Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khi người thân bị rối loạn tâm thần

Khi người thân bị rối loạn tâm thần

Khi người thân bị rối loạn tâm thần

ĐÓ LÀ một buổi sáng bình thường như mọi ngày trong gia đình Johnson. * Cả nhà thức dậy và sửa soạn cho một ngày mới bắt đầu. Chị Gail nhắc đứa con trai 14 tuổi tên Matt là nó đã bị trễ xe buýt đưa đón học sinh. Những gì diễn ra tiếp sau đó thật bất ngờ. Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, Matt đã xịt sơn đầy phòng ngủ, tìm cách đốt nhà xe và treo cổ tự tử trên gác xép.

Vợ chồng anh chị Frank và Gail vừa lái xe chạy theo chiếc xe cứu thương chở Matt, vừa cố hiểu xem chuyện gì đã xảy ra. Nhưng đáng buồn thay, đó chỉ mới là khởi đầu. Tiếp theo đó là một chuỗi dài những lần lên cơn loạn thần kinh, đẩy Matt vào thế giới u ám của bệnh tâm thần. Trong năm năm bệnh tật, em đã nhiều lần tìm cách tự tử, hai lần bị bắt, bị đưa vô bảy bệnh viện tâm thần khác nhau, và không biết bao nhiêu lần phải đi gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần. Bạn bè và người thân thường bối rối không biết phải nói gì hoặc làm gì.

Trên thế giới, ước tính cứ 4 người thì có 1 người mắc phải bệnh tâm thần vào một thời điểm nào đó trong đời. Với tỷ lệ cao như thế, rất có thể bạn có một người thân—hoặc cha mẹ, con cái, anh chị em hoặc bạn bè—bị rối loạn não bộ dưới một hình thức nào đó. * Bạn có thể làm gì nếu có người thân bị bệnh này?

Nhận ra các triệu chứng. Bệnh rối loạn tâm thần đôi khi không phát hiện được ngay. Bạn bè và người thân có thể lầm tưởng những triệu chứng của người bệnh là do sự thay đổi nội tiết tố, cơ thể đau ốm, sự khiếm khuyết trong nhân cách hoặc do những hoàn cảnh khó khăn nào đó. Mẹ của Matt đã nhận thấy những biểu hiện bất thường của em từ trước, nhưng cha mẹ em đều nghĩ tính khí thất thường của em là do tuổi dậy thì và sẽ chóng qua. Tuy nhiên, những thay đổi lớn trong thói quen ăn, ngủ hay cách cư xử có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Bác sĩ chuyên khoa có thể cho biết cách điều trị hữu hiệu và giúp người thân của bạn có đời sống dễ chịu hơn.

Tìm hiểu về bệnh. Những người bị rối loạn tâm thần thường không có khả năng tự tìm hiểu về bệnh trạng của họ. Vì vậy, thu thập những thông tin cập nhật và đáng tin cậy về căn bệnh sẽ giúp bạn hiểu những gì người thân đang phải trải qua, đồng thời giải thích với người khác cách dễ dàng và chính xác hơn. Chẳng hạn chị Gail đã đưa cho ông bà của Matt những tờ bướm y tế, nhờ vậy họ cảm thấy hiểu hơn về căn bệnh và có thể hỗ trợ nhiều hơn.

Tìm cách điều trị. Mặc dù một số rối loạn tâm thần thường kéo dài nhưng với phương pháp điều trị thích hợp, nhiều người bệnh có thể sống ổn định và có ích. Đáng tiếc là nhiều người phải chịu đựng bệnh hết năm này qua năm khác mà không đi khám bệnh. Giống như bệnh tim nặng phải được bác sĩ tim chữa trị, cũng vậy bệnh tâm thần cần được điều trị bởi những người có kiến thức chuyên môn. Thí dụ, bác sĩ tâm thần có thể cho những đơn thuốc, nếu uống đều đặn, có tác dụng kiềm chế cảm xúc, làm dịu lo lắng và điều chỉnh lối suy nghĩ lệch lạc của người bệnh. *

Khuyến khích người bệnh tìm sự giúp đỡ. Những người bị rối loạn tâm thần có thể không ý thức rằng họ cần được giúp đỡ. Bạn có thể giới thiệu họ đến gặp một bác sĩ, đọc một số tài liệu hữu ích, hoặc nói chuyện với một người đã từng mắc cùng chứng bệnh nhưng đã điều trị được. Có thể họ sẽ không chấp nhận lời khuyên của bạn, nhưng nếu họ có nguy cơ làm hại bản thân hoặc người khác thì bằng mọi cách bạn phải hành động.

