Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi có nên mang hình xâm không?

Tôi có nên mang hình xâm không?

Giới trẻ thắc mắc...

Tôi có nên mang hình xâm không?

“Một số hình xâm rất dễ thương. Chúng có tính nghệ thuật”.—Jalene. *

“Tôi đã ước ao hai năm mới được xâm hình đầu tiên”.—Michelle.

HÌNH XÂM xuất hiện khắp nơi, hay gần như là vậy. Các ngôi sao nhạc rock, vận động viên nổi tiếng, người mẫu thời trang, và ngôi sao điện ảnh đều khoe hình xâm. Nhiều thanh thiếu niên cũng bắt chước họ, tự hào phô bày những hình xâm trên vai, bàn tay, thắt lưng và mắt cá chân. Andrew lý luận: “Mang hình xâm là sành điệu. Còn việc xâm hay không là lựa chọn cá nhân”.

Cuốn World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) viết: “Xâm là tạo hình ảnh vĩnh viễn trên cơ thể bằng cách dùng cây, xương hoặc kim nhọn có thấm mực với màu sắc tự nhiên để châm vào da”.

Mặc dù khó có được con số thống kê chính xác, nhưng một nguồn ước tính cho biết khoảng 25 phần trăm thanh thiếu niên Hoa Kỳ từ 15 đến 25 tuổi có hình xâm. Sandy nói: “Đây là thực hành rất phổ biến”. Tại sao hình xâm lại thu hút một số người trẻ đến thế?

Tại sao phổ biến đến thế?

Đối với một số người, hình xâm là một cách thể hiện tình cảm vô cùng lãng mạn. Michelle kể: “Trên mắt cá chân của anh tôi có xâm tên cô gái mà trước đây anh ấy thường hẹn hò”. Vấn đề là gì? “Bây giờ anh ấy không còn cặp bồ với cô ta nữa”. Theo tạp chí Teen, “các bác sĩ ước tính trên 30 phần trăm trường hợp tẩy hình xâm là các thiếu nữ muốn xóa tên của bạn trai cũ”.

Một số thanh thiếu niên xem xâm mình là nghệ thuật. Số khác cho đó là biểu hiện của tính độc lập. Josie tuyên bố: “Tôi làm chủ đời mình”, và cho biết xâm mình là “quyết định hệ trọng duy nhất của tôi từ trước tới nay”. Việc xâm mình cho một số người trẻ cảm giác được làm chủ ngoại diện của họ. Hình xâm đôi khi cũng là biểu hiện của sự nổi loạn hoặc lối sống lập dị, bởi thế chúng có những lời lẽ và hình vẽ tục tĩu, hoặc những câu nói khích động.

Tuy nhiên, phần lớn thanh thiếu niên có thể chỉ đơn thuần bị cuốn theo trào lưu chung. Nhưng phải chăng vì dường như mọi người đều có hình xâm thì bạn cũng nên làm thế?

Nghệ thuật xâm thời xưa

Xâm mình chắc chắn không phải là một thực hành mới mẻ. Người ta đã tìm thấy các xác ướp người Libya và Ai Cập mang hình xâm thuộc thời kỳ hàng trăm năm trước Đấng Christ. Các xác ướp có hình xâm cũng được tìm thấy ở Nam Mỹ. Nhiều hình xâm này liên quan trực tiếp đến việc thờ các thần ngoại giáo. Theo nhà nghiên cứu Steve Gilbert, “hình xâm xưa nhất được biết đến không chỉ là một hoa văn trừu tượng, mà là một hình ảnh gì đó tượng trưng cho thần Bes. Trong thần thoại Ai Cập, Bes là thần vui chơi rất trác táng”.

Điều đáng lưu ý là Luật Pháp Môi-se nghiêm cấm dân Đức Chúa Trời xâm mình. Lê-vi Ký 19:28 nói: “Chớ vì kẻ chết mà cắt thịt mình, chớ xâm vẽ trên mình: Ta là Đức Giê-hô-va”. Những người thờ thần ngoại giáo, như người Ai Cập, xâm tên hoặc biểu tượng các vị thần của họ trên ngực hoặc cánh tay. Khi vâng theo lệnh cấm của Đức Giê-hô-va về việc xâm mình, dân Y-sơ-ra-ên trở nên khác biệt với các dân khác.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:1, 2.

Dù tín đồ Đấng Christ ngày nay không ở dưới Luật Pháp Môi-se, nhưng luật cấm xâm mình đáng để chúng ta suy nghĩ. (Ê-phê-sô 2:15; Cô-lô-se 2:14, 15) Nếu là tín đồ Đấng Christ, chắc chắn bạn không muốn xâm trên người, dù chỉ trong một thời gian, những hình mang tính ngoại giáo hoặc sự thờ phượng giả.—2 Cô-rinh-tô 6:15-18.

