Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bệnh glaucoma—Kẻ cắp thị lực

Bệnh glaucoma—Kẻ cắp thị lực

Bệnh glaucoma—Kẻ cắp thị lực

HÃY tập trung vài giây nhìn vào chữ ở cuối câu. Giữ mắt cho yên không chuyển động, bạn có nhìn thấy phần trên, phần dưới và hai bên của tạp chí này không? Rất có thể bạn làm được điều này nhờ chu vi thị giác. Khả năng này giúp bạn nhận ra được một người có vẻ đáng nghi ở bên phải hoặc bên trái đang đến gần bạn. Khi đi bộ, nó giúp bạn tránh được những vật ở dưới chân và không va mình vào tường. Khi lái xe, khả năng này báo cho bạn biết có một người bộ hành vừa bước xuống lòng đường.

Nhưng, dù đọc được trang này, thị lực ngoại vi của bạn có thể mất dần mà bạn không hề biết. Trên thế giới người ta ước lượng khoảng 66 triệu người mắc một số bệnh về mắt mang tên chung là glaucoma (cườm nước). Trong số trên, có hơn năm triệu người bị mù, khiến bệnh glaucoma đứng hàng thứ ba trong các nguyên nhân lớn nhất dẫn đến mù lòa. Theo báo y khoa The Lancet, “ngay tại các nước phát triển có sẵn chương trình giáo dục cho cộng đồng về bệnh glaucoma, phân nửa những người mắc bệnh này vẫn chưa được khám để chẩn đoán”.

Ai có nguy cơ mắc bệnh glaucoma? Làm sao phát hiện được bệnh này và điều trị nó?

Glaucoma là gì?

Trước tiên, chúng ta nên hiểu sơ qua về mắt. Một tài liệu do Quỹ Tài Trợ Phòng Chống Glaucoma ở Úc (QTTPCG) giải thích về bệnh này: “Mắt cứng là nhờ nhãn áp—các mô mỏng manh của mắt ‘phồng lên’, y như lốp xe hoặc quả bóng”. Ở trong mắt, một bộ phận gọi là thể mi đóng vai “máy bơm” để chuyển một chất lỏng được gọi là thủy dịch từ mạch máu đến mắt. “Thủy dịch lưu thông sâu trong mắt để nuôi dưỡng các tế bào ở đó rồi trở về mạch máu qua một bộ phận lọc gọi là mạng bó dây”.

Nếu vì lý do nào đó bộ phận lọc này bị tắc nghẽn hoặc teo lại thì nhãn áp tăng và cuối cùng sẽ gây tổn hại cho các thần kinh thị giác mong manh nằm ở phía sau mắt. Hình thái này được gọi là glaucoma góc mở và chiếm tỉ lệ 90 phần trăm những người mắc bệnh glaucoma.

Nhãn áp có thể thay đổi từng giờ do nhiều yếu tố như nhịp đập của tim, lượng chất lỏng bạn uống và tư thế của cơ thể. Nhãn áp thay đổi do các lý do tự nhiên nêu trên không gây hại cho mắt. Vì nhãn áp “bình thường” của mỗi người khác nhau nên nhãn áp cao tự nó không phải là dấu hiệu bệnh glaucoma. Tuy vậy, nhãn áp cao là một trong những yếu tố giúp chẩn đoán bệnh này.

Một hình thái khác hiếm khi xảy ra của bệnh này là glaucoma cấp tính hay góc đóng. Khác biệt với glaucoma góc mở, glaucoma góc đóng làm tăng áp lực thủy dịch trong mắt cách đột ngột. Nó gây đau nhức dữ dội trong mắt, kèm theo hiện tượng mờ mắt và buồn nôn. Nếu không được điều trị trong vòng vài tiếng đồng hồ ngay sau các triệu chứng nêu trên, bệnh này thường dẫn đến mù lòa. Một hình thái khác nữa của bệnh là glaucoma thứ phát. Như tên gọi của nó, bệnh này xuất phát từ những nguyên nhân khác như bướu mắt, đục thủy tinh thể hoặc mắt bị chấn thương. Một số ít khác bị mắc phải dạng thứ tư của bệnh gọi là glaucoma bẩm sinh. Bệnh này có từ lúc đứa bé mới ra đời hoặc không lâu sau đó. Bé có nhãn cầu lớn và rất nhạy cảm với ánh sáng.

