Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nhận ra những chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng

Nhận ra những chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng

Nhận ra những chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng

ĐÔI KHI một người có những dấu hiệu cho thấy người đó có thể đang bị một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng. Tình trạng mất ngủ kinh niên, kéo dài hơn một tháng, thường có liên quan đến những bệnh nặng hơn như bệnh trầm cảm. Đó cũng có thể là triệu chứng của một rối loạn nghiêm trọng về thể chất.

Hội chứng ngưng thở lúc ngủ

Anh Mario thường bị buồn ngủ dữ dội vào ban ngày. Khi anh lái xe cùng gia đình, người vợ luôn phải xem chừng vì anh thường ngủ gục mà không hay biết. Ban đêm, anh ngáy to và không đều, thỉnh thoảng giật mình tỉnh giấc vì khó thở. *

Anh Mario có triệu chứng thường gặp ở những người bị hội chứng ngưng thở lúc ngủ. Cơn ngưng thở thường kéo dài từ mười giây đến hai hoặc ba phút. Người bị hội chứng này vùng vẫy cố thở và rồi ngủ trở lại. Mỗi đêm có thể bị hàng trăm lần như vậy. Có ba dạng hội chứng ngưng thở lúc ngủ.

Một dạng là do trung tâm điều khiển hô hấp của não không phát lệnh thở đều đặn. Dạng thứ hai là do đường hô hấp trên ở phía sau cổ họng bị nghẽn, cản trở không khí lưu thông. Dạng cuối là kết hợp của hai dạng trên và thường gặp nhất. Dù ở dạng nào thì tình trạng của người mắc hội chứng này cũng giống như tình trạng của người thức trắng mỗi đêm!

Hội chứng ngưng thở lúc ngủ nguy hiểm vì có thể làm cho một người thiếp đi khi đang làm việc hoặc lái xe. Chứng này còn có thể đưa đến bệnh cao huyết áp, tim to, và tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc suy tim. Bác Sĩ William Dement của Trường Đại Học Stanford ước tính mỗi năm có 38.000 người Mỹ chết vì bệnh tim mạch liên quan tới hội chứng ngưng thở lúc ngủ.

Dù thường gặp ở những người đàn ông bị béo phì trên 40 tuổi, hội chứng ngưng thở lúc ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi ngay cả trẻ em. Có vài phương cách chữa trị nhưng cách nào cũng đều đòi hỏi có sự theo dõi của bác sĩ chuyên môn về khoa ngủ. Để chữa chứng ngưng thở lúc ngủ do đường hô hấp bị nghẽn, phương pháp hiệu quả nhất mà không cần phẫu thuật là dùng máy tạo áp suất dương tính liên tục trong đường hô hấp. Nhằm ngăn tình trạng ngưng thở, ban đêm người bị chứng này đeo một cái mặt nạ ở mũi để máy tạo áp suất (do bác sĩ lắp đặt) cung cấp đúng lượng không khí cần thiết. Nếu cách này không thành công thì cần đến phương pháp phẫu thuật như dùng tia laser để hủy bỏ mô dư ở họng.

Hội chứng cơn ngủ kịch phát

Một rối loạn khác cần có bác sĩ điều trị là hội chứng cơn ngủ kịch phát—tình trạng thần kinh gây buồn ngủ dữ dội vào ban ngày. Trường hợp điển hình là anh Buck. Lúc nào anh cũng buồn ngủ. Anh có thể đột ngột thiếp đi, ngay cả trong những cuộc họp quan trọng. Do vậy, trên tay anh luôn có chùm chìa khóa để rủi có ngủ thì tiếng chìa khóa rớt sẽ làm anh tỉnh. Sau đó anh bị chứng mất trương lực cơ—tình trạng gây yếu đầu gối và khiến anh quị xuống mỗi khi quá xúc động. Thời gian sau, anh mắc chứng tê liệt nhất thời trong lúc ngủ và thỉnh thoảng có ảo giác trước khi ngủ.

