Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào để trở thành một người cha tốt?

Làm thế nào để trở thành một người cha tốt?

Làm thế nào để trở thành một người cha tốt?

MỘT bài trên tạp chí Economist bàn về sự suy sụp của đời sống gia đình, bắt đầu với lời tuyên bố gây chú ý sau: “Sinh con thì dễ, làm người cha tốt thì khó”.

Trong cuộc sống, có nhiều điều khó thực hiện, một trong những điều khó nhất—cũng quan trọng nhất—đó là làm người cha tốt. Mỗi người cha nên muốn mình là người cha tốt vì phúc lợi và hạnh phúc của gia đình ông tùy thuộc vào điều này.

Tại sao không dễ?

Nói một cách giản dị, làm người cha tốt không phải dễ, lý do chính yếu là vì cả cha mẹ lẫn con cái đều bất toàn. Kinh Thánh nói: “Tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ”. (Sáng-thế Ký 8:21) Bởi thế, một người viết Kinh Thánh công nhận: “Mẹ tôi đã hoài-thai tôi trong tội-lỗi”. (Thi-thiên 51:5; Rô-ma 5:12) Khuynh hướng làm điều xấu do tội di truyền chỉ là một trong những trở ngại khiến cho việc làm người cha tốt trở nên khó khăn.

Thế gian này, tức hệ thống mọi sự, cũng là một trở ngại to lớn. Tại sao vậy? Bởi vì, như Kinh Thánh giải thích, “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”, kẻ vốn được nhận diện là “Sa-tan”. Kinh Thánh cũng gọi Sa-tan là “chúa đời nầy”. Chẳng lạ gì khi Chúa Giê-su nói các môn đồ ngài cũng như ngài không “thuộc về thế-gian”!—1 Giăng 5:19; Khải-huyền 12:9; 2 Cô-rinh-tô 4:4; Giăng 17:16.

Để làm người cha tốt thì điều quan trọng là phải luôn ý thức về sự bất toàn di truyền, về Sa-tan Ma-quỉ và về thế gian dưới quyền kiểm soát của hắn. Những trở ngại này không phải là tưởng tượng, mà là sự thật! Nhưng một người có thể học hỏi từ đâu để biết cách khắc phục những trở ngại đó và để trở thành người cha tốt?

Gương mẫu của Đức Chúa Trời

Để được giúp đỡ vượt qua những trở ngại nói trên, một người cha có thể đến với Kinh Thánh vốn chứa đựng những gương mẫu tuyệt vời. Chúa Giê-su cho biết gương mẫu tuyệt vời nhất khi dạy môn đồ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời”. * Kinh Thánh mô tả một cách đơn giản Cha trên trời của chúng ta: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Người cha phải đáp ứng thế nào trước gương yêu thương này? Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời... hãy bước đi trong sự yêu-thương”.—Ma-thi-ơ 6:9, 10; 1 Giăng 4:8; Ê-phê-sô 5:1, 2.

Bạn hãy suy xét, chỉ qua một thí dụ sau, mình có thể học được gì từ cách cư xử của Đức Chúa Trời với Chúa Giê-su, Con Ngài. Ma-thi-ơ 3:17 cho biết vào lúc Chúa Giê-su làm báp têm trong nước, có tiếng của Đức Chúa Trời phán từ trời: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng”. Chúng ta có thể học được gì qua điều này?

Trước nhất, hãy nghĩ đến tác động trên đứa con khi cha nó hãnh diện nói với một người nào đó: ‘Đây là con trai tôi’ hoặc ‘Đây là con gái tôi’. Trẻ em sẽ phát triển tốt hơn khi được cha mẹ chú ý, đặc biệt khi được khen. Một đứa trẻ hẳn sẽ được thúc đẩy cố gắng hơn để chứng tỏ xứng đáng với lời khen.

Thứ hai, Đức Chúa Trời bày tỏ cảm xúc với Chúa Giê-su khi gọi ngài là “Con yêu-dấu”. Lời yêu mến nồng nàn đó của Cha chắc chắn đã làm Chúa Giê-su ấm lòng. Con cái bạn cũng được khích lệ nếu bạn biểu lộ qua lời nói—cũng như thời giờ, sự chú ý và quan tâm—rằng bạn yêu chúng.

Thứ ba, Đức Chúa Trời nói với Con Ngài: [Con] đẹp lòng ta mọi đường”. (Mác 1:11). Đây cũng là điều người cha cần làm, nghĩa là nói với con rằng ông hài lòng về chúng. Đành rằng con cái hay phạm lỗi cũng như chúng ta vậy, nhưng là cha, bạn có tìm dịp để bày tỏ sự vui mừng về những điều tốt con cái nói hay làm không?

