Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Mặt trái của vẻ quyến rũ

Mặt trái của vẻ quyến rũ

Mặt trái của vẻ quyến rũ

CHẮC CHẮN thời trang có thể giúp bạn trông đẹp hơn và cảm thấy tự tin hơn. Quần áo phù hợp có thể che bớt một số khiếm khuyết cũng như tôn thêm những nét ưu điểm của cơ thể bạn. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến cách người khác đánh giá bạn.

Nhưng thế giới thời trang có một mặt trái mà chúng ta không thể làm ngơ. Người mua có thể rơi vào vòng xoáy vô tận của việc phải liên tục sắm đồ mới. Thật thế, công nghiệp thời trang không ngừng cho ra hàng loạt kiểu mới. Điều này không phải là ngẫu nhiên, vì các nhà làm thời trang kiếm được nhiều tiền hơn khi quần áo nhanh chóng lỗi thời. Như nhà thiết kế Gabrielle Chanel từng nói, “thời trang được tạo ra là để trở nên lỗi thời”. Vì thế, những khách hàng thiếu suy xét có thể luôn cảm thấy phải mua đồ mới chỉ để theo kịp mốt.

Một nguy hiểm khác là bị áp lực tinh vi của quảng cáo. Các công ty thời trang chi hàng triệu Mỹ kim cho quảng cáo, thường với hình ảnh một lối sống vô tư, thoải mái mà những người mặc nhãn hiệu của họ cho là có được. Những hình ảnh này có tác động rất mạnh. Một giáo viên ở Tây Ban Nha nói: “Đối với thanh thiếu niên, không gì đau khổ cho bằng không có giày ‘hiệu’ ”.

Sự hấp dẫn của mốt nhất thời

Một số nhóm chọn kiểu ăn mặc riêng. Cách ăn mặc của họ có thể nói lên sự phản kháng xã hội, lối sống phóng khoáng, bạo lực hay phân biệt chủng tộc. Mặc dù một số kiểu này trông quái dị, thậm chí gây sốc nhưng thường vẫn được đa số thành viên trong nhóm tán đồng. Ngay cả một số người không tán thành lý tưởng của họ có thể cũng thích những kiểu đó. Những ai theo cách ăn mặc này có thể bị người khác hiểu lầm là họ ủng hộ và có cùng niềm tin với nhóm đó.

Các mốt nhất thời đôi khi chỉ kéo dài vài tháng, thường là do một nghệ sĩ nổi tiếng hoặc một nhà tạo mốt khởi xướng. Nhưng cũng có kiểu tồn tại lâu dài, chẳng hạn như quần jean xanh trước đây chỉ được những người trẻ phản đối xã hội vào thập niên 1950 và 1960 ưa chuộng. Tuy nhiên, ngày nay loại quần này được mọi người thuộc mọi lứa tuổi mặc vào nhiều dịp khác nhau.

Tìm kiếm thân hình lý tưởng

Những ai quá xem trọng thời trang có thể lo lắng thái quá về diện mạo của mình. Hình ảnh những cô người mẫu cao và thon thả luôn đập vào mắt chúng ta. * Thân hình lý tưởng được dùng để quảng cáo mọi thứ, từ xe hơi đến kẹo bánh. Trung Tâm Nghiên Cứu Các Vấn Đề Xã Hội của Anh Quốc ước tính rằng “số hình ảnh phụ nữ đẹp mà các thiếu nữ ngày nay xem trong một ngày nhiều hơn so với số hình thế hệ mẹ họ xem suốt thời niên thiếu”.

