Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự thay đổi của thời trang

Sự thay đổi của thời trang

Sự thay đổi của thời trang

DÙ NHẬN RA hay không, việc chọn trang phục hàng ngày của chúng ta ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi thời trang. Thật ra, những gì có trên thị trường đều do thời trang quyết định.

Ngay cả những mẫu trang phục mà bây giờ chúng ta xem là bình thường thì trước đây từng là kiểu mới nhất. Chẳng hạn, áo sơ-mi và cà-vạt của nam giới đã là mốt thời thượng cách đây hơn một thế kỷ. Còn áo len nữ từng rất được ưa chuộng vào những năm 1920.

Hai yếu tố căn bản kích thích ngành công nghiệp thời trang là tâm lý thích cái mới và muốn hòa đồng. Hầu như ai cũng thích cái gì đó mới mẻ. Đó là lý do đôi khi chúng ta mua quần áo, không phải vì đồ cũ không còn mặc được mà chỉ vì muốn thay đổi. Ngoài ra, vì không muốn mình trông lập dị, chúng ta thường mua quần áo tương tự người xung quanh. Qua hàng thế kỷ ngành công nghiệp may mặc đã thỏa mãn, đôi khi còn khai thác những tâm lý này.

Sơ lược lịch sử

Để tạo mẫu, nhà thiết kế dùng năm yếu tố cơ bản: màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, hoa văn, cách vải rũ và xếp nếp. Với thời gian, các nhà thiết kế và thợ may càng có nhiều sự lựa chọn hơn cho năm yếu tố này. Chẳng hạn, ở Ai Cập thời cổ đại, loại vải lanh trong suốt của địa phương rất được ưa chuộng và thích hợp cho khí hậu ấm áp. Nhưng vì vải lanh khó nhuộm nên thường chỉ có màu trắng. Tuy nhiên, các nhà thiết kế thời trang Ai Cập xếp nếp vải để quần áo có độ rũ và kiểu dáng trang nhã. Từ đó, một trong những kiểu trang phục tồn tại lâu đời nhất ra đời.

Đến thế kỷ thứ nhất CN, có nhiều loại vải và màu sắc hơn. Giới thượng lưu La Mã nhập tơ lụa từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ dù phí vận chuyển khiến giá tơ lụa đắt như vàng. Một chất liệu được ưa chuộng khác là len nhuộm của Tyre—giá một kilôgam có thể lên tới 2.000 đơ-ni-ê, tương đương sáu năm lương của một người làm công bình thường. Với các chất liệu và màu nhuộm mới, phụ nữ giàu có ở La Mã có thể mặc những chiếc áo choàng dài, rộng bằng vải cotton xanh nhập từ Ấn Độ hoặc tơ vàng của Trung Quốc.

Mặc dù những kiểu mới được ra mắt định kỳ, nhưng một bộ đồ đắt tiền thời xưa có thể hợp thời suốt cả đời người. Thời trang ít thay đổi và thường chỉ ảnh hưởng đến giới quí tộc. Tuy nhiên, sau cuộc cách mạng công nghiệp, thời trang trở nên quen thuộc hơn với giới bình dân.

Suốt thế kỷ 19, nhiều ngành công nghiệp ra đời nhằm cung cấp quần áo cho cả người giàu lẫn người nghèo. Các nhà máy dệt len và vải mọc lên như nấm, khiến giá vải hạ xuống. Nhờ có máy may, quần áo rẻ hơn và thuốc nhuộm nhân tạo cho người ta nhiều lựa chọn hơn về màu sắc.

Những thay đổi về xã hội và kỹ thuật còn đóng vai trò lớn hơn trong việc cung cấp quần áo cho giới bình dân. Người dân ở Tây Âu và Bắc Mỹ có nhiều tiền hơn để mua sắm. Vào thập niên 1850, các tạp chí dành cho phụ nữ ra đời và chẳng bao lâu sau các trung tâm thương mại bắt đầu bán quần áo may sẵn với số đo chuẩn. Cũng trong thế kỷ 19, Charles Frederick Worth khởi xướng các chương trình biểu diễn thời trang, dùng người mẫu thật để thu hút khách hàng.

