Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự lo lắng có chứng tỏ là thiếu đức tin?

Sự lo lắng có chứng tỏ là thiếu đức tin?

Quan điểm của Kinh Thánh

Sự lo lắng có chứng tỏ là thiếu đức tin ?

“CẤM LO LẮNG”. Một mục sư vào đầu thế kỷ 20 đã viết một bài mang tựa đề trên và cho rằng sự lo lắng về vật chất không những sai mà còn là “một tội trọng”. Gần đây hơn, một nhà bình luận viết về việc khắc phục nỗi lo lắng và phiền muộn, ông nói: “Khi lo lắng, chúng ta chứng tỏ mình không tin cậy Đức Chúa Trời”.

Trong cả hai trường hợp trên, các tác giả đều đi đến kết luận dựa trên lời Chúa Giê-su trong Bài Giảng trên Núi: “Chớ lo-lắng”. (Ma-thi-ơ 6:34) Vì thời nay sự lo lắng ảnh hưởng đến quá nhiều người nên chúng ta có lẽ cũng thắc mắc: Một tín đồ Đấng Christ có nên cảm thấy tội lỗi khi lo lắng không? Cảm giác lo lắng có chứng tỏ là thiếu đức tin không?

Đức Chúa Trời thấu hiểu sự bất toàn của chúng ta

Kinh Thánh không dạy rằng thiếu đức tin là nguyên nhân của mọi lo lắng. Vì chúng ta đang sống trong “thời-kỳ khó-khăn”, nên ở một mức độ nào đó chúng ta không thể tránh được sự lo lắng. (2 Ti-mô-thê 3:1) Những tín đồ Đấng Christ trung thành hàng ngày phải đối đầu với những lo lắng do thiếu sức khỏe, tuổi già, áp lực kinh tế, căng thẳng trong gia đình, tội ác và những vấn đề khác. Ngay cả thời xưa, những tôi tớ của Đức Chúa Trời cũng đã phải đương đầu với nỗi sợ hãi và lo lắng.

Hãy xem lời tường thuật trong Kinh Thánh về Lót. Đức Chúa Trời ra lệnh cho ông phải trốn lên vùng núi để khỏi bị hủy diệt cùng với dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Tuy vậy, ông lo lắng nói: “Lạy Chúa, không được!” Ông ngần ngừ nói tiếp: “Nhưng tôi chạy trốn lên núi không kịp trước khi tai-nạn đến, thì tôi phải chết”. Tại sao Lót lại sợ lên núi? Kinh Thánh không nói đến. Dù là lý do nào đi nữa, rõ ràng là Lót cảm thấy lo sợ. Đức Chúa Trời phản ứng thế nào? Lót có bị sửa trị vì thiếu đức tin hoặc không trông cậy Đức Chúa Trời? Không. Ngược lại, Ngài thấu hiểu cảm xúc của ông, cho phép ông chạy trốn đến một thành gần đó.—Sáng-thế Ký 19:18-22.

Kinh Thánh cũng đề cập đến nhiều trường hợp những người trung thành thờ phượng Đức Chúa Trời đôi khi rất lo lắng. Nhà tiên tri Ê-li đã sợ hãi và chạy trốn sau khi nghe được lời đe dọa đến tính mạng ông. (1 Các Vua 19:1-4) Môi-se, An-ne, Đa-vít, Ha-ba-cúc, Phao-lô cùng những người đàn ông và đàn bà khác có đức tin mạnh nhưng cũng biểu lộ sự lo lắng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:10; 1 Sa-mu-ên 1:6; Thi-thiên 55:5; Ha-ba-cúc 1:2, 3; 2 Cô-rinh-tô 11:28) Nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ lòng trắc ẩn đối với họ và tiếp tục dùng họ trong công việc phụng sự Ngài. Qua đó cho thấy Ngài thực sự hiểu sự bất toàn của con người.

“Tội-lỗi dễ vấn-vương ta”

Tuy nhiên, lo lắng triền miên có thể khiến chúng ta yếu dần và mất lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô nói đến việc thiếu đức tin như là “tội-lỗi dễ vấn-vương ta”. (Hê-bơ-rơ 12:1) Khi bao gồm cả mình trong đó, dường như Phao-lô thừa nhận rằng có đôi lúc, ông cũng “dễ vấn-vương” vào tình trạng yếu đức tin, dù là nhất thời.

Có lẽ đây là trường hợp của Xa-cha-ri khi không tin lời vị thiên sứ báo tin vợ ông sẽ thụ thai. Có lần các sứ đồ của Chúa Giê-su không thực hiện được phép lạ chữa lành bệnh vì họ “ít đức-tin”. Tuy vậy, họ vẫn được Đức Chúa Trời chấp nhận.—Ma-thi-ơ 17:18-20; Lu-ca 1:18, 20, 67; Giăng 17:26.

Trái lại, Kinh Thánh cũng đề cập đến một số trường hợp những người mất lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời và phải chịu hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, nhiều người Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ai Cập đã không được vào Đất Hứa vì thiếu đức tin. Có lần họ nói nghịch lại cùng Đức Chúa Trời rằng: “Làm sao [Ngài] khiến chúng tôi lên khỏi xứ Ê-díp-tô đặng chết trong đồng vắng? Vì đây không có bánh, cũng không có nước”. Để chứng tỏ là Ngài phật lòng, Đức Chúa Trời phạt họ bằng cách sai rắn độc cắn họ.—Dân-số Ký 21:5, 6.

Người dân Na-xa-rét, quê nhà của Chúa Giê-su, đã đánh mất đặc ân chứng kiến thêm nhiều phép lạ ngay tại quê hương mình vì họ thiếu đức tin. Ngoài ra, thế hệ gian ác vào thời đó cũng bị Chúa Giê-su lên án gay gắt vì thiếu đức tin. (Ma-thi-ơ 13:58; 17:17; Hê-bơ-rơ 3:19) Thật thích hợp, sứ đồ Phao-lô đã cảnh báo: “Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái-bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng”.—Hê-bơ-rơ 3:12.

Quả vậy, trong một số trường hợp đặc biệt, sự thiếu đức tin có thể bắt nguồn từ lòng dữ. Nhưng đây không phải là trường hợp của Xa-cha-ri và các sứ đồ của Chúa Giê-su được đề cập ở trên. Họ thiếu đức tin chỉ vì sự yếu đuối nhất thời. Cả cuộc đời họ chứng tỏ là họ có “lòng trong-sạch”.—Ma-thi-ơ 5:8.

Đức Chúa Trời biết nhu cầu của chúng ta

Kinh Thánh giúp chúng ta phân biệt giữa sự lo lắng bình thường với tội thiếu đức tin. Chúng ta không nên lẫn lộn giữa cảm giác lo lắng thường ngày, ngay cả khi đức tin nhất thời bị yếu vì bản chất bất toàn, với tình trạng hoàn toàn thiếu tin tưởng nơi Đức Chúa Trời do lòng ác và cứng cỏi. Do đó, tín đồ Đấng Christ không nên mặc cảm tội lỗi vì có những lúc cảm thấy lo lắng.

Tuy nhiên, hãy coi chừng đừng để sự lo lắng ngày càng thêm đến nỗi chiếm hết tâm tư chúng ta. Vì thế, những lời của Chúa Giê-su thật khôn ngoan khi ngài nói: “Các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì?” Rồi ngài an ủi: “Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần-dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”.—Ma-thi-ơ 6:25-33.

[Hình nơi trang 24]

Sứ đồ Phao-lô đã từng lo lắng