Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao tôi tin Kinh Thánh—Tự truyện của một khoa học gia về nguyên tử

Tại sao tôi tin Kinh Thánh—Tự truyện của một khoa học gia về nguyên tử

Tại sao tôi tin Kinh Thánh—Tự truyện của một khoa học gia về nguyên tử

DO ALTON WILLIAMS KỂ LẠI

VÀO năm 1978, hai biến cố quan trọng xảy ra trong đời tôi. Tháng 9, tôi nhận được bằng vật lý nguyên tử và tháng 12, tôi được bổ nhiệm làm người truyền giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Khi biết tôi vừa là khoa học gia vừa là Nhân Chứng, nhiều người thường thắc mắc làm sao tôi có thể dung hòa sự hiểu biết về khoa học với niềm tin nơi Kinh Thánh. Tôi phải công nhận là trong nhiều năm, tôi cũng thắc mắc không biết kiến thức về khoa học có đi đôi với niềm tin nơi Kinh Thánh không. Tuy nhiên, với thời gian tôi nhận ra rõ rằng Kinh Thánh hòa hợp với các dữ kiện khoa học. Tại sao tôi đi đến kết luận này? Trước hết, tôi xin kể lại tôi đã trở thành một khoa học gia như thế nào.

Dự án 19 năm

Tôi sinh năm 1953 tại Jackson, bang Mississippi, Hoa Kỳ, là con thứ ba trong một gia đình nghèo gồm 11 người con. Chúng tôi thường phải dọn nhà hết nơi này đến nơi khác vì cha mẹ không trả nổi tiền thuê nhà. Phần lớn thực phẩm chúng tôi dùng là nhờ chương trình trợ giúp về thực phẩm của chính phủ. Còn quần áo cũ chúng tôi mặc là do những người mà mẹ tôi giúp dọn dẹp nhà cửa tặng.

Cha mẹ thường nhắc nhở chúng tôi rằng con đường duy nhất để thoát khỏi cảnh nghèo là học cao. Bởi vậy, ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã nuôi ý chí lấy được bằng đại học. Tôi bắt đầu đi học khi lên sáu, và học liên tục 19 năm sau đó. Tôi thích khoa học và toán nên vừa khi vào đại học, tôi bắt đầu theo đuổi chương trình học để trở thành một khoa học gia.

Trong khi học ở đại học, tôi gặp một phụ nữ trẻ tên là Del. Một giáo sư về khoa học giới thiệu cô ấy cho tôi để tôi giúp cô về môn khoa học mà cô đang học. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau chúng tôi không chỉ nói chuyện về khoa học, nhưng chúng tôi yêu nhau. Chúng tôi kết hôn vào ngày 10 -1-1974—chỉ trong thời gian chuyển lớp có hai tiếng! Bốn năm sau đó, vào năm 1978, tôi nhận được bằng tiến sĩ.

Tôi đã đạt được điều mà tôi nghĩ là chìa khóa của sự thành công. Tôi là một khoa học gia, và hơn thế nữa, một nhà vật lý nguyên tử học. Với văn bằng vừa đạt được về vật lý nguyên tử lý thuyết, tôi có thể bắt đầu gặt hái kết quả từ công lao những năm tháng học hỏi. Tôi háo hức tạo cho mình một danh tiếng trong lãnh vực khoa học. Ngoài ra, nay tôi có thể lựa chọn một công việc có nhiều quyền lợi mà các công ty tư nhân cũng như cơ quan nhà nước dành cho tôi.

Tuy nhiên, vài tháng sau đó, vào ngày 30-12-1978, tôi đã quyết định một điều mà chẳng bao lâu đã chứng tỏ ảnh hưởng đến đời sống tôi hơn là mảnh bằng mà tôi mới đạt được. Vào ngày đó, tôi biểu trưng sự dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua phép báp têm trong nước và trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi đã đi đến quyết định này như thế nào?

Một cuốn sách thu hút tôi

Khoảng cuối năm 1977, trong khi tôi theo học tại Đại Học Massachusetts ở Amherst, hai Nhân Chứng gõ cửa nhà tôi. Tôi đi vắng, nhưng vợ tôi ở nhà với hai con, bé trai ba tuổi và bé gái mới sinh. Del mời hai chị Nhân Chứng vào. Sau một cuộc nói chuyện thú vị, vợ tôi bằng lòng để hai Nhân Chứng trở lại mỗi tuần một lần giúp học Kinh Thánh.