Tránh đổ lỗi. Cho đến nay khoa học vẫn chưa hiểu hết được sự tương tác phức tạp giữa các nhân tố di truyền, môi trường và xã hội gây rối loạn chức năng não. Bệnh tâm thần có thể là do nhiều nhân tố phối hợp gây ra, gồm chấn thương não, việc lạm dụng thuốc hoặc chất gây nghiện, những nguyên nhân gây căng thẳng trong môi trường sống, sự mất cân bằng về mặt sinh hóa, và yếu tố di truyền. Không có ích gì khi trách móc những người mà bạn nghĩ là có phần trách nhiệm gây ra bệnh. Hẳn bạn muốn dành sức để động viên và giúp đỡ nhau nhiều hơn.

Có đòi hỏi thực tế. Nếu đòi hỏi quá sức bệnh nhân, bạn sẽ khiến họ nản lòng. Trái lại, nếu bạn quá chú ý đến những hạn chế của họ, họ sẽ cảm thấy mình vô dụng. Do đó, hãy có những đòi hỏi thực tế. Tất nhiên không nên dung túng những hành động sai quấy. Giống như mọi người, người bị rối loạn tâm thần cũng có thể rút ra bài học từ hậu quả của những việc họ làm. Nếu bệnh nhân có hành vi hung bạo, có thể cần nhờ pháp luật can thiệp hoặc hạn chế tự do của họ để bảo vệ họ và người khác.

Luôn gần gũi. Việc trò chuyện rất cần thiết dù đôi khi người bệnh hiểu lầm ý bạn. Họ có thể có những phản ứng bất ngờ và những cảm xúc không hợp hoàn cảnh. Tuy nhiên, chỉ trích sẽ khiến người bệnh đã chán nản, còn cảm thấy có lỗi. Khi việc nói chuyện không có tác dụng, hãy im lặng ngồi nghe. Ghi nhận cảm xúc và suy nghĩ của họ, đừng phê phán. Cố gắng giữ bình tĩnh. Chỉ cần luôn bày tỏ sự quan tâm là đã có lợi cho bạn và người bệnh. Điều này đã có tác dụng với Matt. Vài năm sau, em đã bày tỏ lòng biết ơn với những người đã “giúp em ngay cả khi em không muốn được giúp đỡ”.

Quan tâm đến nhu cầu của những người khác trong gia đình. Khi gia đình phải chăm sóc một người bệnh, những thành viên khác có thể không được quan tâm đầy đủ. Có thời gian Amy, chị của Matt, cảm thấy mình “sống dưới bóng căn bệnh của em trai”. Em không muốn làm cho mình trở nên nổi bật để cha mẹ khỏi chú ý đến mình. Trái lại, cha mẹ dường như muốn em càng phải giỏi hơn để bù đắp những gì Matt không làm được. Một số trẻ em khác khi không được quan tâm đầy đủ lại làm quấy để gây sự chú ý. Các gia đình đang gặp khó khăn như thế cần được giúp đỡ để đáp ứng nhu cầu khác nhau của từng thành viên trong nhà. Chẳng hạn khi gia đình Johnson phải dồn hết sức lo cho Matt, những người bạn của họ trong hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va đã bù đắp sự quan tâm cho Amy.

