Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thời tiết—Tại sao bất thường?

Thời tiết—Tại sao bất thường?

Thời tiết—Tại sao bất thường?

“Những trận lụt dữ dội và những cơn bão khắc nghiệt mà chúng ta đang hứng chịu sẽ xảy ra thường xuyên hơn”.—THOMAS LOSTER, CHUYÊN VIÊN ĐÁNH GIÁ THIỆT HẠI DO THỜI TIẾT.

PHẢI chăng thời tiết thật sự bất ổn? Nhiều người sợ là thế. Nhà khí tượng học, Tiến Sĩ Peter Werner thuộc Viện Nghiên Cứu Ảnh Hưởng Khí Hậu của Potsdam, nói: “Khi quan sát thời tiết địa cầu—tính khắc nghiệt của những cơn mưa, trận lũ lụt, hạn hán, giông bão—và thấy diễn biến của nó, chúng ta có thể nói chính xác rằng những hiện tượng khắc nghiệt này đã gia tăng gấp bốn lần trong 50 năm qua”.

Nhiều người nghĩ rằng những hiện tượng thời tiết khác thường này là bằng chứng của sự ấm lên của địa cầu, còn được gọi là rối loạn hiệu ứng nhà kính. Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ giải thích: “Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng tăng nhiệt độ trên đất do một số khí trong bầu khí quyển (như hơi nước, cacbon đioxyt, oxyt ni-tơ và mê-tan) giữ nhiệt lượng từ mặt trời. Nếu không có các khí này, hơi nóng sẽ thoát trở lại ra không gian và nhiệt độ trung bình của Trái Đất sẽ giảm khoảng 33°C”.

Tuy nhiên, nhiều người lên án con người đã vô tình làm rối loạn quá trình tự nhiên này. Một bài trên báo điện tử Earth Observatory (Quan sát trái đất) của NASA viết: “Trong hàng chục năm qua, nhà máy và xe cộ của con người đã thải hàng tỉ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính vào bầu khí quyển... Nhiều nhà khoa học sợ rằng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính tăng cao đã ngăn cản các bức xạ nhiệt thừa rời khỏi Trái Đất. Trên thực tế, các khí này đang giữ lại quá nhiều hơi nóng trong bầu khí quyển Trái Đất, giống như kính chắn gió giữ nhiệt lượng mặt trời trong xe hơi vậy”.

Những người có quan điểm đối lập cho rằng chỉ một phần nhỏ khí thải gây hiệu ứng nhà kính là do con người tạo ra. Tuy nhiên, Ban Nghiên Cứu Sự Thay Đổi Khí Hậu Liên Quốc Gia (IPCC), một nhóm nghiên cứu được tài trợ bởi Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới và Chương Trình Môi Trường Liên Hiệp Quốc, báo cáo: “Có bằng chứng mới, mạnh mẽ hơn cho thấy phần lớn sự ấm lên của địa cầu được quan sát trong 50 năm qua là do các sinh hoạt của con người gây ra”.

Nhà khí hậu học Pieter Tans, thuộc Cơ Quan Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia, nói: “Nếu phải đưa ra một con số, tôi sẽ nói rằng 60 phần trăm là do lỗi chúng ta... Còn 40 phần trăm là do các nguyên nhân tự nhiên”.

Những hậu quả có thể xảy ra do sự ấm lên của địa cầu

Việc con người thải ra quá nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính đã mang đến những hậu quả rõ ràng nào? Hầu hết các nhà khoa học ngày nay đều đồng ý rằng trái đất thật sự đang nóng lên. Nhiệt độ đã tăng đến mức nào? Báo cáo năm 2001 của IPCC cho biết: “Nhiệt độ trên bề mặt địa cầu đã tăng thêm từ 0,4 đến 0,8°C kể từ cuối thế kỷ 19 đến nay”. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng mức gia tăng ít ỏi này có thể là nguyên nhân đã dẫn tới những biến đổi lớn trong thời tiết.

