Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thời tiết—Có gì bất ổn không?

Thời tiết—Có gì bất ổn không?

Thời tiết—Có gì bất ổn không?

“KHI hai người Anh gặp nhau, chuyện đầu tiên họ nói đến là thời tiết”. Nhà văn nổi tiếng Samuel Johnson đã đùa dí dỏm như thế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thời tiết không chỉ là đầu câu chuyện, mà đã trở thành mối quan tâm lớn của người ta ở khắp nơi trên thế giới. Tại sao? Bởi vì thời tiết, vốn đã luôn khó dự đoán, nay dường như lại ngày càng thất thường hơn.

Chẳng hạn trong mùa hè năm 2002, Châu Âu đã chịu những trận mưa bão lớn khác thường. Chúng gây ra cảnh được miêu tả là “trận lụt tệ hại nhất ở Trung Âu trong hơn một thế kỷ qua”. Hãy xem những mẩu tin sau:

ÁO: “Các tỉnh Salzburg, Carinthia, và Tirol bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng do mưa bão lớn. Nhiều đường phố bị ngập trong bùn, với những đống bùn và gạch vữa cao lên đến 15 mét. Tại nhà ga Südbahnhof ở Vienna, giông bão và sấm sét đã gây ra tai nạn xe lửa khiến một số người bị thương”.

CỘNG HÒA CZECH: “Một phen kinh hoàng cho Prague. Nhưng ở các tỉnh, tình hình còn tệ hơn nhiều. Có tới 200.000 người đã phải sơ tán. Nhiều thành phố hoàn toàn bị ngập lụt”.

ĐỨC: “Chưa bao giờ trong lịch sử Cộng Hòa Liên Bang Đức, dân cư nhiều thành phố và làng mạc phải bị sơ tán như trong ‘trận lụt thế kỷ’ này. Hàng chục ngàn dân cư đã phải rời quê nhà của họ. Phần đông làm thế để đề phòng. Số khác được cứu khỏi lũ vào phút chót bằng thuyền hoặc trực thăng”.

NGA: “Ít nhất 58 người đã thiệt mạng ở bờ Biển Đen... Khoảng 30 xe hơi và xe buýt vẫn còn nằm dưới lòng biển vì chưa thể thực hiện việc tìm kiếm do có báo động về đợt bão mới”.

PHÁP: “Có 23 người chết, 9 người mất tích và hàng ngàn người bị ảnh hưởng nặng nề... Ba người bị sét đánh chết trong cơn bão xảy ra hôm Thứ Hai... Một lính cứu hỏa đã hy sinh sau khi cứu một cặp vợ chồng trong một chiếc xe hơi đang bị nước cuốn trôi”.

ROMANIA: “Từ giữa tháng 7 đến nay, khoảng 12 người đã thiệt mạng vì bão”.

Không chỉ ở Châu Âu

Vào tháng 8 năm 2002, tờ nhật báo Süddeutsche Zeitung của Đức tường thuật: “Những đợt mưa lớn và bão mới ở Châu Á, Châu Âu và Nam Mỹ đã gây tổn thất lớn ở nhiều nơi. Hôm Thứ Tư, ít nhất 50 người đã thiệt mạng trong một vụ lở đất ở Nepal. Một trận cuồng phong đã khiến tám người ở miền nam Trung Quốc thiệt mạng và gây ra mưa lớn ở miền trung. Các trận lụt ở Trung Quốc đã khiến mực nước Sông Mê-kông dâng lên đến mức cao nhất trong 30 năm qua, nhận chìm hơn 100 căn nhà ở đông bắc Thái Lan... Ở Argentina, ít nhất có năm người đã bị chết đuối trong các cơn mưa lớn... Hơn một ngàn người đã thiệt mạng vì các cơn bão xảy ra trong mùa hè qua ở Trung Quốc”.

Trong khi nhiều nơi trên thế giới đang bị ngập nước, thì Hoa Kỳ lại phải đương đầu với một trận hạn hán khắc nghiệt. Báo cáo cho biết: “Cả nước đều quan tâm đến tình trạng các giếng bị khô hoặc ít nước, nhiều suối có dòng chảy thấp nhất từ trước đến nay, và số lượng các vụ cháy lớn cao gấp đôi so với mức bình thường của mùa này. Trước việc mất mùa và đồng cỏ bị hủy hoại, thiếu nguồn nước uống, những vụ cháy lớn và bão cát, các chuyên gia dự đoán trận hạn hán năm 2002 sẽ khiến nền kinh tế bị tổn thất đến hàng tỉ Mỹ kim”.

Nhiều vùng ở Bắc Phi đã bị hạn hán nặng nề từ thập niên 1960. Theo báo cáo, “lượng mưa giảm từ 20 đến 49 phần trăm so với tiền bán thế kỷ 20, gây ra nạn đói và tử vong ở nhiều nơi”.

Hiện tượng thời tiết El Niño—hình thành do sự ấm lên của các dòng nước ở miền đông Thái Bình Dương—gây lũ lụt và các biến động thời tiết ở Bắc và Nam Mỹ theo định kỳ. * Đài thông tin CNN cho biết đợt El Niño năm 1983/1984 đã “khiến hơn 1.000 người chết, gây tai ương hầu như trên mọi châu lục, và làm tổn thất tổng cộng 10 tỉ Mỹ kim về mặt tài sản và gia súc”. Hiện tượng này đã lặp lại đều đặn (khoảng bốn năm một lần) kể từ khi nó được xác định lần đầu tiên vào thế kỷ 19. Nhưng một số chuyên gia tin rằng “El Niño đã gia tăng lịch hoạt động của nó” và sẽ “xảy ra thường xuyên hơn” trong tương lai.

Một bài viết của Cơ Quan Không Gian và Hàng Không Quốc Gia Hoa Kỳ (NASA) trấn an: “Phần lớn cái thời tiết ‘kỳ lạ’ mà chúng ta đang trải qua—cái mùa thu ấm áp khác thường hay mùa đông đặc biệt rét mướt đó—là do những biến đổi bình thường của thời tiết trong vùng”. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy có thể đang có vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Tổ chức các nhà hoạt động môi trường Greenpeace dự báo: “Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như những cơn lốc mạnh hơn và mưa lớn hơn sẽ tiếp tục gây tai họa nhiều nơi trên địa cầu. Các trận hạn hán và lũ lụt lớn hơn sẽ làm biến đổi thật sự bộ mặt trái đất, các vùng duyên hải sẽ không còn và các cánh rừng bị thiêu hủy”. Những lời tuyên bố đó có cơ sở không? Nếu có, nguyên nhân gây ra những “hiện tượng thời tiết nguy hiểm” này là gì?

[Chú thích]

^ đ. 14 Xem bài “El Niño là gì?” trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 22-3-2000.

[Các hình nơi trang 2, 3]

Lụt ở Đức (hình trên) và ở Cộng Hòa Czech (hình bên trái)