Tập thói quen tốt cho sức khỏe tâm thần. Nên có một chương trình toàn diện để cải thiện sức khỏe tâm thần, gồm cả chế độ ăn, ngủ, thể dục và sinh hoạt tập thể. Thường người bệnh sẽ đỡ cảm thấy ngại ngùng hơn khi sinh hoạt với một nhóm nhỏ bạn bè. Cũng hãy nhớ rằng rượu có thể làm phản tác dụng của thuốc và khiến các triệu chứng trở nên nặng hơn. Hiện gia đình anh chị Johnson đang cố gắng duy trì một nếp sống lành mạnh cho sức khỏe tâm thần, có ích cho mọi người trong nhà và nhất là cho con trai họ.

Chăm sóc bản thân. Chăm sóc người bị rối loạn tâm thần có thể gây căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần bạn. Vì thế, bạn rất cần chú ý đến nhu cầu thể chất, tình cảm và tâm linh của bản thân. Gia đình anh chị Johnson theo đạo Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị Gail cảm thấy đức tin là nguồn tiếp sức lớn giúp chị đương đầu với bi kịch gia đình. Chị cho biết: “Các buổi nhóm họp ở hội thánh là lúc tôi được giải tỏa bớt căng thẳng. Mọi lo toan ưu phiền trước mắt đều được tạm gác sang một bên để nhường chỗ cho những điều quan trọng hơn và niềm hy vọng tươi sáng Kinh Thánh nói đến. Không biết bao nhiêu lần tôi chỉ còn biết nài xin Đức Chúa Trời cứu giúp, và lần nào cũng có điều gì đó xảy ra làm xoa dịu nỗi đau của tôi. Nhờ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tôi tìm được sự bình an mà tưởng chừng không thể nào có được trong hoàn cảnh của mình”.

Giờ đây Matt đã là một thanh niên có cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Em nói: “Sau những gì đã trải qua, em cảm thấy mình tốt hơn”. Amy, chị của Matt, cũng được nhiều lợi ích từ kinh nghiệm của gia đình. Em cho biết: “Tôi không còn hay chỉ trích người khác như trước nữa. Chúng ta không thể biết người khác phải âm thầm chịu đựng khó khăn gì, chỉ có Giê-hô-va Đức Chúa Trời mới biết”.

Nếu có người thân bị rối loạn tâm thần, hãy luôn nhớ rằng thái độ sẵn sàng lắng nghe, giúp đỡ và cởi mở có thể giúp người đó tiếp tục sống và thậm chí vươn lên.

[Chú thích]

^ đ. 2 Tên đã được thay đổi.

^ đ. 4 Một số người dùng từ “rối loạn não bộ” nhằm nói tránh và cũng nói lên được nguyên nhân về mặt sinh học của bệnh.

^ đ. 7 Nên cân nhắc hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc. Tạp chí Tỉnh Thức! không khuyến khích một phương pháp điều trị nào. Tín đồ Đấng Christ nên xem xét để biết chắc phương pháp họ chọn không vi phạm nguyên tắc Kinh Thánh.

[Khung nơi trang 13]

Một số dấu hiệu báo động

Nếu người thân của bạn có bất cứ triệu chứng nào trong số những điều được nêu dưới đây, có lẽ người đó cần đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia về sức khỏe tâm thần:

• Buồn hoặc cáu kỉnh kéo dài

• Sống khép kín

• Cảm xúc thay đổi thất thường từ thái cực này sang thái cực khác

• Giận dữ thái quá

• Có hành vi hung bạo

• Lạm dụng thuốc hoặc chất gây nghiện

• Lo lắng và sợ hãi thái quá

• Lo lắng bất thường về việc tăng cân

• Thói quen ăn, ngủ thay đổi đáng kể

• Thường xuyên bị ác mộng

• Suy nghĩ lộn xộn nhiều chuyện

• Bị hoang tưởng hoặc ảo giác

• Nghĩ đến tự sát hoặc cái chết

• Không giải quyết được các vấn đề và công việc hàng ngày

• Chối bỏ những vấn đề hiển nhiên

• Thường đau ốm không rõ lý do

[Hình nơi trang 14]

Khi việc nói chuyện không có tác dụng, hãy im lặng ngồi nghe