê-hô-va không chấp nhận sự thù ghét sắc tộc. Ngài đòi hỏi sự hòa hợp giữa các sắc tộc.

Chúa Giê-su khuyến khích sự bao dung trong vấn đề sắc tộc

Khi Chúa Giê-su còn sống trên đất, người Do Thái và người Sa-ma-ri có khuynh hướng khinh miệt lẫn nhau. Có lần, một làng Sa-ma-ri đã không tiếp Chúa Giê-su chỉ vì ngài là người Do Thái trên đường đi đến Giê-ru-sa-lem. Nếu là bạn, bạn phản ứng thế nào trước sự khước từ này? Môn đồ Chúa Giê-su có lẽ đã phản ánh thành kiến vào thời đó khi hỏi ngài: “Thưa Chúa, Chúa có muốn chúng tôi khiến lửa từ trên trời xuống thiêu họ chăng?” (Lu-ca 9:51-56) Chúa Giê-su có để cho thái độ đầy thành kiến của môn đồ ảnh hưởng đến ngài không? Không, trái lại, ngài quở trách họ và đi tìm chỗ trọ nơi làng khác một cách ôn hòa. Sau đó ít lâu, Chúa Giê-su nói một dụ ngôn về người Sa-ma-ri thương người. Điều này minh chứng hùng hồn rằng nguồn gốc chủng tộc tự nó không làm cho một người thành kẻ thù. Thực ra, người ấy có thể là một láng giềng rất tốt!

Các nhóm sắc tộc trong hội thánh đạo Đấng Christ

Trong khi thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su chú trọng chủ yếu đến việc đào tạo môn đồ giữa những người thuộc dân ngài. Nhưng ngài cho thấy rằng những dân khác, với thời gian, sẽ trở thành môn đồ ngài. (Ma-thi-ơ 28:19) Người thuộc mọi sắc tộc đều được chấp nhận chăng? Đúng! Sứ đồ Phi-e-rơ tuyên bố: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:34, 35) Sau này sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh ý niệm này khi nói rõ rằng gốc gác sắc tộc của một người không mảy may quan trọng trong hội thánh đạo Đấng Christ.—Cô-lô-se 3:11.

Một sự kiện khác cho thấy Đức Chúa Trời chấp nhận người từ mọi chủng tộc được tìm thấy trong sách Khải-huyền. Trong một sự hiện thấy được Đức Chúa Trời soi dẫn, sứ đồ Giăng nhìn thấy một đám đông “vô-số người... bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân-tộc, mọi tiếng mà ra” được Đức Chúa Trời ban cho sự cứu rỗi. (Khải-huyền 7:9, 10) Đám đông này sẽ là nền tảng của một xã hội loài người mới, trong đó người thuộc mọi gốc gác sẽ chung sống trong hòa bình, hợp nhất bởi lòng yêu mến của họ đối với Đức Chúa Trời.

Trong thời gian hiện tại, tín đồ Đấng Christ phải chống lại xu hướng đoán xét người khác vì gốc gác sắc tộc của họ. Đánh giá người khác theo từng cá nhân, như cách của Đức Chúa Trời, chứ không phải như người thuộc một nhóm sắc tộc, mới là điều đúng đắn và yêu thương. Chẳng phải đó là cách bạn muốn được người khác xem mình sao? Chúa Giê-su khuyên thật chí lý: “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. (Ma-thi-ơ 7:12) Đời sống không có sự thù ghét sắc tộc đem lại niềm vui thích. Nó gia thêm sự bình an tâm trí và sự hòa thuận với người khác. Nhưng quan trọng hơn, nó khiến chúng ta hòa hợp với Đấng Tạo Hóa không thiên vị, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Thật là một lý do mạnh mẽ để bác bỏ sự thù ghét sắc tộc!

[Chú thích]

^ đ. 3 Cụm từ “nhóm sắc tộc” dùng trong bài này ám chỉ những người có cùng gốc chủng tộc, dân tộc, bộ lạc hoặc văn hóa.