Oải hương thảo—Món quà cho các giác quan
Oải hương thảo—Món quà cho các giác quan
Biên tập viên Tỉnh Thức! ở Úc
NỮ HOÀNG Anh Quốc, bà Elizabeth I, yêu cầu phải có nó để làm gia vị trên bàn ăn của hoàng gia. Nó cũng là một trong những nguyên liệu dùng để nhồi vào nệm lót ngai vàng của vua nước Pháp, Charles VI. Nữ Hoàng Anh, Victoria, dùng nó để tắm. Nó là gì mà giới quý tộc lại mê thích đến thế ? Đó là một loại hương thảo thơm ngát được biết đến với tên là oải hương thảo (lavender). Bất cứ ai đứng giữa cánh đồng hoa sắc tím này mới hiểu được tại sao nhiều người bị cuốn hút bởi hương thơm của loại thảo mộc này.
Có hơn 30 loại oải hương thảo khác nhau. Loài thảo mộc thân cứng này sống ở nhiều điều kiện khí hậu khác nhau: từ không khí lạnh ở rặng núi Alpes, Pháp, cho đến khí hậu khô nóng ở Trung Đông. Loài thực vật này có tên khoa học là Lavandula, đến từ chữ lavare trong tiếng La-tinh có nghĩa là “tắm”. Tên này bắt nguồn từ phong tục của người La Mã cổ xưa có thói quen cho dầu oải hương vào nước tắm.
Loại thuốc bổ lâu đời
Cách nay gần 2.000 năm, người ta đã dùng oải hương thảo để làm thuốc. Vào thời Trung Cổ, nó là nguyên liệu chính của một hỗn hợp gọi là “giấm bốn tên trộm”, dùng để chống lại đại dịch của thời đó. Tên đặt cho loại giấm này rất có thể bắt nguồn từ việc những tên trộm dùng nó để xát lên người khi đến trộm đồ trong mộ của các nạn nhân chết vì đại dịch. Dù việc chạm đến xác chết là rất nguy hiểm, nhưng dường như họ ít bị nhiễm bệnh.
Các lương y vào thế kỷ 16 cho rằng oải hương thảo không những chữa bệnh cảm và nhức đầu mà còn trị được bệnh liệt tứ chi và rối loạn thần kinh. Ngoài ra, họ tin rằng đội mũ chỏm làm bằng oải hương thảo thì sẽ thông minh hơn. Gần đây hơn, vào Thế Chiến I, một số chính phủ yêu cầu người dân quyên góp loại thảo mộc này từ vườn của họ để lấy tinh dầu xức vết thương của quân lính.
Nghiên cứu phương thuốc lâu đời
Một số loại dầu oải hương, đặc biệt là loại Lavandula angustifolia, dường như có tác dụng đối với một số vi khuẩn và nấm. Một số nhà nghiên cứu gợi ý rằng dầu oải hương có tác dụng chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra mà khó trị bằng kháng sinh. Theo một báo cáo của cuộc nghiên cứu gần đây, “dầu oải hương cũng có thể được dùng trong sản khoa. Một cuộc thử nghiệm quy mô cho thấy, những sản phụ cho dầu oải hương [vào nước tắm] đều cảm thấy đỡ khó chịu sau khi sinh ba đến năm ngày... Dầu oải hương cũng thông dụng trong các nhà bảo sinh nhờ tác dụng giảm đau”.
