Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Điệu múa của sếu

Điệu múa của sếu

Điệu múa của sếu

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở TÂY BAN NHA

TẠI thành phố Pusan ở Hàn Quốc, bạn có thể thấy một điệu múa truyền thống lạ thường. Những người đàn ông mặc áo choàng trắng, đội mũ cao màu đen, múa tay, xoay người, gập người xuống và thậm chí đứng một chân.

Những động tác tự nhiên và lạ thường ấy có thể được giải thích một cách đơn giản. Họ đang bắt chước những con sếu đầu đỏ đến trú đông tại Hàn Quốc từ nhiều thế kỷ qua. Điệu múa độc đáo của sếu gây ấn tượng cho dân địa phương đến nỗi họ đã nghĩ ra điệu múa bắt chước theo chúng.

Cách đó hàng ngàn cây số, ở Hokkaido, Nhật Bản, những người yêu thiên nhiên kéo đến Công Viên Quốc Gia Kushiro Shitsugen để tận mắt thấy chim sếu. Nhờ chương trình cung cấp thức ăn cho chim sếu vào mùa đông lạnh buốt mà hiện nay một bầy chim sếu đầu đỏ ở Nhật Bản lên đến vài ba trăm con. Cảnh một nhóm sếu thanh nhã, màu trắng đen, say mê múa giữa lúc tuyết rơi trông vô cùng đẹp mắt. Jennifer Ackerman, biên tập viên tờ National Geographic dùng chữ aware của tiếng Nhật để miêu tả sự say mê của mình. Bà giải thích chữ này có nghĩa là “cảm xúc trong chốc lát dấy lên bởi cái đẹp mê hồn”.

Người ta có thể thấy chim sếu ở mọi lục địa, ngoại trừ Nam Mỹ và Nam Cực. Từ lâu, loại chim này làm người ta say mê. Hình của chúng được vẽ trên các hang động ở Phi Châu, Úc và Âu Châu. Ở Viễn Đông, nơi mà người ta coi sếu tượng trưng cho trường thọ và hạnh phúc, thì sếu thường được chọn làm đề tài hội họa. Có lẽ vì sếu sống với nhau từng cặp suốt đời nên chim sếu cũng tượng trưng cho hạnh phúc hôn nhân và thường được vẽ hoặc in trên áo kimono của cô dâu. Người Hàn Quốc xếp sếu đầu đỏ vào loại “công trình thiên nhiên” cần được bảo vệ vì sếu đẹp và hiếm hoi. Người Nhật in hình sếu múa trên tờ giấy 1.000 yen. Cách đây tận 2.500 năm, người Trung Hoa đã sáng chế “điệu múa của sếu”. Sếu được yêu thích đặc biệt có lẽ chính vì điệu múa độc đáo của chúng.

Điệu múa của sếu

Tất cả 15 loại sếu đều múa và ngay cả sếu con mới nở chưa đầy hai ngày cũng chập chững tập múa. Sách Handbook of the Birds of the World giải thích: “Những loại chim khác cũng múa, nhưng không có loại nào múa hăng say đến thế, và... có điệu múa tuyệt vời như sếu”. Sếu múa khá nhiều điệu khác nhau và điệu nào cũng ngoạn mục—thân hình to lớn, điệu bộ thanh nhã, đôi cánh xòe rộng nhảy cao lên không trung. Cũng theo sách trên, điệu múa điển hình bao gồm “chuỗi động tác phức tạp và kéo dài: cúi rạp xuống, nhảy lên cao, chạy, bay đi một quãng”. Giống như người, khi vài con sếu bắt đầu múa thì cả nhóm thường nhập cuộc. Ở Phi Châu, người ta quan sát thấy có đến 60 cặp sếu đầu xám nhảy múa với nhau.

Tại sao sếu múa? Có phải là để vận động, giao tiếp, tỏ tình, báo động, hoặc chỉ biểu lộ sự khoái chí? Có thể tất cả lý do này là đúng nhưng cũng có thể không phải. Có điều chắc chắn là sếu thích múa theo từng cặp, và múa cũng là cách tỏ tình. Nhưng ngay cả sếu non cũng múa và thường múa hăng say hơn hết. Sách Handbook of the Birds of the World kết luận: “Dù động lực của chúng là gì, nhưng xem chúng múa thật là thích”.