Những cơn ngủ kịch phát thường xuất hiện trong độ tuổi từ 10 đến 30. Những người bị rối loạn này đôi khi có những hành vi mà người ngoài nhìn vào không biết họ đang làm một cách máy móc và không ý thức thời gian. Vấn đề ở những người có rối loạn này là thường phải mất nhiều năm mới chẩn đoán được, do đó, họ hay bị cho là lười biếng, kém thông minh hoặc không bình thường. Hiện nay chưa có cách nào chữa hẳn rối loạn này, nhưng thuốc men và việc điều chỉnh lối sống có thể giúp giảm các triệu chứng với mức độ thành công khác nhau. *

Một số rối loạn khác

Hai rối loạn khác đôi khi cùng xuất hiện có ảnh hưởng trực tiếp đến các chi và gây mất ngủ kinh niên. Một là chứng động chi định kỳ làm chân, đôi khi cả tay, co giật lúc ngủ. Hãy xem trường hợp của anh Michael. Các cuộc nghiên cứu cho thấy mỗi đêm các cơn động chân làm anh thức giấc khoảng 350 lần!

Hai là chứng rung chân, * do cảm giác khó chịu ở cơ chân và cơ đầu gối khiến chân động đậy liên tục làm cho khó ngủ. Chứng này đôi khi là do thiếu vận động hoặc máu lưu thông kém, cũng có lúc do dùng thức ăn hoặc đồ uống có chất cafein. Các thức uống có chất cồn càng làm cho chứng này thêm nặng.

Tật nghiến răng là một rối loạn khác về giấc ngủ. Nếu xảy ra thường xuyên, tật này có thể gây mau mòn răng và nhức mỏi hàm khiến mất ngủ trầm trọng. Tùy mức độ nặng nhẹ, có thể chữa trị bằng phẫu thuật nha khoa hoặc mang đồ bảo vệ răng khi đi ngủ.

Chỉ xem qua vài chứng rối loạn giấc ngủ cũng đủ cho thấy sự nguy hiểm của việc xem thường chúng. Dù đơn giản hoặc phức tạp, việc chữa trị thường là cần thiết. Nếu bạn hoặc một người thân bị mất ngủ kinh niên, hoặc có những dấu hiệu của bất cứ chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng nào, điều khôn ngoan là nên nhanh chóng gặp bác sĩ chuyên môn để được điều trị. Dù cho không chữa hết hoàn toàn, việc điều trị có thể giúp giảm đáng kể những rủi ro có liên quan và phiền toái cho mọi người. Trong tương lai, khi lời hứa của Kinh Thánh “dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau” được ứng nghiệm thì tất cả mọi bệnh tật sẽ hoàn toàn bị loại bỏ vì Đức Chúa Trời sẽ làm “mới lại hết thảy muôn vật”.—Ê-sai 33:24; Khải-huyền 21:3-5.

[Chú thích]

^ đ. 4 Không nên lầm lẫn hiện tượng ngáy to và không đều của người bị hội chứng ngưng thở lúc ngủ với hiện tượng ngáy nhỏ, đều đều của nhiều người. Hiện tượng thứ hai chỉ làm khổ người cùng phòng vì khó ngủ.

^ đ. 11 Muốn biết thêm về cơn ngủ kịch phát, xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-4-1991, trang 19-21.

^ đ. 14 Xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 22-11-2000 để biết thêm về chứng này.

[Hình nơi trang 10]

Việc chữa trị những rối loạn về giấc ngủ nên được bác sĩ theo dõi

[Hình nơi trang 10]

Ngáy có thể là dấu hiệu của hội chứng ngưng thở lúc ngủ

[Hình nơi trang 11]

Người mắc hội chứng cơn ngủ kịch phát thường bị hiểu lầm là lười biếng

[Hình nơi trang 12]

Máy tạo áp suất không khí có thể giúp giảm hội chứng ngưng thở lúc ngủ