Những hình ảnh nhan nhản như thế có thể mang lại ảnh hưởng tai hại. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, một cuộc thăm dò đăng trên tờ Newsweek cho thấy 90 phần trăm thiếu nữ da trắng không hài lòng với thân hình của mình. Một số trong họ hầu như sẽ làm mọi cách để có ‘thân hình lý tưởng’. Nhưng theo Trung Tâm Nghiên Cứu Các Vấn Đề Xã Hội, chỉ dưới năm phần trăm phụ nữ đạt được số đo và cân nặng lý tưởng mà giới truyền thông đưa ra. Dù vậy, do thần tượng hóa kiểu thân hình mảnh dẻ này mà hàng triệu thiếu nữ đã phải theo một chế độ tập luyện, kiêng cữ khắt khe. Điều này khiến một số người mắc phải chứng biếng ăn (anorexia nervosa). * Người mẫu Tây Ban Nha Nieves Álvarez từng bị chứng bệnh này đã thừa nhận: “Tôi sợ lên cân còn hơn sợ chết”.

Đành rằng những rối loạn về ăn uống như chứng biếng ăn và chứng háu ăn có thể do những yếu tố khác gây ra. Tuy nhiên hai bác sĩ Anne Guillemot và Michel Laxenaire cho biết: “Việc tôn thờ thân hình mảnh dẻ cũng có phần trách nhiệm”.

Rõ ràng, thời trang vừa có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Nó thỏa mãn ước muốn cơ bản của con người là thích làm đẹp và mặc đồ mới. Nhưng nếu quá chạy theo thời trang, chúng ta có thể mặc những bộ đồ khiến người khác có ấn tượng sai về mình. Và nếu quá chú trọng ngoại diện, chúng ta có thể lầm tưởng rằng giá trị con người tùy thuộc vào ‘vỏ bên ngoài’ hơn là giá trị bên trong. Cô Álvarez, được đề cập ở trên, nói: “Chúng ta phải bắt đầu tập đánh giá một người dựa vào khả năng và con người bên trong, thay vì cái vỏ bên ngoài”. Nhưng sự thay đổi quan điểm như thế không thể xảy ra một sớm một chiều. Vậy làm thế nào chúng ta có được quan điểm thăng bằng về thời trang?

[Chú thích]

^ đ. 9 Tạp chí Time cho biết các người mẫu thường phải “cao ít nhất 1m74, xương nhỏ, môi mọng, gò má cao, mắt to, chân dài và thẳng, mũi không quá to”.

^ đ. 10 Theo U.S. National Association of Anorexia Nervosa and Associated Disorders (Hiệp Hội Quốc Gia Hoa Kỳ về Chứng Biếng Ăn và Các Rối Loạn Liên Quan), chỉ riêng tại Hoa Kỳ có tới tám triệu người mắc chứng biếng ăn và một số trường hợp có nguy cơ tử vong. Phần lớn trong số này (86 phần trăm) đã bắt đầu bị rối loạn về ăn uống trước tuổi 21.

[Khung/​Hình nơi trang 8, 9]

Thực sự có ai mặc như thế không?

Vào mỗi mùa xuân và mùa thu, các nhà làm thời trang ở New York, Paris và Milan cho trình diễn những bộ đồ độc quyền của các nhà thiết kế hàng đầu. Ngoài giá cả cực kỳ đắt, nhiều bộ dường như hoàn toàn không thực tế, nếu không muốn nói là không mặc được. Nhà thiết kế Tây Ban Nha Juan Duyos nói: “Những mẫu đắt tiền, kỳ quặc mà bạn thấy không thật sự được tạo ra cho công chúng. Mục đích của chương trình biểu diễn thời trang là nhằm quảng cáo cho một nhà thiết kế hoặc một thương hiệu hơn là để bán các bộ quần áo được trình diễn. Chẳng hạn, một bộ sưu tập ấn tượng được bình luận nhiều trên các phương tiện truyền thông có thể giúp bán hiệu nước hoa của nhà thiết kế”.

[Hình nơi trang 7]

Chạy theo mốt nhất thời có thể rất tốn kém

[Hình nơi trang 7]

Một số người mắc phải chứng biếng ăn

[Hình nơi trang 7]

Ăn mặc theo một số xu hướng có thể nhận diện bạn thuộc một nhóm nào đó