Đường bay của sếu

Người ta thường nghe thấy tiếng sếu kêu, rất lâu trước khi thấy chúng. Tiếng kêu như tiếng kèn vang dội báo hiệu chúng sắp đến, mặc dù chúng hãy còn xa hàng nhiều cây số. Hình như tiếng kêu giúp cả bầy bay với nhau trong suốt cuộc hành trình di trú dài. Hầu hết các loại sếu đều rời vùng đất phía bắc nơi chúng sinh ra để di trú. Vào mùa thu, chúng bay rất xa, từ Canada, Scandinavia, hoặc Siberia tới vùng khí hậu ấm áp hơn ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ (bang Texas), hoặc vùng Địa Trung Hải. Những chuyến hành trình này đầy nguy hiểm và mệt nhọc. Người ta đã thấy một số sếu lai Âu Á bay ở độ cao gần 10.000 mét khi vượt qua dãy núi Himalaya trên đường bay tới Ấn Độ. Chúng bay theo đội hình chữ V và lợi dụng luồng khí ấm giúp chúng lượn càng xa càng tốt. Tuy nhiên, khi băng qua vùng có nước, chúng phải vỗ cánh để bay. *

Juan Carlos Alonso, nhà điểu học người Tây Ban Nha, đã dành gần 20 năm để theo dõi thói quen di trú của 70.000 con sếu lai Âu Á trú đông ở Tây Ban Nha. Ông giải thích: “Một số sếu được đeo vòng, một số khác đeo máy phát tín hiệu nhỏ để chúng tôi có thể theo dõi đường bay di trú của chúng. Thật hứng thú khi tôi phát hiện một chim sếu đến trú đông tại Tây Ban Nha chính là con mà tôi đã đeo vòng khi nó còn nhỏ ở miền Bắc nước Đức. Sếu di trú theo lộ trình này qua hàng thế kỷ. Một con sếu được đeo vòng ở Phần Lan nhưng được tìm thấy trú đông ở phía nam tận Ê-thi-ô-bi, trong khi một số khác từ Siberia đến trú đông ở Mexico”.

Tranh đấu để sống còn—Với sự giúp đỡ của con người

Hiện nay có 9 trong số 15 loại sếu bị đe dọa tuyệt chủng, trầm trọng nhất là loại sếu trắng ở Bắc Mỹ mà vào năm 1938 chỉ còn lại 14 con. Tuy nhiên, nhờ chương trình nuôi dưỡng cũng như bảo vệ môi trường cho sếu, loại sếu này đã dần dần gia tăng tới hơn 300 con. Ngày nay, các nhà vạn vật học nuôi sếu con trong trại và sau đó thả chúng vào những vùng hoang dã được bảo vệ. Mới đây, người ta dùng máy bay nhỏ để tập cho sếu con trắng Bắc Mỹ biết cách di trú và đã thành công. Các nhà khoa học Nga cũng đang nỗ lực để bảo vệ sếu ở Siberia khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Một trong các câu chuyện cảm động nhất đã xảy ra ở Nhật Bản. Một bầy sếu đầu đỏ ở Hokkaido không chịu di trú vì vào mùa đông chúng có thể tìm được thức ăn dọc theo những rạch nước gần suối nước nóng. Tuy nhiên, vào mùa đông giá lạnh năm 1952, ngay cả những suối này cũng đông lại, và một bầy sếu 30 con dường như sẽ bị chết hết. Nhờ các em học sinh vãi bắp trên mặt suối đóng băng, và sếu đã sống sót. Kể từ đó, sếu được cho ăn đều đặn và từ một bầy chỉ có ít con nay đã tăng lên gần 900 con, khoảng một phần ba tổng số sếu đầu đỏ trên thế giới.

Đứng trước tương lai bất ổn

Giống như các loài sinh vật khác, sếu phải chịu nạn đất khô cằn và bãi cỏ ngày càng ít. Để sống còn, sếu phải tập sống chung với con người. Chúng thường thích sống xa người vài ba cây số, nhưng tại những nơi không bị quấy rầy, chúng có thể quen thuộc với sự có mặt của con người. Ở Ấn Độ, sếu sarus, cao nhất trong các loài chim bay, đã quen với việc sinh sản nơi các ao hồ trong làng. Trên đường di trú hoặc trú đông, các loại sếu khác tập kiếm thức ăn nơi các cánh đồng.

Người ta hy vọng rằng nỗ lực của các nhà chủ trương bảo tồn thiên nhiên tại nhiều quốc gia sẽ bảo đảm cho sự sống còn của những con vật dễ thương này. Quả là một thảm họa nếu các thế hệ tương lai không bao giờ còn được thưởng thức điệu múa tuyệt đẹp của sếu hoặc nghe tiếng kêu vang như kèn của chúng khi chúng bay về hướng nam trên bầu trời mùa thu!

[Chú thích]

^ đ. 11 Hàng ngàn sếu lai Âu Á di trú qua Israel vào mùa xuân và mùa thu, và một số trú đông tại đó. Vào lúc xế chiều trong thung lũng thượng Jordan, họa hoằn lắm những người quan sát mới thấy được bầy sếu bay theo triền Núi Hermon phủ đầy tuyết. Cảnh tuyệt đẹp này thật khó quên tuy chỉ thấy trong chốc lát.

[Hình nơi trang 15]

Sếu đầu đỏ, Á Châu

[Hình nơi trang 16]

Họa tiết trên gốm sứ Hàn Quốc

[Hình nơi trang 16]

Sếu màu trắng đen với chùm lông ở tai

[Hình nơi trang 16, 17]

Sếu Âu Châu đang bay

[Hình nơi trang 17]

Sếu có mào