Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khi mèo bỏ nhà đi hoang

Khi mèo bỏ nhà đi hoang

Khi mèo bỏ nhà đi hoang

DO BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở ÚC

ĐẦU hạ thấp, mắt chằm chằm phía trước, con thú săn khẽ bước theo con mồi. Nó co chân, dừng lại. Bắp thịt run lên dưới bộ lông vàng sậm. Rồi nhanh như tên bắn, nó phóng tới, giương móng vuốt vồ lấy con mồi đang hoảng hốt và đè con mồi xuống đất.

Cuộc đấu tranh sinh tồn trên không diễn ra ở Châu Phi nhưng ở Úc. Con thú săn nhanh nhẹn đó không phải là một con sư tử dũng mãnh, mà là một loại mèo hoang. Ở Úc, theo ước tính có khoảng 12 triệu mèo hoang này sống rải rác khắp nơi, trong các khu rừng nhiệt đới miền bắc, trên các rặng núi lạnh giá ở miền nam và cả vùng sa mạc khô cháy miền trung.

Mèo hoang Úc

Mèo hoang Úc trông giống như mèo nhà vì đó vốn là tổ tiên chúng. Tương tự như mèo nhà, chúng cũng có lông màu đen, trắng, xám, nâu vàng, đôi khi có điểm thêm các đốm màu hay vằn. Tuy nhiên, mèo hoang thường có cổ và vai to hơn mèo nhà. Con đực nặng từ ba tới sáu kilôgam, còn con cái thì từ hai tới bốn kilôgam. Khác với mèo nhà sống chủ yếu dựa vào người, mèo hoang hoàn toàn tự kiếm ăn và không thích đến gần người.

Tổ tiên của loài mèo hoang này, vốn là mèo nhà, đã được những người di dân Châu Âu đầu tiên đưa đến Úc, và đến thế kỷ 19 chúng đã tràn ra khắp châu lục. Nhiều con tự bỏ đi hoang. Số khác được người ta cố ý thả ra để dẹp nạn thỏ phá hoại đồng cỏ vào thập niên 1880. Chúng thích nghi rất nhanh với môi trường mới và trở thành một trong những loài sinh sôi nhiều nhất trong số các loài vật nhập cảng vào Úc. Ngày nay, đâu đâu trên đất Úc cũng nhìn thấy chúng, kể cả trên nhiều hòn đảo nhỏ xa xôi.

Những kẻ xâm lăng cực kỳ dễ thích nghi

Mèo hoang Úc sinh sản rất nhiều. Mèo cái chưa đầy một tuổi đã có thể sinh một lứa lên tới bảy con. Sau đó, mỗi năm nó có thể sinh tới ba lứa, mỗi lứa chừng bốn đến bảy con, cứ như thế cho đến hết quãng đời bảy hoặc tám năm của nó. Giả sử mỗi năm một mèo mẹ chỉ sinh ba con cái và ba con đực, sau đó các mèo con cái lớn lên cũng sinh như thế, cứ như vậy sau bảy năm, sẽ có hàng ngàn con được sinh ra từ chỉ một mèo mẹ.

Tuy nhiên, loài mèo hoang có thể sống còn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Úc không phải chỉ nhờ sinh sản nhiều. Chúng thường đi săn mồi vào buổi chiều tối hoặc lúc sáng sớm, khi thời tiết mát mẻ hơn. Ban ngày, chúng ngủ trong các khúc cây rỗng hoặc hang thỏ để tránh cái nóng. Ngoài ra, vì không cần uống nhiều nước—mèo hoang có thể sống nhờ lượng nước trong xác con mồi—nên chúng xâm chiếm luôn cả những vùng sa mạc khắc nghiệt nhất.

Mèo hoang có thể ăn nhiều loại thức ăn. Ngoài thỏ là món khoái khẩu của chúng, “mèo hoang giết và ăn thịt hơn 100 loài chim bản xứ ở Úc, 50 loài thú có vú và loài có túi, 50 loài bò sát, cùng vô số loài ếch nhái và động vật không xương sống”, theo dữ liệu của Cơ Quan Quản Lý Công Viên Quốc Gia và Động Vật Hoang Dã bang New South Wales. Chúng cũng có sức ăn đáng sợ. Lượng thức ăn mỗi ngày của một con đực tương đương từ 5 đến 8 phần trăm trọng lượng cơ thể của nó. Trong thời kỳ nuôi con, mỗi ngày một con cái có thể ăn lượng thức ăn tương đương với 20 phần trăm trọng lượng cơ thể nó. Trên một vùng đảo hẻo lánh, chỉ trong một năm 375 con mèo hoang đã ăn tới 56.000 con thỏ và 58.000 con chim sống ở vùng biển.

Hầu hết các loài động vật bản xứ của Úc đều không thể địch nổi loài mèo hoang này. Theo tạp chí môi trường Ecos, vì thói quen săn mồi của chúng, mèo hoang bị cho là nguyên nhân khiến “người ta không mấy thành công trong chương trình đưa thú có nguy cơ tuyệt chủng trở lại vùng đất Úc khô cằn”.

Dễ thương hay dễ ghét?

Từ thời Ai Cập cổ đại, mèo đã là thú nuôi được yêu thích. Ở Úc, có tới 37 phần trăm gia đình nuôi mèo, có nhà nuôi không phải chỉ một con. Nhiều con không được thiến, đưa đến tình trạng nhiều mèo con sinh ra đôi khi bị vứt ngoài bãi đất hoang. Những mèo con này lớn lên, sinh sản, làm gia tăng số mèo hoang.

Để thú cưng không trở thành một hiểm họa môi trường, Cơ Quan Quản Lý Công Viên Quốc Gia và Động Vật Hoang Dã ở Úc cho lời khuyên: Giữ mèo bạn ở nhà, nhất là vào ban đêm. Cho chúng ăn đầy đủ. Đeo vòng cổ, thẻ hoặc cấy vi chíp (microchip) nhận diện cho mèo. Cho chúng đeo ba cái chuông để ngăn mèo hoang đến gần. Đưa chúng đi thiến. Làm hàng rào sao cho mèo nhà bạn không đi ra khỏi vườn được.

Làm theo những đề nghị này khá tốn kém và mất thời gian. Tuy nhiên, đối với những người Úc yêu mèo, điều đó có lẽ không đáng gì.

[Hình nơi trang 28]

Một trong 12 triệu mèo hoang ở Úc

[Nguồn tư liệu]

Joel Winter/Cơ Quan Quản Lý Công Viên Quốc Gia và Động Vật Hoang Dã bang NSW, Úc

[Nguồn hình ảnh nơi trang 29]

Có sự đồng ý của Ban Quản Lý Hầm Mỏ và Tài Nguyên Thiên Nhiên