Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nơi làm việc hay chiến trường?

Nơi làm việc hay chiến trường?

Nơi làm việc hay chiến trường?

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở ĐỨC

“Tôi không thể chịu đựng nổi nữa. Tôi đã làm việc ở đây hơn 30 năm, đã leo lên được đến chức trưởng phòng. Nhưng rồi một sếp mới chuyển đến. Anh ta trẻ trung, năng động, đầy sáng kiến. Anh ta cảm thấy tôi làm cản trở bước tiến của công ty nên bắt đầu kiếm chuyện với tôi. Sau nhiều tháng bị xúc phạm, vu khống và châm chích, thần kinh tôi hoàn toàn bị suy sụp. Thế là khi công ty đề nghị tôi về hưu sớm với một số tiền trợ cấp, tôi đã đồng ý”.—Peter tâm sự. *

PETER là một nạn nhân bị quấy nhiễu tại công sở. Theo thống kê ở Đức, nơi Peter sinh sống, có khoảng 1,2 triệu người bị quấy nhiễu tại nơi làm việc. Ở Hà Lan, cứ 4 người thì có 1 người từng gặp phải vấn đề này trong cuộc đời đi làm của họ. Và một báo cáo của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế cho biết nạn quấy nhiễu tại nơi làm việc đang ngày một gia tăng ở Anh, Áo, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Thụy Điển và Úc. Nhưng thế nào là quấy nhiễu?

Một “cuộc chiến tâm lý”

Theo tạp chí Focus của Đức, quấy nhiễu là “hành hạ thường xuyên, nhiều lần và có hệ thống”. Khác với các trò đùa thông thường ở nơi làm việc như châm chọc, phê phán hay giỡn phá, quấy nhiễu là một chiến dịch khủng bố tâm lý. Mục tiêu là khiến nạn nhân bị cô lập. *

Chiêu thức quấy nhiễu có thể bao gồm từ các trò trẻ con cho đến hành động vi phạm hình sự. Nạn nhân bị vu khống, xúc phạm, đối xử lạnh nhạt và thô bạo. Một số người bị buộc phải làm quá nhiều việc hoặc thường xuyên bị giao cho những việc mà không ai chịu làm. Đồng nghiệp có thể gây trở ngại, làm giảm hiệu suất làm việc của họ, bằng cách giấu thông tin chẳng hạn. Cũng có trường hợp, những kẻ quấy nhiễu còn chọc thủng bánh xe hay xâm nhập vào máy vi tính của họ.

Đôi khi nạn nhân chỉ bị một người quấy nhiễu, nhưng thông thường hơn là bị cả một nhóm liên kết tấn công.

Có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất là các sếp nhiều khi lại đồng tình với sự quấy nhiễu. Một số cuộc khảo sát ở Châu Âu cho thấy khoảng 50 phần trăm vụ quấy nhiễu có sự tham gia của trưởng phòng, và nhiều khi chỉ một mình họ là người quấy nhiễu. Tất cả những điều này khiến việc đi làm chẳng khác gì “một cuộc chiến tâm lý đầy căng thẳng và dai dẳng” như cách gọi của nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức.

Hậu quả không dừng lại ở nơi làm việc

Thường hậu quả của sự quấy nhiễu không chỉ dừng lại ở nơi làm việc. Nhiều nạn nhân gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe do bị đối xử tàn nhẫn. Trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và hay hốt hoảng cũng là một trong những hệ quả. Ông Peter được nói đến ở đầu bài thì sao? Ông hoàn toàn mất tự tin. Một phụ nữ tên Margaret cũng sống ở Đức được bác sĩ khuyên nên đến khám ở bệnh viện tâm thần. Nguyên nhân là gì? Bị quấy nhiễu tại nơi làm việc. Vấn nạn này cũng có thể ảnh hưởng tai hại đến đời sống hôn nhân hay gia đình của một người.

Ở Đức, vấn nạn này đã trở nên phổ biến đến độ một công ty bảo hiểm đã thiết lập đường dây tư vấn riêng cho các nạn nhân. Công ty này nhận thấy rằng trong số những người gọi đến, hơn phân nửa phải xin nghỉ phép có khi tới sáu tuần, khoảng một phần ba xin nghỉ tới ba tháng, và hơn 10 phần trăm phải nghỉ hơn ba tháng. Theo một tạp chí y tế của Đức, “có đến 20 phần trăm vụ tự sát là do bị quấy nhiễu tại nơi làm việc”.

Rõ ràng nạn quấy nhiễu có thể khiến việc đi làm trở thành ác mộng. Có cách nào để ngăn chặn điều này xảy ra không? Làm thế nào để giữ hòa khí tại nơi làm việc?

[Chú thích]

^ đ. 3 Tên trong loạt bài này đã được thay đổi.

^ đ. 6 Thống kê cho thấy số phụ nữ bị quấy nhiễu tại nơi làm việc nhiều hơn nam giới, tuy nhiên đó có thể là do phụ nữ hay nói ra vấn đề để tìm sự giúp đỡ.

[Các hình nơi trang 4]

Nạn quấy nhiễu biến công việc thành một cuộc chiến tâm lý