Trẻ vị thành niên mang thai—Một bi kịch toàn cầu
Trẻ vị thành niên mang thai—Một bi kịch toàn cầu
TÌNH TRẠNG trẻ vị thành niên mang thai đang được xem là một nạn dịch. Tuy nhiên có xem xét ảnh hưởng lớn của sự việc trên các em gái phải sống trong tâm trạng sợ hãi mới thấy hết những khía cạnh bi thảm của vấn đề. Nhẹ nhất các em cũng phải trải qua nhiều thay đổi lớn trong cuộc sống, có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đến bản thân các em mà còn cả gia đình và người thân.
Các em thiếu niên đang ở độ tuổi mà Kinh Thánh gọi là “tuổi bồng bột”, tức giai đoạn ham muốn tình dục đang ở mức cao nhất. (1 Cô-rinh-tô 7:36, Nguyễn Thế Thuấn) Tuy nhiên, nếu xem việc trẻ vị thành niên mang thai chỉ là do thiếu hiểu biết về biện pháp tránh thai là quá đơn giản hóa vấn đề. Thực tế cho thấy tình trạng này còn liên quan đến nhiều vấn đề xã hội và tình cảm phức tạp.
Những nhân tố góp phần
Các cuộc nghiên cứu cho thấy nhiều bà mẹ vị thành niên xuất thân từ những gia đình bị đổ vỡ. “Từ bé đến nay em chỉ ao ước có một mái ấm gia đình đúng nghĩa”, đó là những lời thống thiết các em thường thốt ra. Rõ ràng những bất ổn trong gia đình có thể là nhân tố dẫn đến việc trẻ vị thành niên mang thai. Một chương trình trợ giúp dành cho các bà mẹ vị thành niên nhận thấy các em thường có “quan hệ không mấy tốt với mẹ và hầu như chẳng được cha ngó ngàng gì tới”. Anita có con lúc 18 tuổi nhớ lại rằng dù người mẹ đơn chiếc của em đã làm lụng vất vả để nuôi em, nhưng em vẫn cảm thấy thiếu thốn tình cảm do thiếu vắng người cha.
Một số em gái khác rơi vào tình trạng này là do hệ quả của việc từng bị cưỡng hiếp. Dường như sự khủng hoảng khiến một số em này bị tổn thương tình cảm nặng đến độ về sau các em có lối sống bất cần. Chẳng hạn như trường hợp của Jasmine bị cưỡng hiếp lúc 15 tuổi. Em kể: “Sau đó, em trở nên bất cần đời, đến 19 tuổi em có thai”. Việc bị lạm dụng tình dục cũng có thể khiến nạn nhân cảm thấy họ không còn giá trị gì nữa. Jasmine đau khổ nói: “Em thấy mình chẳng còn chút giá trị gì”. Anita cũng rơi vào khủng hoảng tương tự: “Từ lúc 7 tuổi cho đến năm 11 tuổi, em bị một thiếu niên quấy nhiễu tình dục. Kể từ đó, em đâm ra oán ghét và trách móc bản thân”. Anita mang thai lúc 17 tuổi.
Mặt khác, một số em lại là nạn nhân của sự tự tin thái quá và sự tò mò của chính mình. Chị Nicole được nói đến trong bài trước thú nhận: “Tôi tưởng mình đã biết hết mọi chuyện và có khả năng làm được mọi việc. Nhưng không may cho tôi là trong đó có cả khả năng bị vướng
bầu”. Trường hợp của Carol cũng vậy. Chị có con ở tuổi rất trẻ khi chưa có chồng do tò mò muốn thử tình dục. Chị nói: “Tôi cứ nghĩ nếu không thử, mình sẽ bỏ lỡ điều gì đó”.Thiếu hiểu biết về hậu quả của sinh hoạt tình dục cũng là một nhân tố. Theo hai nhà xã hội học Karen Rowlingson và Stephen McKay, ở Anh một số người trẻ “thiếu sự hiểu biết chính xác về... hệ quả của việc giao du tình cảm và chưa hiểu có thai có nghĩa gì”. Một số em dường như còn không hiểu mối liên hệ giữa tình dục và việc có thai. Trong một cuộc thăm dò, các bà mẹ vị thành niên “thường nói họ sững sờ hay kinh ngạc khi biết mình có thai dù họ không hề dùng biện pháp tránh thai nào”.