Đúng là thời tiết vô cùng phức tạp, và các nhà khoa học không thể khẳng định chắc chắn những ảnh hưởng, nếu có, của sự ấm lên của địa cầu. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tin rằng sự ấm lên của địa cầu đã gây ra mưa nhiều ở Bắc Bán Cầu, hạn hán ở Châu Á và Châu Phi, và hiện tượng El Niño ngày càng mạnh và thường xuyên ở Thái Bình Dương.

Cần một giải pháp toàn cầu

Nhiều người xem vấn đề này là do lỗi của con người, vậy liệu con người có thể giải quyết không? Nhiều nơi đã ban hành các đạo luật nhằm hạn chế chất thải từ các nhà máy và xe cộ. Những nỗ lực ấy tuy đáng khen nhưng chỉ mang lại kết quả nhỏ nhoi. Ô nhiễm là vấn đề toàn cầu, vì vậy cần phải có một giải pháp toàn cầu! Năm 1992, Hội Nghị Thượng Đỉnh về Trái Đất được tổ chức tại Rio de Janeiro. Mười năm sau, Hội Nghị Thượng Đỉnh Thế Giới về Sự Phát Triển Bền Vững họp tại Johannesburg, Nam Phi. Khoảng 40.000 đại biểu đã tham dự hội nghị vào năm 2002, trong đó có khoảng 100 nguyên thủ quốc gia.

Các hội nghị đó đã góp phần lớn giúp các nhà khoa học đạt được sự thống nhất. Nhật báo Der Tagesspiegel của Đức giải thích: “Trong khi đa số các nhà khoa học thời đó [1992] nghi ngờ về hiệu ứng nhà kính, thì giờ đây hầu như không ai còn nghi ngờ gì về vấn đề này”. Dù vậy, bộ trưởng môi trường của Đức, Jürgen Trittin, nhắc chúng ta nhớ rằng giải pháp thật sự cho vấn đề này vẫn chưa được tìm thấy. Ông nhấn mạnh: “Do đó, Johannesburg phải là hội nghị thượng đỉnh của hành động, chứ không phải chỉ là lời nói”.

Có thể chấm dứt việc hủy hoại môi trường không?

Sự ấm lên của địa cầu chỉ là một trong nhiều vấn đề môi trường mà nhân loại đang phải đương đầu. Việc hành động thiết thực có thể dễ nói hơn làm. Nhà tập quán sinh vật học người Anh Jane Goodall viết: “Giờ đây khi cuối cùng đã thừa nhận những thiệt hại kinh khủng mà chúng ta đã gây ra cho môi trường, chúng ta phải vận dụng hết khả năng để tìm ra các biện pháp kỹ thuật”. Nhưng bà cảnh báo: “Chỉ kỹ thuật thôi chưa đủ. Chúng ta còn phải toàn tâm”.

Hãy xem lại một lần nữa vấn đề ấm lên của địa cầu. Các biện pháp chống ô nhiễm rất tốn kém, và các nước nghèo thường không có điều kiện ứng dụng. Một số chuyên gia vì thế sợ rằng những hạn chế về việc sử dụng năng lượng sẽ khiến các ngành công nghiệp chạy sang các nước nghèo, là nơi họ có thể hoạt động sinh nhiều lợi nhuận hơn. Do đó, ngay cả những nhà lãnh đạo có thiện chí nhất cũng cảm thấy bị ở trong thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ bảo vệ quyền lợi kinh tế quốc gia, thì môi trường bị hủy hoại. Còn nếu ủng hộ việc bảo vệ môi trường, thì nền kinh tế bị đe dọa.

Vì thế, ông Severn Cullis-Suzuki, thành viên ban cố vấn Hội Nghị Thượng Đỉnh Thế Giới, cho rằng sự thay đổi phải xuất phát từ hành động của mỗi cá nhân. Ông nói: “Việc cải thiện môi trường thật sự tùy thuộc nơi mỗi cá nhân chúng ta. Chúng ta không thể đứng chờ các nhà lãnh đạo của mình. Chúng ta phải tập trung xem xét trách nhiệm của chính mình là gì và làm thế nào chúng ta có thể thực hiện sự thay đổi”.