Còn về khẩu vị của Nữ Hoàng Elizabeth đối với oải hương thảo thì sao? Hoa này có thật sự ăn được không? Theo sách Lavender, Sweet Lavender, tác giả Judyth McLeod viết: “Oải hương thảo là hương vị khoái khẩu của người Anh vào thời hoàng tộc Tudor và Elizabeth, nó được dùng làm gia vị để ăn với thịt săn, thịt nướng, trái cây trộn hoặc rắc lên trên những món ăn ngọt, và được dùng nguyên chất để làm kẹo mứt”. Ngày nay, một vài loại oải hương được dùng làm hương liệu cho bánh quy, bánh ngọt và kem. Trái lại, không phải tất cả các loại oải hương thảo đều có hương thơm quyến rũ—đặc biệt là đối với côn trùng. Thật vậy, một cuộc nghiên cứu cho biết: “Dầu oải hương, hoặc bột của lá và hoa oải hương, có thể dùng làm thuốc diệt côn trùng trong cả công nghiệp... và trong nhà, vì có tác dụng chống ve bọ, mọt cây, mọt gạo, rệp và mọt quần áo”.
Ngày càng được ưa chuộng
Vào những thập niên gần đây, oải hương thảo được ưa chuộng trở lại. Hiện nay, cây này được trồng ở Bắc Mỹ, Châu Âu, New Zealand, Nhật Bản và Úc. Byron, một người làm vườn trẻ coi sóc khoảng 10 hecta vườn oải hương ở miền đông nam Victoria, Úc, cho biết: “Oải hương thảo giống như rượu. Cùng một loại hoa, nhưng tinh dầu sẽ khác nhau tùy theo vùng vì bị ảnh hưởng bởi từng loại đất và khí hậu. Ngay cả thời điểm và phương pháp thu hoạch cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm”.
Khác với rượu, dầu oải hương không được tinh chiết bằng phương pháp ép, nhưng bằng phương pháp chưng cất. Ông Byron giải thích: “Để tinh chiết một lít dầu, cần khoảng 250 kilôgam oải hương thảo. Cả thân, hoa, lá cây tươi được nén trong một bồn lớn bằng thép. Hơi nước được bơm vào đáy bồn, và khi bốc hơi xuyên qua lớp cây được nén này thì sẽ cho ra tinh dầu. Hơi được bốc lên cùng với tinh dầu đi qua một thiết bị ngưng tụ, rồi vào một bình. Tại đây, dầu nổi lên trên mặt nước, được tách ra rồi để vào trong bình gốm có bọc lớp thép, và được ủ vài tháng”.
Dầu oải hương đến từ nông trại của ông Byron được dùng để chế biến xà phòng, kem mỹ phẩm và đèn cầy. Người ta bán hoa tươi hoặc khô, riêng ngọn chóp hoa được bán với giá cao hơn vì được nhiều người ưa chuộng bỏ vào các túi hoa khô để tỏa hương thơm. Mỗi năm, hàng ngàn du khách đến thưởng thức những sản phẩm đến từ oải hương thảo và ngất ngây trước cảnh đẹp và hương thơm của cánh đồng oải hương. Ông Byron thường nói với những du khách biết thưởng thức: “Chúng tôi không tạo ra dầu của thảo mộc này, chúng tôi chỉ tinh chiết nó. Chính Đấng Tạo Hóa đã tạo ra oải hương thảo để làm món quà cho các giác quan của chúng ta”.
[Khung nơi trang 27]
Ba loại dầu oải hương thảo trong chế biến công nghiệp
Dầu oải hương chính cống chiết xuất từ “Lavandula angustifolia”. Khác với các loại dầu bên dưới, nó ít có hoặc không có mùi long não. Loại dầu này được sản xuất khoảng 200 tấn mỗi năm.
Dầu oải hương “Spike” chiết xuất từ cây “Lavandula latifolia”. Trong một năm, loại dầu này có thể được sản xuất lên đến 200 tấn.
Dầu “Lavandin” là loại được lai tạo từ hai loại trên, mỗi năm bán ra hơn 1.000 tấn trên khắp thế giới.
[Hình nơi trang 26]
Ở nhiều nông trại, người ta vẫn sử dụng phương pháp thu hoạch truyền thống
[Hình nơi trang 26]
Dầu oải hương thảo được chiết xuất trong các bồn lớn
[Hình nơi trang 26]
Dầu oải hương thảo được ủ trong bình gốm có bọc lớp thép trước khi được dùng để sản xuất một số sản phẩm