Cách glaucoma “lấy cắp” thị lực

Bệnh glaucoma có thể lấy cắp 90 phần trăm thị lực của một con mắt mà chúng ta không hề biết. Làm sao chuyện này xảy ra được? Tất cả chúng ta tự nhiên đều có một điểm mù nằm ở phía sau của mỗi mắt. Điểm này nằm ở võng mạc, nơi các sợi thần kinh tập hợp lại thành thần kinh thị giác, nhưng ở đó không có tế bào cảm nhận được ánh sáng. Tuy nhiên, bạn không ý thức có điểm mù này trong mắt vì bộ não có chức năng “điều chỉnh” lại hình ảnh chưa rõ mà mắt nhìn thấy. Trớ trêu thay, chính khả năng này của bộ não đã tạo điều kiện cho glaucoma xuất hiện một cách âm thầm.

Bác sĩ chuyên khoa mắt có uy tín ở Úc, ông Ivan Goldberg, nói với Tỉnh Thức!: “Glaucoma được gọi là kẻ âm thầm lấy cắp thị lực vì nó không để lại triệu chứng nào cả. Loại glaucoma phổ biến nhất là loại phát triển dần dần và đều đặn, nó âm thầm gây tổn thương hệ thần kinh nối mắt với bộ não. Mắt chảy nước hay không, khô hay ướt, nhìn rõ hay mờ để đọc hoặc viết không liên quan gì đến glaucoma. Bạn có thể hoàn toàn cảm thấy thoải mái với mắt mình trong khi nó đang phát triển một hình thái glaucoma nặng”.

Phát hiện ra kẻ cắp

Điều đáng tiếc là người ta phải dùng nhiều phương pháp mới phát hiện được bệnh glaucoma. Một bác sĩ chuyên khoa có thể bắt đầu khám bằng cách dùng một dụng cụ để đo mắt của bạn được gọi là áp kế. Dụng cụ này ấn nhẹ lên giác mạc, tức phần trước của mắt. Lực ấn đó được đo để biết nhãn áp của bạn. Bác sĩ cũng có thể tìm những dấu hiệu của bệnh glaucoma qua các dụng cụ khác để phát hiện tình trạng tổn thương của thần kinh thị giác, tức các sợi thần kinh nối mắt với bộ não. Bác Sĩ Goldberg cho biết: “Chúng tôi xem sợi thần kinh hoặc mạch máu nằm ở vùng sau của mắt. Nếu chúng có hình dạng bất thường thì đó có thể là thần kinh thị giác đang bị tổn thương”.

Bệnh glaucoma cũng được phát hiện qua việc đo chu vi thị giác. Bác Sĩ Goldberg giải thích: “Một người nhìn vào một vật lõm to đầy ánh sáng trắng, trong đó có một đốm nhỏ với độ sáng cao hơn. Người đó sẽ bấm một cái nút khi nhìn thấy đốm nhỏ này”. Nếu không thấy được đốm này ở vùng biên của chu vi thị giác thì đó có thể là dấu hiệu bệnh glaucoma. Có những dụng cụ mới đang được thử nghiệm nhằm đơn giản hóa các phương cách phức tạp trên.

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Paul, một người đàn ông khỏe mạnh hơn 40 tuổi, kể lại: “Tôi đến đo thị lực để làm một cặp kính mới, và chuyên viên đo mắt hỏi trong gia đình tôi có ai bị bệnh glaucoma không. Tôi tìm hiểu và biết rằng một người dì và cậu đã bị bệnh này. Tôi được chuyển sang bác sĩ chuyên khoa và được xác nhận rằng tôi mắc bệnh glaucoma”. Bác Sĩ Goldberg giải thích: “Nếu cha hoặc mẹ của bạn đã có bệnh này thì nguy cơ bạn mắc bệnh tăng gấp ba đến năm lần. Nếu có anh em trong gia đình mắc bệnh thì nguy cơ tăng gấp năm đến bảy lần”.

Bác Sĩ Kevin Greenidge, thuộc QTTPCG ở Hoa Kỳ, cho biết thêm các yếu tố nguy cơ khác: “Nếu bạn hơn 45 tuổi, thuộc chủng tộc Châu Phi, hoặc có những yếu tố nguy cơ sau: người trong gia đình mắc bệnh glaucoma, bạn bị cận thị, bị bệnh đái tháo đường, trước đó mắt đã bị chấn thương, hoặc thường xuyên dùng nhóm thuốc cortisone/steroid, thì bạn nên khám mắt mỗi năm”. Dù không có yếu tố nguy cơ nêu trên và chưa đến 45 tuổi, QTTPCG khuyên bạn nên kiểm tra mắt bốn năm một lần để phát hiện bệnh glaucoma. Nếu ngoài 45 tuổi thì bạn nên khám mắt định kỳ mỗi hai năm một lần.