Đòi hỏi mọi người phải tôn trọng môi trường là điều hoàn toàn hợp lý. Nhưng khiến người ta thực hiện những thay đổi cần thiết trong lối sống không phải là chuyện dễ. Để minh họa: Phần đông người ta đều đồng ý rằng xe hơi góp phần làm địa cầu ấm lên. Vì thế, một người có thể muốn giảm bớt hoặc hoàn toàn không sử dụng xe nữa. Nhưng làm vậy không phải dễ. Như ông Wolfgang Sachs thuộc Viện Nghiên Cứu Khí Hậu, Môi Trường và Năng Lượng của Wuppertal nêu lên gần đây, “tất cả những nơi có vai trò trong đời sống hàng ngày (như nơi làm việc, nhà trẻ, trường học hay trung tâm mua sắm) đều cách xa đến độ bạn không thể không dùng xe... Cá nhân tôi có muốn dùng xe hay không chẳng phải là vấn đề. Phần đông người ta không có sự lựa chọn nào khác”.

Một số nhà khoa học, như Giáo Sư Robert Dickinson thuộc Học Viện Georgia của Trường Kỹ Thuật Khoa Học Trái Đất và Khí Quyển, sợ rằng có thể đã quá trễ để cứu trái đất khỏi hậu quả của sự ấm lên của địa cầu. Ông Dickinson tin rằng dù sự ô nhiễm có chấm dứt hôm nay, thì hậu quả của việc hủy hoại bầu khí quyển trong quá khứ vẫn sẽ kéo dài ít nhất 100 năm nữa!

Vì không chính phủ hoặc cá nhân nào có thể giải quyết các vấn đề môi trường, vậy ai có khả năng? Từ xa xưa, người ta đã hướng về trời để xin mưa thuận gió hòa. Những nỗ lực đó tuy có vẻ sơ khai, nhưng nói lên một sự thật căn bản: Nhân loại cần sự giúp đỡ của Thượng Đế để giải quyết những vấn đề này.

[Câu nổi bật nơi trang 7]

“Có bằng chứng mới, mạnh mẽ hơn cho thấy phần lớn sự ấm lên của địa cầu được quan sát trong 50 năm qua là do các sinh hoạt của con người gây ra”

[Khung nơi trang 6]

“Sự ấm lên của địa cầu có nguy hiểm cho sức khỏe không?”

Một bài báo trên tờ Scientific American đã nêu lên câu hỏi đáng suy nghĩ này. Bài báo dự đoán là sự ấm lên của địa cầu “sẽ làm tăng tỉ lệ và mức độ lan tràn của nhiều chứng bệnh nghiêm trọng”. Chẳng hạn, ở một số nơi “số ca tử vong liên quan đến các đợt thời tiết nóng được ước tính là sẽ tăng lên gấp đôi đến năm 2020”.

Ít rõ rệt hơn là ảnh hưởng của tình trạng địa cầu ấm lên đối với bệnh truyền nhiễm. “Các chứng bệnh truyền qua muỗi được dự đoán sẽ ngày càng lây lan nhiều hơn” vì muỗi “sinh sôi nhanh hơn và chích nhiều hơn khi thời tiết ấm hơn... Vì mọi nơi đều ấm lên, nên muỗi sẽ có thể tràn đến những vùng trước đây từng là vùng cấm địa đối với chúng, và mang theo dịch bệnh”.

Cuối cùng là vấn nạn lũ lụt và hạn hán, cả hai đều có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Rõ ràng hiểm họa về sự ấm lên của địa cầu phải được xem xét nghiêm túc.

[Hình nơi trang 7]

Hiệu ứng nhà kính khiến hơi nóng không thể thoát ra không gian mà tích tụ trong bầu khí quyển

[Nguồn tư liệu]

NASA photo

[Các hình nơi trang 7]

Con người đã thải hàng tỉ tấn chất ô nhiễm vào không khí, làm trầm trọng thêm hiện tượng hiệu ứng nhà kính