Khi vợ tôi cho biết sự việc này, tôi lập tức phản đối. Nàng muốn theo tôn giáo nào cũng được, ngoại trừ Nhân Chứng Giê-hô-va! Thật ra, tôi không biết nhiều về Nhân Chứng, nhưng có định kiến họ là một nhóm kỳ khôi, dùng Kinh Thánh để lừa dối người khác. Vì thế, trong nỗ lực đưa vợ ra khỏi điều mà tôi cho là sự kiềm chế của Nhân Chứng, tôi nghĩ phải dùng kiến thức khoa học để đánh đổ sự dạy dỗ của họ.

Vào một tuần nọ, trong khi đang nghiên cứu tại đại học, tôi lấy vài giờ để về nhà xem buổi học Kinh Thánh của vợ tôi ra sao. Rất tiếc là tôi về đến nhà trễ hơn dự định, và chị điều khiển buổi học Kinh Thánh đã chuẩn bị ra về. Chị đưa cho tôi cuốn Loài người hiện hữu do sự tiến hóa hay được sáng tạo?, * và nói với vợ tôi rằng buổi học lần tới sẽ xem xét lời tiên tri của Kinh Thánh cho thấy năm 1914 là năm quan trọng. Tôi chỉ chờ có thế! Tôi cho chị biết là buổi học tuần tới, tôi sẽ ở nhà. Tôi muốn dùng sự chính xác của toán học để kiểm tra những lý lẽ các chị sẽ đưa ra về năm 1914.

Ngay trong đêm đó, tôi bắt đầu đọc sách mà chị Nhân Chứng cho. Thú thật, nội dung cuốn sách gây ấn tượng cho tôi. Sách trình bày tuần tự hợp lý và đưa ra nhiều tài liệu khoa học tham khảo về đề tài tiến hóa. Tôi ngạc nhiên khi biết Kinh Thánh chứa đựng nhiều thông tin chính xác về sự sáng tạo hơn là tôi nghĩ trước đây. Tôi đọc xong trong vài ngày. Phải công nhận là những điều Kinh Thánh nói về sự sáng tạo không hề mâu thuẫn với những dữ kiện khoa học đã được kiểm chứng về sự sống trên trái đất.

Quyết tâm tìm ra mâu thuẫn

Tuy nhiên, tôi vẫn hồ nghi về những dạy dỗ của Nhân Chứng, và tôi chờ dịp được dùng toán học để kiểm tra lời tiên tri của Kinh Thánh về năm 1914. Tôi nghĩ cách thức này hẳn sẽ làm cho Nhân Chứng sợ, và hy vọng nhờ vậy vợ tôi sẽ nhìn ra sự sai lầm trong niềm tin mà Nhân Chứng dạy.

Tuần sau chị Nhân Chứng trở lại cùng với một anh trưởng lão của hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương. Anh trưởng lão hướng dẫn cuộc học hỏi Kinh Thánh. Anh trình bày các lời tiên tri nơi chương 4 và 9 sách Đa-ni-ên về sự xuất hiện của Chúa Giê-su với tư cách là Vua và Đấng Mê-si. Tôi chỉ chăm chăm tìm mâu thuẫn trong lời trình bày nhưng không tìm được gì, mà trái lại, một lần nữa tôi cảm kích trước sự hợp lý của những thông tin trong Kinh Thánh.

Cho đến lúc đó, tôi còn nghĩ đức tin nơi Đức Chúa Trời dựa vào cảm xúc nhiều hơn là lý luận. Tôi đã lầm làm sao! Tôi cám ơn các Nhân Chứng về cuộc thảo luận có nhiều thông tin hữu ích và nói tôi thích tiếp tục tham dự buổi học hỏi hàng tuần. Bởi vậy kể từ đó, tôi vừa nghiên cứu về khoa học tại trường đại học vừa cùng với vợ học Kinh Thánh với Nhân Chứng. Vợ chồng tôi cũng bắt đầu đi dự các buổi họp của Nhân Chứng tại Phòng Nước Trời.

Chỉ trong vài tháng, tôi học được nhiều lẽ thật của Kinh Thánh và chẳng mấy chốc, tôi hội đủ điều kiện để tham gia công việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia với Nhân Chứng. Tôi làm công việc này mặc dù đang trong giai đoạn cuối lấy bằng tiến sĩ vốn chiếm nhiều thời giờ của tôi. Tôi hoàn tất luận án vào mùa hè năm 1978 và dời đến tiểu bang Alabama, nơi tôi bắt đầu dạy môn vật lý tại Đại Học Alabama A. & M., ở Huntsville. Chúng tôi tiếp xúc ngay với Nhân Chứng trong khu vực chúng tôi vừa dọn đến, và vợ chồng một anh trưởng lão giúp chúng tôi tiếp tục học Kinh Thánh. Vài tháng sau, cả hai chúng tôi làm báp têm cùng một ngày.

