Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khi ngoại hình trở thành nỗi ám ảnh

Khi ngoại hình trở thành nỗi ám ảnh

Khi ngoại hình trở thành nỗi ám ảnh

KHI nhìn vào gương, hầu hết chúng ta đều cảm thấy một vài chỗ nào đó trên cơ thể cần được hoàn thiện. Do vậy, chúng ta chải lại tóc, chỉnh lại quần áo hoặc giặm thêm một chút mỹ phẩm rồi mới bắt đầu những việc thường ngày. Quan tâm đến ngoại hình như vậy là điều bình thường và không có gì sai. Nhưng một số người lại quan tâm quá mức đến ngoại hình của mình, dẫn đến tình trạng được nhiều bác sĩ gọi là “chứng ảo giác về ngoại hình” (trong tiếng Anh là “body dysmorphic disorder”, hay BDD).

Cuốn The Merck Manual of Diagnosis and Therapy (Cẩm nang Merck về chẩn đoán và phương pháp trị liệu) định nghĩa tình trạng này là “nỗi lo âu quá mức về khiếm khuyết của cơ thể, gây khủng hoảng tinh thần hoặc ảnh hưởng đến mối quan hệ trong xã hội, nghề nghiệp hay những lĩnh vực quan trọng khác”. * Vì những người mắc chứng bệnh này có khuynh hướng tưởng tượng hoặc phóng đại một khuyết điểm nhỏ nào đó của cơ thể, họ thường không hài lòng về ngoại hình của mình.

Giáo Sư J. Kevin Thompson thuộc Trường Đại Học South Florida ở Hoa Kỳ cho biết số người mắc chứng BDD không nhiều, “có lẽ chỉ chiếm từ 1-2% dân số, và từ 10 -15% số bệnh nhân tâm thần ngoại trú”. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Một số nhà nghiên cứu cho rằng, vì phương pháp chẩn đoán và phát hiện bệnh tốt hơn, cũng như ảnh hưởng của xã hội khiến người ta ngày càng bị ám ảnh bởi ngoại hình nên số người mắc bệnh này có khuynh hướng gia tăng”. Dù có thể ảnh hưởng đến người thuộc mọi lứa tuổi, nhưng chứng này thường bắt đầu ở lứa tuổi thiếu niên. Ở người lớn, dường như cả nam lẫn nữ đều bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh này như nhau, khác hẳn với chứng rối loạn về ăn uống, thường chiếm tỉ lệ cao ở nữ.

Sự lo lắng thái quá về ngoại hình, một nét điển hình nơi người bị chứng BDD, thường dẫn tới “tật hay soi gương”, và thậm chí trong một số trường hợp, tự cô lập khỏi xã hội. Còn tệ hơn nữa, “sự khủng hoảng tâm thần và rối loạn chức năng của cơ thể đi chung với triệu chứng này có thể đưa đến việc nhập viện nhiều lần và nguy cơ tự tử”, cẩm nang Merck cho biết. Chẳng lạ gì khi một số người mắc bệnh này tìm đến giải phẫu thẩm mỹ. “Thường tôi không khuyến khích điều đó”, theo lời Tiến Sĩ Katharine Phillips, người đã viết quyển sách về chứng BDD. Bà giải thích: “Một khi đã giải phẫu rồi thì không thể trở lại như trước, và dù thế nào đi nữa, phần lớn những người mắc chứng BDD đều cảm thấy không hài lòng sau khi giải phẫu”. *

Đôi khi chứng BDD xuất hiện ở độ tuổi rất trẻ. Tập san George Street Journal * báo cáo về một cậu bé sáu tuổi “cho rằng răng cậu bị vàng, bụng to, và tóc không được vừa ý. Ngoài cậu, không ai khác thấy những ‘khiếm khuyết’ đó. Mỗi sáng, cậu dành gần một tiếng đồng hồ để chải đầu, và nếu chưa ‘vừa ý’ thì cậu lại nhúng đầu vào nước rồi chải lại, đó thường là nguyên nhân khiến cậu trễ học”. Một ngày nọ, khi đến bác sĩ để khám bệnh, thậm chí cậu còn cúi xuống để soi mặt mình trên chiếc ghế có mạ crom.