Điều trị và kiểm soát

Một trong những cách Paul điều trị bệnh glaucoma là dùng thuốc nhỏ mắt đặc biệt mỗi ngày một lần. Anh cho biết: “Thuốc này hạn chế lượng thủy dịch tiết ra trong mắt”. Ngoài ra, Paul cũng điều trị bằng phương pháp bắn tia laser để “đục” khoảng mười cái lỗ thật nhỏ ngay trước nhãn cầu, gần những lỗ thoát có sẵn. Anh nói: “Khi điều trị con mắt thứ nhất bằng tia laser thì tôi cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Điều này càng làm cho tôi khó chịu. Nhưng khi trở lại vài ngày sau để điều trị con mắt thứ hai thì tôi đã biết phương pháp này rồi. Tôi cảm thấy bớt căng thẳng hơn, và trước khi tôi nhận ra thì hầu như bác sĩ đã hoàn tất công việc”. Phương pháp điều trị này giúp hạ nhãn áp của Paul.

Do đó, Paul lạc quan nói: “Hai võng mạc của tôi bị tổn thương nhẹ, và mừng thay, chu vi thị giác của tôi còn nguyên vẹn. Miễn là không quên nhỏ thuốc mỗi ngày thì hầu như mắt tôi sẽ được như thế này”.

Bạn có đang bị kẻ trộm này “âm thầm lấy cắp thị lực” không? Nếu chưa bao giờ đi khám về glaucoma—và đặc biệt nếu bạn ở trong số những người có nguy cơ mắc bệnh này—điều tốt là xin phép bác sĩ cho bạn đi khám bệnh glaucoma. Như Bác Sĩ Goldberg cho biết: “Chúng ta có thể tránh được nhiều thiệt hại do bệnh glaucoma gây ra nhờ điều trị đúng cách và đúng lúc”. Thật vậy, bạn có thể đối mặt với kẻ cắp thị lực này!

[Khung/​Hình nơi trang 26]

Nguy cơ mắc bệnh glaucoma tăng nếu

● Bạn thuộc chủng tộc Châu Phi

● Một người trong gia đình có bệnh glaucoma

● Bạn mắc bệnh đái tháo đường

● Bạn bị cận thị

● Bạn thường xuyên dùng nhóm thuốc cortisone/steroid từ nhiều năm nay—kem thoa hoặc thuốc bơm để điều trị bệnh suyễn

● Mắt bạn trước đây đã bị tổn thương

● Bạn là người trên 45 tuổi

[Hình]

Thường xuyên khám mắt định kỳ giúp tránh được nguy cơ mất thị lực nghiêm trọng

[Biểu đồ/Hình nơi trang 25]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

GLAUCOMA GÓC MỞ

Giác mạc

Tròng đen

Thủy tinh thể

Võng mạc

Điểm mù, nơi các sợi thần kinh tập hợp lại thành thần kinh thị giác

Thần kinh thị giác truyền tín hiệu đến bộ não

Thể mi, nơi tiết thủy dịch

1 Thủy dịch là một chất lỏng trong suốt nuôi dưỡng thủy tinh thể, tròng đen và phần trong của giác mạc. Chất lỏng này không phải là nước mắt. Nước mắt làm cho phía ngoài mắt được trơn và ướt

2 Mạng bó dây dẫn lưu thủy dịch

3 Nếu mạng bó dây bị tắc nghẽn hoặc teo lại thì nhãn áp sẽ tăng

4 Nếu nhãn áp tăng, thần kinh thị giác mong manh nằm ở phía sau mắt sẽ bị tổn thương, gây bệnh glaucoma hoặc làm giảm thị lực

[Các hình nơi trang 25]

Điểm mù

Hình ảnh mắt nhìn thấy

BÌNH THƯỜNG

GLAUCOMA GIAI ĐOẠN ĐẦU

GLAUCOMA NẶNG

[Nguồn tư liệu]

Hình nhãn cầu: được sự cho phép của Atlas of Ophthalmology