Tuy nhiên, chính thái độ của người ta ngày nay về vấn đề tình dục là nhân tố góp phần lớn nhất vào tình trạng trẻ vị thành niên mang thai. Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà người ta “ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”. (2 Ti-mô-thê 3:1-4) Các nhà nghiên cứu người Úc là Ailsa Burns và Cath Scott cho biết “những rào cản về mặt xã hội, tôn giáo và kinh tế đối với quan hệ tình dục ngoài hôn nhân đã bị cất bỏ đi nhiều”. Việc chưa chồng mà có con không còn bị coi là một sự nhơ nhuốc như trước đây nữa. Ở một số nơi, các thiếu niên thậm chí còn xem việc có con là một thành quả hay điều đáng hãnh diện!
Hậu quả về mặt tinh thần
Thực tế của việc làm mẹ ở tuổi vị thành niên khác xa với những gì các em thường tưởng tượng. Khi biết mình có thai, các em thường bị dằn vặt bởi nhiều cảm xúc mãnh liệt. Nhiều em thú nhận đã cảm thấy bàng hoàng, sửng sốt. Viện Tâm Thần Học Trẻ Em và Thanh Thiếu Niên của Hoa Kỳ cho biết: “Phản ứng thường thấy là tức giận, mặc cảm tội lỗi, và trốn tránh sự thật”. Thái độ trốn tránh sự thật có thể rất nguy hiểm vì như thế các em không tìm đến các cơ quan y tế để có được sự chăm sóc cần thiết.
Em Elvenia kể lại giây phút em phải đối mặt với hậu quả của cuộc “phiêu lưu” tình ái của mình như sau: “Em vô cùng hoảng hốt”. Nhiều em không biết thổ lộ với ai hoặc quá xấu hổ không dám cho ai biết tình cảnh của mình. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi một số em mang nặng mặc cảm tội lỗi và tâm trạng sợ hãi. Nhiều em còn bị trầm cảm nghiêm trọng. Jasmine tâm sự: “Em không còn thiết sống nữa, có chết cũng không sao”. *
Dù phản ứng tức thời của các em thế nào chăng nữa, cuối cùng các em cũng phải đối diện với những quyết định hệ trọng đối với bản thân và đứa bé trong bụng. Làm thế nào các em có thể quyết định khôn ngoan là đề tài của bài kế tiếp.
[Chú thích]
^ đ. 12 Để biết cách đối phó với ý tưởng muốn tự tử, xin xem bài “Life is Worth Living” trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 22-10-2001.
[Khung nơi trang 7]
Tình trạng trẻ vị thành niên mang thai—Những dữ kiện đáng sợ
Tuy những dữ kiện dưới đây là tình trạng của Hoa Kỳ nhưng chúng cũng phản ánh phần nào những thực tế mà trẻ vị thành niên mang thai trên toàn thế giới đang phải đối mặt.
● Cứ trong 10 em gái dưới 20 tuổi có 4 em mang thai—mỗi năm trên 900.000 trẻ vị thành niên mang thai.
● Có khoảng 40 phần trăm bà mẹ trẻ dưới 18 tuổi.
● Số trẻ bị lạm dụng và bỏ bê có cha mẹ ở tuổi vị thành niên cao hơn số trẻ có cha mẹ ở tuổi trưởng thành.
● Trong 10 bà mẹ dưới tuổi 18 chỉ có 4 người hoàn tất bậc trung học.