Đừng để môi trường xung quanh chi phối bạn

Những tạp chí đẹp mắt, sách báo và quảng cáo trên truyền hình đầy dẫy hình ảnh những thân hình lý tưởng. Chiến lược của nhà quảng cáo rất đơn giản: Đưa ra một tiêu chuẩn về ngoại hình, rồi người ta sẽ cố gắng chạy theo tiêu chuẩn đó bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Cộng thêm một chút áp lực của người xung quanh, có lẽ từ những lời nhận xét vô tình của gia đình hoặc bạn bè, thì việc một số người mất quan điểm thăng bằng về ngoại hình không có gì đáng ngạc nhiên. * Dĩ nhiên, một quan điểm thiếu thăng bằng khác hẳn với nỗi ám ảnh do bị rối loạn tâm thần.

Vừa sai vừa không thực tế nếu nghĩ rằng không ai để ý đến mình vì không có ngoại hình đẹp. Thường người ta không dựa vào ngoại hình để chọn ai đó làm bạn. Đành rằng, ngoại hình có thể thu hút cái nhìn ban đầu, nhưng nhân cách, tiêu chuẩn và giá trị đạo đức mới là sợi dây thật để thắt chặt tình bạn. Trong một khía cạnh nào đó, mỗi chúng ta giống như một quyển sách, dù có bìa đẹp mắt, nhưng nếu nội dung tẻ nhạt thì sẽ khiến độc giả mau chán. Tuy nhiên, dù bìa đẹp hay không, nếu một quyển sách có nội dung hấp dẫn thì sẽ thu hút người đọc. Vậy, chú trọng đến các đức tính của mình không tốt hơn sao? Chính Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời khuyến khích bạn làm điều đó.—Châm-ngôn 11:22; Cô-lô-se 3:8; 1 Phi-e-rơ 3:3, 4.

Hãy thực tế, ngoại diện của chúng ta thay đổi theo tuổi tác. Nếu đời sống, tình bạn và hạnh phúc lệ thuộc vào ngoại hình trẻ đẹp, thì tương lai của tất cả chúng ta sẽ buồn biết bao! Nhưng, chúng ta sẽ có một tương lai khác. Làm sao có được?

Vẻ đẹp không phai

Châm-ngôn 16:31 nói: “Tóc bạc là mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình”. Trước mắt Đức Giê-hô-va, cũng như những người có cùng quan điểm với Ngài, bất cứ ai lâu năm phụng sự Đức Chúa Trời đều không mất đi vẻ đẹp của mình. Thật vậy, do quá trình phụng sự sốt sắng và tận tụy, họ có được mão triều thiên vinh hiển khi về già hoặc bạc đầu. Những người như thế xứng đáng được chúng ta hết lòng yêu thương và tôn trọng.—Lê-vi Ký 19:32.

Hơn thế nữa, trong thế giới mới sắp đến mà Đức Giê-hô-va hứa, Ngài sẽ khắc phục hậu quả tội lỗi di truyền mà những tôi tớ trung thành của Ngài—người lớn tuổi lẫn người trẻ—đã phải gánh chịu. Mỗi ngày trôi qua, họ sẽ cảm nhận và thấy cơ thể mình ngày càng hoàn thiện hơn cho tới khi đạt đến sự hoàn toàn. (Gióp 33:25; Khải-huyền 21:3, 4) Thật là một triển vọng đầy vui mừng! Bạn có muốn ở trong số những người này không? Nếu muốn, hãy cố gắng chú trọng đến vẻ đẹp có giá trị thật, đừng để những suy nghĩ nông cạn—và thường vô tâm—của những người xung quanh chi phối bạn. Làm thế, bạn sẽ hạnh phúc hơn và nhiều người thích đến gần bạn hơn.—Châm-ngôn 31:30.

[Chú thích]

^ đ. 3 Tập san The Medical Journal of Australia nói: “Nỗi lo âu quá mức về ngoại hình là một triệu chứng thông thường của một số chứng rối loạn tâm thần”. Những chứng này bao gồm bệnh trầm cảm, hành động máy móc không cưỡng được do ám ảnh, và rối loạn về ăn uống như chứng chán ăn do thần kinh. Vì thế, chứng BDD rất khó chẩn đoán.

^ đ. 5 Xin xem bài “Giới trẻ thắc mắc... Tôi có nên giải phẫu thẩm mỹ không?” trong Tỉnh Thức! tháng 1-3 năm 2003. Dĩ nhiên, một người bị rối loạn tâm thần trầm trọng có lẽ cần sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

^ đ. 6 Một ấn phẩm của Trường Đại Học Brown, Rhode Island, Hoa Kỳ.

^ đ. 8 Muốn biết thêm chi tiết, xin xem chương “Diện mạo quan trọng thế nào?” trong sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.