Chúa Giê-su chăm chú học từ Cha ngài. Khi còn trên đất, qua lời nói và gương mẫu, Chúa Giê-su cho thấy Cha ngài cảm thấy thế nào về con cái trên đất của Ngài. (Giăng 14:9) Ngay cả khi bận rộn và bị áp lực, Chúa Giê-su cũng dành ra thời giờ ngồi xuống và nói chuyện với trẻ em. Ngài bảo môn đồ: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó”. (Mác 10:14) Là người cha, bạn có thể nào noi gương Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài cách trọn vẹn hơn không?

Cần nêu gương tốt

Việc nêu gương tốt cho con cái rất quan trọng. Những nỗ lực của bạn để “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng [con cái]” khó lòng có hiệu quả nếu chính bạn không vâng phục sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời và sống theo Lời Ngài dạy. (Ê-phê-sô 6:4) Thế nhưng, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, dù có trở ngại nào đi nữa, bạn cũng có thể vượt qua được để hoàn thành việc chăm sóc con cái theo mệnh lệnh của Ngài.

Hãy xem trường hợp của ông Viktor Gutschmidt, một Nhân Chứng Giê-hô-va ở cựu Liên Bang Xô Viết. Vào tháng 10 năm 1957, ông bị kết án mười năm tù vì nói về đức tin của mình. Ông phải xa vợ là Polina và hai con gái nhỏ. Trong tù ông được phép viết thư cho gia đình nhưng không được đề cập đến Đức Chúa Trời hay bất cứ điều gì về tôn giáo. Dù đối diện với khó khăn này, Viktor cương quyết làm người cha tốt, và ông biết rằng việc dạy dỗ con cái về Đức Chúa Trời là vô cùng quan trọng. Vậy ông đã làm gì?

Viktor kể lại: “Tôi kiếm được cảm hứng trong tạp chí tiếng Nga Young Naturalist (Nhà tự nhiên học trẻ) và Nature (Thiên nhiên). Trên bưu thiếp tôi vẽ hình người, thú vật và kèm theo một câu chuyện hoặc một kinh nghiệm về thiên nhiên”.

Polina nói: “Ngay khi nhận được các bưu thiếp này, chúng tôi liền liên kết chúng với các đề tài Kinh Thánh. Chẳng hạn, trên bưu thiếp có vẽ cảnh đẹp của thiên nhiên, rừng, hay sông, tôi đọc Ê-sai chương 65”—chương nói về lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ biến trái đất thành địa đàng.

Yulia, cô con gái kể lại: “Rồi mẹ cầu nguyện và chúng tôi đều khóc. Những bưu thiếp này đã đóng vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ chúng tôi”. Polina nói nhờ vậy mà “các con gái chúng tôi rất yêu thương Đức Chúa Trời từ khi còn nhỏ”. Tình trạng gia đình họ bây giờ ra sao?

Viktor giải thích: “Cả hai con gái tôi nay mỗi người đều có chồng là trưởng lão, và gia đình chúng đều mạnh mẽ về thiêng liêng, con cái thì sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va”.

Việc nêu gương tốt thường đòi hỏi không những khéo léo mà còn phải nỗ lực nhiều nữa. Trẻ em rất có thể dễ cảm động khi thấy cha chúng hết sức cố gắng. Một người con đã nhiều năm phụng sự trọn thời gian nói về cha anh với lòng biết ơn: “Đôi khi cha đi làm về, rất mệt mỏi, không sao giữ được sự tỉnh táo, dù vậy cha vẫn điều khiển buổi học Kinh Thánh gia đình, và điều này đã giúp chúng tôi ý thức tầm quan trọng của buổi học này”.

Rõ ràng, việc làm gương—trong cả lời nói lẫn việc làm—rất quan trọng để làm một người cha tốt. Bạn cần làm như thế nếu muốn nghiệm thấy sự xác thực của câu châm ngôn sau đây: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo; dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”.—Châm-ngôn 22:6.

Bởi vậy, hãy nhớ rằng, điều quan trọng không phải chỉ lời nói, nhưng chính là việc làm—tức gương tốt của bạn. Một chuyên viên người Canada về giáo dục tuổi thơ viết: “Cách tốt nhất để làm cho con cái cư xử [như chúng ta mong muốn] là chính chúng ta phải thể hiện lối cư xử đó”. Thật vậy, nếu muốn con cái coi trọng những điều thiêng liêng thì chính bạn cũng cần làm như vậy.

Hãy dành thời gian cho chúng!

Con cái phải nhìn thấy gương tốt của bạn. Đó có nghĩa là bạn cần dành thời giờ cho chúng—nhiều chứ không phải chút chút một. Hãy khôn ngoan áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh là “lợi-dụng thì giờ”, nghĩa là bỏ bớt những điều kém quan trọng để có thời giờ cho con cái. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Thật ra, có gì quan trọng hơn con mình? Phải chăng xem truyền hình, chơi thể thao, tậu một căn nhà sang trọng hay theo đuổi sự nghiệp?

Nếu không dành ra thời giờ để chăm sóc con khi chúng còn nhỏ, sớm muộn gì người cha sẽ lãnh hậu quả sau này. Những người cha nào có con phạm tội vô luân hoặc rơi vào lối sống chối bỏ giá trị tâm linh thường cảm thấy hối hận sâu đậm. Họ tự trách là đã không gần con hơn khi chúng còn nhỏ là lúc chúng thật sự cần người cha.