Vào thế kỷ 20, nhờ có các loại sợi tổng hợp mới như tơ nhân tạo, ny-lông và polyester, các nhà sản xuất đã cho ra nhiều loại vải hơn. Việc thiết kế bằng máy vi tính giúp dễ dàng cho ra những kiểu mới, và do toàn cầu hóa nên các xu hướng thời trang mới có thể xuất hiện hầu như cùng lúc trên các đường phố Tokyo, New York, Paris và São Paulo. Trong khi đó, các nhà thiết kế và các nhà sản xuất còn tìm thêm những cách mới để quảng cáo sản phẩm của họ.

Ngày nay, giới trẻ đã thế chỗ người giàu trong việc nhiệt tình ủng hộ thời trang. Mỗi tháng, hàng triệu người trẻ mua sắm đồ mới và mỗi năm ngành kinh doanh này sản xuất một lượng quần áo trị giá hàng trăm tỉ Mỹ kim. * Nhưng có cạm bẫy nào đằng sau đó không?

[Chú thích]

^ đ. 12 Trong một năm gần đây, trị giá hàng may mặc ước tính khoảng 335 tỉ Mỹ kim.

[Khung/​Hình nơi trang 4, 5]

Những người tạo xu hướng mới

Trong nhiều thế kỷ, vua và giới quí tộc là những người đặt ra tiêu chuẩn về cách ăn mặc. Vào thế kỷ 17, Vua Louis XIII của Pháp đội tóc giả vì đầu ông bị hói. Không lâu sau, cả giới quí tộc Châu Âu đều cạo đầu và đội tóc giả, tạo nên kiểu tóc kéo dài hơn một thế kỷ.

Đến thế kỷ 19, các tạp chí dành cho phụ nữ giới thiệu các xu hướng thời trang, thậm chí đưa ra những mẫu không đắt tiền để phụ nữ có thể tự may lấy. Vào thế kỷ 20, khi phim ảnh và truyền hình trở nên phổ biến, các ngôi sao trở thành thần tượng của thế giới đã tạo nên các xu hướng thời trang. Các nghệ sĩ nổi tiếng thường ăn mặc cầu kỳ lạ mắt, và nhiều người trẻ nhanh chóng bắt chước họ. Ngày nay, hầu như không có gì thay đổi vì các nhà quảng cáo tận dụng các chương trình biểu diễn thời trang, tạp chí đẹp mắt, bảng quảng cáo, cửa hiệu và chương trình quảng cáo trên truyền hình để kích thích nhu cầu mua sắm đồ mới.

[Hình]

Vua Louis XIII

[Nguồn tư liệu]

Từ sách The Historian’s History of the World

[Hình nơi trang 4]

Bộ đồ bằng vải lanh này của người Ai Cập cổ đại là một trong những mốt tồn tại lâu đời nhất

[Nguồn tư liệu]

Hình chụp với sự cho phép của Viện Bảo Tàng Anh Quốc

[Hình nơi trang 4]

Phụ nữ La Mã thời xưa mặc áo choàng dài

[Nguồn tư liệu]

Từ sách Historia del Traje, 1917

[Hình nơi trang 4, 5]

Áo kimono tồn tại từ khoảng năm 650 CN

[Nguồn tư liệu]

Từ báo La Ilustración Artística, Volume X, 1891

[Hình nơi trang 5]

Một bộ đồ đắt tiền thời xưa có thể hợp thời suốt đời người

[Nguồn tư liệu]

EclectiCollections

[Hình nơi trang 5]

Cuộc cách mạng công nghiệp đã khiến giới bình dân quan tâm đến thời trang

[Nguồn tư liệu]

EclectiCollections