● Gần 80 phần trăm nam giới không chịu cưới những cô gái vị thành niên có con với họ.
● Trong số các bà mẹ vị thành niên kết hôn sau khi sinh con, chỉ 30 phần trăm giữ được hôn nhân của họ; những cuộc hôn nhân của trẻ vị thành niên dễ đổ vỡ gấp hai lần so với những cuộc hôn nhân trong đó người phụ nữ ít nhất đã 25 tuổi.
● Con của các bà mẹ vị thành niên dễ bị sinh thiếu tháng và nhẹ cân, là những yếu tố thường làm tăng nguy cơ tử vong ở tuổi nhỏ, bị mù, điếc, bị bệnh đường hô hấp kinh niên, thiểu năng trí tuệ, bệnh tâm thần, bại não, khó đọc viết, và hiếu động thái quá.
[Nguồn tư liệu]
Trích từ tài liệu Not Just Another Single Issue: Teen Pregnancy Prevention’s Link to Other Critical Social Issues (Không chỉ một vấn đề riêng lẻ: Mối liên hệ giữa việc ngăn chặn tình trạng trẻ vị thành niên mang thai và các vấn đề xã hội nghiêm trọng khác) do Chiến Dịch Toàn Quốc Ngăn Chặn Tình Trạng Trẻ Vị Thành Niên Mang Thai, xuất bản tháng 2 năm 2002.
[Khung/Hình nơi trang 7]
Tình trạng trẻ vị thành niên mang thai trên toàn cầu
BRAZIL: Theo báo cáo, “trong năm 1998, có 698.439 em gái dưới 19 tuổi sinh con tại Hệ Thống Y Tế Nhà Nước... trong số đó, có đến 31.857 em chỉ từ 10 đến 14 tuổi, độ tuổi mà ai cũng phải đồng ý là quá trẻ để có con”.—Tờ Folha de S. Paulo, ngày 25-8-1999.
ANH QUỐC: “Anh Quốc là nước có tỉ lệ trẻ vị thành niên sinh con cao nhất Tây Âu... Trong năm 1997, ở Anh có tới gần 90.000 thai nhi là của các bà mẹ vị thành niên. Khoảng ba phần năm số này được chào đời (56.000) và trong số những trẻ được chào đời, có tới 90 phần trăm được sinh ngoài vòng hôn nhân (khoảng 50.000)”.—Sách Lone Parent Families, xuất bản năm 2002.
MALAYSIA: “Kể từ năm 1998, tỉ lệ trẻ sinh ngoài vòng hôn nhân trong nước đã gia tăng, phần lớn các bà mẹ chỉ ở độ tuổi từ 17 đến 19”.—Tờ New Straits Times–Management Times, ngày 1-4-2002.
NGA: “Năm ngoái, theo thống kê của chính phủ, gần một phần ba tổng số trẻ sinh ra ở Nga là con của các bà mẹ không chồng, gấp đôi tỉ lệ mười năm trước và là tỉ lệ cao nhất kể từ Thế Chiến II. Hơn 40 phần trăm số trẻ này có mẹ vị thành niên”.—Tờ The Moscow Times, ngày 29-11-2001.
HOA KỲ: “Tuy tỉ lệ trẻ vị thành niên mang thai gần đây đã giảm bớt, nhưng trong 10 em vẫn có đến 4 em mang thai ít nhất một lần khi chưa đầy 20 tuổi”.—Trích từ Whatever Happened to Childhood? The Problem of Teen Pregnancy in the United States, 1997.
[Hình nơi trang 5]
Sự chia tay của cha mẹ có thể làm tăng khả năng trẻ vị thành niên mang thai
[Hình nơi trang 6]
Một số em dường như còn không hiểu mối liên hệ giữa tình dục và việc có thai
[Hình nơi trang 6]
Việc có thai ảnh hưởng rất lớn đến bản thân các em và những người thân