Hãy nhớ rằng, ngay từ lúc con cái còn nhỏ, bạn đã phải nghĩ đến hậu quả bởi quyết định của bạn. Kinh Thánh gọi con cái bạn là “cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra”, tức tài sản Đức Chúa Trời giao phó cho bạn. (Thi-thiên 127:3) Vậy đừng bao giờ quên rằng bạn có trách nhiệm về chúng trước mặt Đức Chúa Trời!

Bạn có thể tìm được sự giúp đỡ

Một người cha tốt sẵn lòng nhận sự giúp đỡ để đem lại lợi ích cho con cái. Sau khi một thiên sứ nói với vợ của Ma-nô-a rằng bà sẽ sinh một con trai, Ma-nô-a cầu xin Đức Chúa Trời: “Xin Chúa cho [thiên sứ] lại đến cùng chúng tôi, đặng dạy chúng tôi điều phải làm cho đứa trẻ sẽ sanh ra!” (Các Quan Xét 13:8, 9) Cũng như các bậc cha mẹ ngày nay, Ma-nô-a cần sự giúp đỡ nào? Chúng ta hãy xem.

Brent Burgoyne, giảng viên Trường Đại Học Cape Town ở Nam Phi nhận xét: “Một trong những món quà lớn nhất mà một người có thể cho con, đó là dạy con những nguyên tắc đạo đức”. Việc con cái cần được dạy những nguyên tắc này được thấy qua một báo cáo trong tờ Daily Yomiuri ở Nhật như sau: “[Một] cuộc thăm dò cho thấy 71 phần trăm trẻ em Nhật Bản chưa bao giờ được cha chúng dạy đừng nói dối”. Đó chẳng phải là một lời nhận xét đáng buồn sao?

Ai có thể cung cấp những nguyên tắc đạo đức đáng tin cậy? Đó chính là Đức Chúa Trời, Đấng đã ban cho Ma-nô-a sự hướng dẫn. Để cung cấp sự giúp đỡ, Đức Chúa Trời đã gửi Chúa Giê-su, Con yêu dấu của Ngài xuống làm Thầy—ngôn từ mà người ta thường gọi ngài. Sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại rút ra những bài học từ sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. Sách này hiện nay có trong nhiều ngôn ngữ mà bạn có thể dùng để dạy con.

Sách Hãy học theo Thầy Vĩ Đại không chỉ giải thích những giá trị dựa trên Lời Đức Chúa Trời mà còn có hơn 160 hình ảnh minh họa với câu hỏi khéo léo kèm theo. Chẳng hạn, chương 22 “Tại sao không nên nói dối?” có đoạn ghi: “Có thể một em trai nói với cha: ‘Không, con đâu có đá banh trong nhà’. Nhưng nói sao nếu thật sự em ấy đã làm điều đó? Nói không đá thì có sai không?”

Nhiều bài học quý giá cũng được dạy trong các chương “Biết vâng lời sẽ che chở em”, “Chúng ta phải chống lại cám dỗ”, “Bài học về lòng tử tế”, “Chớ bao giờ trộm cắp!”, “Có phải tiệc nào Đức Chúa Trời cũng hài lòng không?”, “Làm thế nào để Đức Chúa Trời vui lòng?”, và “Tại sao chúng ta cần làm việc?” Đó chỉ là vài bài trong số 48 chương trong sách này.

Lời nói đầu của sách kết luận: “Trẻ em đặc biệt cần được hướng dẫn tới Nguồn của mọi sự khôn ngoan, đó là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Cha trên trời của chúng ta. Đây là điều Chúa Giê-su, Thầy Vĩ Đại, luôn luôn làm. Chúng tôi thành thật hy vọng rằng sách này sẽ giúp bạn và gia đình uốn nắn đời sống mình sao cho đẹp lòng Đức Giê-hô-va để bạn và gia đình được hưởng ân phước đời đời”. *

Rõ ràng, làm một người cha tốt bao gồm việc làm gương cho con cái, dành nhiều thời giờ cho chúng, và giúp chúng sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.

[Chú thích]

^ đ. 9 Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc, Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực Sách kể chuyện Kinh-thánh là những sách khác do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản để giúp đỡ các gia đình.

[Hình nơi trang 8]

Mặc dù ở trong tù, Viktor Gutschmidt vẫn làm tròn trách nhiệm của người cha

[Các hình nơi trang 8, 9]

Trong khi bị tù vì đức tin, Viktor đã vẽ những hình này để dạy con ông

[Hình nơi trang 9]

Hai con gái của Viktor vào năm 1965

[Hình nơi trang 10]

Người cha phải tham gia tích cực trong việc dạy dỗ con cái

[Chú thích]

^ đ. 35 Trong bài này, chúng tôi có viết nghiêng một số từ trong các câu Kinh Thánh.