Nguy hiểm cho sức khỏe

Bạn cũng cần xem xét vấn đề sức khỏe. Bác sĩ Robert Tomsick, phó giáo sư khoa da liễu, nói: “Điều bạn đang làm là rạch da để đưa mực vào. Dù kim châm không sâu nhưng một khi làm rách da, bạn vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn hoặc siêu vi. Tôi nghĩ [việc xâm mình] nói chung là liều lĩnh”. Ông nói thêm: “Một khi châm mực vào, nếu không bị nhiễm trùng thì bạn cũng có thể bị dị ứng, viêm da và những phản ứng của da như nổi mẩn đỏ, sưng, nổi sần và ngứa”.

Tuy xâm là để giữ vĩnh viễn, nhưng người ta vẫn cố dùng nhiều phương pháp khác nhau để xóa chúng, như tẩy bằng tia laser (đốt hình xâm), tẩy bằng phương pháp phẫu thuật (cắt bỏ hình xâm), cà da (dùng bàn chải kim loại chà lớp biểu bì và hạ bì), tẩy bằng dung dịch muối (dùng dung dịch muối thấm vào vùng da xâm) và rạch nông da (dùng dung dịch a-xít để tẩy hình xâm, thường để lại sẹo). Các phương pháp này rất tốn kém và đau đớn. Tạp chí Teen viết: “Tẩy hình xâm bằng tia laser còn đau hơn lúc xâm”.

Người khác sẽ nghĩ gì?

Bạn cũng nên nghiêm túc xét xem người khác sẽ nghĩ gì khi bạn mang hình xâm, vì nhiều người không thích điều đó. (1 Cô-rinh-tô 10:29-33) Trong lúc hứng chí ở tuổi 16, một cô gái Đài Loan tên Li đã đi xâm mình. Nay cô là một nhân viên văn phòng 21 tuổi. Li thú nhận: “Cách bạn đồng nghiệp nhìn chằm chặp vào hình xâm của tôi khiến tôi phát ngượng”. Theo nhân viên về sức khỏe tâm thần người Anh Theodore Dalrymple, đối với nhiều người hình xâm “là dấu hiệu cho biết một người... thuộc những băng nhóm bạo động, dữ tợn, chống đối xã hội và tội phạm”.

Một bài trong tạp chí American Demographics cũng nhận xét tương tự: “Rõ ràng phần đông người Mỹ xem việc vẽ hình trên người là liều lĩnh. Tám mươi lăm phần trăm [người trẻ] đồng ý với nhận định là ‘những người có hình xâm nên ý thức rằng cách thể hiện chính mình như vậy có thể gây trở ngại cho sự nghiệp và các mối quan hệ cá nhân của họ’ ”.

Cũng hãy xét xem việc xâm mình ảnh hưởng thế nào đến giá trị của một tín đồ Đấng Christ. Liệu đó có phải là cớ gây “vấp-phạm” cho người khác không? (2 Cô-rinh-tô 6:3) Đành rằng một số bạn trẻ xâm mình ở những chỗ khó thấy trên người, ngay cả cha mẹ họ cũng không biết. Nhưng hãy cẩn thận! Chỉ cần một lần đi cấp cứu hoặc tắm với các bạn ở trường là bí mật của bạn có thể bị lộ! Tốt hơn nên “ăn-ở trọn-lành [“lương thiện”, Nguyễn Thế Thuấn] trong mọi sự”, tránh sự gian dối dại dột.—Hê-bơ-rơ 13:18.

Như mọi mốt nhất thời, với thời gian hình xâm có thể không còn được ưa chuộng nữa. Thật thế, có trang phục nào—dù là quần jean, áo sơ-mi, áo đầm, hay giày dép—mà bạn thích đến độ sẽ chấp nhận mặc suốt đời không? Dĩ nhiên là không! Kiểu dáng và màu sắc luôn thay đổi. Tuy nhiên, khác với quần áo, hình xâm không dễ bỏ đi. Ngoài ra, cái mà bạn cho là “sành điệu” lúc 16 tuổi có thể không còn hấp dẫn khi bạn đến tuổi 30.

Nhiều người đã phải hối hận khi sửa vĩnh viễn ngoại diện của họ. Chị Amy kể: “Tôi đã xâm mình trước khi học biết về Đức Giê-hô-va, tôi luôn cố che giấu nó. Khi người khác trong hội thánh vô tình nhìn thấy, tôi cảm thấy rất ngượng”. Thông điệp ở đây là gì? Hãy suy nghĩ trước khi xâm. Đừng quyết định điều gì mà sau đó phải hối hận.

[Chú thích]

^ đ. 3 Một số tên đã được thay đổi.

[Hình nơi trang 26]

Hình xâm thường gắn liền với lối sống nổi loạn

[Hình nơi trang 26]

Với thời gian, nhiều người cảm thấy hối hận khi xâm mình

[Hình nơi trang 27]

Hãy suy nghĩ trước khi xâm