Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Quan điểm của Kinh Thánh

Ngoại giao có đem hòa bình cho thế giới không?

Ngoại giao có đem hòa bình cho thế giới không?

BẠN muốn chiến tranh chấm dứt không? Có lẽ những xung đột trong nước và quốc tế có thể giải quyết được bằng con đường ngoại giao. Nhiều người cho rằng nếu những nhà lãnh đạo thế giới chỉ cần hợp tác với nhau, thì chắc có thể dẹp được chiến tranh. Tuy nhiên, rất có thể bạn đã thất vọng vì kết quả của đường lối ngoại giao. Trải qua hàng bao thế kỷ, những nhà ngoại giao đã thông qua các hiệp ước, ra các nghị quyết và tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh, nhưng rất ít vấn đề được giải quyết ổn thỏa lâu dài.

Kinh Thánh cho những thông tin rất rõ về ngoại giao và hòa bình, cũng như giải đáp những câu hỏi như: Những yếu tố nào khiến đường lối ngoại giao ngày nay không kiến tạo được hòa bình? Tín đồ Đấng Christ có nên tham gia vào lãnh vực ngoại giao không? Làm sao có được hòa bình thật?

Tại sao không đạt được hòa bình?

Một vài lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy việc đôi bên gặp riêng có thể giúp dàn xếp ổn thỏa vấn đề. Chẳng hạn, bà A-bi-ga-in đã khéo léo thuyết phục Đa-vít và đạo quân của ông không báo thù nhà bà. (1 Sa-mu-ên 25:18-35) Trong một minh họa, Chúa Giê-su nói về một vị vua không còn cách nào khác đành phải sai sứ giả đi cầu hòa. (Lu-ca 14:31, 32) Quả thật, Kinh Thánh đã cho biết một số hình thức ngoại giao có thể dàn xếp mối bất hòa. Vậy, tại sao những cuộc hòa đàm thường không thành công cho lắm?

Kinh Thánh đã báo trước rõ ràng là thời chúng ta sẽ có nhiều bất ổn. Do ảnh hưởng tai hại của Sa-tan Ma-quỉ, con người trở nên “khó hòa-thuận... dữ-tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu-ngạo”. (2 Ti-mô-thê 3:3, 4; Khải-huyền 12:12) Ngoài ra, Chúa Giê-su cũng tiên tri rằng điềm của sự kết liễu hệ thống mọi sự này là có ‘giặc và tiếng đồn về giặc’. (Mác 13:7, 8) Ai có thể phủ nhận tình trạng này ngày càng phổ biến? Do đó, có gì lạ không khi những cố gắng để đạt hòa bình giữa các nước thường không mang lại kết quả?

Một yếu tố khác nữa là: Dù những nhà ngoại giao đã rất cố gắng để tránh những xung đột, nhưng mục tiêu chính của mỗi bên đều nhằm vào quyền lợi của quốc gia mình. Đó là điểm cốt lõi của các cuộc ngoại giao. Vậy, tín đồ Đấng Christ có nên tham gia vào lãnh vực đó không?

Dù động lực của họ là gì đi nữa, những nhà ngoại giao thế giới đều không có khả năng và quyền lực để đưa ra những giải pháp lâu dài

Tín đồ Đấng Christ và ngoại giao

Kinh Thánh khuyên: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ”. (Thi-thiên 146:3) Câu này ngụ ý muốn nói dù động lực của họ là gì đi nữa, những nhà ngoại giao thế giới đều không có khả năng và quyền lực để đưa ra những giải pháp lâu dài.

Khi đứng trước quan tổng trấn Bôn-xơ Phi-lát, Chúa Giê-su khẳng định: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế-gian nầy, thì tôi-tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ-giới”. (Giăng 18:36) Những dự án hòa bình thường bị ảnh hưởng bởi mối thù dân tộc và quyền lợi chính trị. Vì thế, tín đồ Đấng Christ tránh dính líu đến những tranh chấp của thế gian này và tránh tham gia vào các nỗ lực ngoại giao của họ.

Nói như vậy có phải là tín đồ Đấng Christ lãnh đạm và thờ ơ trước những vấn đề của thế giới không? Phải chăng họ vô tình trước những đau khổ của con người? Không phải vậy. Ngược lại, Kinh Thánh mô tả những người thờ Đức Chúa Trời thật thì “than-thở khóc-lóc” về mọi điều xấu xảy ra xung quanh họ. (Ê-xê-chi-ên 9:4) Tín đồ Đấng Christ chỉ tin cậy Đức Chúa Trời là Đấng đem lại hòa bình như Ngài đã hứa. Theo bạn nghĩ, có phải hòa bình là chấm dứt chiến tranh không? Chắc chắn Nước Đức Chúa Trời sẽ thực hiện điều đó. (Thi-thiên 46:8, 9) Nhưng còn hơn thế nữa, Nước Ngài bảo đảm sẽ đem lại an ninh tuyệt đối và phúc lợi cho toàn thể dân cư trên đất. (Mi-chê 4:3, 4; Khải-huyền 21:3, 4) Đường lối ngoại giao và những cố gắng của các tổ chức “duy trì hòa bình” đến từ loài người không thể mang lại nền hòa bình tuyệt diệu như thế.

Qua lời tiên tri của Kinh Thánh và lịch sử nhân loại, chúng ta thấy rõ rằng tin cậy nơi đường lối ngoại giao của con người nhằm đem lại hòa bình chỉ dẫn đến thất vọng. Những ai đặt hy vọng nơi Chúa Giê-su Christ và ủng hộ Nước Đức Chúa Trời sẽ thấy điều mơ ước hòa bình của mình thành hiện thực. Hơn nữa, họ sẽ hưởng hòa bình đó mãi mãi!—Thi-thiên 37:11, 29.