Tích cực cả về khoa học lẫn truyền giáo

Đối với tôi, vừa là khoa học gia vừa là Nhân Chứng Giê-hô-va không có gì xung khắc. Vào năm 1983, tôi bắt đầu làm việc với tư cách nhà vật lý học thiên thể cho Trung Tâm Phóng Phi Thuyền George C. Marshall của NASA (Cơ Quan Hàng Không và Vũ Trụ Hoa Kỳ), cũng ở Huntsville. * Tôi làm việc cả trong lãnh vực thí nghiệm và lý thuyết liên quan đến viễn vọng kính tia X quang. (Vào năm 1999, viễn vọng kính đó, tức Đài Thiên Văn X quang Chandra, đã được phi thuyền Columbia đưa vào quỹ đạo). Tôi thích làm việc trong dự án đó, vì có cơ hội phân tích tia X quang phát ra từ các ngôi sao và thiên hà khác nhau để hiểu về vũ trụ vật chất rõ hơn.

Tất nhiên, tôi rất thích thú công việc này, không những vì được nghiên cứu các vấn đề hóc búa về khoa học nhưng còn được hiểu biết sâu sắc hơn quyền năng và sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa. Thật vậy, lời của Đức Giê-hô-va qua nhà tiên tri Ê-sai xưa mang ý nghĩa đặc biệt đối với tôi. Đấng Tạo Hóa phán: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này? Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức-mạnh Ngài lớn lắm, và quyền-năng Ngài rất cao”. (Ê-sai 40:26) Càng “ngước mắt lên” nhìn ngắm sự bao la, phức tạp và vẻ đẹp của vũ trụ, tôi càng khâm phục công trình của Đấng Thiết Kế thông minh đã dựng nên vũ trụ cùng lập ra định luật điều hành nó.

Trong thời gian đó, tôi bận rộn với công việc phổ biến những thông tin mới trên các tạp chí khoa học, dựa vào công trình nghiên cứu của tôi về vật lý học thiên thể tia X quang. Tuy nhiên, tôi cũng tích cực trong hội thánh của tín đồ Đấng Christ. Tôi làm trưởng lão và rao giảng mỗi tháng khoảng 20 giờ. Trong khi đó, vợ tôi làm công việc hướng dẫn Kinh Thánh trọn thời gian.

Sau khoảng bốn năm làm việc tại NASA, tôi cảm thấy bị thôi thúc muốn dành nhiều thời giờ hơn để giúp người khác học hỏi những lẽ thật tuyệt vời của Kinh Thánh. Nhưng làm sao tôi có thể thực hiện được? Sau khi thảo luận ước muốn này với vợ tôi và cầu nguyện Đức Giê-hô-va, tôi biết mình phải đi đến một số quyết định quan trọng.

Những quyết định quan trọng

Tôi đến gặp cấp trên trực tiếp tại NASA và nói với ông rằng tôi muốn giảm số ngày làm việc hàng tuần, từ năm xuống bốn ngày. Tất nhiên, tôi chấp nhận lương ít hơn. Tôi giải thích cho ông là tôi muốn dùng ba ngày kia trong tuần cho thánh chức. Ông đồng ý, mặc dù chưa bao giờ có sự sắp đặt như thế cho các khoa học gia ở NASA. Tuy nhiên, ông bảo tôi cần nói chuyện với cấp trên của ông. Tôi làm theo và vui mừng lẫn ngạc nhiên là ông này cũng chấp nhận yêu cầu của tôi. Vì thế vào tháng 9 năm 1987, tôi bắt đầu làm người truyền giáo trọn thời gian, dành khoảng 90 giờ mỗi tháng cho việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia và các khía cạnh khác của thánh chức.

Sau đó, một trưởng khoa của Đại Học Alabama A. & M. ở Huntsville gọi điện thoại cho tôi. Ông mời tôi dạy tại khoa vật lý. Tôi cho ông biết tôi chỉ chấp nhận nếu công việc này cho phép tôi có nhiều thời giờ để làm thánh chức. Tuy nhiên, tôi bảo đảm với ông là các hoạt động thánh chức của tôi sẽ không ảnh hưởng đến phẩm chất của công việc dạy học. Ông đồng ý. Hiện nay tôi vẫn còn dạy tại đại học đó, đồng thời là người truyền giáo trọn thời gian. Tôi lại còn có thời giờ học tiếng Tây Ban Nha. Hiện vợ tôi và tôi đang phục vụ tại hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va nói tiếng Tây Ban Nha ở Huntsville.

Khoa học và đức tin

Trong những năm nghiên cứu khoa học, tôi chưa bao giờ gặp phải mâu thuẫn nào giữa một sự kiện khoa học đã được xác minh với sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Những điều có vẻ mâu thuẫn nếu có thường là do chưa hiểu biết thấu đáo hoặc về khoa học hoặc về những gì Kinh Thánh nói. Chẳng hạn, một số khoa học gia và những người khác lầm tưởng là Kinh Thánh nói cây cối, thú vật và con người, tất cả được dựng nên trong vòng sáu ngày mà mỗi ngày dài 24 giờ theo nghĩa đen. Điều này mâu thuẫn với các dữ kiện khoa học đã được xác minh. Nhưng Kinh Thánh không dạy như thế. Đúng hơn, Kinh Thánh tiết lộ các “ngày” sáng tạo kéo dài nhiều ngàn năm. *

Sự lẫn lộn cũng phát xuất từ ý tưởng sai lầm cho rằng đức tin nơi Đức Chúa Trời chỉ dựa trên cảm xúc. Ngược lại, đức tin nơi Đức Chúa Trời và Kinh Thánh hoàn toàn dựa trên những sự kiện có thể kiểm chứng được. Như Kinh Thánh định nghĩa: “Đức-tin là sự biết chắc vững-vàng của những điều mình đương trông-mong, là bằng-cớ của những điều mình chẳng xem thấy”. (Hê-bơ-rơ 11:1) Đúng vậy, đức tin dựa trên bằng chứng. Trong quá khứ cũng như trong thời chúng ta, hàng trăm lời tiên tri đã ứng nghiệm. Do đó, ngay cả khi áp dụng phương pháp khoa học mà tất cả các khoa học gia dùng để lập ra một lý thuyết khoa học, chúng ta vẫn có thể hoàn toàn tin chắc vào sự ứng nghiệm của các lời tiên tri trong Kinh Thánh về các biến cố tương lai.

Một lời tiên tri như thế là lời hứa chúng ta sẽ được hưởng cảnh địa đàng trên đất trong tương lai gần đây. Hậu quả tai hại của tuổi già, bệnh tật, chết chóc, chiến tranh và bất công sẽ không còn nữa. (Khải-huyền 21:3, 4) Rồi chúng ta sẽ có thời giờ để khám phá và nghiên cứu tỉ mỉ về những công trình sáng tạo tuyệt vời của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và nhiều định luật mà Ngài đã lập để chi phối vũ trụ vật chất đáng kinh sợ này.

Tôi biết ơn Đức Giê-hô-va đã giúp tôi tìm được chìa khóa của hạnh phúc thật, tức những lẽ thật tuyệt vời trong Lời Ngài là Kinh Thánh. Tôi cầu mong nhiều người khác nữa, kể cả các khoa học gia, cũng tìm được chìa khóa quý báu này.

[Chú thích]

^ đ. 14 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, nhưng nay không còn tái bản nữa.

^ đ. 22 NASA là một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ, hoạt động biệt lập với các cơ quan công quyền khác.

^ đ. 30 Xem chương 6, “Một lịch sử xa xưa về sự sáng tạo—Bạn có thể tin cậy không?”, trong sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 21]

Tôi từng nghĩ đức tin nơi Đức Chúa Trời dựa vào cảm xúc nhiều hơn là lý luận

[Câu nổi bật nơi trang 23]

Tôi chưa bao giờ gặp phải mâu thuẫn nào giữa một sự kiện khoa học đã được xác minh với sự dạy dỗ của Kinh Thánh

[Hình nơi trang 22]

Tôi dạy học bán thời gian để nuôi gia đình

[Các hình nơi trang 24]

Đài Thiên Văn X quang Chandra của NASA trong quỹ đạo và ảnh chụp bằng X quang một ngôi sao đôi trong hố đen

[Nguồn tư liệu]

NASA Photo

NASA/CfA/J. McClintock et al.

[Hình nơi trang 24]

Vợ chồng tôi vui thích với thánh chức trọn thời gian